, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 01/04/2023, 07:51

Nuôi lợn rừng bằng chuối, lãi trăm triệu đồng mỗi năm

TOÁN NGUYỄN
(nongnghiep.vn)
Đó là mô hình chăn nuôi nông hộ của ông Nguyễn Ngọc Cường, xóm Nam Thành, xã Quyết Thắng, TP. Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên.
Ông Cường đã thất bại hoàn toàn với lứa lợn rừng đầu tiên, nhưng không nản chí và quyết tâm làm lại. Ảnh: Toán Nguyễn.
Ông Cường đã thất bại hoàn toàn với lứa lợn rừng đầu tiên, nhưng không nản chí và quyết tâm làm lại. Ảnh: Toán Nguyễn.

Đam mê với nuôi lợn rừng

Theo chân của cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố Thái Nguyên đến thăm hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc Cường tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên, là mô hình nông hộ chuyên về chăn nuôi lợn rừng (vừa chăn nuôi lợn rừng sinh sản và chăn nuôi thương phẩm).

Theo chia sẻ của ông Cường, bản thân ông khi còn công tác là bộ đội, còn vợ là giáo viên. Sau khi nghỉ hưu, 2 vợ chồng sống trong ngôi nhà cấp 4, có khuôn viên lên đến hơn 3.000m2, có vườn cây, ao cá. Cuộc sống cơ bản là nhàn rỗi, làm công việc vặt của gia đình là chính.

Nhận thấy vườn nhà có thể tận dụng để chăn nuôi, nên đến năm 2015 đã quyết định bắt 2 đàn lợn rừng với tổng cộng là 22 con về nuôi. Tuy nhiên, do không có kinh nghiệm nên lợn bị ốm, chết… dẫn tới việc chăn nuôi lợn rừng đã thất bại hoàn toàn.

Không nản chí, vẫn trong năm 2015, ông Cường đã đi về học hỏi kinh nghiệm ở một trang trại tại tỉnh Thái Bình, nơi đã thành công với lĩnh vực chăn nuôi lợn rừng giống Thái Lan. Sau một thời gian tìm hiểu, 2 vợ chồng đã mạnh dạn bỏ ra gần 100 triệu đồng để bắt 8 con lợn nái và 1 lợn đực về nuôi sinh sản. Thời điểm đó, giá con giống lợn rừng rất đắt, lên đến 250.000 đồng/kg.

Từ lứa lợn mới này, vợ chồng ông Cường vừa làm, vừa học hỏi thêm kiến thức về khoa học, kỹ thuật và tham gia các lớp tập huấn về chăn nuôi. Ngoài ra, năm 2019 gia đình được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp của thành phố Thái Nguyên hỗ trợ thêm con giống, thức ăn, đệm lọt sinh học, kỹ thuật… nhờ đó mà đàn lợn rừng của gia đình sinh trưởng tốt, phát triển theo từng năm.

Từ năm 2022 đến nay, ông Cường duy trì được đàn lợn rừng lên đến hơn 100 con, vừa nuôi thương phẩm và kết hợp với bán lợn giống.

Từ năm 2020 đến nay, ông Cường duy trì được đàn lợn rừng hơn 100 con. Ảnh: Toán Nguyễn.
Từ năm 2020 đến nay, ông Cường duy trì được đàn lợn rừng hơn 100 con. Ảnh: Toán Nguyễn.

Sản phẩm không đủ cung cấp cho thị trường

Để đàn lợn phát triển tốt, thịt chắc, ít mỡ ông Cường dành hơn 1.000m2 đất cho việc xây dựng chuồng trại và làm chỗ vận động cho lợn. Tận dụng đất vườn, đất ruộng trồng khoảng 1.000 cây chuối, với mục đích thân thì làm thức ăn cho lợn, còn lá thì làm thức ăn cho cá.

Ông Cường không ngần ngại chia sẻ: Thức ăn để chăn nuôi lợn rừng là chuối sẵn có, cùng với rau, bã đậu và cám gạo có người cung cấp hàng ngày. Những loại nguyên liệu được đặt mua theo yêu cầu của gia đình, chứ không lấy linh tinh để tránh cho lợn bị bệnh về đường ruột, hoặc có thể lây nhiễm các dịch bệnh khác. Ông Cường phối trộn theo tỷ lệ là 1 tạ rau, bã đậu, chuối + 10kg cám gạo + 1kg muối, sau đó ủ đúng thời gian mới mang cho lợn ăn, giúp cho lợn khoẻ mạnh, đủ chất.

Với chế độ chăn nuôi như vậy, nên chất lượng lợn thịt đảm bảo thơm ngon, được khách hàng tin dùng. Mặc dù giá lợn hơi không hề rẻ, lên tới 130.000 đồng/kg, nhưng gia đình ông Cường không đủ để cung cấp cho thị trường, cơ bản là khách quen và phải đặt trước mới có.

Ông Cường chia sẻ về những loại nguyên liệu như bã đậu, chuối và cách chế biến thức ăn cho lợn rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.
Ông Cường chia sẻ về những loại nguyên liệu như bã đậu, chuối và cách chế biến thức ăn cho lợn rừng. Ảnh: Toán Nguyễn.

Ông Cường tâm sự, mấy năm trở lại đây, sau khi trừ chi phí, mỗi năm ông có lãi khoảng 150 triệu đồng từ nuôi lợn. Hai vợ chồng cũng đã gần 70 tuổi, sức khoẻ không cho phép nên không mở rộng việc chăn nuôi thêm nữa. Khẳng định việc chăn nuôi như của gia đình có hiệu quả cao, phù hợp với điều kiện của người dân tại địa phương có thể phát huy, làm giàu.

Bà Đào Thị Kim Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Thái Nguyên chia sẻ: "Chúng tôi tìm những mô hình tốt hỗ trợ để để bà con nhân dân được thăm quan, học tập và nhân rộng mô hình để phát triển kinh tế cộng đồng.

Trong đó có mô hình chăn nuôi của ông Nguyễn Ngọc Cường, là người đam mê, có kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực chăn nuôi lợn rừng. Ông Cường rất tích cực hộ trợ những người dân trong xóm về con giống, kiến thức chăn nuôi và đã phát được phong trào chăn nuôi, phát triển kinh tế tại địa phương."

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất