, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 09/11/2021, 06:00

Nông nghiệp Việt Nam: Khát vọng trở thành thước đo mức độ bền vững của quốc gia

TÂN THÀNH
Không chỉ là “trụ đỡ” của nền kinh tế khi đất nước ở vào thời điểm khó khăn, ngành nông nghiệp còn đang hướng đến khát vọng vươn tầm, đủ sức trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”, theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan.


Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đại dịch Covid-19 khiến kinh tế đất nước rơi vào giai đoạn khủng hoảng nhất trong nhiều năm, dù đã được dự báo phần nào từ những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh toàn cầu. Có thể nhận định rằng, ngay năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, thách thức nhiều hơn cơ hội, tác động sâu rộng không chỉ trong ngắn hạn, mà kéo dài qua trung hạn, thậm chí đến dài hạn.
Song, luôn còn đó tín hiệu lạc quan, tích cực đến từ điểm tựa niềm tin của doanh nghiệp và người dân về sự phục hồi kinh tế sau đại dịch trong điều kiện bình thường mới. Kinh tế vĩ mô vẫn ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm… Trước nhiều thách thức, ngành nông nghiệp tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2021, tốc độ tăng trưởng đạt 2,74%. Riêng trong quý 3, mặc dù dịch bệnh diễn ra trên diện rộng ở 19 tỉnh, thành phía Nam, nhưng giá trị gia tăng của ngành nông nghiệp đạt 1,04%, so cùng kỳ. Lương thực, thực phẩm vẫn đảm bảo nguồn cung và góp phần vào an sinh xã hội ở các đô thị lớn trong điều kiện giãn cách xã hội. Kim ngạch xuất khẩu nông - lâm - thủy sản đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu cả năm. 
Khi các đô thị lớn thực hiện giãn cách xã hội, nhiều lực lượng lao động cùng lúc trở về quê, nhất thời tạo ra áp lực lớn nhưng đồng thời cũng cho thấy vai trò hậu phương quan trọng của nông thôn.
Tuy nhiên, ngành nông nghiệp cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn từ các vấn đề nội tại lẫn các yếu tố khách quan như biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng của thế giới. Giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, chi phí logistics tăng mạnh khiến lợi nhuận của nông dân và doanh nghiệp không tương xứng với giá trị tăng trưởng của ngành… Thực tế cho thấy, nền nông nghiệp vẫn phụ thuộc nhiều vào nước ngoài, tính tự chủ chưa cao, năng lực, trình độ của doanh nghiệp trong nước, hợp tác xã nông nghiệp chưa theo kịp ưu thế, tiềm lực của các nhà đầu tư, doanh nghiệp nước ngoài.

 


Để ngành nông nghiệp tiếp tục đảm trách vai trò “trụ đỡ” bền vững, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chiến lược Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030 đang được dự thảo và lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước; dự kiến sẽ trình trong cuối quý 4/2021. Chiến lược này sẽ hiện thực hóa quan điểm chỉ đạo và định hướng của Đại hội XIII của Đảng, trong đó, nhấn mạnh đến đổi mới mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp dựa trên động lực “Khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số”.
Chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng Nông thôn mới. Chiến lược cũng xoay quanh 3 trụ cột “nông nghiệp sinh thái” - “nông thôn hiện đại” - “nông dân thông minh” và quan tâm đặc biệt đến thể chế nhằm tập trung khơi thông nguồn lực; tăng cường hợp tác công tư trong tổng thể phát triển gắn kết, hài hòa “Nhà nước - thị trường - xã hội”.  Đối với nguồn nhân lực trong nông nghiệp, chiến lược hướng đến xây dựng tầng lớp nông dân thông minh, chuyên nghiệp, được huấn luyện nghề nông và cả ngành nghề phi nông nghiệp. 

Cần hướng đến nền nông nghiệp bền vững, hiện đại.
 


Gợi mở từ “Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050” vừa được Chính phủ ban hành, ngành nông nghiệp xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những “giá trị xanh” được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”. Song song với mục tiêu duy trì, cải thiện năng suất, sản lượng, nền nông nghiệp cần phát triển tích hợp đa giá trị.
Tích hợp đa giá trị là tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác trong điều kiện đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp và chịu tác động từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh; là tạo ra giá trị tăng thêm dựa trên khai thác hiệu quả các nguồn lực khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thay cho thực trạng tăng trưởng dựa trên thâm dụng lao động, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên; là kết tinh tài nguyên bản địa với các kỹ thuật, công nghệ chế biến tiên tiến và cả những bản sắc văn hóa - xã hội để tạo ra thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; là kết nối hài hòa nông nghiệp truyền thống với các mô hình nông nghiệp hữu cơ, thông minh, tuần hoàn...
Với cách thức tiếp cận đa giá trị, các công trình hạ tầng, các đề án, kế hoạch phục vụ, hỗ trợ phát triển nông nghiệp, hay mở rộng ra đến tất cả các vấn đề của ngành nông nghiệp, đều có thể được quan sát, nhìn nhận trong tổng thể của sự kết nối, của tính đa công dụng, đa chức năng, đa mục tiêu. 
Ví dụ như ở ngành lâm nghiệp, một khu rừng không chỉ có giá trị trong khai thác, chế biến gỗ mà còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính đa dụng của nó. Cùng với giá trị từ cây gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, những loài thảo mộc tự nhiên, dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao; là nơi trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí các-bon, giúp cân bằng hệ sinh thái. Những giá trị gần như vô hình đó tạo ra không gian sống hài hòa, thân thiện giữa con người với thiên nhiên…

 


Một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình chuyển đổi tăng trưởng trong nông nghiệp nằm ở các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã nông nghiệp. Nhiều nền nông nghiệp phát triển đều quan tâm đầu tư vào hợp tác xã nông nghiệp. Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị các địa phương quan tâm đến hợp tác xã, một thiết chế kinh tế - xã hội nông thôn. Khi nói về hợp tác xã, Bác Hồ đã đúc kết: “Nhóm lại thành giàu, chia ra thành khó”. Nếu tất cả trông chờ vào nguồn vốn hữu hạn của Nhà nước thì sẽ không bao giờ đáp ứng đủ cho nhu cầu vô hạn của xã hội. Huy động vốn từ cộng đồng, hợp tác xã, doanh nghiệp đối tác sẽ là một giải pháp cơ bản, bền vững trong nền kinh tế thị trường mà cả thế giới đã làm trăm năm nay, thay vì chỉ trông cậy vào sự hỗ trợ từ Nhà nước.
Vấn đề cần quan tâm là những chương trình, chính sách hỗ trợ phù hợp, giúp nâng cao năng lực và chất lượng hoạt động của các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã nông nghiệp. Theo đó, hợp tác xã và nông dân (thành viên hợp tác xã) được trang bị đầy đủ kiến thức để có thể lập phương án sản xuất kinh doanh phù hợp, khả thi; xây dựng bảng cân đối tài chính minh bạch nhằm thuyết phục được người tham gia góp vốn gia tăng sản xuất, thu về lợi nhuận…

Xin cảm ơn Bộ trưởng! 

TÂN THÀNH thực hiện

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất