, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 23/08/2022, 06:30

Nuôi bò bằng rong biển: giảm phát thải khí nhà kính không tưởng

NGỌC KHANH
(Theo CBS News)
Biến đổi khí hậu và an ninh lương thực thực phẩm đang là hai vấn đề song hành gây đau đầu cho tương lai. Một phát hiện bất ngờ khi rong biển có thể đóng góp giải pháp cho sự nan giải này.
Với người đi biển, rong biển có khi là một phiền toái, nhưng với nông dân Joe Dorgan ở Canada thì đây là một loài rất nhiều tiềm năng. Ảnh CBS News

Vì nhu cầu thức ăn của con người và an ninh lương thực thực phẩm toàn cầu, số lượng gia súc trên thế giới đang gia tăng đáng kể. Ước tính sơ bộ, đang có khoảng 1,5 tỉ con bò được chăn nuôi. 

Bên cạnh đó, có thể nhiều người chưa biết, khí metan hiện là nguyên nhân gây ra 30% hiện tượng nóng lên toàn cầu. Có nhiều thứ phát thải khí metan nhưng gia súc đang chiếm 15% lượng khí thải nhà kính toàn cầu.

Liên Hợp Quốc đánh giá đòn bẩy mạnh nhất để giảm sự nóng lên toàn cầu là hạn chế phát thải khí nhà kính metan. Giải pháp có khi lại không đến từ những điều to tát, mà lại đến từ thứ chúng ta nhìn thấy hàng ngày, là rong biển.

Phát hiện bất ngờ có thể thay đổi thế giới đến một cách tình cờ với người nông dân Joe Dorgan ở Đảo Hoàng tử Edward, Canada. Ông là chủ của công ty North Atlantics Organics chuyên sản xuất và phân phối rong biển hữu cơ.

Quen với rong biển từ nhiều năm, Dorgan nhận thấy nông dân thường thu hoạch rong biển làm thức ăn và phân bón, bản thân ông cho rằng loài thực vật này rất nhiều tiềm năng. Ông đã cho nuôi trồng rong biển rồi gửi mẫu đến Đại học Dalhousie ở Nova Scotia để được cấp chứng nhận hữu cơ.

Nhà khí tượng học và chuyên gia khí hậu của CBS News Jeff Berardelli cho biết, trong quá trình kiểm nghiệm mẫu rong biển của Dorgan, người ta phát hiện ra rằng rong biển làm cho bò bớt thải ra khí metan. 

Thống kê cho thấy gia súc chiếm 15% lượng khí thải nhà kính toàn cầu, tương đương với phát thải của các phương tiện giao thông. Ảnh: World Resources Institute

Thông thường, ăn thức ăn thô khiến bò bị ợ hơi nhiều hơn. Những cơn ợ hơi đó thải ra khí metan, một loại khí nhà kính giữ nhiệt mạnh gấp 80 lần so với khí CO2. Trong một năm, một con bò thải ra lượng khí nhà kính ngang với một chiếc ô tô nhỏ. 

Nếu có thể loại bỏ gần như toàn bộ khí metan khỏi hầu hết các loài bò trên trái đất "sẽ có tác động to lớn, tương đương với việc loại bỏ tất cả khí thải từ Mỹ hoặc tương đương với việc đưa tất cả ô tô ra khỏi các xa lộ trên toàn cầu", Josh Goldman, trưởng dự án tại Greener Grazing cho hay.

Rob Kinley, nhà khoa học trưởng tại Futurefeed, người đã làm việc với ông Dorgan để cấp chứng nhận hữu cơ cho rong biển của ông ấy đã tìm ra một loài rong biển có khả năng khử khí metan (từ bò) nhiều hơn các loại khác. Đó là Asparagopsis, một loại rong biển đỏ phổ biến ở ven biển nước Úc. Theo ông Kinley, phải thử nghiệm rất nhiều lần để chứng thực kết quả, vì ban đầu chính các nhà khoa học tham gia dự án cũng thấy khó tin, đó là loại rong biển này khử được hết khí metan từ vật nuôi.

Tuy nhiên, trở ngại là rong biển Asparagopsis lại không dễ thu hoạch trong môi trường đại dương tự nhiên, nên nhóm nghiên cứu của Kinley đã thử nuôi trồng chúng. Nhóm của Kinley và Goldman đang hoàn thiện kỹ thuật nuôi trồng, mất khoảng 90 ngày để rong biển đạt độ thu hoạch phù hợp. Điều này cho phép trồng nhiều vụ mỗi năm và thích hợp trồng ở hầu hết các vùng biển có khí hậu phù hợp.

Cho bò ăn rong biển sẽ giúp bò nhiều sữa hơn, thịt ngon hơn và ăn ít hơn. Ảnh: CBS News

Theo Goldman, nếu thêm rong biển vào khẩu phần ăn của bò hàng ngày, sự hấp thụ cao các vitamin và khoáng chất tự nhiên trong rong biển đã kích thích bò sinh sản và sản xuất ra nhiều sữa hơn, giúp bò tiêu thụ ít thức ăn hơn, thịt bò cũng thơm ngon hơn.

Dẫu vậy, thuyết phục và khuyến khích người nuôi bò trên toàn thế giới cho bò ăn rong biển là một chặng đường dài và cần nhiều thời gian để thay đổi. Chưa kể, còn phải nghiên cứu thêm lợi ích của các loại rong biển khác nhau ở các khu vực khác nhau trên quy mô lớn. Hiện hiệu quả khử khí metan bằng rong biển trong ngắn hạn là cao, nhưng nếu hệ tiêu hóa của bò thích nghi dần với loại thức ăn mới này thì tác động của nó có thể giảm đi. Cũng là một vấn đề cho các nhà khoa học phải thực nghiệm.

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Khô hạn kéo dài, vuông tôm thiếu nước, độ mặn tăng cao khiến tôm chậm lớn, chết nhiều. Người nuôi tôm ở nhiều địa phương vùng ĐBSCL đang đối diện với vụ tôm thua lỗ nặng từ trước đến nay.


Căn bệnh virus sưng chồi ca cao (CSSVD) do loại rệp sáp gây ra đang tàn phá những rừng cây ca cao ở Tây Phi và có khả năng khiến nguồn cung chocolate toàn cầu gặp nguy hiểm.
Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất