, //, :: GTM+7
Chủ Nhật, 07/08/2022, 09:50

NSND Trung Đức: Tôi hát bằng trái tim của người lính

HÀ AN thực hiện
(sggp.org.vn)
Thành danh với những ca khúc đi cùng năm tháng như Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây; Gửi em cô gái Lam Hồng; Trên đỉnh Trường Sơn ta hát…, ở tuổi 70, tình yêu với âm nhạc của NSND Trung Đức (ảnh) vẫn cháy bỏng như ngày nào. Bởi lẽ, ông luôn tâm niệm hát không chỉ là đam mê mà còn góp phần đưa dòng nhạc cách mạng đến gần hơn với khán giả trẻ.
NSND Trung Đức và NSND Thu Hiền được nhiều khán giả yêu mến với bài hát Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây. Ảnh: T.L

PHÓNG VIÊN: Có người nói rằng anh là một trong những nghệ sĩ có giọng hát đi qua bom đạn và đó chính là điều tạo ra những rung động khác biệt mỗi khi anh thể hiện những ca khúc về chiến tranh, cách mạng, những bản tình ca về Trường Sơn làm mê hoặc lòng người?

NSND TRUNG ĐỨC: Khi đang học ở Đại học Tổng hợp ngành Văn, nghe theo tiếng gọi của miền Nam, tôi viết đơn tình nguyện ra chiến trường. Tôi từng là lính xe tải Đoàn 559 của Trường Sơn, từng tham gia những trận đánh tại Quảng Trị… Khi lái xe ở Trường Sơn, tôi nhớ trong cabin luôn có cây đàn guitar để vừa đánh đàn vừa hát. Tôi thích hát từ nhỏ nên cứ có cơ hội là hát, khi hát trên đường, lúc hát dưới chiến hào… cùng đồng đội, cho đồng đội. 

Có lẽ cũng bởi đã từng sống giữa những ngày bom rơi đạn nổ, sống trong những tình huống mà ranh giới của sự sống và cái chết chỉ cách nhau trong gang tấc, chứng kiến nhiều đồng đội của mình ngã xuống nơi chiến trường… nên khi tôi hát những bản tình ca về người lính cũng khác hơn. Mỗi khi hát lại những bài về Trường Sơn, trước mắt tôi như hiện lên những vạt rừng bị bom Mỹ thiêu trụi đang bốc khói, những người bạn đã nằm lại chiến trường…

Tôi hát bằng trái tim của người lính, có lẽ vì thế mà các bài hát đến gần hơn với công chúng, chạm tới cảm xúc của người nghe. Như bài Chào em cô gái Lam Hồng, tôi thấy nó như kể về cuộc đời của mình. Tôi hát và tưởng tượng mình ngồi trên cabin, hai tay nắm chặt vô lăng, hăng hái tiến vào chiến trường. Mỗi ca từ, giai điệu, mỗi hình ảnh trong bài hát giống như thước phim luôn hiện về trước mắt tôi.

Những năm gần đây, dường như anh quá bận với việc làm thầy nên khán giả ít được nghe giọng ca của anh?

Tôi vẫn tham gia biểu diễn thường xuyên đấy chứ. Tôi hát, để tâm hồn mình trở về là một người lính bình dị thuở nào. Có thể các chương trình tôi biểu diễn không phát trên truyền hình nên ít người biết đến. Có những bạn trẻ không nhận ra tôi, nhưng khi tôi hát những bài hát nhạc đỏ, các bạn ấy lại rất thích, thậm chí có bạn còn theo tôi vào tận phòng thay trang phục để đề nghị tôi hát thêm. Điều ấy là động lực, là phần thưởng vô giá đối với nghệ sĩ. 

Ngoài biểu diễn, tôi còn tham gia công tác giảng dạy ở Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam, Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội và kèm cặp một số em yêu thích ca hát. Bạn trẻ nào yêu thích ca hát và muốn hát được hay thì, tôi sẵn sàng truyền dạy, hoàn toàn miễn phí.

Dòng nhạc truyền thống cách mạng không dễ thể hiện, với các bạn trẻ thì việc theo đuổi dòng nhạc này dường như khó khăn hơn?

Hát nhạc cách mạng nhiều nhưng không phải ai cũng có thể hát đạt, chưa nói là hát hay. Song tôi mừng vì đã có những giọng ca có tố chất, giọng tốt, được đào tạo bài bản và có nhiều thành tựu trong dòng nhạc truyền thống này như Trọng Tấn, Đăng Dương, Việt Hoàn…

Mỗi thời một khác, các bạn trẻ không phải sống trong chiến tranh, bởi vậy để các bạn thấu hiểu, cảm nhận được không khí của những năm tháng ấy không đơn giản. Thêm nữa, kinh nghiệm và vốn sống của các bạn trẻ chưa nhiều nên chưa chuyển tải được hết ý nghĩa của các bài hát đến với khán giả cũng là chuyện dễ hiểu. Nhưng tôi tin, nếu có sự nỗ lực luyện tập, học hỏi và tích lũy kiến thức thì các bạn sẽ thành công.

Tôi luôn nói với các bạn trẻ rằng, con đường âm nhạc hết sức vất vả, cần sự kiên trì và một tình yêu đủ mãnh liệt. Cũng như tôi ngày xưa vậy, được cho là hát hay và cũng hay hát lắm, cứ có cơ hội là hát, là lên sân khấu, nhưng để có được vị trí trong lòng khán giả thì phải học thầy, học bạn và tự học rất nhiều. Lúc đầu, ngồi nghe đài, hát theo đài, nhạc lý chẳng biết gì. Sau mày mò học thêm piano và đến bây giờ tôi vẫn duy trì luyện thanh mỗi ngày. 

Và nhiều lứa học trò của thầy Trung Đức cũng đã ghi dấu ấn với khán giả…

Ngoài bồi dưỡng cho các em về chuyên môn, truyền cảm hứng là điều đặc biệt quan trọng. Mỗi bài hát phải được cất lên bằng sự thấu hiểu, bằng trái tim mới có thể đi vào lòng người nghe. Người nghệ sĩ phải có trách nhiệm với từng câu, từng chữ mà mình hát. Để trở thành một nghệ sĩ chân chính, ngoài sự cống hiến, mỗi ca sĩ cần có cả niềm đam mê chân thành với nghề.

NSND Trung Đức sinh năm 1952, là một ca sĩ được đông đảo khán giả mến mộ với các ca khúc truyền thống cách mạng cùng chất giọng cao, ấm và truyền cảm. Ông còn là tác giả của mốt số ca khúc mang âm hưởng dân ca như Em đi chùa Hương (thơ Nguyễn Nhược Pháp), Chân quê (thơ Nguyễn Bính)…

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.

Được phát động vào năm 2013, dự án Con đường tơ lụa mới bao gồm khía cạnh nông nghiệp cho phép đẩy nhanh chiến lược an ninh lương thực của Trung Quốc.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất