, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 08/05/2023, 07:53

Nức tiếng xứ… Quỳnh

PHƯƠNG THẢO
Tối 24/3, đứng dạt về phía xa, nơi ánh đèn sân khấu không rọi xuống hết, có vài ba cụ già chăm chú hướng lên trên, nhìn trân trân vào phông màn sân khấu in đậm mấy chữ “lễ công bố huyện Quỳnh Lưu đạt chuẩn nông thôn mới”. Nông thôn mới là gì, có khi, các cụ chưa tường tận hết bộ tiêu chí để được công nhận; nhưng dám chắc một điều, so với “nông thôn cũ” mà các cụ từng sống trải trong đó, nông thôn mới không có cảnh nhà cửa lụp xụp, đường làng nhấp nha nhấp nhổm ổ voi ổ gà, dân thiếu ăn thiếu mặc… dân mình giản đơn lắm. Với họ, thế là ngon rồi, là đáng sống rồi.
Hang động hùng vĩ khiến hang Mắt Rồng (Quỳnh Lưu) trở thành địa điểm “hot” trong những ngày thời tiết nóng bức.

Hơn 10 năm “đi về” nông thôn mới

Tại Quảng trường xã Quỳnh Bảng, đứng trên sân khấu phát biểu, ông Hoàng Văn Bộ, Chủ tịch huyện dường như run hơn mọi lần. Không chỉ tổ chức Lễ công bố huyện Quỳnh Lưu đạt chuẩn nông thôn mới và khai trương du lịch biển Quỳnh năm 2023, huyện nhà còn đón nhận Huân chương Lao động hạng 3 của Chủ tịch nước và Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Toàn những việc lớn. Ở đây, ba trong một. Không run sao được. Trước Quỳnh Lưu, cả tỉnh Nghệ An mới có 2 nơi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là thị xã Hoàng Mai và huyện Nghi Lộc.

Quỳnh Lưu khởi động thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) với điểm xuất phát thấp. Ông Bộ nói, như thể mường tượng lại quãng đường hơn 10 năm trời mà huyện nhà đã đi qua. Địa bàn rộng, dân số đông, tỷ lệ hộ nghèo lớn; kết cấu hạ tầng, giao thông phát triển chậm. Năm 2011, so sánh bộ tiêu chí xây dựng NTM mà Chính phủ ban hành, bình quân chung các xã mới chỉ đạt 7/19 tiêu chí; chưa có tiêu chí cấp huyện nào đạt chuẩn. Tỉ lệ hộ nghèo còn cao (chiếm 15,3%); thu nhập bình quân đầu người 14,8 triệu đồng. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân thiếu và còn nhiều yếu kém. Tổ chức sản xuất lạc hậu, chủ yếu sản xuất theo quy mô hộ gia đình. Nhìn đâu cũng thấy khó. “Nông thôn mới” là một cụm từ ngoài tầm với.

Nhưng chỉ hơn 10 năm sau, bằng các nhiệm vụ và giải pháp đồng bộ, toàn Quỳnh Lưu huy động được tổng nguồn lực trên 19.200 tỷ đồng, tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng - kinh tế xã hội, phát triển sản xuất. Chỉ riêng giai đoạn 2010 - 2022, hơn 1.100km đường nhựa, đường bê tông đã được đầu tư làm mới, sửa chữa, nâng cấp đạt chuẩn. 192 dự án đầu tư ngoài ngân sách, với tổng vốn đăng ký hơn 14.700 tỷ đồng đã đổ vào Quỳnh Lưu. So với năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,19%, giảm 12,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt 53,4 triệu đồng/người/năm, tăng 38,6 triệu đồng… Đến nay, 32/32 xã trên toàn huyện đạt chuẩn NTM. Trong đó 3 xã Quỳnh Đôi, Quỳnh Lương, Quỳnh Hậu được UBND tỉnh Nghệ An công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, riêng xã Quỳnh Đôi được công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021.

Các số liệu như nhảy múa, biến hóa và thực sự lột xác. Sao Quỳnh Lưu có thể đi nhanh thế được? Giữa bao nhiêu thứ bề bộn phải lo, “nông thôn mới” vẫn là một cái đích để dòm vào, để phấn đấu. Chúng tôi chất vấn. Bí thư Huyện ủy Quỳnh Lưu Hoàng Danh Lai kể về những ngày dân vận, thuyết phục nhân dân thay đổi tư duy, cùng với huyện nỗ lực xây dựng NTM. “Nông thôn nầy được rồi, răng cứ phải nông thôn mới mới được? Cuộc sống như nầy đã tốt lắm rồi so với ngày xưa, tụi tui chỉ cần có rứa thôi. Đúng là cuộc sống khá hơn ngày xưa rồi, nhưng khá rồi, răng lại không muốn khá hơn nữa, tốt đẹp hơn nữa?. Cứ thế, dần dà, ở nhiều nơi, xây dựng NTM với người dân đã trở thành khát vọng”, ông Bí thư huyện nhớ lại.

Chính sách đưa về dân, không thể nói suông được. Vì thế, huyện đã xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khai thác tốt việc huy động nguồn lực trong dân. Ông Danh kể cho chúng tôi các chính sách đã được thực tiễn hóa, để nói với người dân, đây là ý chí của huyện. Đó là hỗ trợ 1 tỷ đồng cho xã được công nhận đạt chuẩn NTM; mỗi năm hỗ trợ 1.500 tấn xi măng cho các xã xây dựng đường giao thông nông thôn, mỗi thôn vùng xây dựng nhà văn hóa hỗ trợ 150 triệu/nhà... Vậy còn gì bằng. Dân sợ nhất là bên trên truyền đạt xuống một chính sách, một ý chí, xong rồi mất hút. Có tiền, có xi măng… ít nhất, nông thôn mới không xa vời vợi như họ nghĩ.

Trong số tiền 19.200 tỷ đồng xây dựng xây dựng NTM mà huyện đã huy động, trong đó, có phần tham dự không nhỏ của người dân. Họ góp tiền mặt, ngày công lao động, hiến đất, chỉnh trang nhà ở, tái sản xuất chiếm tỷ lệ gần 60%. Dường như, nông thôn mới đang bén rễ dần dần trong dân.

Nhà cửa đã được chỉnh trang, đường sá mới có rồi, nhưng vùng sống mới không thể thiếu cây xanh, hoa lá. Huyện phát động các địa phương trồng cây xanh, tuyến đường hoa (khoảng 300.000 cây xanh), kêu gọi “5 không 3 sạch”, “đường hoa thay cỏ dại”, “hàng cây ơn Bác”… Người dân hiểu, họ cũng được thụ hưởng trong cái mô hình NTM mà huyện nhà đang phác thảo rõ dần dần kia. Cũng từ họ chứ không phải ai khác, nở rộ phong trào ngày thứ 7 vì NTM nâng cao, chỉnh trang các tuyến đường, chăm sóc bồn hoa, vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp. Rồi chủ trương thường xuyên được phát động, Cuộc thi tuyến đường kiểu mẫu do UBND và Ủy ban MTTQ huyện phối hợp tổ chức cũng được nhân dân tích cực hưởng ứng. Ở đó, không chỉ có những con đường hoa, mà có cả những con đường phi lao đậm chất làng biển…

Một hành trình hơn 10 năm, kể ra chỉ mất trong mấy phút đồng hồ; nhưng nếu có thời gian ngồi mà nhớ lại, đó là hơn 10 năm trời, cả chính quyền và người dân cùng nhau đi trong cùng một khát vọng. Khát vọng ấy đến từ từ, không vồ vập, lớn lên mỗi ngày cùng với mong nguyện tự sinh trong lòng mà khởi đi, vun lên và hòa hợp. Và cái sự chung này, đã từng có trong chiến tranh, trong những ngày đất nước đi lên đổi mới. Bây giờ, nó trở lại, trong thời này, dẫu đã im ắng đạn bom, cuộc sống đã khá khẩm hơn ngày xưa nhưng con người luôn nhắc nhau tiến về phía trước, mỗi ngày sống là mỗi ngày tốt hơn, đẹp hơn hôm qua.

Trong dung nhan hôm nay vẫn thì thầm bài ca cũ

Có mặt ở Nghệ An từ năm 1924 tới năm 1928, ông giáo Hippolite Le Breton đã “phải lòng” mảnh đất An – Tĩnh (tên gọi của Nghệ An, Hà Tĩnh ngày xưa) một cách sâu đậm. Ông đã viết nên chuyên khảo lịch sử quan trọng mang tên Le Vieux An – Tinh (An Tĩnh cổ lục), làm dày lên “những quyển sách quê hương” trong thế kỉ 20. Trong công trình của mình, Hippolite Le Breton đã nói “xứ An – Tĩnh” là một trong những vùng hấp dẫn và có tiếng nhất của Việt Nam, thậm chí “không có tỉnh nào đã đóng vai trò lớn hơn trong lịch sử của nước Đại Việt (hay Nam Việt), ít nhất là cho đến thế kỉ XV, như đất An – Tĩnh”.

Mà ở đất An – Tĩnh, không thể không nhắc đến Quỳnh Lưu. Bao sử liệu bày ra, khiến người Quỳnh Lưu bao đời có kiêu hãnh cũng chẳng ngại ngần. Bằng chứng xác tín nhất chính là hệ di chỉ văn hóa Quỳnh Văn với niên đại được xác định ít nhất là ở thời kỳ đồ đá, cách ngày nay khoảng sáu ngàn năm, vẫn còn hiện diện ở núi Lạp Sơn. Cả một cồn điệp từng lưu bao dấu vết của người Việt cổ, đến nay, vẫn còn sót lại rất nhiều sò điệp ngay lối đi.

Tên gọi “Quỳnh Lưu” được viết bằng chữ Hán là tên một loại ngọc quý. Tên gọi đó xuất hiện vào thế kỷ XV thời Nhà Lê (1430) ở cương vực từ biển Đông lên tận Quỳ Châu gồm 7 tổng phía trên (thuộc đất huyện Nghĩa Đàn hiện nay) và 4 tổng phía dưới (thuộc đất huyện Quỳnh Lưu ngày nay). Từ năm 1430 trở về trước, cương vực Quỳnh Lưu hiện nay thuộc đất Hàm Hoan (tên của vùng Nghệ Tĩnh từ thế kỷ I đến thế kỷ III). Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử, hiện nay, huyện Quỳnh Lưu có 1 thị trấn và 32 xã trực thuộc.

Đất ấy có văn – chính là nói đến những vùng đất như Quỳnh Lưu. Đâu chỉ là đất của những vỉa tầng văn hóa bao đời, mà bảng vàng bia đá đề danh… cũng mỏi cả tay. Trong đó, xướng tên đầu bảng phong thần, chắc chẳng nơi nào dám so với xã Quỳnh Đôi, nơi có đặc sản là… làng tiến sĩ tiêu biểu của xứ nghệ. Dân gian có câu “Bắc Hà Hành Thiện, Hoan Diễn Quỳnh Đôi”, “Làng Quỳnh lắm kẻ đăng khoa/Ông nghè, ông cử như hoa vườn Quỳnh”… là để chỉ danh tiếng sự học của làng Quỳnh Đôi. Cũng hiếm có nơi nào như ở Quỳnh Đôi, có 8 di tích quốc gia, gắn liền với truyền thống hiếu học, thi ca, cách mạng. Nơi đây, có bia tưởng niệm và tượng nữ sĩ Hồ Xuân Hương - bà Chúa thơ Nôm; có di tích nhà thờ họ Hồ đại tộc, họ Nguyễn Triệu Cơ, họ Dương; có nơi tưởng niệm nhà cách mạng Hồ Tùng Mậu, anh hùng Cù Chính Lan…

Đất “hội nhân” “hội thủy” ắt “hội lễ”, bởi nết đất tốt sẽ sinh hiền tài, mà kẻ tài ba chắc hẳn không phải bỗng dưng nứt đất mà lên, mà phải tắm gội hữu hình lẫn vô hình “phù sa văn hóa” màu mỡ của xứ sở. Quỳnh Lưu có nhiều lễ hội dân gian truyền thống nổi tiếng mang đậm bản sắc văn hóa vùng miền như lễ Kỳ phúc (Quỳnh Đôi); lễ Cầu ngư (Sơn Hải, Tiến Thủy); lễ hội Đền Thượng (Quỳnh Nghĩa); đua thuyền thúng (Quỳnh Long); ngày hội văn hóa dân tộc thiểu số (Quỳnh Thắng, Tân Thắng). Huyện có 33 di tích văn hóa, lịch sử được xếp hạng, trong đó có 15 di tích cấp quốc gia và 18 di tích cấp tỉnh.

Không phải tự nhiên mà trong chương trình văn nghệ chào mừng huyện Quỳnh Lưu đạt chuẩn nông thôn mới, phần mở đầu lấy chủ đề là Quỳnh Lưu – Vùng đất linh thiêng và hội tụ. Gợi lại câu chuyện của một mảnh đất “có văn” trong sự kiện Quỳnh Lưu đạt chuẩn NTM, để nói hành trình NTM là một hành trình “hoàn thành tiếp diễn”. Ở đó, trên con đường xây dựng một vóc dáng mới cho quê hương, vẫn không quên cái cốt nền dựng tạc mà bao thế hệ tiền nhân bồi đắp tạo thành. Trong dung nhan của đất hôm nay, vẫn thì thầm những bài ca cũ.

30 năm trước, khi chúng tôi vào cấp 3, cả huyện Quỳnh Lưu lúc đó chỉ có 4 trường THPT. Lũ học trò đạp xe đạp hàng chục cây số đến trường phải băng qua những con đường đất, bụi mù mịt, dân cư thưa thớt. Tôi vẫn nhớ những buổi chiều muộn tan học, trời mưa, đường về nhà là những con đường liên xã đất trơn lầy lội, vừa đói vừa mệt, thấy đường về sao mà xa ngái.

Giống các cụ già đứng phía xa sân khấu trong ngày vui của huyện ngày hôm đó, tôi không biết một cách đầy đủ những tiêu chí để được công nhận là huyện nông thôn mới, chỉ biết quê mình bây giờ khang trang sạch đẹp, nhà nhà no ấm… Đường ven bãi ngang chạy qua qua các xã ven biển Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương, Quỳnh Minh, Quỳnh Nghĩa nối liền Quỳnh Tiến tạo thành một chuỗi các điểm du lịch sôi động và quê tôi đón thêm những người khách mới. Nghĩ đến ngày xưa, mà mừng, mà thầm mong quê hương cứ đi trong những ngày vui như hội.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất