, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 30/11/2021, 10:17

Nông nghiệp Xanh - một số khuyến nghị từ cộng đồng quốc tế

ĐỨC HUY - TÙNG ĐINH
(nongnghiep.vn)
Hôm nay, 30/11, sẽ diễn ra Đối thoại chính sách cấp cao: Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp, do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì.
Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm đang là đòi hỏi tất yếu. Ảnh: Tùng Đinh.

Hôm nay, ngày 30/11, sẽ diễn ra Đối thoại chính sách cấp cao: Chuyển đổi sang Hệ thống lương thực, thực phẩm xanh, phát thải thấp, do Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, các chuyên gia, nhà quản lý trong và ngoài nước.

“Tầm nhìn mới trong nông nghiệp” là sáng kiến bao trùm của Diễn đàn Kinh tế thế giới, nhằm mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, trách nhiệm. Việt Nam đang hiện thực hóa sáng kiến này ở một chuỗi ngành hàng gồm cà phê, gạo, chè, rau quả, thủy sản, hồ tiêu, chăn nuôi, hóa chất nông nghiệp.

Tại nhiều diễn đàn, cuộc họp gần đây, Bộ trưởng Lê Minh Hoan luôn nhấn mạnh đến định hướng xây dựng Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn bền vững đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

“Chiến lược hướng đến mục tiêu cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; đồng thời xoay quanh ba trụ cột: “nông nghiệp sinh thái”, “nông thôn hiện đại”, “nông dân thông minh”. Ngành nông nghiệp cũng xác định yêu cầu chuyển đổi từ “tư duy sản xuất” sang “tư duy kinh tế”, hướng tới những giá trị xanh được tạo nên từ “chuyển đổi xanh, tiêu dùng xanh, kinh tế xanh”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Môi trường nuôi thủy sản theo hướng Xanh đòi hỏi giảm thiểu sử dụng hóa chất và kháng sinh. Ảnh: Tùng Đinh.

Đẩy mạnh tích hợp các giá trị xanh, đa dạng sinh học và văn hoá sẽ là những bước đột phá đưa Việt Nam trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo lương thực thực phẩm của châu Á thay chỉ vì xuất khẩu sản phẩm thô, làm gia công, giá trị gia tăng thấp, dựa trên khai thác cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và nguồn lực xã hội.

Đồng cảm với định hướng chiến lược của ngành Nông nghiệp, ông Alan Matthews - GS danh dự về Chính sách nông nghiệp châu Âu tại Trường Trinity (Dublin, Ailen) chia sẻ mục tiêu có nhiều nét tương đồng của Liên minh châu Âu qua chiến lược “Từ trang trại đến bàn ăn” - các mục tiêu chính đến năm 2030. Theo đó, EU đặt chỉ tiêu cụ thể: Giảm 50% nhu cầu sử dụng và nguy cơ sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và 50% nhu cầu sử dụng thuốc trừ sâu độc hại hơn vào năm 2030; 25% diện tích nông nghiệp áp dụng sản xuất hữu cơ; giảm thất thoát chất dinh dưỡng ít nhất 50% trong khi đảm bảo không làm suy giảm độ phì nhiêu của đất (điều này sẽ giúp giảm nhu cầu sử dụng phân bón ít nhất 20% vào năm 2030); giảm 50% doanh số bán thuốc kháng sinh.

Theo GS Alan Matthews, chiến lược Từ trang trại đến bàn ăn và khử cacbon trong nông nghiệp EU sẽ làm giảm sản lượng của EU và tạo cơ hội xuất khẩu cho các nước thứ ba. Tuy vậy, xâm nhập thị trường nông sản EU không vì thế mà dễ hơn, bởi yêu cầu phải đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững cao, doanh nghiệp xuất khẩu phải chứng minh khả năng và hành động thực tế trong việc tuân thủ các tiêu chuẩn đó.

Giảm thuốc trừ sâu, tăng sử dụng phân bón hữu cơ sẽ giúp nông sản đầu ra tiệm cận dần tiêu chuẩn Xanh. Ảnh: Tùng Đinh.

Những bài học cụ thể tại Trung Quốc cũng được chuyên gia Jikun Huang từ Trung tâm Chính sách nông nghiệp Trung Quốc thuộc Đại học Bắc kinh đưa ra để góp ý với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi sang nền nông nghiệp giảm phát thải.

Từ năm 1999, Trung Quốc đã triển khai đồng loạt nhiều chiến lược và chính sách tầm quốc gia hướng tới mục tiêu Nông nghiệp Xanh. Có thể kể đến Chương trình Ngũ cốc Xanh, trong đó chuyển đối đất dốc nông nghiệp sang đất rừng hoặc đất trồng cỏ với kết quả là đến năm 2018 đạt được đột phá môi trường sinh thái và nông nghiệp bền vững, giúp hơn 41 triệu hộ gia đình nông thôn được hưởng lợi khi trên 500 triệu mu đất nông nghiệp (15 mu = 1ha) được chuyển đổi và nhà nước đã hỗ trợ cho chương trình hơn 500 tỷ nhân dân tệ.

Hay nhờ vốn đầu tư ngân sách trên 380 tỷ nhân dân tệ trong cùng giai đoạn, khoảng 2.960 mu (chiếm 64% diện tích rừng của Trung Quốc và 83% trữ lượng rừng) rừng được bảo vệ nhờ ngừng hoàn toàn việc khai thác gỗ thương mại.

Hay Chương trình đền bù sinh thái đồng cỏ nhằm giảm cường độ chăn thả thông qua đền bù (thí điểm tầm quốc gia từ năm 2011) với tổng vốn đề bù đến năm 2020 lên tới 171 tỷ nhân dân tệ và từ năm 2010 đã thực hiện những bước đầu tiên tiến tới nền sản xuất nông nghiệp tuần hoàn như sử dụng toàn diện rơm rạ và phân gia súc, luân canh đất nông nghiệp, bảo tồn đất hoang hóa và thu hồi đất bạc màu thông qua các chương trình trợ cấp; thúc đẩy sử dụng phân bón hữu cơ...

Theo chuyên gia Jikun Huang, bước chuyển lớn nhất sang nông nghiệp Xanh tại Trung Quốc bắt đầu vào năm 2017, thể hiện bằng các chính sách: Kế hoạch thành lập các Định chế và Hệ thống khuyến khích “đổi mới hệ thống và cơ chế để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh”; hay năm 2018 Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc ban hành Hướng dẫn kỹ thuật về Phát triển nông nghiệp Xanh giai đoạn 2018 – 2030; xây dựng một hệ thống công nghệ hiệu quả, an toàn, giảm phát thải, tuần hoàn, thông minh và tích hợp để phát triển nông nghiệp Xanh, thúc đẩy các đổi mới khoa học - công nghệ phục vụ nông nghiệp Xanh.

Ngay trong năm 2021, Bộ Nông nghiệp và Nông thôn Trung Quốc đã cùng với 6 Bộ khác ban hành Kế hoạch phát triển xanh trong lĩnh vực nông nghiệp như một thành phần trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 14 (2021 - 2025).

Nông nghiệp Việt Nam không chỉ phục vụ 100 triệu dân Việt Nam, mà đã đứng vào top 15 cường quốc xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, vươn tới thị trường trên 190 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Người tiêu dùng yêu cầu nông sản đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng và phân phối tiện lợi hơn. Sản xuất nông nghiệp, xuất khẩu nông sản phải xanh, nhân đạo và ổn định. Thị trường mới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải được sản xuất có trách nhiệm với người tiêu dùng, với sự bền vững của môi trường toàn cầu.

Trong vòng 10 năm qua, Việt Nam được đánh giá là đã thể hiện cam kết đáng kể trong việc thúc đẩy con đường tăng trưởng bền vững hơn và tăng cường nỗ lực cả về thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu. Điều này được thể hiện trong một số lượng lớn các chiến lược, kế hoạch, nghị quyết và văn bản sửa đổi.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ngân Thế giới (WB), một số trong số này chỉ ở mức độ thử nghiệm hoặc chưa được lồng ghép đầy đủ ở các ngành.

Ông Steven Jaffee từ WB cho rằng tác động lớn đến môi trường của ngành nông nghiệp Việt Nam là do nhiều nguyên nhân, bao gồm sử dụng vật tư đầu vào quá mức, không hiệu quả (nước tưới, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc kháng sinh), quản lý chất thải hoặc đầu ra kém và suy thoái các hệ sinh thái tự nhiên như rừng ngập mặn, trữ lượng hải sản...

Suy thoái môi trường nông nghiệp hiện đang tác động tiêu cực đến tăng trưởng nông nghiệp, năng suất và sinh kế. Ông Steven Jaffee nêu một số ví dụ cụ thể: Đánh bắt quá mức gần bờ và mất sinh kế của hàng trăm nghìn người; tưới nước và bón phân quá mức làm cà phê bị già cỗi trước tuổi trưởng thành và giảm năng suất; độc canh cây lúa làm thoái hóa đất và tăng khả năng kháng sâu bệnh; đất và nước bị ô nhiễm làm thuỷ sản bị chết kéo theo tăng sử dụng hóa chất và kháng sinh; rừng ngập mặn suy thoái làm tăng tính dễ bị tổn thương của nông nghiệp ven biển...

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất