, //, :: GTM+7

Nông nghiệp tuần hoàn: Xu hướng phát triển bền vững

BÙI TÙNG
(baolongan.vn)
Phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng tuần hoàn giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất; đồng thời, tạo ra những sản phẩm chất lượng, an toàn, giảm thiểu ô nhiễm môi trường,...

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Thực tế cho thấy, việc tận dụng các phế phẩm trong quá trình trồng trọt để làm thức ăn phục vụ chăn nuôi và sử dụng phân gia súc, gia cầm cũng như các nguồn chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón ngược lại cho cây trồng đã được nông dân trên địa bàn tỉnh áp dụng từ lâu. Tuy nhiên, việc áp dụng này chưa theo một quy trình cụ thể nào và hiệu quả mang lại cũng chưa cao. Xuất phát từ nhu cầu đó, ngành Nông nghiệp tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp để hướng dẫn, khuyến khích, nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn hiệu quả.

Người dân tận dụng rơm rạ sau thu hoạch để làm thức ăn cho gia súc

Ông Lê Văn Đáng (xã Tân Hiệp, huyện Thạnh Hóa) chia sẻ: “Tôi có 1,5ha vườn trồng mít, sầu riêng. Thời gian qua, tôi tận dụng các loại cỏ, lá mít, trái mít non và nhiều loại cây lá, rau lang, rau muống trồng trong vườn để chăn nuôi dê và đang có đàn dê hơn 20 con. Nhờ nuôi dê mà tôi thu được lượng phân dê rất lớn, với hơn 20 bao/tháng (40kg/bao) để bón lại cho vườn cây ăn trái”. Hiện ông Đáng còn tận dụng các mương vườn thả nuôi cá, sử dụng các loại rau muống, rau lang và trái cây chín bị hư, dạt có giá rẻ hoặc không bán được để làm thức ăn cho cá. Theo ông Đáng, việc phát triển sản xuất theo hướng kết hợp như vậy đã giúp tiết kiệm được rất nhiều chi phí, nâng cao thu nhập.

Trước nhu cầu sử dụng thực phẩm sạch ngày càng tăng cao, anh Trần Minh Sang (xã An Lục Long, huyện Châu Thành) mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất để phát triển mô hình trồng rau thủy canh kết hợp nuôi cá. Cùng với những ưu điểm về năng suất, mô hình này không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nên thân thiện với môi trường, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Anh Sang cho biết: “Đây là mô hình mô phỏng hệ sinh thái tự nhiên, sử dụng chất thải từ cá để làm chất dinh dưỡng cho rau mà không sử dụng đất, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ vậy, mô hình còn tiết kiệm nước, sức lao động và chi phí do không phải thực hiện một số khâu như làm đất, làm cỏ, vun xới và tưới”.

Anh Trần Minh Sang nuôi cá vừa để bán, vừa lấy chất thải cho rau

Với tổng diện tích 3.500m2, anh chỉ cần từ 1 - 2 nhân công để đo các chỉ số về chất lượng rau, cho cá ăn và bắt sâu cho rau, việc chăm sóc chủ yếu áp dụng giải pháp về công nghệ. Trong quá trình triển khai, từ khi trồng cho đến lúc thu hoạch, từng giàn rau sẽ được ghi chép, theo dõi các yếu tố như nhiệt độ, nồng độ dinh dưỡng để bảo đảm năng suất, chất lượng. Sản phẩm rau trồng theo phương pháp này không chỉ bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có hàm lượng dinh dưỡng cao hơn so với phương pháp canh tác truyền thống.

Hiện nay, các sản phẩm anh trồng chủ yếu là cải ngọt, xà lách, dưa leo, cà chua,... Nhờ trồng trong mô hình khép kín, quy trình được kiểm soát kỹ lưỡng nên các sản phẩm rau thủy canh đạt năng suất, chất lượng và an toàn so với phương pháp trồng thông thường. Bên cạnh đó, anh còn có được nguồn thu nhập khá từ việc bán cá.

Khuyến khích, hỗ trợ nông dân

Toàn tỉnh hiện có khoảng 300.000ha đất sản xuất nông nghiệp với tổng sản lượng lúa hàng năm đạt khoảng 2,7 triệu tấn; tổng sản lượng các loại trái cây đạt gần 500.000 tấn; khoảng 200.000 tấn rau màu các loại; nuôi thủy sản đạt sản lượng trên 72.000 tấn. Ngoài ra, tỉnh còn có hơn 9,2 triệu con gia cầm và 120.000 con gia súc. Ðể phát triển nông nghiệp và nâng cao thu nhập cho nông dân, thời gian qua, ngành Nông nghiệp tỉnh tích cực khuyến khích; đồng thời, có chính sách hỗ trợ về vốn, kỹ thuật, xây dựng mô hình,... để nông dân áp dụng được các tiến bộ kỹ thuật và thiết bị, máy móc, công nghệ mới nhằm khai thác hiệu quả các phế, phụ phẩm trong nông nghiệp. Ðặc biệt, ngành Nông nghiệp đã tích cực hỗ trợ nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa khâu thu gom rơm; tập huấn cho nông dân về cách xử lý rơm rạ và các chất thải trong chăn nuôi để làm phân bón hữu cơ, sử dụng rơm để sản xuất nấm rơm và phục vụ chăn nuôi.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Chí Thiện cho biết, ngành Nông nghiệp tỉnh xác định, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp thông minh là những trụ cột cơ bản để xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, xanh, bền vững trong thời gian tới. Trong đó, nông nghiệp tuần hoàn được xem là giải pháp giúp nông dân giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần bảo vệ và cải thiện môi trường trong sản xuất nông nghiệp.

Không chỉ dừng lại ở việc sản xuất tuần hoàn, ngành Nông nghiệp tỉnh còn tập trung hướng dẫn người dân phát triển các chuỗi sản xuất trong mối quan hệ nông nghiệp tuần hoàn. Đồng thời, ngành tăng cường công tác khuyến cáo các giải pháp kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn để tạo điều kiện lan tỏa, phát triển nông nghiệp tuần hoàn. Qua đó, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng thu nhập cho nông dân.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất