, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 11/05/2023, 07:00

Nước ngọt làm trẻ bị… tưng?

VŨ THẾ THÀNH
Bị “tưng” là cách nói vui để chỉ trẻ em bị hội chứng tăng động (hyperactivity), quậy phá quá mức, không kiểm soát được hành vi. Vài nghiên cứu cho thấy tiêu thụ nước ngọt có liên quan đến chứng tăng động ở trẻ. Nước ngọt có gas, có đường, và thường có chất bảo quản benzoate. Nghe tới chất bảo quản là thấy đáng ngờ rồi. Sự thật thế nào?

Hiếu động khác với tăng động

Nước ngọt ảnh hưởng đến chứng tăng động ở trẻ đã được bàn luận nhiều từ hơn ba mươi năm qua. Mối nghi ngờ tập trung vào các loại phụ gia dùng trong nước ngọt có gas.

Nước ngọt có gas là loại nước giải khát sản xuất đơn giản nhất, chỉ lấy nước pha thêm các loại phụ gia như hương liệu, chất điều chỉnh độ acid, chất tạo ngọt, phẩm màu, chất bảo quản, chất chống oxid hóa (để cầm giữ màu), có khi còn thêm cả chất caffeine cho thêm phần kích thích… rồi bơm gas, đóng chai. Thế là xong.

Trẻ hiếu động khác với tăng động. Hiếu động (overactivity) thường rơi vào trẻ vài ba tuổi, quậy phá hơi quá mức một chút, nhưng còn kiểm soát được mức độ quậy phá của mình, biết ngán cha mẹ thầy cô.

Nhưng tăng động lại khác, thường ở trẻ tuổi, quậy phá trên mức bình thường, nói nhiều, nói huyên thuyên, nói leo để người khác chú ý đến mình, nhưng khả năng chú ý của chính mình lại kém, bốc đồng, không tự kiểm soát được hành vi, ở trường cũng như ở nhà. Y học gọi đây là hội chứng rối loạn tăng động thiếu tập trung (ADHD - Attention deficit hyperactivity disorder), xảy với một số trẻ và thiếu niên, con trai bị ADHD nhiều hơn con gái.

Chất bảo quản benzoate bị oan

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến rối loạn ADHD ở trẻ, có thể do yếu tố bệnh lý rối loạn phát triển thần kinh thường, nhưng yếu tố tâm lý cũng không loại trừ, như gia đình, môi trường sống...

Uống nước ngọt có thể làm những trẻ có xu hướng ADHD được “bốc” thêm lên. Tuy nhiên không phải tất cả loại nước ngọt nào cũng gây ra hậu quả đó. Vậy thủ phạm là phụ gia gì có trong nước ngọt?

Bị ngờ vực trước tiên là sodium benzoate, một chất bảo quản chống nấm mốc, men, và trong vài trường hợp có thể chống vi khuẩn nên được dùng phổ biến trong nhiều loại thực phẩm. Do hiệu quả diệt khuẩn tốt trong môi trường acid, nên benzoate thường được dùng trong những sản phẩm có tính acid như nước trái cây, mứt, rau quả muối, nước ngọt… Benzoate còn được dùng trong ngành dược để điều trị bệnh cao amoniac máu (hyperammonemia).

Benzoate là phụ gia được phép dùng trong thực phẩm cho mục đích bảo quản. Cơ quan An toàn FDA (Mỹ) liệt kê benzoate vào nhóm được thừa nhận rộng rãi là an toàn (GRAS).

Vì benzoate được dùng phổ biến như thế, nên nhanh chóng bị giới khoa học loại ra khỏi tầm nghi ngờ làm “bốc” thêm chứng tăng động ở trẻ, nhưng giới báo chí nghe đến chất bảo quản lại bị “tăng động”, gây dư luận ồn ào một thời.

Đây mới chính là thủ phạm

Cơ quan Tiêu chuẩn Thực phẩm Anh quốc (FSA – Food Standards Agency) đã tài trợ cho Đại học Southampton (Anh) làm rõ vấn đề này. Kết quả nghiên cứu được Ủy ban Độc tố của Anh quốc nhận định như sau: Về mặt lâm sàng, quả thực là có mối quan hệ giữa việc uống nước ngọt và hành vi tăng động ở một số trẻ, nhưng chỉ xảy ra với trẻ có xu hướng bị chứng tăng động sẵn rồi.

Cả phẩm màu nhân tạo và benzoate được cho là có liên quan. Tuy nhiên, nghiên cứu chỉ thực hiện trên nước ngọt có dùng và không dùng hỗn hợp của hai thành phần này. Nói cách khác, nước ngọt phải vừa có phẩm màu và benzoate mới có mối liên quan đó. Vì sao phải có mặt đủ cả hai thành phần này, khoa học chưa giải thích được.

Tuy nhiên Cơ quan Tiêu chuẩn FSA đã chỉ ra sáu loại phẩm màu để phụ huynh thận trọng khi cho trẻ con ăn uống:

• Sunset yellow FCF (E110)

• Quinoline yellow (E104)

• Đỏ armoisine (E122)

• Allura red (E129)

• Vàng tartrazine (E102)

• Đỏ ponceau 4R (E124).

Mã số E trong ngoặc đơn là ký hiệu của châu Âu, chỉ chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm với một số điều kiện cụ thể nào đó.

Các loại phẩm màu nêu trên đều được các cơ quan an toàn ở Hoa Kỳ, châu Âu và các nước trên thế giới cho phép sử dụng

Cơ quan FSA của Anh quốc nêu các loại phẩm màu nêu trên chỉ để khuyến cáo chứ không cấm sử dụng chúng trong nước ngọt. Tuy vậy, FSA yêu cầu các nhà sản xuất nước ngọt phải ghi dòng cảnh báo trên bao bì “ May have an adverse effect on activity and attention in children” (có thể có ảnh hưởng không tốt đến hoạt động và khả năng tập trung của trẻ). Đồng thời FSA cũng khuyến khích các nhà sản xuất nên tìm chất thay thế khác, loại bỏ sáu loại phẩm màu nêu trên.

Châu Âu cũng đi theo khuyến cáo của Anh quốc, nhưng FDA (Mỹ) thì còn lừng khừng, chưa quyết định.

Các nhà nghiên cứu cũng nhấn mạnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến chứng tăng động ADHD ở trẻ, và loại bỏ các phụ gia này không có nghĩa là ngừa hay trị được tăng động.

Nói chung, nghiên cứu của Đại học Southampton chưa đủ tính thuyết phục để các cơ quan an toàn có hành động cụ thể, trong khi chất bảo quản vẫn là thứ cần thiết để ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm do nhiễm khuẩn, mốc meo...

Với nước ngọt có gas thì thành phần sử dụng phải vừa có benzoate, vừa có phẩm màu mới có thể liên quan đến chứng tăng động (chứ không phải là nguyên nhân gây ra tăng động). Nếu nước ngọt chỉ có một trong hai thành phần đó thì lại không sao. Tuy nhiên, giữa benzoate và phẩm màu, thì phẩm màu bị “chiếu tướng” kỹ, chứ benzoate được xem là vô tội.

Về Nước ngọt có gas, tiếng Anh gọi “soft drink” để phân biệt với “hard drink” là thức uống có cồn. Nước ngọt có gas, như đã nói ở trên, chỉ là loại nước có đường, rồi bơm gas (khí carbonic). Các loại phụ gia thêm thắt vào chỉ làm bắt mắt, bắt mùi dù có quảng cáo thế nào đi nữa cũng không có ý nghĩa về mặt dinh dưỡng. Một lon nước ngọt (330 ml) có 12g đường, cung cấp khoảng 150 Kcal.

Khoa học gọi nước ngọt có gas là thứ năng lượng rỗng, nghĩa là chỉ thuần túy cung cấp năng lượng, chứ chẳng bổ béo gì. Năng lượng rỗng có thể hiểu một cách ví von, giống như chạy xe gắn máy chỉ đổ xăng mà không châm nhớt.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, uống nhiều nước ngọt có gas dẫn đến béo phì. Béo phì không chỉ là vấn đề thẩm mỹ mà có thể có rủi ro cao dẫn đến các bệnh tim mạch, hô hấp, tiểu đường, tăng huyết áp... Ở trẻ em gái, béo phì là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm.

Tóm lại, nước ngọt có gas không đơn giản là câu chuyện tăng động ở trẻ, mà là béo phì. Với trẻ em, thứ gì ngọt là chúng đều thích, nên nhiều trường học trên thế giới cấm bán nước ngọt có gas, kể cả nước tăng lực trong phạm vi trường.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm




Nhóm Hi-future là tổ chức được sáng lập nhằm giúp các trẻ phổ tự kỉ hòa nhập cộng đồng, giúp những đứa trẻ không biết mình là ai, không phân biệt được bản thân và thế giới xung quanh… bước vào hành trình “tìm lại ước mơ” cho chính mình.


Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất