, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 15/04/2023, 13:37

Bàn giải pháp gỡ “điểm nghẽn” cho du lịch canh nông

CỐC VŨ
Nhiều giải pháp, kinh nghiệm được đưa ra nhằm khắc phục những khó khăn, hạn chế trong công tác quy hoạch, định hướng phát triển, tiêu chí để đánh giá chất lượng, năng lực quản lý mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn.

Cần một sự điều chỉnh đồng bộ

Chia sẻ tại "Hội nghị phát triển mô hình và nguồn nhân lực du lịch canh nông" diễn ra vào chiều ngày 14/4 tại tỉnh Yên Bái, bà Vi Thanh Hoài - Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở, Bộ Văn hóa Thể  thao & Du lịch cho rằng công tác phát triển du lịch còn bị chi phối bởi Luật Xây dựng, Luật Di sản Văn hóa và các chính sách liên quan đến sản xuất nông nghiệp, phát triển nghề thủ công, gìn giữ môi trường... Ngành du lịch có thể chủ động ở khía cạnh khai thác lữ hành, dịch vụ chứ không thể độc lập tạo nên sản phẩm du lịch.

“Muốn tạo lập mô hình làng du lịch phải có sự xem xét, rà soát các chính sách, hệ thống văn bản quản lý và có sự điều chỉnh đồng bộ thì mới thành công. Đây là mấu chốt giải quyết vấn đề”, bà Hoài nói.

Sự tham gia của cộng đồng địa phương là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công du lịch canh nông - Ảnh: Đ.D

Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở gợi ý, chính sách phát triển du lịch phải dựa trên nền tảng văn hóa; cần ban hành những chính sách cụ thể nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, kịp thời khuyến khích, động viên các chủ thể văn hóa trong việc bảo tồn, phát huy, trao truyền các giá trị văn hóa, tạo điều kiện để phát huy sức mạnh mềm của văn hóa. Đồng thời, phát triển các chương trình, sản phẩm du lịch, dịch vụ mới mang đậm các yếu tố văn hóa gắn với hình ảnh, thương hiệu địa phương. Trong đó, bà Hoài nhấn mạnh, nên ưu tiên các loại hình phát triển bền vững, có trách nhiệm, gắn với sự tham gia của cộng đồng.

Theo ông Nguyễn Chí Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Quy hoạch - Kiến trúc (Bộ Xây dựng), quy hoạch và quản lý quy hoạch Nông thôn mới tại các địa phương chưa hoàn chỉnh và chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch. Ông Nguyễn Chí Ngọc cho rằng, định hướng không gian quy hoạch cảnh quan nông thôn cần chú trọng đến bảo tồn, chỉnh trang các không gian làng, xã vốn có trước đây. Cần xác định các khu vực cảnh quan trọng tâm, các yếu tố, động lực phát triển được mô hình du lịch nông thôn, tạo điểm nhấn và nét độc đáo riêng có.

Ngoài ra, xây dựng sớm mạng lưới hạ tầng khung phục vụ sản xuất và liên kết giữa các khu dân cư với mô hình du lịch cộng đồng, khu vực sản xuất nông nghiệp với mô hình du lịch canh nông... 

Ông Ngọc cũng lưu ý, cần có giải pháp kỹ thuật phù hợp để khoanh vùng, cách lý các khu vực gây ô nhiễm môi trường cũng như lập bản đồ quy hoạch phân vùng - khu vực có khả năng xảy ra lũ quét, lũ ống, xác định các mức độ ảnh hưởng ứng với các tần suất mưa lũ xảy ra ở từng khu vực trên địa bàn…  

Du lịch canh nông nở rộ ở nhiều địa phương, cần sự định hướng của nhà nước - Ảnh: Đ.D

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Phát triển du lịch canh nông đang tồn tại một thực trạng, đó là nguồn nhân lực còn khoảng cách lớn với khu vực đô thị, phần lớn còn thiếu kỹ năng phục vụ và hạn chế trong tư duy kinh doanh dịch vụ du lịch. Theo Tổng cục Du lịch, để phát triển du lịch canh nông, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch canh nông.

Ngoài việc nâng cao nhận thức về vai trò của phát triển du lịch nông thôn cho người dân, cần xác định nhu cầu và dự báo nguồn nhân lực du lịch nông thôn. Từ đó, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực dài hạn, chuyên nghiệp cho du lịch nông thôn trên cơ sở phù hợp với điều kiện của địa phương, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tổng cục Du lịch cho biết, cần nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp của lao động du lịch nông thôn, coi du lịch là một ngành nghề trong cơ cấu kinh tế nông thôn thông qua bồi dưỡng, đào tạo kiến thức, kỹ năng chuyên môn, năng lực tự chủ và thích ứng với yêu cầu mới về chuyển đổi số và định hướng thị trường. Đồng thời, họ cần được đào tạo chuyên sâu về nghề du lịch. Bên cạnh các chương trình bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn, cần khuyến khích các chương trình đào tạo nghề sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học cho lao động trong ngành du lịch tại khu vực nông thôn. 

Theo Tổng cục, chuẩn hóa các chương trình bồi dưỡng nhân lực du lịch nông thôn; triển khai các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm và các hoạt động khuyến khích nâng cao chất lượng du lịch nông thôn cũng cần thiết. Chẳng hạn: tạo lập kết nối các chương trình sáng tạo và khởi nghiệp cho lao động du lịch nông thôn; khuyến khích phát triển các chương trình đào tạo nghề, chuyển đổi ngành nghề cho người dân nông thôn tham gia vào du lịch; hỗ trợ thanh niên, lao động nông thôn tham gia các mô hình nghiệp phát triển du lịch nông thôn trên địa bàn… 

Một khách du lịch người nước ngoài nghỉ tại homestay ở bản Sà Rèn, Yên Bái - chụp hình lưu niệm trước khi về - Ảnh: Đ.D

Tại Hội nghị, Tiến sĩ Ngô Thị Thu Trang (Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia TP.HCM) đã chia sẻ một số kinh nghiệm về công tác du lịch nông thôn trên thế giới, điển hình là mô hình chính quyền địa phương hỗ trợ vận hành. Yeongdong (Yeongdong-gun) là một huyện có mô hình phát triển du lịch nông nghiệp do cộng đồng cùng thực hiện với chính quyền địa phương khá hiệu quả ở Hàn Quốc. Huyện Yeongdong phát động việc học hỏi về cách làm rượu, hỗ trợ các khóa đào tạo về vận hành hoạt động này cho hộ dân. Huyện hỗ trợ máy móc thiết bị, luôn đồng hành, hỗ trợ nông dân kịp thời, giúp người dân vừa phát triển nông nghiệp, vừa phát triển du lịch.

Tiến sĩ Trang gợi ý các bước thành lập mô hình du lịch cộng đồng nông nghiệp, nông thôn. Trước tiên, tìm hiểu và đánh giá hiện trạng cộng đồng; hai là tìm kiếm sự ủng hộ từ cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan tư vấn, doanh nghiệp đơn vị khác. Thứ ba, tìm kiếm và thành lập nhóm nồng cốt; sau đó hình thành cơ cấu tổ chức. Thứ năm, kêu gọi sự tham gia chính thức của cộng đồng địa phương, phát triển mô hình và xây dựng kế hoạch triển khai. Cuối cùng là đánh giá, kiểm soát, điều chỉnh.

Từ góc nhìn của bản thân, ông Lê Bá Ngọc - Hiệp hội Xuất khẩu Hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) chia sẻ thêm một số kinh nghiệm để phát triển du lịch canh nông. Theo ông, sự tham gia tích cực của cộng đồng địa phương trong việc lập kế hoạch và quản lý du lịch cộng đồng là điều kiện tiên quyết để thực hiện thành công du lịch cộng đồng tại địa phương. Phải chú ý để xây dựng một cộng đồng mạnh mẽ, gắn kết. Bên cạnh đào tạo nâng cao năng lực cho các bên liên quan, việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược với các công ty du lịch để phát triển du lịch cộng đồng địa phương cũng cần được xúc tiến.

Ông Lê Bá Ngọc cũng nhận định, phát triển các sản phẩm và dịch vụ độc đáo đề cao giá trị văn hóa truyền thống của địa phương nhưng thích ứng với điều kiện của khách du lịch cũng cần thiết.

“Homestay tại nông thôn bước đầu là sinh kế phụ, giải quyết công ăn việc làm, tạo thu nhập, gắn với bảo vệ văn hóa, môi trường và xóa đói giảm nghèo. Người dân là chủ đầu tư. Sáng tạo, tiết kiệm theo các qui chuẩn chung về lưu trú, dịch vụ. Nhà nước chỉ hỗ trợ, không bao cấp. Tư vấn phải đồng hành từ khảo sát, xây dựng sản phẩm, tiếp thị, bán hàng và bảo hành” - ông Lê Bá Ngọc nói thêm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất