, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 01/02/2022, 06:30

Nông nghiệp thịnh thì đất nước thịnh

TẠP CHÍ NÔNG THÔN VIỆT
Việc ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp không chỉ là đối sách hiệu quả vượt qua khó khăn trong năm tới mà còn là kế hoạch “sâu rễ bền gốc” phát triển bền vững kinh tế đất nước.

Đại dịch Covid-19 đã làm đảo lộn mọi dự báo về tình hình kinh tế thế giới năm 2021. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Từ cuối tháng 4, khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, nhiều doanh nghiệp ở phía Nam điêu đứng trước làn sóng lao động tự phát bỏ nhà máy, bỏ thành phố về quê; hàng hóa nguyên liệu, sản phẩm không lưu thông được; dòng vốn bị ách tắc… Mặc dù Chính phủ đã nhanh chóng rút kinh nghiệm, kịp thời chỉ đạo chuyển “trạng thái bình thường mới”: vừa ổn định phát triển sản xuất, vừa phòng chống dịch an toàn hiệu quả, tuy nhiên ba chuỗi cung ứng: lao động, vật tư nguyên liệu, dòng vốn vẫn bị đứt gãy, là di chứng nặng nề để lại cho năm 2022. 

Ảnh minh họa

Năm 2022, tình hình thế giới vẫn có nhiều bất ổn. Cuộc đối đầu giữa các nước lớn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Nhiều động thái cho thấy quan hệ Mỹ - Trung ngày càng đi xuống. Quan hệ Nga - Mỹ và châu Âu cũng không tiến triển trước nguy cơ tiềm ẩn xung đột ở biên giới Ukraine. Trong khi, Trung Đông lại nóng lên với sự trở lại cầm quyền của Taliban ở Afghanistan. IS đang có nhiều dấu hiệu hồi phục gây ra hàng loạt vụ khủng bố lớn ở Afghanistan và Iraq. Đại dịch Covid-19 tưởng chừng đã được khống chế nhờ độ phủ vắc-xin thì biến chủng Omicron xuất hiện. Một lần nữa, nhiều quốc gia lại đóng cửa biên giới. Chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục bị đứt gãy… Tất cả những điều đó đã ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình khôi phục và phát triển kinh tế của nước ta trong năm 2022.

Năm 2022, vẫn dự báo là một năm khó khăn. Cũng như các nước trên thế giới, mục tiêu chống dịch hiệu quả, trước làn sóng tấn công của biến chủng Omicron và những biến chủng tiếp theo vẫn là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên. Tuy nhiên song song với đó vẫn phải có các giải pháp ổn định và phát triển sản xuất, giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Để giữ vững mục tiêu tăng trưởng kinh tế, ngay từ những ngày đầu năm này, Chính phủ cần có những chính sách kịp thời, với mục tiêu rõ ràng, quy định cụ thể nhằm hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục “khủng hoảng đứt gãy” trong cả 3 lĩnh vực, dòng vốn, vật tư nguyên liệu và lao động. Đối với các doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, cần nâng cao tính chủ động “vượt khó” - chuyển hướng sản xuất, sản phẩm, ứng dụng công nghệ, số hóa… để giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn lao động. 

Nông nghiệp là lĩnh vực sản xuất có nhiều rủi ro do thiên tai, dịch bệnh và biến động thị trường. Tuy nhiên, năm 2021, nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế có giá trị xuất khẩu cao nhất, đem lại nguồn ngoại tệ nhiều nhất cho đất nước. Năm 2022, ngành nông nghiệp đề ra nhiều mục tiêu tăng trưởng cao. Tuy nhiên, để nông nghiệp trở thành một ngành kinh tế phát triển bền vững thì việc tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, ứng dụng khoa học công nghệ… vào các khâu từ sản xuất đến chế biến, phải được khuyến khích, đẩy mạnh. 

Những năm qua, nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp từ nuôi trồng đến bảo quản, chế biến, đó là một xu hướng tích cực. Chính phủ cần có chính sách ưu tiên về vốn tín dụng nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực này, để họ thực hiện tốt hơn vai trò dẫn dắt - hợp tác, liên kết với nông dân, bảo đảm cung ứng nguyên liệu chất lượng cho đầu vào và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm của các hộ nông dân, các hợp tác xã nông nghiệp; chú trọng đầu tư các kho chứa bảo quản và các nhà máy chế biến nông sản hiện đại, để làm gia tăng giá trị nông sản. 

Trong những năm qua, mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tuy nhiên, hạ tầng nông thôn, đặc biệt là nông thôn miền núi và các tỉnh Nam bộ vẫn chưa được đầu tư đúng mức. Ba chương trình mục tiêu Quốc gia: Xây dựng Nông thôn mới; Giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững; Phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi - đều nhắm đến đối tượng là nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Tuy nhiên, giữa chủ trương và thực tế vẫn đang có khoảng cách không nhỏ. Điều này phải sớm được khắc phục. Việc hàng triệu nhân công bỏ phố về quê, gây ra tình trạng thiếu lao động cho các nhà máy, xí nghiệp, nhưng nếu có chính sách sử dụng tốt, thì những người ở lại sẽ là lực lượng lao động đáng kể bổ sung cho sản xuất nông nghiệp ở các làng quê lâu nay vốn đang rất thiếu lao động… 

Để kinh tế đất nước phát triển vượt bậc, cần suy ngẫm và áp dụng sáng tạo hơn nữa lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thư gửi các điền chủ và nông gia ngày 14/04/1946: “Nông dân ta giàu thì nước ta giàu. Nông nghiệp ta thịnh thì nước ta thịnh…”. “Muốn phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế nói chung phải lấy việc phát triển nông nghiệp làm gốc, làm chính…”. Năm 2021 khó khăn đứt gãy mà kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản vẫn đạt con số kỷ lục 48,6 tỉ USD. Nên việc ưu tiên đầu tư nhiều hơn cho nông nghiệp không chỉ là đối sách hiệu quả vượt qua khó khăn trong năm tới mà còn là kế hoạch “sâu rễ bền gốc” phát triển bền vững kinh tế đất nước. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất