, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 16/11/2022, 19:55

"Nông sản, thực phẩm Việt Nam: Hướng tới phát triển nông nghiệp xanh”

TUẤN ANH
Đó là chủ đề của Hội nghị quốc tế ngành Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2022 do Bộ Công thương phối hợp với các đối tác trong và ngoài nước tổ chức chiều 16/11/2022 tại TP.HCM, trong khuôn khổ Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2022.
Quang cảnh sự kiện.

Phát triển nhanh nhưng chưa bền vững

Việt Nam là 1 trong 15 quốc gia xuất khẩu nông sản lớn nhất thế giới. Tỷ trọng xuất nhập khẩu nông sản Việt tăng trưởng nhanh và ổn định với trên 200 thị trường quốc tế. 

Tuy nhiên, sau nhiều năm theo đuổi sản xuất nông nghiệp thâm canh để gia tăng sản lượng, chất lượng đất đai ngày càng suy thoái, ngành nông nghiệp đã phải gánh chịu những hệ lụy không nhỏ. Các doanh nghiệp nông nghiệp đã bắt đầu “hụt hơi” do giá cả xuống thấp, chi phí sản xuất tăng cao, do biến đổi khí hậu, đại dịch Covid-19 gây khủng hoảng kinh tế, đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu…

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng sản xuất xanh, ít phát thải và phát triển bền vững là mục tiêu Việt Nam theo đuổi.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, để tiếp tục duy trì tăng trưởng, tăng khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nhiều thách thức ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thì sản xuất xanh, ít phát thải và phát triển bền vững hiện đã trở thành mục tiêu mà nhiều quốc gia đang theo đuổi, trong đó có Việt Nam. 

Riêng với ngành thực phẩm, đồ uống, sau dịch Covid-19, xu hướng chung của người tiêu dùng là lựa chọn những sản phẩm không chỉ đảm bảo về an toàn thực phẩm mà còn có chức năng giúp tăng cường sức khỏe. Đứng trước những yêu cầu mới của thời cuộc, các doanh nghiệp sản xuất nông sản, thực phẩm buộc phải ưu tiên cho những sản phẩm nông sản - thực phẩm xanh, sạch; giá trị dinh dưỡng, giá trị dược tính cao; thân thiện với môi trường. Xu hướng tiêu dùng mới này sẽ trở thành động lực tăng trưởng cho các doanh nghiệp ngành thực phẩm và đồ uống.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển thị trường nông sản.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định nhiều năm nay, nông sản - thực phẩm luôn là một trong những ngành kinh tế quan trọng và còn nhiều tiềm năng phát triển của Việt Nam. 

Tuy nhiên, đây cũng là những mặt hàng chịu ảnh hưởng trước tiên khi đại dịch Covid-19 xảy ra, hoạt động xuất khẩu đình trệ do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong năm 2021, các doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống đều giảm sản lượng tiêu thụ. Kim ngạch một số mặt hàng bị giảm, nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động hoặc phá sản. 

“Tuy nhiên, nếu có sự chuẩn bị tốt, nắm bắt, cập nhật và thích ứng kịp thời với diễn biến thị trường, doanh nghiệp Việt vẫn hoàn toàn có thể thực hiện hoạt động xuất khẩu, phát triển thị trường, gia tăng thị phần, đặc biệt với 9 nhóm mặt hàng nông sản, thực phẩm mà chúng ta có thế mạnh như thủy sản, gạo, cà phê, rau quả, hạt điều…” - ông Toản chia sẻ. 

Phát triển thương hiệu cho ngành nông sản - thực phẩm

Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam bắt đầu được triển khai từ năm 2005. Đến nay sau 17 năm triển khai đã có hàng ngàn thương hiệu và sản phẩm được công nhận. Chỉ tính riêng năm 2022 đã có 172 thương hiệu và 325 sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia. Tuy nhiên, chúng ta chưa có các thương hiệu tầm cỡ quốc tế và 80% nông sản xuất khẩu chưa có thương hiệu. Đến nay mới chỉ có 2 sản phẩm chủ lực đã xây dựng chiến lược thương hiệu quốc gia sâu - rộng là gạo và cà phê. 

Theo Th.S Đặng Thu Vân thương hiệu quốc gia phải bắt đầu từ thương hiệu doanh nghiệp.

Th.S Đặng Thu Vân - Chuyên gia tư vấn chiến lược cho rằng nguyên nhân chính là do chiến lược định vị, phát triển thương hiệu quốc gia về nông sản - thực phẩm của Việt Nam chưa hoạch định rõ ràng và triển khai rất chậm. Để thay đổi điều này cần xác định rõ lộ trình xây dựng thương hiệu nông sản theo 2 hướng: Nông sản - thực phẩm chủ lực định hướng xuất khẩu và nông sản - thực phẩm không có thế mạnh xuất khẩu, ưu tiên phát triển thị trường trong nước. Điều này sẽ giúp tập trung được các nguồn lực để xây dựng thương hiệu cho những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đủ sức cạnh tranh với thị trường quốc tế.

Không chỉ là chiến lược ở tầm vĩ mô, nhiều chiến dịch xây dựng thương hiệu như chương trình quốc gia Mỗi xã mỗi sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể, chứng nhận sản phẩm đạt chuẩn đã được triển khai cho nông sản vùng miền, địa phương… cũng mang lại hiệu quả nhất định. Thêm nữa, vai trò của các doanh nghiệp dẫn đầu cũng rất quan trọng, bởi thương hiệu quốc gia phải bắt đầu từ thương hiệu doanh nghiệp.

Liên quan đến việc này, Bộ Công Thương cũng đã xây dựng đề án:“Phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó đưa ra 5 giải pháp tổng hợp để xây dựng thương hiệu bao gồm: xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu; tăng cường quản lý thương hiệu; nâng cao chất lượng sản phẩm; cơ chế chính sách và giải pháp về sở hữu trí tuệ. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo cho ngành hàng nông sản và thực phẩm của Việt Nam phát triển bền vững hơn. 

Giới thiệu sản phẩm trực quan tại Triển lãm Quốc tế Công nghiệp Thực phẩm Việt Nam 2022.

Ông Charles Mordret – chuyên gia ngành hàng nông sản thực phẩm quốc tế cho rằng việc xây dựng thương hiệu phải gắn liền với các hoạt động xúc tiến thương mại. Nó góp phần định hướng phát triển sản xuất và xuất khẩu sản phẩm nông sản - thực phẩm.

Ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết bên cạnh việc duy trì, khai thác hiệu quả các cơ hội mở cửa thị trường từ các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do để đẩy mạnh xuất khẩu nông sản – thực phẩm vào các thị trường lớn như EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN… Thương vụ Việt Nam tại các quốc gia và vùng lãnh thổ cũng đang đẩy mạnh kết nối, khai thác các thị trường còn tiềm năng như Hoa Kỳ, Nga, Đông Âu, Bắc Âu, Ấn Độ, Châu Phi, Trung Đông và Mỹ La Tinh…

Đến hết 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch xuất khẩu nhóm các mặt hàng nông, thủy sản đã đạt 23,13 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, 6/9 mặt hàng thuộc nhóm nông, thủy sản chủ lực đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD với mức tăng trưởng mạnh mẽ so với cùng kỳ 2021 như: Thủy sản đạt 8,49 tỷ USD (tăng 37,3%); cà phê đạt gần 3,1 tỷ USD (tăng 37,6%); cao su đath trên 2,3 tỷ USD (tăng 7,8%); gạo đạt trên 2,6 tỷ USD (tăng 9,3%). Các thị trường chính như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều đạt tăng trưởng tốt. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất