, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 27/02/2022, 07:00

Nồng nàn hương rượu lòn bon xứ Tiên

QUỲNH HƯƠNG
Lòn bon được xem là một loại quả quý do thiên nhiên ban tặng, thời nhà Nguyễn đây còn là loại quả được lựa chọn để tiến vua và được vua ban tặng danh hiệu Nam Trân (trái cây quý ở phương Nam). Từ những quả lòn bon thơm ngon, bổ dưỡng nổi tiếng thời phong kiến ấy, ông Nguyễn Văn Nhật (55 tuổi, thôn 7A, xã Tiên Cảnh, huyện Tiên Phước - Quảng Nam) đã nghiên cứu làm ra một loại rượu với hương vị hảo hạng, được thị trường ưa chuộng…
Lòn bon Tiên Phước có màu vàng nhạt, nhiều múi, vị ngọt chua thanh tạo nên hương rượu đặc trưng.

Từ trái cây đặc sản tới rượu “4 sao”

Ở Quảng Nam, quả lòn bon hiện được trồng hầu khắp các huyện, nhưng được biết nhiều nhất vẫn là hương vị lòn bon ở huyện Tiên Phước. Quả có màu vàng nhạt, trái nhiều múi, vị ngọt thanh đã trở thành đặc sản của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Nhật sinh ra và lớn lên tại xứ Tiên, từ nhỏ đã hiểu rõ từ đặc tính sinh trưởng cho đến mùi vị đặc trưng của quả lòn bon quê mình. Nhận thấy tình cảnh lòn bon cứ vào vụ mùa thu hoạch là lại rớt giá, chỉ 4 - 5 ngàn đồng/kg mà bán cũng không kịp phải mang đổ bỏ, ông Nhật quyết định tìm tòi nghiên cứu để làm rượu lòn bon. Vốn dĩ có nghề làm rượu nếp, rượu chuối, năm 2014, ông quyết định đầu tư máy móc, nhà xưởng rộng hơn 300m2 với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng thành lập Hợp tác xã Dịch vụ NN KDTH Nhật Linh và bắt tay nghiên cứu sản xuất thử nghiệm rượu lòn bon.

Sản phẩm rượu lòn bon.

Quy trình sản xuất rượu lòn bon hoàn toàn khép kín, được ông Nhật kết hợp giữa bí quyết gia truyền với công nghệ xử lý tiên tiến của châu Âu. Trái lòn bon sau khi thu mua về được công nhân rửa sạch, ngâm vào nước lạnh và để ráo nước, giúp vỏ trái lòn bon tự nứt ra, khi lên men dễ thẩm thấu tự nhiên. Công đoạn lên men cũng được ông xử lý khá cầu kỳ trong vòng 7 ngày, đun nóng để tạo ra rượu Etylic. Tiếp tục chưng cất, ủ trong 100 ngày rồi lọc lấy rượu thô, lọc lần 2 để lấy sản phẩm rượu tinh khiết. 

Tương tự, đối với nếp trắng, ông Nhật cũng xử lý qua các bước như chế rượu lòn bon, trước khi pha trộn 2 nguyên liệu rượu tinh khiết lại với nhau để tạo nên loại rượu lòn bon hảo hạng. “Để rượu lòn bon giữ được hương vị của loại trái cây này, tôi đã kết hợp phương pháp chiết xuất rượu truyền thống với công nghệ để nước rượu trong suốt, vị ngọt thanh và một chút cay nồng đặc biệt đúng điệu của rượu, tạo cho người uống có cảm giác sảng khoái, lâng lâng, rượu để càng lâu uống càng ngon”, ông Nhật chia sẻ bí quyết.

Cũng theo ông Nhật, bình quân 1kg nếp bầu kết hợp với 3kg trái lòn bon, sẽ sản xuất ra được 1 lít rượu nguyên chất. Mỗi năm, ông sản xuất và đóng chai khoảng 10.000 lít rượu để cung ứng ra thị trường với giá dao động quanh khoảng 150.000 đồng/chai.

Hiện nay, sản phẩm rượu lòn bon của ông đã được đăng ký thương hiệu hàng độc quyền với tên gọi Rượu lòn bon Tiên Phước. Năm 2015, rượu lòn bon của ông Nhật được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận giải thưởng sản phẩm tiêu biểu, được nhiều người tin tưởng sử dụng. Năm 2019, rượu lòn bon Tiên Phước của ông Nhật được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận 4 sao tại Cuộc thi đánh giá và xếp hạng sản phẩm.

Ông Nhật đang sửa soạn những thùng rượu để xuất ra thị trường.

Mang chất quê hương ra thị trường thế giới

Thị trường tiêu thụ rượu lòn bon của ông Nhật chủ yếu ở TP Quảng Nam và các tỉnh. Ông cho biết ở các địa phương xa như Bến Tre hay TP.HCM, mỗi lần cung cấp rượu cho khách hàng ông đều vận chuyển chai, nước rượu bằng phương tiện ô tô và vào chai tại chỗ để đảm bảo an toàn. Sau khi rượu lòn bon của ông được thăng hạng 4 sao, ông tiếp tục đầu tư, nâng tầm sản phẩm để tìm hướng xuất khẩu ra thị trường các nước châu Âu, châu Á… 

Ông đã tiến hành đăng ký kiểm định các khâu để nâng tầm sản phẩm rượu đạt chuẩn 5 sao theo tiêu chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, ấp ủ này bị dang dở bởi cơn bão số 9 vào năm 2019. Cơn bão này ảnh hưởng trực tiếp đến Quảng Nam nói chung và huyện Tiên Phước nói riêng, khiến nhiều vườn lòn bon bị thiệt hại, cây lòn bon không ra quả, nguồn nguyên liệu sản xuất rượu thiếu trầm trọng. Ngay sau đó thì dịch Covid-19 lại bùng phát, làm cho thị trường tiêu thụ rượu trầm lắng hơn trước.

Ông Nhật chia sẻ: “Tình hình này thực sự rất khó khăn, nhưng tôi vẫn sẽ tiếp tục học hỏi, nâng cấp máy móc, mở rộng cơ sở sản xuất và dự trữ nguyên liệu tinh rượu lòn bon, để rượu lòn bon ngon hơn nữa, bảo đảm sản xuất bền vững trong tương lai”.

Rượu lòn bon Tiên Phước của ông Nhật được công nhận đạt chuẩn 4 sao.

Hiện nay UBND huyện Tiên Phước cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình OCOP giai đoạn 2018 - 2020, trong đó phát triển các sản phẩm OCOP phải gắn với vùng sản xuất nguyên liệu, nhằm đảm bảo tính bền vững, liên tục. Vì vậy mà trên địa bàn huyện đã có vùng trồng cây lòn bon ổn định tại Tiên Châu, Tiên Mỹ, Tiên Cảnh. Ông Nhật hy vọng có thể tiếp tục phát triển thương hiệu rượu lòn bon đậm chất quê hương, xem như lời tri ân với tổ tiên đã gieo hạt ươm mầm trên mảnh đất đầy nắng và gió của quê ông.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất