, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 24/03/2022, 08:02

Nông sản miền Tây “luẩn quẩn”: Giá mít Thái rớt thê thảm, vì đâu?

PV
(vov.vn)
Khi “tắc biên” diễn ra, các thương lái thờ ơ, không mua hoặc mua cầm chừng với giá không tưởng từ 5.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, nhiều thời điểm còn thấp hơn hoặc chẳng ai đến mua.

Câu chuyện “tắc biên” không còn xa lạ với người dân, doanh nghiệp miền Tây. Tuy nhiên, mỗi lần diễn ra đã khiến nhiều loại nông sản chủ lực rớt giá “thê thảm”; nông dân “ngóng” thương lái, còn thương lái chờ tín hiệu thị trường, có thông quan được mới dám mua, nếu không thì đành chịu.

Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn tới thực trạng này và vùng sản xuất trái cây trọng điểm cả nước làm thế nào để vượt qua vòng “luẩn quẩn”, “mù mờ” về cung - cầu. Trong bài đầu của loạt bài: “Nâng cao giá trị nông sản miền Tây - bắt đầu từ thay đổi tư duy”, nhóm phóng viên VOV thường trú khu vực ĐBSCL sẽ làm rõ căn nguyên vấn đề diễn ra thường xuyên và lặp đi, lặp lại trong nhiều năm qua.

- "Bị dội chợ người ta không ăn. Giá chợ sụt thì lái mua sụt. Có giá thì lời, giá rẻ thì không có lời".

- "Mít Thái bây giờ thấy có mấy ngàn đồng một kg, trước kia xuất khẩu được mười mấy, hai chục nghìn đồng có lời. Bây giờ tiền phân còn không đủ, thua rồi".

Đây là những lời chia sẻ của bà Trần Thị Chính, xã Trường Thành, huyện Thới Lai và anh Phan Văn Nghĩa, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, Thành phố Cần Thơ. Chính những nhà vườn này chua chát cho rằng, khi đường tiểu ngạch sang Trung Quốc “tắc”, nông sản vùng ĐBSCL lại “bí”. Nếu như xuất khẩu ổn định thì giá mít Thái hay vú sữa của hai chủ vườn bán được giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg.

Giá mít Thái xuống thấp khi cửa khẩu tắc biên, nhiều lúc mít chín tại cây mà vẫn ngóng thương lái.
Giá mít Thái xuống thấp khi cửa khẩu tắc biên, nhiều lúc mít chín tại cây mà vẫn ngóng thương lái.

Còn khi “tắc biên” diễn ra, các thương lái thờ ơ, không mua hoặc mua cầm chừng với giá không tưởng từ 5.000 đồng đến 8.000 đồng/kg, nhiều thời điểm còn thấp hơn hoặc chẳng ai đến mua. Với giá bán như vậy sẽ không đủ chi phí phân bón và nhân công, nhiều nhà vườn đành phải bỏ trái để chờ vụ sau.

Nắng mưa với ruộng vườn miền Tây, người dân giờ đây cũng đủ hiểu rằng, việc nông sản phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường mà không có hướng tiếp cận khác thì thua thiệt là điều tất yếu. Cái vòng “luẩn quẩn” này đã thành thông lệ và lặp đi, lặp lại suốt một thời gian dài ở vùng đất Chín rồng khi vẫn đang tự hào với danh xưng vựa thủy sản, trái cây, lúa gạo cả nước.

Câu chuyện tắc biên không phải là vấn đề mới. Trong khi đó, thị trường Trung Quốc không còn dễ tính như trước đây. Các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm những năm gần đây ngày một gắt gao hơn.

Tắc biên giá trái cây miền Tây xuống thấp không đủ chi phí đầu tư.
Tắc biên giá trái cây miền Tây xuống thấp không đủ chi phí đầu tư.

Hơn 20 năm quen với công việc đi thu mua các loại trái cây xuất khẩu tiểu ngạch, anh Mai Thanh Hải, tại thành phố Cần Thơ nhìn nhận, mặc dù biết những rủi ro luôn thường trực, nhưng không thể làm khác. Bởi vì tư duy thời vụ và tư duy thương vụ đã ăn sâu vào suy nghĩ, thói quen của người làm nông và cả doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Giờ đây, trước khó khăn này, anh Mai Thanh Hải mong muốn có vốn lớn hơn để đầu tư kho lạnh dự trữ và tìm kiếm thêm thị trường xuất khẩu, không quá trông chờ ở một thị trường để rồi rủi ro lại thuộc về mình.

"Tôi có vốn đầu tư kho, nên dịch bệnh hoặc công hàng không đi được thì mình mua dự trữ lại hết, sau này hàng thông thương mới bung ra bán. Còn nếu không có kho, bãi thì mua về để đó phải chấp nhận hư, thối"- anh Hải cho hay. 

Anh Phan Văn Nghĩa, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ bên vườn mít Thái gần 1.000 cây của gia đình.
Anh Phan Văn Nghĩa, ngụ phường Long Tuyền, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ bên vườn mít Thái gần 1.000 cây của gia đình.
Bà Trần Thị Chính, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đang thu hoạch vườn vú sữa.
Bà Trần Thị Chính, xã Trường Thành, huyện Thới Lai, TP. Cần Thơ đang thu hoạch vườn vú sữa.

Khó khăn về đầu ra của người dân Miền Tây chưa thể giải quyết một sớm, một chiều khi hình ảnh hàng dài xe container chở nông sản ùn ứ, nối đuôi nhau tại các cửa khẩu phía Bắc.

Thực tế đặt ra cho thấy, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản còn quá nhiều phụ thuộc vào một thị trường, trong khi hoạt động thông quan hàng hóa trên toàn tuyến biên giới phía Bắc đã, đang và dự báo sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, dự báo từ Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) trong quý I/2022, sản lượng trái cây chính ở các tỉnh thành phía Nam khoảng 1,3 triệu tấn. Trong đó, thanh long khoảng 240.000 tấn; chuối 250.000 tấn; xoài 244.000 tấn; mít 158.000 tấn; bưởi 143.000 tấn; cam 132.000 tấn và dứa khoảng 127.000 tấn… Đây là thách thức đặt ra cho ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương trong việc quy hoạch, quản lý và nhận định thị trường.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, diện tích cây ăn trái cần tiêu thụ trong quý I ở vùng ĐBSCL chiếm khoảng 70% diện tích cây ăn trái cả nước. Chính sản lượng lớn, trong khi xuất khẩu gặp khó đã tạo ra áp lực tiêu thụ trái cây.

Giá mít Thái giảm sâu người trồng ngóng thương lái để thu mua.
Giá mít Thái giảm sâu người trồng ngóng thương lái để thu mua.

Ông Lê Thanh Tùng phân tích, năng lực chế biến trái cây trong nước còn hạn chế, chủ yếu xuất khẩu trái tươi. Nếu gặp khó khăn, khi đó việc tiêu thụ sẽ vô cùng gian nan. Vì vậy, cần phải nắm sát sản lượng, chất lượng cây ăn trái, đẩy mạnh đánh giá cấp mã số vùng trồng, xây dựng kế hoạch tiêu thụ, kết nối doanh nghiệp thu mua trái cây và đẩy mạnh bảo quản, chế biến trái cây.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc quản trị vùng trồng, xây dựng các quy trình để đảm bảo được yếu tố về an toàn thực phẩm cũng như là cố gắng để đạt được các tiêu chí, các mục tiêu, chỉ tiêu mà các quốc gia thu mua đặt ra cho các nông sản của Việt Nam" - ông Tùng cho biết. 

Giờ đây ngoài việc phối hợp giải quyết để thông quan những xe container nông sản ở một số cửa khẩu thì ở góc độ địa phương, việc trồng và tiêu thụ nông sản đang được quan tâm chặt chẽ. Trong đó, thêm lần nữa, vấn đề nâng cao chất lượng và giá trị nông sản để xuất sang nhiều thị trường đang được các địa phương, doanh nghiệp tiếp tục gỡ khó, tìm hướng.

Anh Mai Thanh Hải, một thương lái ở Cần Thơ thu mua mít Thái cho người dân.
Anh Mai Thanh Hải, một thương lái ở Cần Thơ thu mua mít Thái cho người dân.

Những gì đang diễn ra cho thấy việc phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường xuất khẩu đã làm gia tăng tính rủi ro cho doanh nghiệp, người dân và gây áp lực rất lớn đến phát triển bền vững ngành hàng trái cây hiện nay.

Thực tế cho thấy, một số nơi đã đi tiên phong trong vấn đề này nên dường như rất ít khi gặp khó khăn về vấn đề thị trường, điển hình như quả vải ở Bắc Giang, Hải Dương; cá ngừ đại dương ở Phú Yên... Nhưng nhiều nông sản khác, nhiều địa phương khác, nhiều ngành hàng khác chưa làm được như vậy.

Đã đến lúc cần có sự thay đổi trong tư duy sản xuất. Mỗi sự thay đổi đều không đơn giản và đều phải có lộ trình. Điều hiển nhiên, nếu không khởi hành thì sẽ không có kết thúc.

Trong phần hai của loạt bài “Nâng cao giá trị nông sản miền Tây - bắt đầu từ thay đổi tư duy”, nhóm phóng viên VOV sẽ phân tích, làm rõ những điểm nghẽn, từ đó hệ thống các giải pháp thúc đẩy lưu thông, tiêu thụ nông sản ở vựa trái cây trọng điểm của cả nước. Mời độc giả quan tâm theo dõi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Nền thẩm mỹ bản địa đã mách bảo kiến trúc sư tặng một “link” bay bổng cho chủ nhà, mà nhìn qua, chỉ còn cách thốt lên hai chữ bồng bềnh.

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất