, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 20/08/2022, 06:00

Nông nghiệp tái sinh ở Tây Ban Nha

BÁ ANH
Vùng bán sa mạc ở phía nam Tây Ban Nha luôn đối mặt với những khó khăn về nước tưới và đất canh tác. Nông nghiệp tái sinh đã mở đường cho các trang trại ở vùng này giải quyết những vấn đề khó khăn trước mắt. Mô hình canh tác tái sinh còn là giải pháp trước biến đổi khí hậu và hướng đến việc cải thiện hệ sinh thái ở Tây Ban Nha.
Một nông trại tái sinh ở Murcia, đông nam Tây Ban Nha.

Tái sinh vùng bán sa mạc

Cơn mưa ẩm ướt đón nhóm tình nguyện viên sau khi họ đã trồng thêm sồi, bách xù và thông ở nông trại Altiplano, một dự án phục hồi hệ sinh thái rộng 5ha thuộc vùng Murcia, Đông Nam Tây Ban Nha. Đây là trận mưa đầu tiên sau 5 tháng. Mỗi giọt nước ở đây đều quý giá. Không chỉ nuôi dưỡng số cây trồng hiện có, nước còn được dự trữ cho những tháng khô hạn tiếp theo. Ở khu vực này, việc tiếp cận nước là một thách thức, khi lượng mưa trung bình hàng năm chỉ khoảng 300mm. Tình trạng trên càng nghiêm trọng hơn khi biến đổi khí hậu diễn ra. Nhiệt độ của Tây Ban Nha đã tăng lên 1,3% trong 60 năm qua và vẫn đang tiếp tục tăng, kéo theo lượng mưa giảm, diện tích đất khô cằn ngày càng rộng lớn hơn.

Nền nông nghiệp thâm canh đang đe dọa nguồn nước và dần phá hủy đất. Vùng ven biển Megafarms là nơi sản xuất lượng rau lớn cho Marcia, Almeria và thậm chí là cả châu Âu, vẫn luôn trong tình trạng thiếu nước canh tác. Thực tế cho thấy, sản lượng rau cải ngày càng tăng, không ngừng xuất khẩu sang các nước Bắc Âu và chúng được tưới bằng nguồn nước ngầm. Điều này trở nên không hợp lý vì gần như Megafarms đang “bán” nguồn nước hiếm hoi của mình cho vùng có nguồn nước dồi dào hơn.

Mặt khác, khi nhu cầu hạnh nhân tăng cao, một khu vực từng có nhiều loại ngũ cốc và cây ăn trái đã chuyển hoàn toàn thành những cánh rừng hạnh nhân. Chuyển đổi cây trồng và cày bừa trên diện rộng đã làm đất ngày càng xói mòn, không còn màu mỡ và sự đa dạng sinh học cũng giảm mạnh.

Không cày xới đất, giữ lại các dây leo, cỏ và hoa... có thể phát triển và làm giàu đất, tăng tính đa dạng sinh học. Ảnh Paola de Grenet - The Guardian.

Trước tình trạng như vậy, các sáng kiến canh tác nông nghiệp tái sinh đã hình thành mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn khi phải thay đổi phương pháp canh tác và áp lực tăng năng suất. Hiệp hội nông dân ở khu vực ủng hộ các kỹ thuật ủ phân hữu cơ, dự trữ nước, sử dụng lớp phủ mặt đất và kết hợp chăn nuôi với trồng trọt, nếu có thể. Nhiều mô hình canh tác nông nghiệp tái sinh ra đời ở các trang trại nhưng sẽ không có một mô hình nào “hoàn hảo” được ứng dụng trên diện rộng, vì điều quan trọng là các trang trại khác nhau cần có những phương pháp canh tác tái sinh phù hợp, ở từng mức độ khác nhau. Giờ đây, canh tác hữu cơ thông thường dần chuyển sang các dự án tái sinh, không chỉ giữ đất, dự trữ nước mà còn cải thiện tính đa dạng của hệ sinh thái trang trại.

La Junquera là một trang trại khoảng 1.000ha canh tác tái sinh điển hình ở miền nam Tây Ban Nha, có trụ sở tại Caravaca de la Cruz, Murcia. Trang trại đã nỗ lực trong việc xây dựng các đường dẫn nước, ủ phân, hạn chế xới đất và cố gắng khôi phục các khu vực tự nhiên. Đồng thời, trang trại đã thành lập một “Học viện Tái sinh”, đón các tình nguyện viên, học sinh, sinh viên từ khắp nơi trên thế giới đến để nghiên cứu về nông nghiệp.

Chico de Guzmán, chủ sở hữu trang trại, giải thích: “Từng chút một, chúng tôi đang thử nghiệm những cách mới để tăng mức độ của hệ thống canh tác tái sinh. Nếu đất đã được xới, lớp phủ mặt vẫn còn trong suốt mùa đông. Các cây hạnh nhân của trang trại sẽ trồng xen kẽ với oregano (rau kinh giới) và oải hương Tây Ban Nha. Dần dần, trang trại sẽ mở rộng các khu vực tự nhiên, một số cánh đồng bỏ hoang để các loài kiến có thể làm tổ và có môi trường sống cho những động vật hoang dã địa phương”.

Từ các khu vườn nhỏ đến “biển” ô liu và những rừng nho

Hơn 70 triệu cây ô liu trải dài đến tận chân trời, khung cảnh bát ngát như một “biển cây” ở tỉnh Jaén, miền Nam Tây Ban Nha. Thế nhưng, ngoài ô liu, vùng đất này gần như “không có sự sống” của các loài sinh vật khác, hiếm thấy cỏ dại, hoa hay chim, bướm… Các phương pháp tái sinh được áp dụng từ các trang trại nhỏ đã lan rộng đến các vườn ô liu ngút ngàn nhằm thúc đẩy đa dạng sinh học và cải thiện môi trường đất.

Năm 2016, với sự hỗ trợ tài chính từ chương trình LIFE của EU (tổ chức tài trợ hàng đầu châu Âu về hành động vì môi trường và khí hậu), 20 trang trại ô liu ở khu vực phía nam Tây Ban Nha đã được lựa chọn để áp dụng mô hình nông nghiệp tái sinh, cho phép cỏ và hoa dại sinh sôi giữa các tán cây. Nhiều loài địa phương khác nhau đã được trồng, các hộp gỗ được lắp đặt để chim có thể làm tổ, ao hồ được tạo ra để khuyến khích sự sống của côn trùng.

Một khu rừng ô liu ở Jaén, miền nam Tây Ban Nha. Ảnh Monva SL.

Dự án này mang tên Olivares Vivos, hoạt động từ năm 2015 đến 2020. Nông dân và các tình nguyện viên đã tái tạo lại các đồng cỏ nhỏ, trồng lại rừng và các loài thực vật bản địa. Dự án cho thấy việc áp dụng các phương pháp canh tác tích cực với thiên nhiên đã làm tăng đa dạng sinh học, các loài cây địa phương đã xuất hiện trở lại và phát triển mạnh. Sau ba năm, số lượng ong và chim địa phương lần lượt tăng 47 và 10%, trong khi số lượng các loài cây thân gỗ tăng 172%. Đồng thời, dự án cũng làm tăng giá trị của dầu ô liu thông qua các chứng nhận hữu cơ và giảm sự phụ thuộc vào phân bón của các trang trại lên đến 22%.

Sự thành công của dự án đã truyền cảm hứng cho nông dân trên khắp châu Âu áp dụng các phương pháp canh tác nông nghiệp tái sinh trên chính trang trại của họ. Ý tưởng canh tác tái sinh này cũng thành công trong kinh doanh rượu. Một số vườn nho ở Jaén đã bắt đầu tham gia vào mô hình này.

Nghề trồng nho theo phương pháp tái sinh là một bước tiến quan trọng, tạo động lực toàn diện cho chuỗi sản xuất, coi động vật, đất và hoạt động canh tác là các phần của một hệ thống duy nhất, liên kết chặt chẽ với nhau. Granja Caimito là một trang trại mới ở Andalucia đã dần khôi phục độ phì nhiêu trên 45ha đất. Nhờ việc quản lý đồng cỏ, trang trại đã xuất hiện cỏ xanh, giữ nước trong suốt mùa hè không có mưa.

Hiệp hội trồng nho tái sinh cũng đã được hình thành tại Barcelona với mong muốn trở thành nơi gặp gỡ, chia sẻ thông tin, kiến thức và kinh nghiệm dựa trên quản lý toàn diện và nông nghiệp tái sinh. Tham gia Hiệp hội là 5 nhà máy rượu, doanh nghiệp từ các vùng khác nhau của Tây Ban Nha cùng với công ty tư vấn nông nghiệp AgroAssessor. Tất cả đều cam kết phát triển bền vững. Hiệp hội khuyến khích sự tham gia của nông dân trồng nho, các nhà sản xuất rượu, các nhà nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp.

Các vườn nho đang áp dụng phương pháp canh tác tái sinh. Ảnh Paola de Grenet - The Guardian.

Mặc dù đất đai bạc màu nhưng người dân có rất nhiều năng lượng. Nếu được thúc đẩy, họ có thể đi chặng đường rất dài với các dự án canh tác tái sinh. Cùng với sự riêng biệt của từng trang trại, Hiệp hội đã tổ chức diễn đàn, kết nối nông dân, các chuyên gia, doanh nghiệp với nhau. Thông qua các hội thảo, hội nghị chuyên đề, các buổi tập huấn, họ cùng trao đổi kinh nghiệm, cùng thực hành và học hỏi. Với trang thông tin chính thức www.viticulturaregenerativa.org, Hiệp hội luôn mở cửa cho các cá nhân, tổ chức khắp nơi ở Tây Ban Nha quan tâm đến nghề trồng nho tái sinh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất