, //, :: GTM+7

Nuôi cá bằng lồng thuyền

ĐỨC NGHĨA
(nld.com.vn)
Dòng Ô Giang đoạn chảy qua xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có độ sâu từ 3 - 5m, mực nước 4 mùa luôn ổn định.

Hàng chục năm nay, người dân địa phương đã tận dụng lợi thế này để thả nuôi cá lồng, tạo ra nguồn thu nhập đáng kể. Từ khi có mô hình nuôi cá bằng lồng thuyền nhôm, người dân không còn canh cánh nỗi lo tài sản bị cuốn trôi mỗi mùa mưa lũ đến.

Ông Phạm Văn Thiện (48 tuổi, ngụ xã Hải Phong) là "cha đẻ" của mô hình lồng thuyền nhôm nuôi cá trên dòng Ô Giang. Năm 2010, sau những lần thất bại vì lũ xé rách lồng lưới nuôi cá, ông đã nảy ra ý tưởng làm lồng nhôm để thả nuôi. Lúc đầu, lồng được thiết kế hình vuông nhưng nhận thấy mùa lũ dễ bị cuốn trôi nên ông Thiện đã thay đổi hình dáng tựa như chiếc thuyền nhỏ.

Lồng thuyền được làm bằng nhôm cao khoảng 1,8m, rộng 2m, dài 7m và có mũi nhọn để rẽ sóng. Để lồng thuyền luôn nổi trên sông, người dân gắn các can nhựa lớn, cố định ở 4 góc trong khoang. Phía đáy và khoang lồng thuyền được khoan nhiều lỗ nhỏ nhằm tạo ô-xy cho cá. Để làm một lồng thuyền như vậy, chi phí bỏ ra khoảng 20 triệu đồng và thời gian hoàn thành từ 3 - 5 ngày.

Nuôi cá bằng lồng thuyền - Ảnh 1.
Xã Hải Phong, huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị có hàng chục hộ dân áp dụng mô hình nuôi cá bằng lồng thuyền.

Mùa lũ, khi nước nguồn đổ về, người dân sẽ dịch chuyển các lồng thuyền này vào gần bờ và neo dây cố định. Vì thế, tỉ lệ rủi ro của mô hình này trước thiên tai rất thấp. Nhiều năm nay, chưa hộ dân nào ở xã Hải Phong bị lũ cuốn trôi hay nhấn chìm lồng thuyền.

Mỗi năm, ông Thiện thả nuôi từ 200 - 300 con cá chình giống trên mỗi lồng thuyền. Sau khoảng một năm chăm sóc, cá chình có thể cho thu hoạch, cân nặng từ 0,8 - 1kg/con; thương lái thu mua với giá hơn 400.000 đồng/kg. Riêng cá leo thì nuôi 400 - 500 con/lồng, sau 3 tháng có thể xuất bán ra thị trường với giá 80.000 đồng/kg.

"Mỗi ngày, gia đình tôi chỉ cho cá ăn một lần, thức ăn thì tận dụng từ nguồn thủy sản trên dòng Ô Giang. Chính vì thế, mỗi vụ nuôi sau khi trừ chi phí, gia đình tôi lãi ròng khoảng 70 triệu đồng/lồng cá chình và 15 triệu đồng/lồng cá leo. Nuôi cá bằng lồng thuyền nhôm vừa an toàn vừa rất hiệu quả" - ông Thiện đúc kết.

Ông Cái Văn Cư, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Phong, cho hay toàn xã có 67 hộ nuôi cá dưới lồng thuyền dọc theo dòng Ô Giang, trong đó tập trung chủ yếu ở 2 thôn Văn Trị, Câu Hà. Tại đây, mỗi nhà đều đầu tư 2 - 3 lồng thuyền để nuôi cá chình, cá leo. Mô hình này cho thu nhập khá với đầu ra ổn định.

Để giúp người dân phát triển mô hình này, chính quyền địa phương đã và đang có chính sách hỗ trợ 3 triệu đồng đối với mỗi lồng thuyền làm mới. Thời gian qua, vì mô hình mang lại hiệu quả nên nhiều người dân từ các địa phương khác cũng đã tìm đến xã Hải Phong để học hỏi kinh nghiệm và áp dụng vào nuôi trồng thủy sản.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm




Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1


Một trong những đặc trưng của mô hình kinh tế tuần hoàn là giảm tối đa chất thải ra môi trường. Đây là đặc trưng quan trọng góp phần giúp nông nghiệp phát triển theo hướng bền vững.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất