, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 01/08/2022, 16:00

Nuôi vịt bầu lai an toàn sinh học theo chuỗi, hiệu quả kinh tế tăng 15%

ĐINH MƯỜI - VÕ VIỆT
(nongnghiep.vn)
Nông dân Hải Phòng tham gia mô hình nuôi vịt bầu lai cánh trắng an toàn sinh học có liên kết bao tiêu sản phẩm giúp tăng hiệu quả kinh tế thêm 10 - 15%.
Nuôi vịt bầu lai theo hướng an toàn sinh học tại xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy. Ảnh: Đinh Mười.

Quy trình an toàn, khép kín

Nhiều nông dân ở xã Ngũ Đoan, huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng những năm nay vẫn nuôi vịt bầu cánh trắng theo các phương pháp truyền thống, dù có lãi nhưng hiệu quả kinh tế không cao, hay xảy ra dịch bệnh và thường xuyên rơi vào tình trạng khó khăn đầu ra hoặc bị ép giá. 

Từ đầu năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng triển khai mô hình “Chăn nuôi vịt bầu lai cánh trắng an toàn sinh học, liên kết tiêu thụ sản phẩm” tại 2 hộ ở xã Ngũ Đoan đạt hiệu quả bất ngờ.

Ngay từ đầu, việc kiểm tra, triển khai mô hình tại cơ sở từ khâu chọn điểm, chọn hộ đến khâu tổ chức cấp phát vật tư hỗ trợ, tổ chức các hội nghị tập huấn được thực hiện kỹ lưỡng. Các tiến bộ kỹ thuật từ chọn giống, ứng dụng chế phẩm sinh học trong thức ăn, nước uống và xử lý môi trường cho đến liên kết tiêu thụ sản phẩm được thực hiện khoa học, phù hợp với nhu cầu của người chăn nuôi.

Bên cạnh đó, cán bộ kỹ thuật được lựa chọn để hướng dẫn kỹ thuật của mô hình có kinh nghiệm thực tiễn trong việc xây dựng mô hình khuyến nông, có kiến thức kỹ thuật tốt, có tay nghề và nghiệp vụ giỏi, đảm bảo đáp ứng với việc hướng dẫn kỹ thuật của mô hình... nên kết quả đạt được thực sự đã ngoài mong đợi.

Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh, người trực tiếp bám cơ sở và triển khai dự án cho biết, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng hỗ trợ người dân 50% giá trị giống, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, vacxin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng, hỗ trợ tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân.

Giống vịt bầu lại cánh trắng được lấy từ xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội, kết hợp với chăn nuôi an toàn sinh học, kiểm soát tốt từ việc nhập giống đế quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng, phòng trị bệnh đảm bảo kỹ thuật.

Kết quả bước đầu cho thấy, tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng cao, đạt từ 96 - 99%, cao hơn chăn nuôi thông thường 5 - 6%, khối lượng tăng trọng, tiêu tốn thức ăn phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật của giống, khối lượng vịt 8 tuần tuổi dao động từ 2,45 - 2,6 kg/con, đến khi xuất chuồng ở 10 tuần tuổi đạt 29 - 3,2 kg/con.

Tiêu tốn thức ăn thấp, chi phí thuốc thú y trong mô hình thấp hơn so với chăn nuôi thông thường từ 3.000 - 5.000 đồng/con và hạch toán hiệu quả kinh tế trong mô hình cho lãi trên 55 triệu đồng/10 tuần nuôi cao hơn chăn nuôi ngoài mô hình khoảng 11 triệu đồng, hiệu quả kinh tế tăng 25%.

Ông Mạc Văn Sông, đại diện hộ nuôi vịt cho biết, trước khi tham gia mô hình, hầu hết các hộ chăn nuôi theo kinh nghiệm và phương thức truyền thống, thực hiện chăn nuôi chưa đảm bảo an toàn sinh học, chưa chú trọng công tác chọn giống.

Ông Mạc Văn Sông (bên trái) chia sẻ kết quả triển khai mô hình. Ảnh: Đinh Mười.

Sau khi tham gia mô hình, gia đình ông Sông được cán bộ khuyến nông tập huấn, hướng dẫn đầy đủ, chi tiết quy trình kỹ thuật chăn nuôi, khép kín, sử dụng thức ăn hoàn chỉnh đảm bảo chất lượng từng giai đoạn nuôi.

Bên cạnh đó, được hướng dẫn tiêm phòng vacxin định kỳ, sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung thức ăn và làm đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược bổ sung thức ăn, nước uống thay thế kháng sinh phòng trị bệnh, do đó, chi phí thuốc thú y giảm, hạn chế việc sử dụng kháng sinh, khối lượng tăng trọng nhanh, tỷ lệ nuôi sống cao, tiêu tốn thức ăn thấp.

"Trừ chi phí giống, thức ăn, vacxin, thuốc thú y, hóa chất sát trùng, điện nước, khấu hao chuồng trại, mô hình 4.100 con vịt bầu lai cánh trắng cho lãi 55 triệu đồng/10 tuần nuôi nuôi, cao hơn nuôi thông thường hơn 29 triệu đồng", ông Sông chia sẻ.

Để thực hiện mô hình, chuồng nuôi các hộ tham gia cần chắc chắn, có diện tích tối thiểu 120m2, chuồng nuôi có sàn nhựa, có hệ thống chống nóng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Các hộ thu gom chất thải, tổng vệ sinh, khử trùng chuồng trại, để trống chuồng ít nhất 2 tuần trước khi nhập giống. Tổ chức phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh để hạn chế ruồi muỗi gây bệnh cho người và vật nuôi.

Đặc biệt, cần vệ sinh bãi chăn thả, khu vực vườn thả, dùng lưới che chắn để ngăn chặn chim hoang dã xâm nhập vào chuồng nuôi và bố trí kho bảo quản thức ăn, nơi thay bảo hộ lao động, rửa tay, sát trùng. Sân chơi bố trí cây bóng mát, trong trường hợp chưa có cây bóng mát thì có thể dùng lưới đen che nắng để tránh nắng nóng cho vịt.

Duy trì, nhân rộng mô hình

Theo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, do dược áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi an toàn, khép kín, thức ăn đảm bảo chất lượng từng giai đoạn nuôi, khối lượng tăng trọng nhanh, tỷ lệ nuôi sống cao, tiêu tốn thức ăn thấp.

Mặt khác, do được chú trọng công tác tiêm phòng vacxin, sử dụng chế phẩm sinh học bổ sung thức ăn và làm đệm lót sinh học, sử dụng chế phẩm sinh học, thảo dược bổ sung thức ăn, nước uống thay thế kháng sinh phòng trị bệnh, chi phí thuốc thú y thấp hơn so với chăn nuôi thông thường.

Đặc biệt hạn chế việc sử dụng kháng sinh trong suốt quá trình thực hiện mô hình, góp phần giảm bớt công chăm sóc, giảm chi phí thuốc thú y, hạn chế tồn lưu kháng sinh trong sản phẩm thịt và sản phẩm được cam kết liên kết tiêu thụ sản phẩm các hộ yên tâm chăn nuôi, do giá bán được ký hợp đồng tiêu thụ ổn định.

Mô hình sẽ được nhân rộng tại Hải Phòng trong thời gian tới. Ảnh: Đinh Mười.

Bà Cao Thanh Huyền, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng cho biết, thông qua mô hình chăn nuôi vịt an toàn sinh học từng bước thay đổi hành vi và phương thức sản xuất theo hướng chăn nuôi an toàn và bền vững; bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sinh thái.

Mô hình đã tập huấn, trang bị các kiến thức về chăn nuôi cho đội ngũ cán bộ cơ sở và người chăn nuôi, hiệu quả của mô hình góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các địa phương tham gia mô hình thông qua các lợi ích của nó mang lại, nâng cao mức thu nhập, đóng góp tích cực vào việc xoá đói giảm nghèo phát triển kinh tế nông thôn.

Mặt khác, do được áp dụng các kỹ thuật mới, có sự tham gia tích cực của các hộ tham gia mô hình và giám sát chặt chẽ của các cán bộ kỹ thuật đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người chăn nuôi.

Thông qua việc an toàn sinh học từng bước thay đổi hành vi, thói quen, nhận thức của người dân, giúp họ hướng đến tổ chức phương thức sản xuất theo hướng an toàn và bền vững, bảo vệ sức khỏe con người, môi trường sinh thái.

Đồng thuận với đánh giá của lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, ông Vũ Huy Ba, Chủ tịch UBND xã Ngũ Đoan cũng khẳng định, mô hình nuôi vịt bầu lai cánh trắng theo hướng an toàn sinh học gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm triển khai tại địa phương đã đạt kết quả tốt, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi tại địa phương, góp phần trực tiếp thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, giúp phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới.

Được biết, sau khi triển khai hiệu quả, trong thời gian tới, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng sẽ tổ chức tập huấn cho các hộ trong và ngoài mô hình cho các hộ áp dụng khoa học kĩ thuật cả về chiều sâu và chiều rộng do đó các mô hình sản xuất này tăng khả năng được nhân rộng với những hộ đang chăn nuôi vịt truyền thống hiện nay tại các huyện Kiến Thụy, An Lão.

Ông Đoàn Văn Hưởng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Giống gia cầm Lượng Huệ cho biết, thời gian tới doanh nghiệp cam kết hợp duy trì tác với các hộ chăn nuôi tại địa phương trong bao tiêu đầu ra với sản phẩm vịt bầu lại cánh trắng thương phẩm. Sau khi kết thúc mô hình, phía Công ty sẽ cùng với các hộ bàn bạc, thống nhất về phương thức nuôi, thời gian nuôi, chất lượng sản phẩm để cùng thỏa thuận tái ký kết hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm lâu dài, giá thu mua ổn định đảm bảo người nông dân luôn có lãi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Chưa khi nào nông dân thấy giá trị của rơm rạ như bây giờ, thu hoạch xong không đốt bỏ mà bán cho hợp tác xã, xử lý thành các sản phẩm đa dụng...





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất