, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/05/2020, 09:44

Nông nghiệp - hậu phương an toàn của đất nước

TS NGUYỄN SĨ DŨNG

Theo số liệu điều tra năm 2019, dân số nước ta là hơn 96 triệu người. Trong số đó, có đến hơn 63 triệu người sống ở nông thôn, chiếm 65,6%. Đây là những người làm nông nghiệp hoặc làm một số ngành nghề khác nhưng không tách rời khỏi nông nghiệp và con em của họ. Số liệu này cho thấy vai trò của nông nghiệp quan trọng như thế nào trong đời sống của đất nước chúng ta. Nông nghiệp chính là phao cứu sinh, là hậu phương an toàn của hệ thống.

Hình minh họa

Trước hết, nông nghiệp cung cấp việc làm cho một lực lượng lao động đông đảo nhất. Ở nước nào cũng vậy, chính sách kinh tế quan trọng nhất là chính sách về việc làm. GDP có cao đến thế nào đi chăng nữa mà người dân không có việc làm thì GDP cũng mất hết ý nghĩa. Không có việc làm thì khó có được an sinh xã hội; không có được an sinh xã hội, thì khó có được ổn định và an toàn xã hội. Rồi sẽ đến một lúc nào đó, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa sẽ diễn ra nhanh hơn, thu hút nhiều lao động từ nông thôn ra thành thị hơn. Lực lượng cư dân ở nông thôn lúc đó chỉ còn là thiểu số. Tuy nhiên, cho đến lúc đó thì nông nghiệp vẫn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong bảo đảm việc làm cho lực lượng lao động đông đảo của nước ta.

Thứ hai, nông nghiệp bảo đảm an sinh. Hàng triệu lao động đã di cư từ nông thôn ra thành thị và các khu công nghiệp tập trung. Tuy nhiên, về cơ bản, họ không đánh mất mối quan hệ chặt chẽ với nông thôn. Rất nhiều cặp vợ chồng ra thành phố làm việc, nhưng vẫn để con cháu lại cho ông bà ở nông thôn chăm nuôi. Nhiều gia đình vợ ra làm việc tại thành thị, nhưng chồng ở lại làm việc tại làng quê và ngược lại. Đó là chưa nói tới một lực lượng lao động rất lớn di cư vào các đô thị làm việc theo mùa. Cứ nông nhàn là họ lại kéo nhau vào các thành phố tìm kiếm việc làm để có thêm thu nhập, sau đó lại trở về quê làm việc trên những cánh đồng, mảnh vườn của mình. Mỗi khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, tất cả những người lao động di cư và di cư theo mùa đều có thể trở về nông thôn kiếm sống bằng nghề nông. Do tính chất tự cung, tự cấp của đời sống làng quê, chúng ta khó lòng tính được đầy đủ tỷ lệ phần trăm GDP ở đây. Tuy nhiên, hàng triệu người có thể nương náu qua khỏi cảnh đứt bữa, đói ăn nhờ nông nghiệp là hoàn toàn chắc chắn.

Trong cuộc khủng hoảng kinh tế do đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay, hàng triệu lao động mất việc làm ở các đô thị, các khu công nghiệp hoàn toàn có thể trở về ẩn náu ở nông thôn. Ở đây họ chắc chắn sẽ được chia sẻ việc làm một cách tự nguyện, bởi vì họ gắn bó máu thịt với những người dân quê. Và thực ra, rất nhiều nếu như không phải là tuyệt đại đa số những người lao động này cũng đã chia sẻ sự thành đạt cho dù rất khiêm tốn của mình với những người ở lại quê nhà. Về quê, họ còn có thể trồng thêm miếng rau, nuôi thêm con gà và sống ổn thỏa qua thời kỳ khủng hoảng.

Cuối cùng, cho dù đại dịch Covid-19 đang đẩy kinh tế thế giới vào khủng hoảng, làm cho tổng cầu của thế giới đang bị giảm mạnh, thì vẫn có những thứ cầu sẽ không bao giờ giảm. Đó là cầu về lương thực, thực phẩm và các sản phẩm nông nghiệp khác. Kiểu gì thì hàng tỷ người trên thế giới vẫn phải ăn để sống. Hơn thế nữa, khi khủng hoảng kinh tế xảy ra, cầu về các sản phẩm nông nghiệp lại có xu hướng tăng. Lý do đơn giản là vì khủng hoảng kích hoạt tâm lý tích trữ, lượng đơn đặt hàng mua gạo tăng cao trong thời gian vừa qua cho thấy rất rõ điều này. Đây quả thực là cơ hội vàng cho nông nghiệp Việt Nam.

Tất nhiên, trong thời kỳ khủng hoảng, chúng ta cần phải quan tâm đến an ninh lương thực của mình trước tiên. Thế nhưng, khi an ninh lương thực của đất nước đã được bảo đảm, thì đẩy mạnh xuất khẩu để giúp cho những người nông dân bớt bị thiệt thòi và có cơ hội trở nên khá giả hơn là đúng đắn và hợp đạo lý lắm thay!

Bình luận

Xem nhiều




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất