, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 07/11/2020, 09:33

Nông nghiệp khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn

THỤY KHUÊ

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, dự báo năm 2021 cùng Báo cáo đánh giá sơ bộ về tình hình 2016 - 2020 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư soạn thảo đã được gửi đến Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội để chuẩn bị cho kỳ họp Quốc hội cuối năm. 

Các báo cáo đều nêu nhận định chung đáng lưu ý: Trong bối cảnh rất đặc biệt của năm 2020 nói riêng và cả giai đoạn 2016 - 2020 nói chung, nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.

Gạo được tập kết để chế biến trước khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu tại một nhà máy ở Cần Thơ. Ảnh Tuấn Anh
Gạo được tập kết để chế biến trước khi xuất khẩu vào thị trường Châu Âu tại một nhà máy ở Cần Thơ. Ảnh Tuấn Anh

Việt Nam sẽ có mức tăng trưởng dương cao nhất trong ASEAN-5

Bản báo cáo nêu nhận định khái quát: Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; đạt được mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh kinh tế thế giới suy thoái nghiêm trọng. Với tốc độ tăng trưởng cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%, Việt Nam là nước có mức tăng trưởng dương cao nhất so với 5 nền kinh tế lớn trong khu vực Đông Nam Á, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới và được thế giới đánh giá cao. Mặt bằng lãi suất giảm; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, thanh khoản thị trường được bảo đảm; dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước đến nay. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 3,5 - 3,9% (mục tiêu là dưới 4%). Huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước đạt 33,6% GDP (mục tiêu là 33 - 34% GDP).

Đáng lưu ý, “nông nghiệp đã khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế trong khó khăn”, báo cáo nêu rõ. Tăng trưởng cả năm của lĩnh vực này ước đạt khoảng 2,6% (cao hơn mức 2,01% của năm 2019).

Không chỉ bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - chính trị - xã hội và phát triển đất nước, nhất là trong đại dịch Covid-19; ngành nông nghiệp còn tham gia vào nguồn cung lương thực, thực phẩm cho thế giới. Sản xuất lương thực, thực phẩm liên tục phát triển. Tuy diện tích trồng lúa giảm, nhưng do năng suất tăng, nên sản lượng lúa duy trì ở mức cao, năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn. Cùng kỳ, sản lượng thịt hơi các loại ước đạt 5,7 triệu tấn, sữa các loại đạt 1,12 triệu tấn, trứng đạt 13,9 triệu quả, sản lượng thủy sản đạt 8,4 triệu tấn... Xây dựng Nông thôn mới và đầu tư phát triển hạ tầng nông nghiệp, nông thôn được chú trọng; đến cuối năm 2020 dự kiến có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới (mục tiêu đề ra là 50%).

Một điểm sáng quan trọng của nền kinh tế được Báo cáo nhấn mạnh là xuất khẩu tăng, xuất siêu 8 tháng đạt 13,5 tỷ USD trong bối cảnh thương mại toàn cầu suy giảm nghiêm trọng. Xuất khẩu của khu vực trong nước vươn lên mạnh mẽ, 8 tháng tăng 15,3%.

Nước ta cũng tiếp tục duy trì xếp hạng cao về chỉ số đổi mới sáng tạo, đứng đầu các nước có mức thu nhập trung bình thấp; đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN (sau Singapore và Malaysia). Công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo được đẩy mạnh thực hiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm 1 - 1,5 điểm phần trăm, riêng các huyện nghèo giảm trên 5 điểm phần trăm, đạt mục tiêu đề ra. Chỉ số phát triển bền vững năm 2020 của Việt Nam tăng 5 bậc, xếp thứ 49/166 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tình hình thế giới, khu vực vẫn tiếp tục diễn biến khó lường; xu hướng bảo hộ thương mại, cạnh tranh chiến lược giữa các quốc gia, khu vực tiếp tục diễn ra gay gắt. Đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc. Trong nước, nền kinh tế tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do độ mở cao, hội nhập sâu rộng và những hạn chế, bất cập nội tại.

Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần tập trung thực hiện hiệu quả “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khoẻ nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới. Dự kiến các chỉ tiêu chủ yếu, cơ quan tham mưu của Chính phủ về kế hoạch đầu tư cho rằng tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6 - 6,5% so với năm 2020. Quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.700 USD/người. Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%.

Năm mục tiêu quan trọng đã về đích sớm

Theo Báo cáo đánh giá sơ bộ về tình hình 2016 - 2020, trong tổng số 18 chỉ tiêu đã có đánh giá sơ bộ, có 14/18 chỉ tiêu đạt và vượt và 4 chỉ tiêu không đạt mục tiêu. Trong đó, có 5 mục tiêu quan trọng đã “về đích” sớm.

Cụ thể, quy mô nợ công đã giảm mạnh từ mức 63,7% GDP cuối năm 2016 xuống 55% GDP cuối năm 2019. Riêng năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nợ công có thể tăng đến 56 - 57% GDP, song vẫn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đặt ra cho giai đoạn 2016 - 2020 là không quá 65% GDP. Chỉ tiêu thứ 2 vượt kế hoạch là quy mô nợ Chính phủ đã giảm mạnh từ 52,7% năm 2016 xuống 48% GDP đến cuối năm 2019, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu không quá 54%.

Chỉ tiêu thứ 3, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm mạnh từ 44% năm 2015 xuống 41,9% năm 2016 và ước năm 2020 còn 33,5%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu dưới 40%. Thứ 4, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 43,16%, vượt xa so với mục tiêu 30% - 35% được đề ra trong Nghị quyết. Thứ 5, dư nợ thị trường trái phiếu đến năm 2019 đạt 40,14%, vượt xa so với mục tiêu đến năm 2020 đạt 30% GDP.

Tuy nhiên, cũng có một số mục tiêu có khả năng không hoàn thành kế hoạch, trong đó đáng lưu ý là tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng đã từng “về đích sớm” vào năm 2019, nay lại có khả năng không hoàn thành kế hoạch, do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.

Mục tiêu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp cũng có khả năng không hoàn thành. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại thời điểm 31/12/2019 là 758.610 doanh nghiệp. Bảy tháng đầu năm 2020, chỉ có thêm 75.249 doanh nghiệp thành lập mới. Như vậy, khó có khả năng đến cuối năm nay cán mốc 1 triệu doanh nghiệp.

Riêng với ngành nông nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hữu cơ đã được chú trọng phát triển, từng bước chuyển đổi sang cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng và hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc sắp xếp các nông, lâm trường quốc doanh và phát triển dịch vụ môi trường rừng đạt kết quả tích cực. Hầu hết các chỉ số cơ bản về bảo vệ và chăm sóc, phát triển rừng đều tăng cao. Bình quân hàng năm cả nước trồng được 279,9 nghìn ha rừng tập trung; lợi nhuận của các hộ gia đình chủ rừng tăng thêm từ 25 - 30%.

Đặc biệt, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, đã hoàn thành sớm gần 2 năm so với kế hoạch đề ra. Cụ thể, tính đến hết năm 2019, có hơn 4.800 xã đạt chuẩn Nông thôn mới, chiếm 54% tổng số xã, bình quân cả nước đạt 15,7 tiêu chí/xã, không còn xã dưới 5 tiêu chí, hoàn thành trước 1,5 năm và vượt mục tiêu 10 năm (2010 - 2020).

Đây thực sự là những nền tảng quan trọng tạo đà cho chặng đường 5 năm trước mắt, hứa hẹn những bước tiến quan trọng làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất