, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/04/2024, 06:00

Nông sản cần “bà đỡ” để bứt phá trên sóng “livestream”

ÁI MỸ
Năm 2023, thương mại điện tử (TMĐT) Việt Nam nằm trong top đầu của thế giới với tốc độ tăng trưởng 25%. Con số này dự báo sẽ tiếp tục tăng trong năm 2024, nhất là xu hướng livestream và bán hàng đa kênh đang được xem là công cụ chủ lực để gia tăng tiêu dùng nội địa - một trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Trong “cơn lốc” ấy, giao dịch nông sản dù chưa hẳn đã được “cuốn” và “cuốn” được theo cùng; thậm chí chiếm một tỷ lệ khá khiêm tốn trong tỷ trọng 10% tổng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ. Song, phạm vi phủ sóng của nó lại rất mạnh mẽ.

Bằng chứng là ngay từ cú lên sóng đầu tiên tại thị trường TMĐT hàng đầu của cả nước, dòng sản phẩm OCOP đã tạo ra cú twist ngoạn mục tại huyện đảo Cần Giờ. Cho đến phiên livestream ở ngôi chợ di sản Bến Thành thì thật sự là cuộc soán ngôi của các mặt hàng nông sản, đặc sản so với may mặc, túi xách…

Một thống kê khá thú vị trong năm 2023, chiếm vị trí top 3 của 10 mặt hàng được người tiêu dùng số nhắc đến nhiều nhất trên các nền tảng giao dịch ở cả Hà Nội và TP.HCM là chiếu và rau củ!

Rõ ràng, với gần 400 sàn TMĐT đang hiện diện cùng cuộc đua của 5 ông lớn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo, Tiktok Shop, trong đó phải kể đến con số hơn 105.000 nhà bán hàng trên 4 sàn Shopee, Lazada, Tiki, Sendo rời khỏi thị trường năm qua đã cho thấy sức cạnh tranh khắc nghiệt trong từng giờ, từng phút trên mỗi cây số, mỗi đơn hàng. 

Xu thế đã thuộc về TMĐT song đón đầu nó để khai thác, phát triển lại không thể, không được “đi tắt”. Nói đúng hơn, từ lợi thế nhanh nhạy nắm bắt xu thế, dân số trẻ nên năng động, chuộng dịch vụ mới nên có sức tăng trưởng tăng cao trong thời gian ngắn nhất. Nhưng để đảm bảo cho “nội hàm” của một nền kinh tế số và sự vận hành chuyên nghiệp, bền vững của TMĐT thì chúng ta còn thiếu và yếu nhiều thứ. 

Đơn cử ngay trong lĩnh vực nông sản, nơi có nhiều mặt hàng nhanh hư hao, dễ hỏng hóc, đa phần sản vật lại ở vùng sâu vùng xa. Thiết lập hệ thống bảo quản, nhà kho, giao vận như thế nào để đảm bảo cả về chất lượng hàng hóa, thời gian đến tận tay khách hàng là cả một bài toán khó. 

Hơn thế nữa, tiêu chí hàng đầu và cốt lõi của giao dịch TMĐT là chất lượng sản phẩm, hàng hóa; trong đó truy xuất nguồn gốc là nguyên tắc sống còn. Mà thật ra, giao dịch ngoại tuyến (offline) hay trực tuyến (online) thì chất lượng hàng hóa cũng luôn là đòi hỏi quan trọng nhất.

Song, trong thế giới phẳng, cái tính “ảo” kia vốn dễ gieo cho con người sự hoài nghi thì chất lượng thực lại càng cần và bị thử thách nhiều hơn. Do đó, không còn cách nào khác, điều tiên quyết chính là chất lượng thực đi cùng nhận thức - kiến thức biểu thị thành thái độ đúng đắn, xác thực trong khâu truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Chứ không phải là tính đối phó, hình thức, dễ dãi như lâu nay, ở nhiều nơi. 

Đây cũng là phép thử đối với các cơ sở kinh doanh, người bán hàng trong việc nói không với hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc; với lực lượng chức năng trong việc truy quét hàng hóa xâm phạm sở hữu trí tuệ, vi phạm về nhãn hàng hóa, hàng nhập lậu, không hóa đơn, chứng từ vẫn đang hoành hành. Được biết, trong bước đi hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với một trong những big tech mà đại diện là Tiktok Việt Nam không chỉ có hạ tầng công nghệ, kỹ năng bán hàng mà còn nhất quán tiêu chí truy xuất nguồn gốc sản phẩm trước khi lên sóng livestream. 

Từ đó, nhìn rộng ra, vai trò “bà đỡ” của các cơ quan chức năng cần thể hiện “ngay và luôn” cả về cơ chế lẫn nguồn lực đầu tư, trong đó đặc biệt là tập trung đầu tư hạ tầng cơ sở logistics bởi chỉ tính riêng chi phí vận chuyển giao hàng nông sản thì tỷ trọng đã chiếm từ 20 - 30%, có nơi tới 40%. Nó là tác nhân chính làm gia tăng giá thành, giảm tính cạnh tranh, dẫn đến hệ quả tất yếu thua trên đường đua! 

Cú “hủy đơn” của Giao Hàng Tiết Kiệm - một trong những đơn vị eLogistics lớn tại Việt Nam ít nhất trong 2 tuần trước Tết Giáp Thìn vừa qua đã cho thấy “lỗi giao tiếp” trên thị trường TMĐT. Chỉ cần lượng đơn đổ về cao đột biến là sức tiếp nhận, vận chuyển, xử lý ngay lập tức bị tắc nghẽn ở một số khu vực trung tâm. 

… 

Một phiên livestream của diễn viên Angela Phương Trinh có thể chốt đơn lên đến bạc tỷ. Tại phiên chợ Tết Giáp Thìn vừa qua, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức - Hoàng Tùng đã livestream cổ vũ bán hàng. Và không hiếm những khuôn mặt nơi đồng sâu ruộng cạn giờ cũng đã quen đứng trước ống kính để nói về cây, con, củ quả do mình trồng, nuôi, thu hoạch… Tất cả là thực qua bộ công cụ mang tên công nghệ số.

Vì thế, như từ khóa và cũng là “chìa khóa” mà các chủ sàn TMĐT đưa ra: “truy xuất nguồn gốc sản phẩm”, nó là giá trị thực của mọi giao dịch trên các sàn TMĐT. 

Hãy bắt đầu từ đó và cũng chỉ có nó - chất lượng hàng hóa để kết nối đồng bộ với chuỗi công nghệ - dịch vụ thì mới làm nên uy tín thị trường, tạo sức tăng trưởng bền vững của nền kinh tế. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất