, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 15/03/2019, 14:23

Nước mắm và nước chấm

NGUYỄN THỊ HẬU

Dân gian gọi NƯỚC MẮM đã cho thấy cách gọi xuất phát từ nguyên liệu chính làm ra loại gia vị này.

NƯỚC MẮM LÀ PHẢI ĐƯỢC LÀM TỪ CÁ, có mùi đặc trưng và vị mặn mòi. Tuỳ từng vùng có những loại cá khác nhau, vào mùa khác nhau thì “bí quyết” ướp chượp cũng khác nhau.

Mỗi một nhãn hiệu nước mắm truyền thống có một bí quyết riêng, tạo nên hương vị riêng. Cũng nguyên liệu ấy qua tay những người thợ lành nghề sẽ cho ra các loại nước mắm ngon khác nhau.

Nhà thùng sản xuất nước mắm
Nhà thùng sản xuất nước mắm từ cá và muối

Nước mắm sản xuất thủ công truyền thống đòi hỏi rất công phu nên hiện giờ giá thành khá cao, chưa có chính sách “bảo hộ” loại gia vị rất độc đáo này nên nhiều nhà sản xuất phải bỏ nghề.

Hãng nước mắm ngon giờ đếm trên đầu ngón tay. Người kỹ tính thì thấy việc tìm mua chai nước mắm “xịn” khó hơn tìm chai rượu xịn!

Còn có loại nước chấm KHÔNG LÀM TỪ CÁ, là một hỗn hợp pha chế từ hương liệu và nguyên liệu nào đấy theo công thức giống nhau ở tất cả những nơi sản xuất.

Vị đặc trưng là NGÒN NGỌT (không như nước mắm thật: mới nếm thì mặn nhưng ngọt “hậu”). Thậm chí còn có loại nước mắm chay (?). Sản xuất công nghiệp nên loại nước chấm này “siêu sạch!”, bán đầy các siêu thị, giá bình dân.

Mặc dù cùng là một loại nước, mặc dù cùng dùng để nêm, chấm thức ăn, nhưng chắc chắn loại làm từ cá và không làm từ cá rất khác nhau, không thể cho hương vị như nhau.

Do đó, không thể coi loại không làm từ cá là “NƯỚC MẮM” như ghi trên chai, bao bì. Gọi như vậy là một sự lập lờ. Sòng phẳng với người tiêu dùng thì gọi loại này NƯỚC GIẢ MẮM, hay là NƯỚC CHẤM (gọi theo chức năng, công dụng).

Khi nhà sản xuất cố tình lập lờ như vậy thì những người bán hàng cần hiểu biết để giải thích rõ cho người mua. Ai thích ăn loại nào thì tuỳ.

Chỉ có điều khi nước giả mắm tràn lan thì người ta sẽ quen dần với vị ngòn ngọt lờ lợ mà quên mất vị mặn mòi đậm đà. Thậm chí có người còn chưa bước chân ra khỏi “làng” đã chê “nước mắm hôi”!

Người ở thành phố cứ thích chọn hàng hóa có bao bì trông đèm đẹp, có tên gọi bằng chữ nước ngoài… cho sang. Rồi quen dần với vị nước chấm mà nghĩ rằng đó là nước mắm.

Ôi, nước mắm mà không làm từ cá, không “hôi” không mặn, không ngọt về “hậu”, thì có còn là NƯỚC MẮM?

Thị trường còn có loại nước mắm mà chỉ có một phần rất nhỏ của nước mắm thật, còn lại là nước pha nguyên liệu khác, khi phân tích thành phần thì vẫn có “nước mắm”.

Vì vậy, nếu sản xuất kiểu này thì cùng với tỷ lệ thành phần các chất khác còn cần ghi rõ: bao nhiêu % là nước mắm thật? để người mua có thể chọn lựa.

Yêu cầu sự minh bạch và trung thực của nơi sản xuất như vậy có quá cao không nhỉ?!

Bạn tôi, một người nấu ăn rất tinh tế, một lần trò chuyện anh nói: Hôn nhân như… pha một chén nước mắm. Giỏi thì pha ngon, làm bữa ăn ngon hơn.

Dở thì pha hỏng, nhàn nhạt hoặc quá mặn quá ngọt quá chua, khéo chữa thì dùng được, mà vụng thì càng chữa càng hỏng, có khi phải bỏ đi mà pha chén khác. Mà lạ, nước mắm thật có pha hỏng thì dễ “chữa” chứ nước mắm dỏm mà đã pha hỏng thì vô phương!

Ngẫm ra hình như không phải chỉ là chuyện nước mắm nước chấm, mà là chuyện của con người.

Nhưng với những vụ “đánh úp” nước mắm truyền thống của các “nhà quản lý” thì chẳng mấy chốc sẽ không còn nước mắm thật để ăn!

Các bạn có muốn điều đó xảy ra không?

(Nguồn: fb Hậu Kc Nguyễn)

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Keo lá tràm là loài cây đa mục đích, gỗ làm vật liệu xây dựng, đồ mộc gia dụng, nguyên liệu cho công nghệ ván ghép thanh, ván dăm. Đặc biệt gỗ có tiềm năng bột giấy cao, 275-285 kg bột/m3. Gỗ có nhiệt lượng cao 4.800 kcal/kg nên được sử dụng làm chất đốt trong sản xuất than hoạt tính và làm củi đun.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất