, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 19/10/2020, 09:04

Nông nghiệp công nghệ cao Đức Trọng - những bước tiến bền vững

Theo NHẬT MINH (baolamdong.vn)

Là huyện có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC), thời gian qua, huyện nông thôn mới Đức Trọng đã có những nỗ lực nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện tái cơ cấu nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, tạo “đường băng” thu hút đầu tư vào nông nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển NNCNC.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác thăm Công ty TNHHTM Phong Thúy - một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng đoàn công tác thăm Công ty TNHHTM Phong Thúy - một trong những đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đức Trọng.

Khởi đầu từ nhà kính đơn giản tự phát

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đức Trọng, huyện đã bắt tay phát triển NNCNC từ năm 2004. Giai đoạn từ 2004-2010, thực hiện chủ trương chung của tỉnh về phát triển NNCNC, Huyện ủy Đức Trọng đã ban hành Nghị quyết chuyên đề số 03-NQ/HU ngày 20/11/2005 “Về phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao (CNC) trên địa bàn toàn huyện giai đoạn 2006-2010” và xác định đây là một trong mười nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội của huyện để tập trung lãnh đạo, tranh thủ điều kiện và sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh để triển khai tổ chức thực hiện. Tiếp đó, UBND huyện đã xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện Nghị quyết 03-NQ/HU; đồng thời chỉ đạo xây dựng nhiều mô hình điểm về ứng dụng khoa học tiên tiến vào sản xuất nông nghiệp và trong những năm qua, đã đạt được những thành quả nhất định.

Khởi đầu là các nhà kính phục vụ gieo ươm cây trồng với nguyên vật liệu chủ yếu là khung tre, sắt và màng phủ nilon 1-2 lớp để che mưa, chưa có quy cách thiết kế cụ thể, chủ yếu phát triển tự phát. Đến cuối giai đoạn này, Nhà nước đã hỗ trợ đầu tư xây dựng các mô hình nhà kính trồng rau, hoa theo hướng công nghệ cao và diện tích nhà kính bắt đầu được triển khai nhân rộng sang trồng rau, hoa.
 
Đến giai đoạn 2011-2015, diện tích nhà lưới, nhà kính trên địa bàn huyện Đức Trọng tiếp tục được nhân rộng. Đến cuối năm 2015, tổng diện tích canh tác NNCNC của Đức Trọng là 5.265 ha, chiếm 14% diện tích đất canh tác của huyện, trong đó, nhà lưới, nhà kính chiếm 0,56%; giá trị sản xuất/đơn vị diện tích canh tác giai đoạn này đạt 190 triệu đồng/ha; tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC đạt khoảng 25% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện, đạt 114% mục tiêu nghị quyết đề ra. Năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng CNC tăng bình quân từ 25-30%, tăng lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 30% so với sản xuất theo hướng truyền thống. Riêng đối với diện tích sản xuất NNCNC, doanh thu đạt gấp từ 2-3 lần so với bình quân toàn huyện, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 300-400 triệu đồng/ha, cây hoa cao cấp đạt bình quân từ 500-1.000 triệu đồng/ha. Nhiều mô hình áp dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ đạt hiệu quả cao như Công ty TNHH Trường Hoàng, Công ty TNHH Hoa Mặt Trời, Trang trại Phong Thúy...
 
Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, nhà kính, nhà lưới sản xuất CNC tiếp tục được đầu tư nhân rộng trong sản xuất rau, hoa, với nguồn vốn chủ yếu của người dân. Tính đến cuối năm 2019, doanh thu đạt khoảng 242 triệu đồng/ha/năm, tỷ trọng giá trị sản xuất NNCNC chiếm khoảng 28% giá trị sản xuất nông nghiệp toàn huyện. Năng suất, giá trị sản phẩm cây trồng, vật nuôi khi áp dụng CNC tăng bình quân từ 30 - 35%, tăng lợi nhuận cho người sản xuất đạt trên 40% so với sản xuất theo hướng truyền thống. Riêng đối với diện tích sản xuất CNC, doanh thu đạt gấp từ 2,5-3,5 lần sản xuất bình quân của toàn huyện, sản xuất rau cao cấp đạt bình quân 500-700 triệu đồng/ha như cà chua, ớt ngọt, dưa leo baby; cây hoa cao cấp đạt bình quân từ 1.000 - 1.500 triệu đồng/ha như vũ nữ, hồ điệp.
 
Theo số liệu thống kê của huyện, tính đến cuối tháng 9/2020, toàn huyện Đức Trọng có 10.681,3 ha sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC, tăng 568,92 ha so với cùng kỳ năm 2019. Cụ thể: Diện tích nhà màng (nhà kính) 273,74 ha; diện tích nhà lưới là 166,38 ha; diện tích tưới tự động ngoài trời là 10.241,2 ha. 
 
Cũng theo UBND huyện Đức Trọng, tính đến nay, đã thực hiện cấp giấy chứng nhận và sử dụng nhãn hiệu khoảng 620 ha sản xuất theo hướng VietGAP cho 55 tổ chức, cá nhân. Về chứng nhận “Đà Lạt - Kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, hiện có 5 đơn vị được cấp giấy chứng nhận, số lượng sản phẩm có sử dụng nhãn hiệu này bán ra thị trường khoảng 20.000 tấn/năm. 
Sản xuất NNCNC ở huyện Đức Trọng đã mang lại hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập tiền tỉ. (Trong hình: Anh Hoàng Thanh Sơn (thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp) bên vườn cà chua trĩu quả trồng trong nhà kính, áp dụng công nghệ IOT).
Sản xuất NNCNC ở huyện Đức Trọng đã mang lại hiệu quả, xuất hiện nhiều mô hình cho thu nhập tiền tỉ. (Trong hình: Anh Hoàng Thanh Sơn (thôn Gần Reo, xã Liên Hiệp) bên vườn cà chua trĩu quả trồng trong nhà kính, áp dụng công nghệ IOT).
 
Phấn đấu bình quân giá trị sản phẩm thu hoạch đạt từ 270 triệu đồng/ha
 
Có thể thấy rằng, nông nghiệp của huyện nông thôn mới Đức Trọng ngày càng phát triển mạnh theo hướng hàng hóa, với quy mô tương đối lớn, đặc biệt là sản xuất rau, hoa, dâu tằm, trong đó sản xuất theo hướng CNC trên địa bàn huyện Đức Trọng ngày càng được chú trọng đầu tư phát triển, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác của toàn huyện ngày càng được nâng cao. Việc ứng dụng CNC vào sản xuất nông nghiệp đã được nhiều địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ gia đình, doanh nghiệp không chỉ ở khu vực trung tâm, mà còn cả vùng sâu, vùng xa, cả người Kinh lẫn người đồng bào đã vươn lên làm giàu, thậm chí trở thành tỉ phú từ việc sản xuất NNCNC.
 
Từ hình thức ứng dụng công nghệ bình thường như phủ bạt, tưới phun mưa tự động, nhà lưới, hiện nay dần được chuyển sang hình thức sản xuất cao hơn như tưới tự động nhỏ giọt ngoài trời, sản xuất trong nhà kính, trồng trên giá thể, thủy canh... Đến nay, công nghệ 4.0 (IOT) đã được ứng dụng vào sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt và ngày càng phát triển mở rộng, thu hút được nhiều nhà đầu tư vào sản xuất NNCNC trên địa bàn huyện. Số hộ ứng dụng CNC theo hướng 4.0 với diện tích khoảng 8 ha/7 hộ. Trên địa bàn huyện hiện có 4.984 hộ sản xuất nông nghiệp kể cả trồng trọt và chăn nuôi tham gia các hình thức liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, chiếm tỷ lệ 17,1% tổng số hộ sản xuất nông nghiệp. 
 
Anh Nguyễn Như Thủy, ngụ tại xã Bình Thạnh, một trong số những nông dân đi đầu trong ứng dụng công nghệ 4.0 (IOT) vào sản xuất vui mừng cho biết: “Cuối năm 2018, khi được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của huyện chọn để triển khai trình diễn áp dụng công nghệ IOT vào sản xuất nông nghiệp, công việc làm nông của tôi nhàn hẳn và tiết kiệm chi phí hơn rất nhiều. Cụ thể: Chi phí sản xuất giảm thông qua việc tiết kiệm nước, tiết kiệm năng lượng, giảm nhân công, giảm lượng phân bón bị rửa trôi, đo chính xác EC, pH của dung dịch phân bón hòa tan. Ngoài ra, khi có việc bận, không thể có mặt ở trang trại, tôi vẫn theo dõi được tình hình cây trồng, điều khiển các thiết bị tưới và bộ châm phân thông qua ứng dụng điều khiển từ xa qua điện thoại thông minh vào bất cứ thời điểm nào. Và hiện, tôi đang tiếp tục đầu tư áp dụng công nghệ này vào diện tích nhà kính còn lại”.
 
Theo UBND huyện Đức Trọng, giai đoạn 2020-2025, Đức Trọng tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững, tiếp cận đa ngành, hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có năng lực cạnh tranh quốc tế. Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn vệ sinh lao động, bảo vệ môi trường sinh thái và ứng phó biến đổi khí hậu. Đồng thời, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn, đẩy mạnh thâm canh, ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao vào sản xuất và áp dụng quy trì sản xuất theo hướng an toàn, theo tiêu chuẩn VietGAP, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, hiệu quả sản xuất, gắn sản xuất nông nghiệp với sơ chế, bảo quản sau thu hoạch và công nghệ chế biến... Đến năm 2025, phấn đấu tăng diện tích gieo trồng lên 53.500 ha, trong đó, diện tích NNCNC đạt từ 10.500 - 11.000 ha; giá trị sản phẩm thu hoạch bình quân đạt từ 270 triệu đồng/ha.

Theo NHẬT MINH (baolamdong.vn)

 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất