, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 20/05/2022, 06:00

NSND Bạch Tuyết: “Trả ơn cho các tiền bối cải lương, cho đất nước và dân tộc”

LỘC SÂM – THÀNH HUY
Nghệ sĩ Bạch Tuyết - “Cải lương chi bảo”, Nghệ sĩ Nhân dân - là cái tên không xa lạ với khán giả cải lương nhiều thế hệ. Không chỉ ca hay, diễn hay, cô còn nổi tiếng bởi khả năng học hỏi không ngừng, luôn tìm tòi, sáng tạo và đau đáu với việc trao truyền nghệ thuật cải lương cho thế hệ trẻ.
 
 
 

Mới đây nhất, NSND Bạch Tuyết gây sốt khi ra mắt sản phẩm âm nhạc “Về nghe mẹ ru” kết hợp với ca sĩ trẻ Hoàng Dũng. Đây là một ca khúc pha trộn giữa nhạc trẻ, cải lương và rap, 3 thể loại âm nhạc dường như chẳng liên quan gì đến nhau nhưng qua bàn tay sáng tạo của nữ nghệ sĩ và ê-kíp, “Về nghe mẹ ru” đã trở thành “hiện tượng”, được khán giả đón nhận nồng nhiệt.

 
 

Xin chào NSND Bạch Tuyết! Trước hết, xin được chúc mừng cô với dự án “Về nghe mẹ ru” vừa mới ra mắt đã tạo ra cơn sốt, trở thành tác phẩm đầu tiên và duy nhất của một Nghệ sĩ Nhân dân lọt vào Top 1 trending (xu hướng) trên YouTube. Chắc hẳn phải có một lý do đặc biệt nào đó để cô quyết định thực hiện dự án này?

Tôi rất xúc động khi sản phẩm được công chúng đón nhận. Trước đây tôi đã cover (tạm dịch: làm mới lại) những bài nhạc trẻ và tôi cũng theo dõi tình cảm của các bạn trẻ đối với nghệ thuật nước nhà. Các bạn ấy đốc thúc tôi rằng hãy làm điều gì đó. Sau đó, tôi và các bạn trẻ gặp nhau, đủ duyên rồi rủ nhau làm thôi.

Vì sao cô quyết định mời ca sĩ trẻ Hoàng Dũng cùng thực hiện dự án?

Tôi đã theo dõi Hoàng Dũng từ khi bạn ấy tham gia cuộc thi Giọng hát Việt - The Voice năm 2015. Hành trình trở thành ca sĩ của bạn rất đáng nể. Việc miệt mài tập luyện để cải thiện và cải thiện thành công vóc dáng của bạn cũng rất đáng nể. Rồi việc nhiều khán giả cho rằng người miền Bắc không biết hát cải lương (nhưng tôi lại có những người bạn Bắc hát cải lương rất hay) cũng là chuyện đáng để ý. Vậy là tôi quyết định ngỏ lời với Hoàng Dũng về việc này. Ban đầu, Dũng có hơi e ngại vì bạn là người Bắc nên sẽ khó hát cải lương cho hay. Tôi cũng dặn Dũng không nên giả tiếng Nam mà cứ hát bằng giọng Bắc, vì trong nghệ thuật rất tối kỵ việc nhại giọng. Chỉ có nói hoặc hát bằng giọng nói của nơi mình sinh ra mới có thể ngọt ngào được. Khán giả khi nghe “Về nghe mẹ ru” có thể thấy Hoàng Dũng có những màn luyến láy rất hay. Rõ ràng Dũng đã mang đến một luồng gió mới cho nghệ thuật cải lương, đúng như ý nghĩa của hai từ “cải lương” là “Cải cách hát ca theo tiến bộ/ Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”.

Tuy nhiên trong nội dung MV, NSND Bạch Tuyết là một người mẹ miền Nam còn Dũng lại là người con nói tiếng Bắc…? 

Tôi rất thích những điều mới - độc - lạ. Một người mẹ miền Nam có đứa con miền Nam là điều quá bình thường. Hoàn cảnh lịch sử của đất nước mình khiến không ít gia đình cha mẹ là người miền Nam nhưng sinh con ở miền Bắc nên đứa con nói giọng Bắc hoặc cả cha cả mẹ đều người Bắc, nói giọng Bắc nhưng sinh con ở miền Nam, sống trong Nam nên đứa con toàn nói tiếng Nam. Vậy thì lý do gì mình không làm một bài hát Nam - Bắc chung như vậy? Rõ ràng khi Hoàng Dũng hát cải lương, biết bao nhiêu khán giả của cậu ấy đã gửi lời khen, tôi thấy điều đó quá dễ thương.

 
 
 
 

Công bằng mà nói sản phẩm “Về nghe mẹ ru” có rất nhiều lời khen nhưng cũng có ý kiến cho rằng bài hát này không phù hợp với Dũng?

Khán giả nói không sai nhưng việc làm của mình cũng không sai. Ví dụ việc tôi mất 1 -  2 tiếng đồng hồ để trả lời gần 4 nghìn bình luận, nhưng tính ra tỷ lệ bình luận không tốt rất ít, mình không thể nghe theo những bình luận tiêu cực đó mà phụ lòng gần 4 nghìn người còn lại. Trong nghệ thuật, khán giả thích cái gì, nghệ sĩ sẽ cố gắng làm cái đó, mình tôn trọng và lắng nghe nhưng vẫn có cách làm việc của riêng mình. 

Tôi xúc động khi tác phẩm của mình nhận được sự đồng duyệt của khán giả. Hơn thế, tôi rất quý trọng và tự hào về các khán giả trẻ bây giờ vì họ thích hay không đều mạnh dạn nói ra. Nếu có thời gian, tôi sẽ trả lời hết những bình luận của các bạn bởi vì việc khán giả bỏ thời gian ra để quan tâm đến một sản phẩm, đó là điều vô cùng quý giá cho người nghệ sĩ.

Bên cạnh Hoàng Dũng, quá trình làm việc với nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền và NSND Thanh Hải có gặp khó khăn gì không, thưa cô?

“Về nghe mẹ ru” là sản phẩm tôi đặt hàng Hứa Kim Tuyền. Bạn ấy rất khiêm tốn, dù đã nghiên cứu rất kỹ về cải lương nhưng trong những đoạn vọng cổ hay nghệ thuật văn hóa dân tộc, Tuyền vẫn hỏi ý kiến của tôi. Tôi cảm thấy mình rất may mắn khi được làm việc với những người vừa thông minh, vừa có trách nhiệm.

Còn NSND Thanh Hải đã cùng tôi “lên rừng xuống biển” quá nhiều. Hải có thể chơi 5 - 6 loại đàn khác nhau và khi có những tình huống bất ngờ, Hải không bao giờ bối rối. Trong bài hát có một đoạn rất đặc biệt, nếu người nghe để ý sẽ thấy đoạn sau “Lý con sáo” mà tôi hát 8 nhịp vọng cổ cuối, NSND Thanh Hải đã đệm nhạc bằng piano.

Đây không phải lần đầu sản phẩm âm nhạc của NSND Bạch Tuyết nổi tiếng trên mạng xã hội. “Bão táp mưa sa” trước đó của cô cũng được khán giả trẻ đón nhận không kém…

Kinh nghiệm của tôi khi làm cải lương là có những vở mình đặt nhiều hy vọng nhưng lại không đáp ứng được khán giả, cũng có những vở mình nghĩ bình thường thôi nhưng lại được khán giả hưởng ứng. Cho nên người nghệ sĩ như tôi sẽ luôn cố gắng sáng tạo, còn khi tác phẩm đến với công chúng, nó có số phận riêng của nó. 

 
 

Có phải vì chưa thấy có nghệ sĩ nào tiên phong trong việc đem cải lương tới giới trẻ nên cô quyết định thực hiện điều này?

Tôi có một tâm nguyện trả ơn cho các tiền bối cải lương, trả ơn cho đất nước và dân tộc. Một ngọn cỏ, cành cây mình nhận đều là của dân tộc, trời đất và hồn nước. Ông bà đã dạy mình hát cải lương và nhiệm vụ của cải lương là bảo vệ, giữ gìn văn hóa dân tộc. Tôi đã thưa với các bậc tiền bối rằng sẽ hết lòng ở bất cứ giờ phút nào còn hoạt động cải lương, nhờ tâm nguyện đó mà bây giờ tôi làm gì cũng thấy vui.

“Về nghe mẹ ru” đang là dự án nổi tiếng, vậy cô có bị áp lực với những dự án tiếp theo không?

Tôi có 60 năm làm nghệ sĩ, giờ tôi giống như một chiến sĩ vậy. Nếu là người bình thường đã về hưu ở tuổi này rồi. Tại tôi “lì”, còn ham cải lương quá nên tôi cảm ơn trời đất cho mình sống thêm ngày nào thì vẫn tiếp tục công việc ngày đó.

Sắp tới, cô có chuyến từ thiện nào ởvùng sâu, vùng xa hay vùng biên giới?

Những chuyến đi này tôi vẫn lặng lẽ làm suốt cuộc đời.

Gần 80 tuổi nhưng cô vẫn luôn giữ được sự tươi trẻ. Cô có bí quyết gì không, thưa cô?

Tôi không biết đó có phải bí quyết không nhưng tôi thường ăn uống và sinh hoạt điều độ. Điều này tránh cho cơ thể mình phải chịu đựng những thứ không cần thiết hay phải tiếp thu quá tải. Nói chung cũng nhờ tôi ngồi thiền 40 năm, học từ Hòa thượng Thích Thanh Từ của trường phái Trúc Lâm Yên Tử nên cơ thể có thể thích nghi mọi hoàn cảnh, có thể điều hòa khí huyết, sống khoa học hơn và cảm thấy mạnh khỏe hơn.

Cảm ơn cô!  

 LỘC SÂM – THÀNH HUY

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất