, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 11/02/2019, 07:59

Nông nghiệp 4.0 - "kẻ" cứu rỗi bữa ăn Việt

Câu chuyện rau sạch, rau dơ - từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh trong bữa ăn của các gia đình Việt Nam. Câu chuyện đâu chỉ là lời đồn, mà Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế) trong năm 2018 đã tiến hành một cuộc xét nghiệm ngẫu nhiên trên 67 người dân. Kết quả, 31 người có tồn lưu thuốc bảo vệ thực vật trong máu.

 

Theo thống kê, cả nước có 13,8 triệu hộ nông dân với 78 triệu mảnh ruộng nhỏ. Bình quân mỗi hộ có 0,4 - 1,2ha (69% số hộ có quy mô dưới 0,5ha đất nông nghiệp). Đất đai manh mún, vốn thiếu, kiến thức hụt hẫng, dẫn đến chi phí vật tư quá cao: 11 triệu tấn phân bón, 600 - 700 triệu USD thuốc BVTV/năm. Trong bối cảnh đó, chuyện rau, cá, thịt, hoa quả... không sạch, cũng không có gì là lạ.

ĐỐM LỬA ĐÊM ĐÔNG

Hiện nay, Bộ NN&PTNT đã chính thức công nhận: 28 doanh nghiệp nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao, theo hướng nền nông nghiệp thế hệ thứ tư. Trong đó, có vài tập đoàn đã đầu tư hàng ngàn tỷ đồng để đưa công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp như: Tập đoàn Vingroup, TH, Dabaco,..

Cầu Đất farm, có nông trại quy mô lớn, đã biết ứng dụng IoT (công nghệ vạn vật kết nối Icloud - điện toán đám mây) trong nhiều khâu của quy trình trồng trọt và tiêu thụ. Thông qua hệ thống giám sát bằng internet, giúp nhà quản lý có thể tự động kiểm soát độ ẩm, nước tưới, bón phân....

Tập đoàn FPT hợp tác cùng với Fujitsu và Viện Rau Quả làm mô hình rau: Thông qua ứng dụng công nghệ Akisai (công nghệ hỗ trợ toàn diện giải pháp quản lý nông nghiệp thông qua internet), toàn bộ không khí, ánh sáng, dinh dưỡng cần thiết cho quá trình sinh trưởng của các loại cây, đều có thể được các chuyên gia Nhật giám sát từ xa bằng máy tính.

Công ty cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao (VIFARM) đã ứng dụng công nghệ thủy canh hồi lưu nuôi trồng không sử dụng đất, không tưới nước; kiểm soát sự phát triển của cây trồng bằng hệ thống máy tính và các ứng dụng IoT.

Ngoài ra, cũng có một số hộ gia đình ứng dụng một phần công nghệ cao vào việc nuôi trồng.

Tuy nhiên, 28 doanh nghiệp nông nghiệp sử dụng công nghệ cao được công nhận, trên tổng số 44.500 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp – là con số quả thật quá khiêm nhường. Chưa kể, theo ông Phạm S, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng: Việt Nam chưa có các mô hình nông nghiệp 4.0 hoàn chỉnh theo khái niệm của thế giới, mà chỉ tiếp cận một số thành phần công nghệ của nông nghiệp 4.0.

Bởi thực trạng trên, tại Hội nghị kế hoạch năm 2018 của Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải kêu lên: “Nông nghiệp chỉ chiếm 16% trong cơ cấu GDP, nhưng lao động chiếm trên 42%”. Và ông nhấn mạnh: “Cơ cấu lao động như vậy là vấn đề lớn hiện nay”. Trong khi đó, ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ lao động trong nông nghiệp chỉ chiếm 2 - 4% dân số nhưng đóng góp đến 40% GDP - nhận định của Bộ KH-CN.

NGUỒN NHÂN LỰC ĐÃ CHẬM MỘT NHỊP

Trước thực trạng trên, Ngân hàng Thế giới (WBG) đề nghị ngành nông nghiệp Việt Nam cần có một cách nhìn và cách làm khác, theo hướng ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi liên kết giá trị, doanh nghiệp hóa nông nghiệp, nông dân.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng định hướng: “Muốn làm cách mạng thành công trước hết phải xây dựng được lực lượng cách mạng. Nguồn nhân lực thông minh cộng với sự sáng tạo, là đầu tàu cho sự phát triển kinh tế trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”.

Trong khi đó, lao động qua đào tạo ở khu vực nông thôn Việt Nam chỉ đạt 11,2%. Tỷ lệ trên đã lý giải vì sao năng suất lao động ở Việt Nam chỉ bằng 1 - 1,5% so với các nước phát triển.

Mặc dù, hiện nay giá trị xuất khẩu nông sản của Việt Nam đứng thứ 15 trên thế giới. Song, chúng ta vẫn phát triển dựa trên thâm dụng tài nguyên và sức lao động. Nếu không thay đổi kịp thời, ngày tụt hậu sẽ không xa.

Trước đổi thay bão táp của cuộc cách mạng, các quốc gia đều có bước chuyển mình mạnh mẽ trong đào tạo nguồn nhân lực. Những nước có nền công nghiệp tiên tiến nhất như Mỹ, Nhật... vẫn tiếp tục đưa ra nhiều chính sách ưu tiên cụ thể cho các ngành khoa học - công nghệ, kỹ thuật và toán (Science, Technology, Engineering and Mathematics - STEM). Trong khi ở Việt Nam, các ngành kinh tế, ngoại thương, tài chính, ngân hàng v.v… - là những ngành trong tương lai gần tạo ra nạn thất nghiệp cao nhất, thì lại là nơi hút hết sinh viên giỏi. Rõ ràng, Bộ GD-ĐT chưa có kế hoạch hướng nghiệp, thông tin đầy đủ cho học sinh. Bộ GD-ĐT đã quá chậm trễ trước diễn biến nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tôi xin chọn câu của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ để kết thúc bài: “Các nước không nói nhiều đến nông nghiệp 4.0 nhưng họ làm thì dữ lắm. Chúng ta bớt nói đi, cần làm nhiều hơn. Sản phẩm cuối cùng của chúng ta là để phục vụ con người, đó là tiêu chí cao nhất. Cần có nền nông nghiệp thông minh, tiếp cận thông minh và khôn ngoan...”

Mai Lan

 

Bình luận

Xem nhiều




Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất