, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 14/12/2023, 06:00

Nông nghiệp bền vững, chuyện kể từ đất nước mặt trời mọc

ĐOÀN TUNG
Nổi tiếng với sự đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, nông nghiệp Nhật Bản cũng không tránh khỏi khó khăn trên con đường phát triển bền vững và bảo vệ môi trường. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem khó khăn đó là gì và người Nhật đối phó ra sao.

Nông nghiệp không phải là ngành kinh tế chủ lực của nước Nhật. japanagriculture.com, một website chuyên về nông nghiệp Nhật Bản, dẫn nguồn Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp (Bộ NNLNNN) nước này cho biết năm 2017, các nhà nông Nhật đã tạo ra tổng giá trị hơn 54.000 tỷ yen, chỉ chiếm 1% tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản (hơn 5,4 triệu tỷ yen).

Nông sản người Nhật phải nhập khẩu

Vì thế, không có gì lạ khi nước Nhật phải nhập khẩu một lượng nông sản đáng kể từ nhiều quốc gia. Cũng japanagriculture.com dẫn số liệu Bộ NNLNNN cho thấy năm 2018, Nhật Bản nhập lượng nông sản với tổng giá trị gần 10.000 tỷ yen.

Trong số các quốc gia xuất khẩu nông sản vào Nhật năm 2018, Mỹ dẫn đầu với tổng giá trị hơn 1.800 tỷ yen (chiếm tỷ lệ gần 19%), với các mặt hàng chủ lực bao gồm bắp (chiếm gần 19%), thịt bò (9%), thịt heo (7,6%), đậu nành (6,5%) và trái cây tươi và khô (5,5%). Lần lượt đứng sau Mỹ trong xuất khẩu nông sản vào Nhật là Trung Quốc với giá trị gần 1.248 tỷ yen (xấp xỉ 13% tổng kim ngạch nhập khẩu nông sản của Nhật), Canada (587,5 tỷ yen, 6%), Thái Lan (571,5 tỷ yen, 5,9%), và Úc (570,3 tỷ yen, 5,8%). Bảng 1 dưới đây ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản và các mặt hàng chủ lực của năm quốc gia đứng đầu trong xuất khẩu nông sản vào Nhật Bản năm 2018.

Theo số liệu của Bộ NNLNNN Nhật, Việt Nam đứng thứ chín trong danh sách các bạn hàng bán nông sản cho họ năm 2018 với tổng giá trị hơn 276 tỷ yen (chiếm khoảng 2,85% tổng giá trị nhập khẩu nông sản của nước này). 

Không thấy japanagriculture.com đăng tải các mặt hàng chủ lực của Việt Nam. Tạp chí Công Thương điện tử cho biết năm 2021, kim ngạch các mặt hàng nông thủy sản Việt xuất sang Nhật là 1,8 tỷ đô-la Mỹ, trong số này vài mặt hàng đạt tăng trưởng cao so với năm trước đó như cà phê (tăng 25,5%), rau quả (tăng 20%), hạt điều (tăng 39%) và hạt tiêu (tăng 56%). Theo báo Nhân Dân, Việt Nam hiện là nguồn cung cấp cà phê nhập khẩu lớn nhất cho Nhật Bản. Nhân Dân cho biết trong bảy tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất sang Nhật lượng cà phê trị giá 152,5 triệu đô-la Mỹ, tăng từ 27,65% tổng thị phần nhập khẩu cà phê của Nhật trong bảy tháng đầu năm 2022 lên 31,38% trong bảy tháng đầu năm nay. Báo này cũng dự báo triển vọng sáng sủa của một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Nhật.

Tuy nhiên, Nhật Bản chưa bao giờ là một thị trường dễ tính. Đã từ lâu, đối với các nhà xuất khẩu nông sản, đây là một trong những quốc gia có tiêu chuẩn chất lượng hàng nhập khẩu khắt khe nhất thế giới. Hàng nông sản cũng không phải là một ngoại lệ, Chính phủ Nhật yêu cầu phải bảo đảm các tiêu chuẩn như vệ sinh, an toàn thực phẩm, kiểm dịch. Nông sản nhập khẩu phải được nuôi trồng và chế biến theo các tiêu chuẩn quốc tế hay tiêu chuẩn Nhật. Trong một số trường hợp, một số tiêu chuẩn áp dụng tại Nhật thậm chí còn cao hơn các tiêu chuẩn tương tự áp dụng tại Mỹ hay châu Âu.

Cái khó của sứ mạng nông nghiệp Nhật Bản

Trên website của Bộ NNLNNN Nhật ghi rõ sứ mạng của bộ này là mang đến thực phẩm như là một nhu cầu thiết yếu của đời sống người dân cũng như bảo đảm môi trường cho các thế hệ tương lai. Để thực hiện sứ mệnh trên, Bộ NNLNNN cho rằng họ phải luôn hướng đến các phương pháp sản xuất bảo đảm tính bền vững và tạo ra cơ hội cho các hoạt động thử nghiệm – bao gồm cả việc hướng dẫn, giáo dục nhà nông – nhằm tăng cường hiểu biết của người dân về thực phẩm, nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp trên quy mô toàn quốc.

Rõ ràng đây là một sứ mệnh rất đáng được theo đuổi. Tuy nhiên, thông thường sứ mệnh càng cao quý càng khó thực hiện. Cụ thể trong trường hợp này, khó khăn đó là gì?

Khó khăn nan giải ở đây không phải là các phương tiện hiện đại mà nằm ở yếu tố con người khi nước Nhật phải đối mặt với tình trạng già hóa và sụt giảm dân số. Tháng giêng năm nay, dân số Nhật đứng ở mức 125,4 triệu người, tăng 289.500 nhân khẩu so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sự gia tăng này là do người nhập cư chứ không phải từ người Nhật bản địa. Trên thực tế, dân số người Nhật bản địa đã giảm hơn 800.000 trong thời gian này, đánh dấu năm thứ 14 liên tiếp dân số Nhật sụt giảm kể từ năm 2009.

Sinh suất ở Nhật đã giảm liên tục ngay lúc kinh tế nước này bùng nổ vào thập niên 1980, hiện nay chỉ ở mức 1,3, thấp xa so với ngưỡng 2,1 cần thiết để bảo đảm dân số bền vững. Năm ngoái, chỉ có 771.801 em bé Nhật được sinh ra, không bằng phân nửa con số 1,56 triệu người Nhật qua đời (xin mở ngoặc nói thêm để bạn đọc tiện so sánh: sinh suất ở TP.HCM hiện đang ở mức 1,39, gần như tương đương với sinh suất của Nhật!).

Nước Nhật cũng đang phải vật lộn với nạn già hóa dân số, kèm theo đó là sự suy giảm lực lượng lao động cùng với gánh nặng lương hưu và chăm sóc y tế cho người cao tuổi.

Nông nghiệp Nhật Bản cũng không thoát khỏi tình cảnh này. Theo Bộ NNLNNN, nếu tình hình suy giảm dân số không có gì thay đổi, tổng số nông dân ở nước này sẽ giảm từ 2,08 triệu người vào năm 2015 xuống còn 1,31 triệu người năm 2030! Chính Bộ NNLNNN cũng báo động rằng sự mất đi gần phân nửa lực lượng nông dân sẽ khiến nước Nhật có nguy cơ thiếu hụt nhân lực nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực nông nghiệp.

Học gì từ sức mạnh “bốn nhà” kiểu Nhật

Nhằm ứng phó với khó khăn kể trên, Bộ NNLNNN Nhật đề ra chiến lược “Nông nghiệp thông minh” với trọng tâm là thiết lập một nền nông nghiệp bền vững và hiệu quả chủ yếu dựa trên việc áp dụng công nghệ rô-bô, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật. Theo đó, “Nông nghiệp thông minh” không chỉ là công cụ nhằm tối ưu hóa lao động mà là một dạng nông nghiệp mới được vận hành bởi các cơ sở dữ liệu và có thể tạo ra hoặc cung cấp giá trị gia tăng đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. 

Để thúc đẩy “Nông nghiệp thông minh”, chính phủ Nhật đang xây dựng nền tảng giúp trao đổi thông tin giữa nông dân, các doanh nghiệp tư nhân, các trường đại học và các cơ quan chính phủ với mục tiêu giải quyết các thách thức cũng như thực hiện các chính sách hỗ trợ các dịch vụ mới.

Tại Nhật Bản, sự tham gia của các bên liên quan (stakeholder) trong nông nghiệp theo hướng chiến lược nêu trên đã tiến một bước rất dài với những ví dụ có thể xem như các hình mẫu cho chúng ta tham khảo. Ngoài bảo đảm thực thi nghiêm ngặt các tiêu chí chất lượng, Bộ NNLNNN cũng chú ý đến việc vận động toàn dân góp sức tham gia tuân thủ qua nhiều hình thức, trong đó sự tham gia, gắn kết của người dân đóng vai trò then chốt.

Chẳng hạn, phong trào diễn đàn phụ nữ đối với nghề cá thu hút sự tham gia của phụ nữ khắp nước Nhật bàn luận về ngư nghiệp. Diễn đàn này giúp nữ giới Nhật thảo luận về tầm quan trọng của biển, hải sản và ngư nghiệp cũng như tạo điều kiện cho người tham gia thưởng thức các món hải sản. Diễn đàn trong khuôn khổ sáng kiến của Bộ NNLNNN cũng thúc đẩy trao đổi giữa các thành phố và các làng chài thông qua các hoạt động như tổ chức cho trẻ em thành thị tham quan làng chài. 

Dưới đây là hai ví dụ khác củng cố thêm sức mạnh của liên kết nói trên. Thứ nhất, đó là việc thiết lập hệ sinh thái cho cò quắm có mào Nhật Bản (tên khoa học Nipponia nippon) trên đảo Sado, thuộc tỉnh Niigata. Cò quắm có mào Nhật Bản là loài chim đặc hữu có nguy cơ bị tuyệt chủng vào đầu thế kỷ 20. Sáng kiến nuôi ấp cò quắm có mào dưới tác động con người trên đảo Sado của các nhà khoa học Nhật bắt đầu diễn ra năm 1981 và dần dần có kết quả khả quan.

Năm 2008 ghi nhận một số cá thể cò nuôi ấp nhân tạo sống sót sau khi được thả trở lại môi trường thiên nhiên. Nhằm giúp cò quắm có mào kiếm ăn và sinh sản tự nhiên, người dân trên đảo Sado đã đồng thuận loại bỏ các hóa chất bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Họ còn dành công sức tạo ra môi trường trồng lúa “thuận thiên” nơi động vật thủy sinh, côn trùng và các sinh vật khác sống hài hòa với nhau, trở thành nguồn thức ăn cho đàn cò vừa được tái tạo.

Góp sức với nhà khoa học và nhà nông, người tiêu dùng Nhật sẵn lòng ủng hộ bằng cách mua gạo từ các cánh đồng này trên đảo Sado – một cái bắt tay đầy ý nghĩa giữa nông thôn và thành thị giúp nỗ lực bảo vệ môi trường hiệu quả hơn. Ngày nay, hình ảnh những con cò quắm có mào kiếm ăn bên cạnh người nông dân đảo Sado cho thấy hiệu quả của nỗ lực liên kết giữa các bên ở nước Nhật.

Cò quắm có mào Nhật Bản (Nipponia nippon) (Nguồn: focusingonwildlfie.com).

Ví dụ thứ hai liên quan đến việc bảo vệ loài tôm trắng ở Vịnh Toyama. Tôm trắng Shiroebi (Pasiphaea japonica) là loài giáp xác đặc hữu tại một khu vực nhỏ thuộc Vịnh Toyama của Nhật Bản. Với thân trong suốt, loài tôm nhỏ này trở nên lấp lánh dưới ánh sáng, nên được mệnh danh là “châu báu của Vịnh Toyama”. Để bảo tồn tôm Shiroebi, Hợp tác xã ngư nghiệp Shiminato tổ chức cho các xã viên cùng nhau chia sẻ sản lượng đánh bắt tôm để ngư dân hưởng phần bằng nhau trong thu hoạch loài giáp xác này. Ngoài ra, ngư dân trẻ thuộc công đoàn địa phương còn thành lập Câu Lạc bộ Tôm Shiroebi Vịnh Toyama với phương châm “cùng đồng hành với thiên nhiên vì một tương lai thịnh vượng”. Các hoạt động này không những thu hút ngư dân mà còn cả hợp tác xã, nhà doanh nghiệp (như chủ nhà hàng), tổ chức nhà nước và nhiều đoàn thể khác trong toàn xã hội ủng hộ.

Nhìn từ góc độ Việt Nam, xây dựng nền tảng trao đổi thông tin giữa các bên liên quan do chính phủ Nhật đề xướng vừa nêu trên xem ra không khác gì chiến lược liên kết bốn nhà trong sản xuất nông nghiệp thường được kể đến ở xứ mình. Theo cách hiểu thông thường, chiến lược này của chính phủ Việt Nam liên quan đến mô hình liên kết nhà nông, nhà doanh nghiệp và nhà khoa học dưới sự hỗ trợ của Nhà nước nhằm gắn sản xuất với tiêu thụ theo cách tốt nhất có thể. Tuy nhiên, trên thực tế mô hình liên kết này chưa được sử dụng hiệu quả để phát huy tác dụng tối ưu.

Thiết nghĩ, một trong những vấn đề cấp bách nhất trong việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bảo vệ môi trường liên quan trực tiếp đến một tập quán rất tai hại – nếu không nói thẳng là “chết chóc” – của người nông dân: tập quán lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón vô cơ và chất kích thích tăng trưởng cho cây trồng lẫn vật nuôi. Số liệu từ vài năm trước cho thấy mỗi năm chúng ta bỏ ra từ 500 đến 700 triệu đô-la Mỹ để nhập chỉ riêng thuốc trừ sâu và nguyên liệu. Không cần bàn đến tác hại của việc sử dụng quá mức loại hóa chất này lên sức khỏe người dân vì đã quá rõ ràng. Vấn đề là làm sao thuyết phục được người nông dân loại bỏ dần tập quán tai hại này mà nhiều người trong số họ ý thức rất rõ nhưng vì cuộc sống của mình đành nhắm mắt làm ngơ. Một mặt, nông dân phải hiểu rõ vai trò của chính mình trong vấn đề này. Mặt khác, từ kinh nghiệm của nước Nhật, các “nhà” còn lại và cả xã hội Việt Nam phải đồng hành cùng nhà nông, không thể để họ đi một mình. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Bất cứ ai là dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đều biết về sự tích “Ông Cả Cọp” ở xã Châu Bình. Đó là chuyện của một con cọp làm Hương cả của làng Châu Bình...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất