, //, :: GTM+7
Thứ Sáu, 24/02/2023, 07:25

Nuôi biển: Thiếu và yếu từ quy hoạch đến thực tiễn

PHẠM HIẾU
(nongnghiep.vn)
Nuôi biển không đơn thuần chỉ nuôi con cá, con mực mà là nuôi sự đa dạng sinh học của đại dương, nuôi một dân tộc 100 triệu dân và cả thế hệ mai sau.
Empty
Bộ trưởng Lê Minh Hoan chủ trì cuộc họp nhằm triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Nghề cá nhân dân” bộc lộ những nguy hại

Ngày 23/2, Bộ NN&PTNT tổ chức cuộc họp nhằm triển khai Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Ông Đỗ Linh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH DBLP, nhận định, tại Việt Nam, chưa có một ngành nào có lợi thế và tiềm năng để có thể tập thể hóa nền kinh tế như ngành nuôi biển. Từ đó, đại diện doanh nghiệp đưa ra kiến nghị thành lập các HTX nuôi biển và cơ quan quản lý, Nhà nước cần có những cơ chế để hỗ trợ các HTX đó quản lý, quản trị ngành nuôi biển.

“Qua báo cáo của các viện nghiên cứu về tình trạng nhiều rạn san hô tại Việt Nam chết dần, làm suy thoái hệ sinh thái biển. Trong tháng 5 tới, doanh nghiệp mong muốn được phối hợp với Tổng cục Thủy sản nhằm tái tạo lại những thảm san hô này”, ông Đỗ Linh Phương bày tỏ.

lan-ngam-san-ho-phu-quoc-1 (1)
Doanh nghiệp bày tỏ mong muốn được phối hợp với Tổng cục Thủy sản tái tạo thảm san hô và hệ sinh thái biển. Ảnh: TL.

Chia sẻ về vấn đề nuôi hàu, ông Ngô Hùng Dũng, Giám đốc Công ty Thủy sản Tân An Việt Nam, thông tin, hiện nay đa số bà con đều nuôi tự phát, thời gian nuôi dài nên chi phí cao, đặc biệt không thể truy xuất nguồn gốc, chất lượng không cao dẫn đến giá trị hàu Việt Nam thấp so với các nước chuyên xuất khẩu hàu trên thế giới.

"Chính vì thế doanh nghiệp chúng tôi mong muốn sẽ có những quy chế để tiếp cận vùng nuôi, hướng đến việc sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn xuất khẩu mặt hàng chất lượng cao này. Nếu phát triển được môi trường nuôi không những sẽ có lợi cho bà con nuôi thủy sản mà còn giúp nâng cao giá trị sản phẩm của Việt Nam trên trường quốc tế”, đại diện doanh nghiệp kiến nghị.

images1031536_IMG_20180304_092134
Giá trị hàu Việt Nam thấp so với các nước chuyên xuất khẩu hàu trên thế giới. Ảnh: TL.

PGS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, nêu quan điểm, từ trước đến nay, chúng ta đang phát triển theo đà “nghề cá nhân dân” và giai đoạn này đang thể hiện những nguy hại.

“Phương thức thủ công, người sản xuất phải lo từ giống, thức ăn, nuôi, thương mại… những yếu tố đó đều không thể thực hiện được trong thời điểm hiện tại. Tư duy kinh tế cần tính đến hiệu quả, chất lượng chứ không phải sản lượng”, ông Dũng lưu ý.

Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam cũng nêu ra một loạt vấn đề trong nuôi biển hiện nay như chưa có một đơn vị quốc doanh nào cung cấp con giống đạt chất lượng cao cho bà con nông dân. Người nuôi hầu như đều phải nhập khẩu giống. Nuôi biển của chúng ta cũng chưa có quy hoạch cụ thể, chưa đủ nhận thức.

Empty
Ngành nuôi biển chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn nên không thể quản lý một cách hiệu quả. Ảnh: TL.

“Nuôi biển phải nuôi trên biển, dưới biển, ngoài biển và cả nuôi trên bờ. Đó là xu hướng của thế giới mà chúng ta không thể bỏ qua”, ông Dũng nói.

Đặc biệt, ngành nuôi biển chưa có tiêu chuẩn, quy chuẩn nên không thể quản lý hiệu quả. Nuôi biển cũng chưa có căn cứ cấp giấy phép cho các trại nuôi của bà con nên chưa thể có cơ chế cho các cơ quan bảo hiểm hỗ trợ cho bà con…

Nền tảng từ nghiên cứu khoa học

PGS. TS Đặng Thị Lụa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I nhận định, thực tế hiện nay cho thấy lợi nhuận từ nuôi biển so với các đối tượng nuôi trồng khác không cao.

Empty
Lợi nhuận từ nuôi biển so với các đối tượng nuôi trồng khác không cao. Ảnh: TL.

Lí do đến từ nhiều yếu tố như chi phí nuôi biển xa bờ lớn và rủi ro cao, một số hành lang pháp lý chưa hỗ trợ cho nuôi biển, các địa phương chưa có quy hoạch cụ thể, công nghệ hỗ trợ nuôi biển chưa phát triển, hệ thống lồng, thiết bị lặn, nuôi tự động, cơ sở hạ tầng còn yếu và thiếu…

“Để có thể phát triển ngành nuôi biển, công nghệ sản xuất giống và thức ăn là 2 yếu tố chính quyết định sự thành công. Nếu xây dựng được đàn bố mẹ tốt sẽ có chất lượng con giống tốt, giúp đối tượng nuôi phát triển khỏe mạnh, từ đó giúp giảm chi phí trong thời gian nuôi. Tuy nhiên, để có thể nhân rộng chuỗi sản xuất con giống, đáp ứng được nhu cầu sản xuất, các viện nghiên cứu cần phải có sự chung tay của các doanh nghiệp và các địa phương”, bà Lụa phân tích.

Chia sẻ về những lĩnh vực có thể tham gia vào hệ sinh thái nuôi biển của Việt Nam, đại diện Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I cho biết, đơn vị sẵn sàng hỗ trợ các công trình nghiên cứu nuôi thương phẩm và nghiên cứu lồng bè HDPE; hỗ trợ các địa phương quan sát, đánh giá môi trường nuôi, đánh giá nguy cơ dịch bệnh; hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển giao công nghệ lồng bè HDPE chất lượng Na Uy.

Empty
Công nghệ sản xuất giống và thức ăn là 2 yếu tố chính quyết định sự thành công của nuôi biển. Ảnh: TL.

Còn TS.Trương Hà Phương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III, cho biết, Viện có thể tham gia vào các nghiên cứu để đưa ra các công nghệ sản xuất giống cho đối tượng nhuyễn thể, giáp xác; đồng thời kết hợp với các doanh nghiệp nuôi xa bờ, sản xuất thức ăn cho một số đối tượng điển hình như tôm hùm; tham gia đánh giá tác động môi trường tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

TS. Nguyễn Khắc Bát, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hải sản, thông tin, đơn vị có thể tham gia nghiên cứu, xây dựng quy trình, công nghệ phát triển những đối tượng đầy tiềm năng như sinh vật cảnh, san hô, cá cảnh, rong tảo biển cũng như những đối tượng nhuyễn thể như bào ngư, đối tượng xa bờ như cá ngừ đại dương.

“Viện cũng có quy trình nuôi vi tảo biển để phục vụ cho nhu cầu thức ăn trong nuôi biển. Về quy trình bảo quản chế biến, đơn vị đang nghiên cứu quy trình bảo quản sống, đảm bảo các đối tượng khi được xuất khẩu sang các nước vẫn còn sống, qua đó nâng cao giá trị sản phẩm”, TS. Nguyễn Khắc Bát chia sẻ.

Empty
Hệ sinh thái nuôi biển cần sự chung tay của Nhà nước, nhà khoa học, nhà nông và doanh nghiệp. Ảnh: TL.

TS. Nguyễn Thanh Bình, Viện trưởng Viện Kinh tế và quy hoạch thủy sản, cho hay, Viện có thể tham gia xây dựng các quy chuẩn, tiêu chuẩn lồng bè, vật liệu an toàn môi trường, an toàn sinh học; xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ số phục vụ cho công tác quản lý; xây dựng chuỗi ngành hàng, phát triển hỗ trợ cộng đồng nuôi biển, hỗ trợ bà con ở quy mô nhỏ. Viện cũng có thể đánh giá hiệu quả chính sách hỗ trợ nuôi biển và đào tạo nguồn nhân lực, tổ chức tham gia nghiên cứu các ngành nghề nuôi biển.

Xây dựng hệ sinh thái nuôi biển

“Cần phải xác định nuôi biển không đơn thuần chỉ là nuôi con cá, con mực mà là nuôi sự đa dạng sinh học của đại dương, nuôi một dân tộc 100 triệu dân và cả thế hệ mai sau. Đó là tư duy vì lợi ích quốc gia, đất nước và vì sự bền vững của đại dương trước những thách thức của biến đổi khí hậu, của tự nhiên, của nhân loại. Các viện, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng cần xác định phát triển nuôi biển là trách nhiệm tham gia vào công cuộc thay đổi đất nước”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhiều lần nhấn mạnh tại cuộc họp.

Empty
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, nuôi biển là nuôi sự đa dạng sinh học của đại dương, nuôi một dân tộc 100 triệu dân và cả thế hệ mai sau. Ảnh: Phạm Hiếu.

Theo Bộ trưởng, thời gian qua, rào cản quản lý đã làm cản trở việc mở rộng giới hạn, tận dụng tiềm năng ngành nuôi biển. Cụ thể, Bộ trưởng cho rằng đối tượng trong nuôi biển không chỉ có “con tôm, con mực, con cá…” mà còn hàng loạt đối tượng tiềm năng khác như rong biển, san hô…

“Hiện nay tồn tại thực trạng các viện nghiên cứu về nuôi biển bị giới hạn, chỉ gói gọn trong lĩnh vực công nghệ và kỹ thuật chứ chưa có bộ phận nghiên cứu thị trường. Do đó, các viện cần phối hợp với các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng trong nuôi biển để hình thành một chuỗi giá trị tham gia thị trường, sản phẩm nghiên cứu khoa học mới có thể đóng góp cho xã hội. Nhà khoa học không thể đi một mình”, tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định.

Empty
Không gian nuôi biển cần được mở rộng vào trong đất liền để có thể đa dạng hóa công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề trong lĩnh vực nuôi biển. Ảnh: TL.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng không gian nuôi biển cần được mở rộng vào trong đất liền để có thể đa dạng hóa công nghệ, đa dạng hóa ngành nghề trong lĩnh vực nuôi biển.

“Bà con không nhất thiết phải nuôi tôm, nuôi cá mà có thể tìm đến những đối tượng nhiều tiềm năng khác đã được các viện trường nghiên cứu, được ngành nông nghiệp, thủy sản địa phương giới thiệu. Từ đó mới có thể xây dựng đến những vấn đề khác như vốn, tín dụng, đào tạo, quy trình sản xuất, xu thế thị trường… Công tác quy hoạch cần phải bắt nguồn từ thực tế”, lãnh đạo Bộ NN&PTNT chia sẻ.

Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đặt ra mục tiêu đến năm 2025, diện tích nuôi biển đạt 280.000ha, thể tích lồng nuôi đạt 10 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 850.000 tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 0,8 - 1 tỷ USD.

Đến năm 2030, diện tích nuôi biển đạt 300.000ha, thể tích lồng nuôi 12 triệu m3, sản lượng nuôi biển đạt 1,45 triệu tấn. Giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,8 - 2 tỷ USD.

Tầm nhìn đến năm 2045, ngành công nghiệp nuôi biển của nước ta đạt ở trình độ tiên tiến với phương thức quản lý hiện đại. Công nghiệp nuôi biển trở thành bộ phận quan trọng trong ngành thủy sản, có đóng góp trên 25% tổng sản lượng và giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt trên 4 tỷ USD.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất