, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 18/02/2022, 14:22

Nông nghiệp Bắc Hà hoàn thành thắng lợi “mục kiêu kép”

KHUẤT LINH
Năm 2021 tiếp tục là một năm không ít sóng gió với ngành nông nghiệp huyện vùng cao 30A Bắc Hà (Lào Cai). Tuy nhiên, nông nghiệp Bắc Hà đã vượt khó, hoàn thành thắng lợi “mục tiêu kép”: vừa chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ của năm 2021.
Sản phẩm Cốm Na Lo (Bắc Hà) vừa được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. 

Ông Nguyễn Xuân Giang - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Bắc Hà cho biết, đối với ngành nông nghiệp tỉnh Lào Cai nói chung, huyện Bắc Hà nói riêng, năm 2021 vừa qua là một năm khó khăn, thậm chí rất khó khăn. Những ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 đã tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, công tác xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Đây cũng năm đầu tiên trong nhiệm kỳ 5 năm thực hiện nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện khóa XXIV của Bắc Hà. Do vậy, các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn đang trong giai đoạn “sơ khởi”. Những nguồn lực đầu tư của trung ương, của tỉnh và huyện ưu tiên cho phát triển sản xuất nông nghiệp còn nhiều hạn chế, trong khi nguồn lực phát triển chính của các xã vùng cao 30A như Bắc Hà phụ thuộc phần nhiều vào ngân sách hỗ trợ từ trung ương và tỉnh. 

Bà con Tả Văn Chư (Bắc Hà) sơ chế củ dược liệu Cát Cánh trước khi giao sản phẩm. 

Tuy nhiên, dù những khó khăn với ngành nông nghiệp là rất lớn, nhưng năm qua lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Bắc Hà đã có rất nhiều cố gắng nổi bật.

Trước tiên, việc sản xuất lương thực thực phẩm nhằm đảm bảo an ninh lương thực, phục vụ công tác phòng chống dịch và đảm bảo an sinh xã hội của huyện vẫn đảm bảo và vượt so với mục tiêu kế hoạch giao. 

Nông nghiệp tiếp tục được mùa, được giá, tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 39.425 tấn, đạt 102,23% kế hoạch. Lĩnh vực chăn nuôi ghi nhận những tín hiệu “khả quan”, tổng đàn gia súc gia cầm phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi chủ yếu đạt 4.260 tấn, bằng 113,6% kế hoạch. Việc kiểm soát bệnh dịch tả lợn châu Phi được thực hiện kiên quyết nên bà con nông dân ít bị ảnh hưởng.

Sản phẩm chè Shan hữu cơ Bản Liền mang lại thu nhập và nhiều việc làm cho bà con người Tày địa phương.

Trong bối cảnh Covid-19, việc tiêu thụ nông sản bản địa của huyện có thời điểm khó khăn, nhưng nhìn chung vẫn diễn ra khá suôn sẻ, thuận lợi, nhất là với nhóm hoa quả ôn đới. Trong cái “khó ló cái hay”, huyện Bắc Hà đã huy động các lực lượng xã hội cùng chung tay tham gia giúp đỡ, giải cứu nông sản cho nông dân. Thông qua đó, ngành chức năng và bà con đã mạnh dạn tiếp cận với khoa học kỹ thuật, đưa sản phẩm mận Tam Hoa, lê VH6 lên các sàn giao dịch điện tử. 

Bà con nông dân Bắc Hà cũng thay đổi, chuyển phương thức bán hàng truyền thống sang điện tử hóa, tham gia bán hàng trên các ứng Zalo, Face book... Đây có thể xem là bước ngoặt lớn khi nông dân Bắc Hà đã chủ động vượt khó, hội nhập trong thời đại công nghệ 4.0. 

Sản phẩm mận Tam Hoa sấy dẻo của HTX Quang Tôm.

Với chương trình OCOP - “Mỗi xã một sản phẩm”, năm 2021 huyện Bắc Hà có thêm 4 sản phẩm mới được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh. Gồm các sản phẩm: mận Tam Hoa sấy dẻo của HTX Quang Tôm thuộc xã Tà Chải, cải xoăn Kale của HTX công nghệ cao Lùng Phình, sản phẩm Cốm của tổ hợp tác thôn Na Lo; Tinh dầu quế của HTX quế hữu cơ Nậm Đét.  

Tính đến nay, toàn huyện Bác Hà đã có 08 sản phẩm đạt OCOP cấp tỉnh.

Chị Sải Thị Bích Huế, Chủ nhiệm HTX Quang Tôm xã Tà Chải chia sẻ: “HTX chúng tôi biết ơn các anh chị cán bộ ngành nông nghiệp Bắc Hà lắm. Các anh chị đã hướng dẫn tỉ mỉ và phải nói là đã song hành cùng quá trình phát triển sản phẩm. Nhớ đó mà cuối năm 2021, sản phẩm mận Tam Hoa sấy dẻo của HTX chúng tôi được tỉnh công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao".

Chị Huế cho biết thành công này như là một tiền đề để HTX của chị tiếp tục mở rộng sản xuất, đầu tư nhà xưởng và chắc chắn đến vụ mận năm 2022 sẽ tiêu thụ nhiều sản phẩm quả tươi cho bà con hơn, thuê thêm nhiều lao động địa phương lúc nông nhàn…

Những nỗ lực lớn và thành quả của ngành nông nghiệp huyện Bắc Hà trong thực hiện chu trình OCOP chính là thế mạnh để triển khai hiệu quả chương trình trong các năm tiếp theo. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất