, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 10/03/2023, 14:11

Nụ hôn tử thần

VŨ THẾ THÀNH
Có một dạo, hãng CBC News đưa tin, một thiếu nữ 15 tuổi, Christina Desforges, ở tỉnh bang Quebec (Canada) đã tử vong sau khi hôn bạn trai. Cậu bạn này đã ăn hai lát bánh mì trét bơ đậu phộng trước khi hai người hôn nhau. Cái chết của cô bé được cho là dị ứng với đậu phộng từ miệng bạn trai.
Hình minh họa.

Truyền thông lãng mạn

Dị ứng đậu phộng là chuyện thường ở Tây phương, khoảng 1,5 -1,8% dân Mỹ bị dị ứng đậu phộng, nhưng cái chết của cô bé Christina 15 tuổi, chỉ vì hưởng “xái” đậu phộng qua nụ hôn của bạn trai lại đến nỗi vong mạng khiến báo chí phương Tây làm ầm lên. Tin quá “hót” mà! Lại thêm Hiệp hội Dị Ứng Canada cũng nhập cuộc lên tiếng, thành thử báo đài từ Canada tới Mỹ, qua tới châu Âu khai thác nụ hôn tử thần, rồi suy đoán dưới mọi góc độ, chất “khoa học” thì ít, chất “lãng mạn” thì nhiều.

Chưa hết, một tháng sau cái chết của Christina, một bé gái 13 tuổi, tên Chantelle ở Edmonton (Canada) cũng bị sốc phản vệ (anaphylaxis) do dị ứng đậu phộng. Cô bé tưởng mình lên cơn suyễn nên dùng thuốc giãn phế quản (bronchodilator). Cô bé chết vài ngày sau khi cấp cứu ở bệnh viện.

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm là phản ứng bất thường của cơ thể đối với protein trong thực phẩm nào đó. Protein này kích thích hệ miễn dịch, phóng thích ra histamin để gây ra dị ứng. Histamine này có sẵn trong cơ thể, nhưng bị một loại protein khác “giam giữ” (tạo phức), nên không làm ăn gì được. Chỉ khi nào hệ miễn dịch ra lệnh, histamine mới được giải thoát và đi hành… hạ cơ thể.

Thật ra lần đầu tiên ăn thực phẩm (gây dị ứng) thì không bị sao cả, nhưng cơ thể sẽ tạo ra kháng thể chống lại protein đó, đồng thời “điểm mặt nhớ tên” protein đó. Lần sau lại ăn thực phẩm có chứa protein này, hệ miễn dịch sẽ nhận diện và kích hoạt phóng thích histamine gây dị ứng. Triệu chứng do dị ứng thực phẩm có thể nhẹ (ngứa, mẩn đỏ, ói mửa, tiêu chảy,…) đến nặng hơn khó thở, sốc phản vệ (anaphylaxis) và tử vong.

Còn vì sao có người dị ứng với thực phẩm này, người khác lại không thì có Trời biết. Hệ miễn dịch mỗi người mỗi khác, không ai giống ai. Nếu hệ miễn dịch của bạn không ưa protein nào đó thì nó phản ứng, chứ protein đó trong thực phẩm không có tội tình gì, người khác vẫn ăn thoải mái.

Thực phẩm nào thường gây dị ứng?

Có protein là có thể có dị ứng, mà thực phẩm nào lại chẳng ít nhiều có protein. Trứng gà, thịt bò, thịt heo, tôm cua cá mực, đậu phộng, đậu nành, bánh mì, lúa mạch, thậm chí bia bọt… đều có tiềm năng gây dị ứng.

Chất đạm nào cũng có khả năng gây dị ứng, nhưng trong thực tế người ta chỉ dị ứng với vài loại thực phẩm như trứng, sữa, cá, đậu phộng, đậu nành, bột mì…

Dị ứng thực phẩm (food allergy) thường bị lầm với bất dung nạp thực phẩm (food intolerance). Dị ứng liên quan đến hệ miễn nhiễm, còn bất dung nạp thực phẩm liên quan đến hệ tiêu hóa.

Một số người, hồi nhỏ uống được sữa, nhưng khi lớn, không thể dung nạp sữa. Đó là do enzyme tiêu hóa sữa (lactase) trong ruột bị sụt giảm theo tuổi tác. Thiếu enzyme tiêu hóa sữa, thì vi khuẩn trong ruột phải làm thay. Quá trình này phát sinh khí, gây đầy hơi, tức bụng, tiêu chảy.

Dị ứng đậu phộng rất nhạy

Các loại hạt trên trời thường gây dị ứng nhiều hơn loại đậu dưới đất. Trong tiếng Anh, từ “ground nut” để chỉ các loại đậu (bean) dưới đất như đậu đỏ, đậu xanh, đậu lăng, đậu Hà Lan,… Còn “tree nut” để chỉ loại vỏ cứng trên cây như hạt điều, hạt mắc ca (macadamia), hạt óc chó (walnut), hạt dẻ…

Từ “ground nut” và “tree nut” không có trong hệ thống phân loại khoa học, chỉ là cách nói thông thường, nếu không muốn nói là gượng ép khi xem các loại đậu vỏ mềm là “nut”.

Đậu phộng là trường hợp khá thú vị. Thân ở dưới đất, thuộc họ đậu (fabaceae) chính hiệu, mà đặc tính vừa ở dưới đất, lại vừa ở trên… trời. Một trong những đặc tính “trên trời” đó là khả năng gây dị ứng. Đậu phộng gây dị ứng còn “bạo” hơn, nhạy hơn các loại hạt điều, macca... Có người chỉ cần nếm thử một chút đậu phộng là cơ thể đã phản ứng.

Dị ứng thiên biến vạn hóa

Có người lúc bé dị ứng với một loại thực phẩm nào đó, lớn lên lại hết, chẳng hạn trẻ em có thể dị ứng với lòng trắng trứng, sữa bò, hoặc hạt dẻ, bột mì, đậu nành, nhưng khi lớn, có em vẫn còn, có em lại hết dị ứng với trứng, sữa bò, đậu nành.

Ngược lại, cũng có người lúc nhỏ ăn tôm cua nghêu sò ốc hến không sao, nhưng lớn lên lại bị dị ứng. Khoảng 1 - 2% dân số bị dị ứng hải sản. Không phải dị ứng với tất cả loại hải sản, mà chỉ một hai loại tôm cá cụ thể như dị ứng với cá thu hoặc tôm hùm gì đó. Một khi đã lớn rồi mà dị ứng với thứ nào, thì coi như đeo nó đến hết kiếp. Nhưng dị ứng với đậu phộng thì dù bị hồi nhỏ hay lớn lên mới bị thì hầu như sẽ bị suốt đời.

Hình minh họa.

Chia tay vĩnh viễn với thực phẩm gây dị ứng

Dị ứng thường rất nhạy, dù chỉ ăn một chút, thậm chí chỉ ngửi cũng có thể bị dị ứng. Dị ứng là mắc phải lời nguyền với thực phẩm nào đó. Tốt nhất tuyệt đối tránh ăn thực phẩm mà mình bị dị ứng. Nếu triệu chứng nặng (khó thở, tụt huyết áp, mạch nhanh…) thì nên đi bệnh viện ngay. Không có thuốc chữa dị ứng, chỉ có thuốc làm giảm triệu chứng mà thôi (thuốc kháng histamine).

Test da, thử máu hoặc suy đoán qua sàng lọc khẩu phần ăn có thể phát hiện dị ứng với loại thực phẩm nào.

Ở Mỹ và Châu Âu có luật yêu cầu ghi nhãn cảnh báo, nếu thành phần thực phẩm đó có dùng nguyên liệu có thể gây dị ứng như: trứng, sữa, đậu phộng, đậu nành,…

Truyền thông đã đi quá xa

Trở lại chuyện cô bé 15 tuổi với nụ hôn tử thần, truyền thông đã đi quá xa khi đào sâu vào tình tiết, hà hơi đậu phộng trong nụ hôn cũng đủ gây ra cái chết. Cơ quan chức năng đã vào cuộc, khám nghiệm tử thi và đi đến kết luận: Cô bé Christina chết vì lên cơn suyễn, thiếu oxy lên não, chứ không phải do dị ứng đậu phộng. Đó là chưa kể, trước đó cô bé còn phê cần sa.

Còn cậu “boy” truyền nụ cho cô bé thì sao? Thật ra cậu đã ăn bơ đậu phộng trước khi cả hai “tiến hành” hôn nhau 9 tiếng đồng hồ. Dù đậu phộng rất nhạy với dị ứng, chỉ cần vài miligram protein (khoảng vài gram bơ đậu phộng) cũng có thể gây dị ứng. Nhưng với khoảng thời gian 9 tiếng thì “di tích” đậu phộng chỉ là cơn gió thoảng.

Hiệp hội Dị ứng Canada “méo mó” nghề nghiệp đã to tiếng trước đó đành chữa thẹn: Dù sao cái chết của cô bé Christina có liên quan đến dị ứng vì Christina vừa có bệnh suyễn vừa có tiền sử dị ứng đậu phộng.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất