, //, :: GTM+7

Nước sạch tại nguồn ở nông thôn: Kiểm soát chưa chặt chẽ

KS LƯU HỒ QUANH
Chất lượng nguồn nước sinh hoạt của cả nước nói chung và nông thôn nói riêng hiện đang ở mức báo động vì ô nhiễm nghiêm trọng.

Hệ thống nước mặt Việt Nam gồm hơn 2.360 sông, suối có độ dài hơn 10km và hàng nghìn hồ, ao. Đây là nơi cư trú đồng thời là nguồn sống của các loài động, thực vật; là nguồn cung cấp nước sạch cho sinh hoạt hàng ngày của người dân. 

Chất lượng nước đầu vào kém

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, hàng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó phân bón vô cơ là 90%, hữu cơ là 10%. Hơn 50% lượng phân bón này bị rửa trôi ra môi trường nước, đất, chưa kể một lượng không nhỏ các loại thuốc bảo vệ thực vật. Khoảng 70% lượng nước thải từ các khu công nghiệp, 90% lượng nước thải sinh hoạt tại các đô thị không qua xử lý vẫn đang xả thẳng ra môi trường… 

Với thực tế đó, dù nhiều nước mặt, Việt Nam vẫn thuộc nhóm các quốc gia “thiếu nước”. 

Hiệp hội Tài nguyên nước Quốc tế (IWRA) ghi nhận nguồn nước nội địa của Việt Nam đạt trung bình kém, ở mức 3.840m3/người/năm, thấp hơn 400m3/người/năm so với mức bình quân toàn cầu. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng dự báo, đến năm 2025, lượng nước bình quân đầu người ở Việt Nam chỉ còn một nửa con số nêu trên. 

Cục Bảo vệ Tài nguyên nước đánh giá, tuy tài nguyên nước bề mặt của Việt Nam tương đối dồi dào nhưng đó không hoàn toàn là nước sạch để dùng cho ăn uống, sinh hoạt vì nước sông, suối, ao hồ đều đang bị ô nhiễm nặng. Nước ngầm cũng đang ô nhiễm và thiếu hụt do bị khai thác quá mức. Nước mưa cũng có nguy cơ bị ô nhiễm do một số nguyên nhân như không khí ô nhiễm, việc thu hứng nước mưa không đảm bảo (chẳng hạn như việc hứng nước mưa từ mái nhà không được vệ sinh sạch sẽ vào thẳng các bể xi măng lớn dùng trữ nước). Tình trạng không có hoặc không đủ nước sạch tại vòi để dùng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Các cơ quan quản lý biết, nhưng do thiếu nguồn lực nên việc kiểm soát, giám sát nước nguồn và nước uống, đặc biệt là tại khu vực nông thôn vô cùng hạn chế.

Theo thống kê của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường (Bộ Y tế), Việt Nam hiện có khoảng 17,2 triệu người (tương đương 21,5% dân số) đang sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ giếng khoan chưa được kiểm nghiệm hay qua xử lý. 

Trong những năm gần đây, số người bị mắc bệnh do nguồn nước sinh hoạt không đảm bảo vệ sinh đang tăng lên mỗi ngày. Theo kết quả khảo sát của Công ty kỹ thuật môi trường Việt An - một trong những công ty hàng đầu trong lĩnh vực quan trắc môi trường - 80% bệnh tật xuất phát từ nguồn nước và môi trường bị ô nhiễm. Khoảng 9.000 người tử vong do nguồn nước vệ sinh kém, 200.000 người mắc bệnh ung thư mới được phát hiện, trên cả nước tồn tại 37 làng ung thư do nguồn nước ô nhiễm…

Khắc phục như thế nào

Hiện nay, Việt Nam vẫn chưa có phương án kiểm soát chất lượng nước chính xác và hiệu quả. Hầu hết các cơ sở dữ liệu dựa vào số liệu, tư liệu, niên giám thống kê và số liệu quan trắc môi trường của các tỉnh do Trung tâm Quan trắc Tài nguyên và Môi trường tỉnh thực hiện theo kế hoạch định kỳ, hoặc các kết quả nghiên cứu của đề tài, chương trình nghiên cứu khoa học có liên quan, số liệu báo cáo của doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất. Độ chính xác hay độ tin cậy của việc đánh giá là không cao do còn thiếu về số lượng và thiếu tính liên tục, thiếu tính hệ thống. 

Một chuyên gia trong ngành nước, ông Trương Công Nam, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Cấp nước Thừa Thiên Huế (Huewaco), cho rằng khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng nước tại nguồn liên quan nhiều đến khu vực nông thôn. Theo ông, dân cư ở khu vực nông thôn thường bố trí dàn trải nên đường ống lắp đặt dài, địa hình lắp đặt khó khăn; nhiều nơi ở vùng cao phải đặt thêm các trạm bơm tăng áp hoặc trạm xử lý nước. Điều này đẩy mức đầu tư tăng cao trong khi việc thu hồi vốn lại khá chậm khiến việc hoàn chỉnh mạng lưới cấp nước cũng như kiểm soát chất lượng nước ở khu vực nông thôn gặp khó khăn. 

Để giải quyết được những vấn đề trên, theo ông Nguyễn Hoài Thi, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt An Group, nhà nước cần phải hoàn thiện hệ thống văn bản pháp lý và các chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện đầu tư mạng lưới cấp nước sạch cho người dân cũng như áp dụng các giải pháp công nghệ quan trắc nước sạch tiên tiến để giám sát và kiểm soát chất lượng nước sinh hoạt, đặc biệt là khu vực nông thôn; tăng cường công tác giáo dục, truyền thông nhằm nâng cao nhận thức của chính quyền địa phương và người dân về sử dụng hợp lý nguồn nước và giữ vệ sinh môi trường. 

Ông Thi cho biết, hơn 11 năm hoạt động trong lĩnh vực quan trắc môi trường, Việt An đã lắp đặt hơn 1.000 trạm quan trắc môi trường trên 63 tỉnh/thành. Tại những địa điểm lắp đặt trạm quan trắc, việc kiểm soát chất lượng nguồn nước thường tốt hơn, khi xảy ra sự cố nước nhiễm bẩn cũng ngay lập tức có cảnh báo và được xử lý kịp thời. Chính điều này góp phần duy trì và nâng cao chất lượng nguồn nước. 

Cũng theo ông Thi, việc đầu tư vào trạm quan trắc nước sạch cho khu vực nông thôn là cấp thiết đối với hiện trạng nguồn nước không được quản lý chặt chẽ như hiện nay, nhất là hệ thống quan trắc tự động 24/24 giám sát theo thời gian thực các thành phần trong nguồn nước như pH, DO, nhiệt độ, TOC, Amoni, Nitrat, độ đục, độ mặn, độ màu, dầu mỡ, Flouride... có thể giúp chính quyền địa phương kiểm soát được các sự cố ngoài ý muốn để xử lý kịp thời, nâng cao chất lượng nước phục vụ người dân. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.


Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1



Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất