, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 09/11/2022, 10:56

Nông sản về, rác cũng về theo

NGUYỄN CẨM - THANH HOA - QUỐC THÁI
(phunuonline.com.vn)
Do không được sơ chế tại nguồn, một lượng rác thải khổng lồ theo cùng rau, củ, quả đang hằng ngày, hằng đêm từ các tỉnh đổ về TPHCM. Các chợ đầu mối, tiểu thương phải tốn nhiều công sức, chi phí để xử lý nguồn rác thải này.

Sơ chế 20kg cải thảo, bỏ 7 - 8kg rác

21g, một chiếc xe tải chở cải thảo, bắp sú (bắp cải tròn) dừng trước sạp Bé (B30) trong chợ đầu mối Hóc Môn. Nhóm thanh niên nhanh chóng chuyển các bịch cải xuống xe. Những người khác trong vựa nhanh tay khui lớp ni lông, cắt bỏ các lớp lá cải già, dập nát bên ngoài và phần cuống. Mỗi đêm, vựa B30 cung ứng ra thị trường khoảng 2 tấn cải. Nguồn cải chủ yếu được chở từ tỉnh Đắk Nông đến. 

Anh Nguyễn Văn Xuân - nhân công của sạp Bé - cho biết, với những lô cải thu hoạch lúc thời tiết bất lợi, có chất lượng không tốt, sau khi sơ chế xong, mỗi bịch mất đi nửa trọng lượng. Với những lô cải đẹp, sau sơ chế, mỗi bịch 20kg chỉ còn dùng được 12 - 13kg, còn lại là rác. 

Lượng rác thải ở chợ đầu mối Thủ Đức hiện nay từ 50-60 tấn/đêm - ẢNH: QUỐC THÁI
Lượng rác thải ở chợ đầu mối Thủ Đức hiện nay từ 50-60 tấn/đêm - Ảnh: Quốc Thái

Mỗi đêm, vựa Sơn Lâm (C26) trong chợ đầu mối Hóc Môn bán ra khoảng 16 tấn cải thảo, cải sú, củ dền, khoai tây Đà Lạt. Anh Nguyễn Xuân Long -  chủ vựa - cho biết, chất lượng bắp cải của tỉnh Lâm Đồng tốt hơn các vùng trồng khác nên lượng rác thải ra cũng ít hơn. Với 20kg bắp cải, qua sơ chế, vựa chỉ bỏ khoảng 3kg rác. “Mỗi đêm, vựa thải ra khoảng 2 tấn rác, giảm 30% lợi nhuận do hao hụt khối lượng. Vựa có hợp đồng với các trang trại chăn nuôi heo, cá nên lá cải thải ra được công nhân trang trại chở về làm thức ăn chăn nuôi, giảm bớt lượng rác cần xử lý” - anh Long nói. 

Ông Nhã - chủ một sạp rau trong chợ đầu mối Thủ Đức - chỉ chiếc sọt lớn chứa lá, cuống cải: “Cứ 10 bắp cải, lượng rác thải ra sẽ đầy sọt, muốn chứa thêm thì phải ép mạnh xuống”. Nguồn rác từ sạp của ông Nhã và các sạp khác được chuyển ra khu tập kết rác của chợ, cách đó không xa. Theo quan sát của chúng tôi, dù liên tục có xe ba gác đến thu gom lá rau về làm thức ăn cho heo, cá nhưng đến sáng, bãi rác rộng hàng trăm mét vuông này vẫn ngồn ngộn rác  hữu cơ, gồm lá, gốc, rễ cây, cuống trái và trái cây hư, thối. 

Anh Nguyễn Văn Xuân - chủ sạp bán thơm (dứa) trong chợ này - cho biết, thơm về chợ còn nguyên phần ngọn với nhiều lá, gai và phần cuống phía dưới. Nếu nhà vườn cắt bỏ các phần này từ ruộng thì số trái trên mỗi chuyến xe sẽ nhiều hơn hẳn. Nhưng tiểu thương bán lẻ lại muốn trái còn nguyên cuống lá để trông đẹp mắt và bảo quản được lâu. Nếu vựa yêu cầu, nhà vườn sẵn sàng sơ chế nhưng giá bán sẽ cao hơn và vựa vẫn phải sơ chế do quá trình vận chuyển làm dập sản phẩm.

Anh Nguyễn Xuân Long cho biết, nếu làm sạch sẵn, giá bắp sú, cải thảo cao hơn khoảng 2.000 đồng/kg, giá các loại rau, củ khác cao hơn khoảng 1.000 đồng/kg. Rau cùng loại nhập từ Trung Quốc đều được sơ chế sạch sẽ, về đến chợ vẫn không bị dập nát, hư hỏng do được đóng thùng xốp, sọt nhựa, bảo quản lạnh… Rau củ trong nước thường được chở thẳng từ ruộng, vườn đến chợ, bên thu mua cũng ngại mất thêm chi phí gói, đóng thùng. 

Chi phí xử lý rác nông sản không nhỏ

Ông Lê Phúc Hậu - Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn - cho biết, chợ này thải ra khoảng 70 tấn rác mỗi đêm, trong đó chủ yếu là lá, gốc, rễ cây: “Khoảng 85 tấn thơm nhập về chợ mỗi đêm thải ra khoảng 6 tấn phụ phẩm, 90 tấn bắp sú thải ra khoảng 23 tấn rác, 40 tấn cải thảo thải ra 12 tấn rác. Chợ tốn kinh phí xử lý rác thải 270 triệu đồng/ tháng”. 

Từ năm 2018 đến nay, Sở Công thương TPHCM đã ban hành 12 văn bản, tổ chức nhiều hoạt động liên kết với cơ quan chức năng các tỉnh để thúc đẩy việc sơ chế nông sản từ nguồn, nhưng kết quả không mấy khả quan. Nguyên nhân là các địa phương thiếu khu sơ chế tập trung, nông dân nuôi trồng nhỏ lẻ, không muốn thay đổi thói quen, sợ phát sinh chi phí. 

Năm 2020, Công ty TNHH Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Hóc Môn đã yêu cầu thương nhân phải tự vận chuyển rác vào các trạm ép kín, không đổ rác ra sân chợ. Nhiều thương nhân đã yêu cầu các đầu mối sơ chế từ nguồn nhưng cũng chỉ được một số sản phẩm. Hiện có khoảng hơn 60% lượng cải thảo, 20% lượng bắp sú được sơ chế trước khi về chợ. Trong các năm từ 2018 đến 2020, chợ này thải ra trung bình 80 tấn rác/đêm, từ năm 2021 đến nay giảm còn 70 tấn/đêm. 

Theo ông Lê Phúc Hậu, hiện nhà vườn và thương lái không còn tích cực sơ chế như lúc mới được yêu cầu do không có sự đồng bộ: “Việc sơ chế tại nguồn phải được thực hiện đồng bộ ở cả ba chợ đầu mối. Trước mắt, ngành Công thương có thể quy định không cho bắp sú, cải thảo, cải sậy vào chợ nếu chưa được sơ chế tại nguồn. Đồng thời đưa ra quy cách sơ chế đóng gói đối với từng mặt hàng để giảm hư hỏng trong quá trình vận chuyển, có chính sách hỗ trợ thương nhân kinh doanh nông sản Việt để cạnh tranh về giá với nông sản Trung Quốc”.

Ông Nguyễn Bình Phương - Phó Giám đốc kinh doanh tiếp thị Công ty cổ phần Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối Thủ Đức - cho hay, trước khi có dịch COVID-19, tổng lượng hàng về chợ khoảng 3.500 tấn/đêm, còn hiện nay khoảng 2.300 - 2.500 tấn/đêm. Lượng rác thải nông sản tại chợ trước khi có dịch là 80 tấn/đêm, nay còn khoảng 50 - 60 tấn/đêm. Hiện tổng chi phí xử lý rác thải tại chợ là 450 triệu đồng/tháng.

Theo ông, khi chưa có định hướng sơ chế nông sản tại nguồn, chợ này có ba khu vực tập kết rác thải, nay chỉ còn một khu. Công ty đã tăng cường tuyên truyền, đồng thời có quy định về khâu sơ chế, xử lý rác, mang lại hiệu quả nhất định. Chẳng hạn, công ty yêu cầu các vựa không xả rác xuống nền mà phải lót bạt hoặc chứa rác trong sọt rồi mang ra khu vực tập kết rác. Một số chủ vựa thấy bất tiện do diện tích sạp nhỏ, chi phí thuê nhân công sơ chế cao hơn chi phí thuê nhân công ở tỉnh nên đã yêu cầu thương lái, nông dân sơ chế sẵn, hạn chế lượng rác về chợ. “Công ty đang tính đến phương án thu thêm phí đối với sạp có lượng rác sơ chế nhiều so với mặt bằng chung” - ông Nguyễn Bình Phương nói.

Lượng rác sau sơ chế ở chợ đầu mối Bình Điền cũng giảm theo từng năm. Trong năm 2018, tổng lượng rác thải sau sơ chế là 80 tấn/đêm, năm 2019 là 70 tấn/đêm, năm 2020 là 60 tấn/đêm, năm 2021 còn 55 tấn/đêm và năm 2022 còn 50 tấn/đêm. Trong đó, lượng rác từ rau, củ, trái cây và thủy hải sản chiếm nhiều nhất, lần lượt là 45 tấn, 2 tấn và 1 tấn/đêm. Ban quản lý chợ đã xây dựng một khu sơ chế tập trung và đang vận động thương nhân đem rau, củ, quả ra khu này sơ chế. 

Cần sự tham gia của ban, ngành, doanh nghiệp các địa phương

Sở Công thương TPHCM đã phối hợp với các địa phương triển khai chương trình sơ chế nông sản tại nguồn để giảm lượng rác thải trước khi đưa về TPHCM, đồng thời giảm cước phí vận tải, giảm chi phí sơ chế nhờ giá nhân công ở các tỉnh thấp hơn ở TPHCM. Tuy nhiên, hiện chỉ có tỉnh Long An, Lâm Đồng tích cực hưởng ứng chương trình này. Sở sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc phối hợp này.

Một trong những trở ngại là TPHCM chưa có quy chuẩn về hàng hóa. Trước đây, nhiều đơn vị còn để nguyên gốc rau, củ, trái cho nặng ký, sau này họ cắt bớt nhưng vẫn chừa phần cuống, lá già. Hiện chúng tôi chỉ vận động, thuyết phục các đơn vị cung cấp rau củ cho thị trường TPHCM sơ chế tại nguồn chứ chưa có quy chuẩn để bắt buộc. Tuy nhiên, do các lợi ích nêu trên, chúng tôi mong các ban, ngành, doanh nghiệp ở các địa phương cùng chung tay thúc đẩy hoạt động sơ chế tại nguồn. 

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TPHCM

Ngăn chặn tình trạng biến rác thải thành thực phẩm

Trong việc sơ chế nông sản, ý thức của thương nhân đóng vai trò rất quan trọng. Thương lái, thương nhân thường cố tình giữ nguyên cuống, lá già để tăng trọng lượng hàng hóa; sau khi mua, khách thường nhờ người bán cắt bỏ bớt lớp vỏ, cuống, lá bên ngoài. Nhiều người vứt số rác này bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường. Cũng có tình trạng dùng phần bỏ đi từ cải thảo, bắp cải để làm kim chi hoặc nấu canh bán, ảnh hưởng sức khỏe người dùng. 

Sở Tài nguyên và Môi trường cần nhanh chóng xử lý rác thải ở chợ và có thể tận dụng rác này làm phân hữu cơ. Ban quản lý chợ phải có trách nhiệm kiểm soát việc xử lý rác thải, không để xảy ra tình trạng dùng rác thải từ rau, củ, quả để làm thức ăn.

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TPHCM

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Thnam Chmay diễn ra từ 13-16/4.
Được quan tâm


So với thời điểm cuối năm 2023, giá gạo xuất khẩu 5% tấm giảm gần 75 USD/tấn (tương đương gần 1,9 triệu đồng/tấn), gạo 25% tấm giảm tới 84 USD/tấn.




Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất