, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 19/03/2024, 19:14

"Ly hôn xám" và "ly hôn xanh"

TRẦN THANH TÂM
Ở Mỹ đang có hiện tượng “ly hôn xám” (ly hôn bắt đầu ở tuổi trung niên) trong khi tại Việt Nam, “ly hôn xanh” (ly hôn ở tuổi thanh niên) chiếm tỷ lệ áp đảo. Có thể thấy gì qua hai hiện tượng này?

Tháng 12 năm 2000 chứng kiến một trong những cuộc bầu cử tổng thống gay cấn nhất lịch sử nước Mỹ, dẫn đến việc phải kiểm phiếu lại tại một số hạt ở bang Florida. Các lá phiếu dành cho hai ứng viên – gồm Thượng nghị sĩ George Bush, đảng Cộng hòa, và Phó Tổng thống Al Gore, đảng Dân chủ – sít sao đến nỗi khi nỗ lực kiểm phiếu lại phải chấm dứt theo phán quyết của Tòa án Tối cao Liên bang, Bush chỉ đang hơn Gore 537 phiếu.

Tuy nhiên, theo nguyên lý “được ăn cả, ngã về không” trong bầu cử tổng thống ở Mỹ, con số chênh lệch ít ỏi mấy trăm phiếu này cũng đủ để Bush thắng tại bang Florida và do vậy dành ghế tổng thống.

Nhưng thất bại đó không làm lu mờ hình ảnh của Phó Tổng thống Al Gore, cũng là một nhà bảo vệ môi trường nổi tiếng thế giới nhận giải Nobel hòa bình năm 2007. Gore còn được công chúng Mỹ biết đến với gia đình truyền thống cùng người vợ xinh đẹp Tipper Gore. Thật bất ngờ, vào tháng 6 năm 2010, Al và Tipper (khi ấy cùng 62 tuổi) đột ngột tuyên bố ly hôn sau 40 năm về chung một mái nhà và có với nhau bốn người con.

Mỹ: “ly hôn xám”

Cuộc chia tay có phần gây ngạc nhiên giữa Gore và Tipper có thể được xem là điển hình cho một hiện tượng đang trở nên phổ biến hơn trong mấy thập kỷ qua ở Mỹ. Theo một bài báo đăng trên CNN hồi tháng 8/2023(1), Susan Brown, đồng Giám đốc Trung tâm Quốc gia nghiên cứu Hôn nhân và Gia đình tại Đại học Bowling Green State University, gọi đó là “ly hôn xám” (gray divorce) – vợ chồng chia tay sau khi bước vào tuổi trung niên, một hiện tượng trước đây hiếm có nhưng hiện nay đang phổ biến hơn rất nhiều.

Không chỉ có Gore và Tipper. Năm 2021, thế giới chứng kiến sự chia tay của một cặp nổi tiếng không kém: nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates (66 tuổi năm 2021) và vợ Melinda Gates (57 tuổi năm 2021), sau 27 năm chung sống và có với nhau hai con. Chưa hết, vào tháng 8 năm nay, Justin Trudeau, vị thủ tướng đẹp trai 51 tuổi của Canada thông báo vợ chồng ông vừa ly thân.

Susan Brown đã bắt đầu theo dõi hiện tượng “ly hôn xám” ở Mỹ hơn 10 năm trước khi cặp Gore – Tipper đường ai nấy đi, ban đầu chỉ vì họ là người nổi tiếng.

Và không chỉ có người nổi tiếng mới ly hôn khi về già, tỷ lệ này cũng gia tăng trong người dân thường. Thống kê cho thấy ở Mỹ cứ ba cặp nộp đơn ly hôn thì một cặp trên 50 tuổi.

Mặt khác, hiện có đến 38 triệu người Mỹ đã trưởng thành sống một mình. Năm ngoái, gần 16 triệu người Mỹ ở độ tuổi 65 hay già hơn sống một mình, cao hơn gấp ba lần con số ở độ tuổi này trong thập niên 1960. Có vô vàn lý do đằng sau sự thay đổi về ly hôn kể trên, trong đó có thể kể các thành tựu về tài chính phụ nữ đã dành được khi họ tham gia lực lượng lao động cũng như sự biến đổi trong quan điểm về hôn nhân.

CNN dẫn lời Susan Myres – một luật sư chuyên về ly hôn ở Houston, bang Texas – cho biết với một số người, quyết định chấm dứt hôn nhân ở tuổi xế chiều, nhất là khi người ta đã bước vào tuổi gần đất xa trời, có vẻ không hợp lý cho lắm. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm mấy chục năm hành nghề, luật sư Myres nhận định rằng các lý do xem ra lại hợp lô-gíc.

Ví dụ, luật sư này kể, một thân chủ của mình bảo bà không hề muốn chết gần ông chồng mình và muốn tránh xa ông ta. Một nguyên nhân khác – dù nhiều người không nghĩ tới, lại rất thời sự – liên quan đến ảnh hưởng do quan điểm về vaccine, khẩu trang và chính trị trong đại dịch Covid-19.

Một số người cao tuổi muốn kết thúc hôn nhân đơn giản là vì họ cảm thấy mình và người phối ngẫu đã quá khác biệt. Số khác phải chịu đựng bạo hành hay nhận ra hành vi phi đạo đức của chồng hay vợ. Theo Myres, người muốn ly hôn – kể cả người trên 80 tuổi – có điểm chung, đó là ai cũng cho rằng mỗi năm còn lại trong cuộc đời mình đều rất quý giá nên không muốn phí hoài thời gian với một người không còn thích hợp.

Nhưng trở thành độc thân khi đã ở lứa tuổi này không phải lúc nào cũng dễ dàng. CNN đề cập đến trường hợp của bà Edith Heyck, người bang Massachusetts. Ở tuổi 72, bà Heyck vẫn đang ở một mình dù đã trải qua mấy cuộc hôn nhân. Heyck, một họa sĩ kiêm người quản lý công viên bán thời gian, cho biết bà ly hôn (lần đầu) trong độ tuổi 50 sau khi con bà đúng 18 tuổi.

“Cuộc hôn nhân của tôi thực sự giống như một mối quan hệ trong công việc hơn là vợ chồng đúng nghĩa”, bà Heyck nói. Tuy nhiên, đời sống hậu ly hôn của bà không hề suôn sẻ về mặt tài chính. Trong nhiều năm sau đó, bà Heyck phải chật vật giật gấu vá vai, chia sẻ chỗ ở với bạn cùng phòng hay qua đêm ở bất cứ nơi nào còn trống, thường là trên một chiếc ghế bố (couch-surfing). Suốt mấy năm liền, bà phải chờ đến lượt mình để thuê một căn nhà có giá được điều chỉnh phù hợp với thu nhập của người cao tuổi.

Bà Keyck không phải là ngoại lệ. Theo nhà nghiên cứu Susan Brown, khó khăn tài chính là một vấn đề chung cho nhiều cặp phải “ly hôn xám”. Nhiều người phải chịu mức sống giảm sút nghiêm trọng. Thêm vào đó, tỷ lệ người nghèo tăng lên khiến đời sống càng khó khăn hơn bởi vì cái gì bây giờ đối với họ cũng chỉ còn phân nửa. 

Cũng có người trải qua “ly hôn xám” lại tái hôn. Một số tìm được mối quan hệ lãng mạn khác. Theo Brown, trong những năm đầu hậu ly hôn, khoảng phân nửa số người “ly hôn xám” vẫn sống một mình. Một số không bao giờ tái hôn. 

Việt: “ly hôn xanh”

Theo một số bài báo trong nước, tỷ lệ ly hôn so với kết hôn ở Việt Nam trong những năm gần đây là một phần tư, nghĩa là trong số bốn cặp cưới nhau thì sẽ có một cặp tan vỡ. Cũng theo các bài báo này, tỷ lệ trên không phải là cao so với thế giới. Thế nhưng, nếu chỉ so sánh với các con số của chúng ta trong giai đoạn trước đây, tỷ lệ này đã tăng đáng kể.

Hiện tượng “ly hôn xám” như ở Mỹ vẫn chưa phổ biến tại Việt Nam. Chiếm tỷ lệ lớn nhất trong ly hôn ở nước ta vẫn là “ly hôn xanh” (các cặp chia tay khi vẫn ở tuổi thanh niên). Báo Thanh Niên dẫn nguồn từ Viện Nghiên cứu Gia đình và Giới(2) cho biết khoảng 70% số cặp ly hôn ở Việt Nam thuộc về các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 30. Ly hôn ở Việt Nam còn “xanh” hơn nữa khi có đến 60% các cặp vợ chồng chia tay trong vòng năm năm chung sống. Cũng theo bài báo này, ly hôn sau khi kết hôn vài tháng hay vài ngày kiểu Hollywood không còn là quá hiếm ở xứ mình.

Thống kê cũng cho biết rằng ở các thành phố càng lớn, tỷ lệ ly hôn càng cao. Điển hình là tại TP.HCM, trung tâm đô thị đông dân nhất nước, bình quân cứ 2,7 cặp kết hôn thì có một cặp “anh đường anh, tôi đường tôi” (35%, cao hơn đáng kể so với tỷ lệ 25% trên toàn quốc).

“Xám” hay “xanh” không hẳn chỉ là thảm họa

Ở Mỹ, cứ 10 người từ 65 tuổi trở lên thì gần ba người sống một mình (dù vẫn còn giữ được hôn nhân hay đã ly dị). Các chuyên gia cho rằng con số này sẽ ảnh hưởng xấu đến các cộng đồng khắp nước Mỹ nếu thiếu các nỗ lực kịp thời nhằm cung cấp các dịch vụ xã hội tốt hơn.

CNN dẫn lời Markus Schafer, phó giáo sư xã hội học của Đại học Baylor University, cho rằng đây là một “hiện tượng kép”. Theo ông, nhiều người nghĩ sống một mình có nhiều tự do hơn, khỏi phải cãi nhau hàng ngày xem ai giặt đồ hay mua kem đánh răng. Đúng rồi, ông nói, nhưng thử nghĩ xem, dù rất nhiều người sống một mình vẫn tuyệt, họ cũng công nhận họ cảm thấy cô đơn. Càng lớn tuổi, cảm giác này càng rõ rệt hơn. Các nhà nghiên cứu đang cố gắng đề ra các giải pháp giúp người cao tuổi cô đơn ở Mỹ trước khi quá muộn.

Trong khi đó, luật sư chuyên về ly hôn Myres có cái nhìn tích cực về vấn đề này. Thay vì dùng thuật ngữ “ly hôn xám”, Myres chọn cụm từ “người chia tay bạc” (silver spitter). Myres giải thích cụm từ này ám chỉ mặt tích cực của việc phải bắt đầu lại cuộc sống riêng, dù mình có bao nhiêu tuổi đi chăng nữa.

Trở lại với bà Heyck. Cuối cùng thì bà cũng thuê được chỗ ở cho mình sau năm năm chờ đợi. Quan trọng hơn, bà cũng tìm được sự ổn định cần thiết. Bà nói mình đã có cảm giác an toàn chưa bao giờ có được và thiết lập quan hệ thực sự với cộng đồng, trong đó tôn giáo đã giúp bà niềm vui và sức khỏe. Bà tuyên bố dù đã hơn 70 tuổi, bà vẫn đang hẹn hò rất vui vẻ.

Không ai phủ nhận được mặt trái của ly hôn, dù là ở Mỹ hay Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ lệ ly hôn cao hơn tại Việt Nam gần đây, dù “xanh” hay “xám”, không hẳn hoàn toàn tiêu cực.

Thứ nhất, số liệu chỉ ra rằng tỷ lệ nữ giới đứng đơn ly hôn áp đảo nam giới trong mọi nhóm tuổi, dù “xám” hay “xanh” – ở mức gần 70% so với thấp hơn 30% một chút. Điều này cho thấy bình đẳng giới đã khởi sắc hơn, phụ nữ đã có thể tự chủ trong cuộc sống ở mức cao hơn. 

Xin mở ngoặc nói thêm về vấn đề này với các độc giả Nông thôn Việt. Theo một nghiên cứu nhan đề “Một số đặc điểm về xu hướng và quá trình ly hôn ở Việt Nam hiện nay”(3), ở vùng Tây Nam bộ (Đồng bằng sông Cửu Long), chủ thể hòa giải là người thân, bạn bè, hội phụ nữ, đồng nghiệp, tổ hòa giải của thôn hay tổ dân phố. Ở đô thị, gần 50% vụ ly hôn không có hòa giải so với chưa đến 30% ở nông thôn. Điều này chứng tỏ ly hôn ở đô thị thiên về cá nhân trong khi ở nông thôn sự tham gia của các chủ thể nhiều hơn. 

Thêm vào đó, ở nông thôn, chủ thể hòa giải ly hôn sắp theo thứ tự quan trọng gồm tổ hòa giải, người thân trong gia đình, đồng nghiệp và hội phụ nữ. Ở đô thị, thứ tự này lần lượt là đồng nghiệp, tổ hòa giải rồi mới đến người thân trong gia đình. Nói khác đi, đối với phụ nữ nông thôn, quyết định ly hôn của họ chịu ảnh hưởng từ gia đình và cộng đồng nhiều hơn so với phụ nữ thành thị.

Xét về bình đẳng giới, thống kê sau đây có phần tích cực hơn: phụ nữ nông thôn đứng đơn ly hôn cao hơn so với phụ nữ thành thị (73,2% so với 67,7%).

Cuối cùng, xin nói thêm rằng, dù “xám” hay “xanh”, muốn giảm nguy cơ ly hôn, cả nam lẫn nữ cần đủ chín chắn khi quyết định kết hôn.

(1)https://edition.cnn.com/2023/08/05/health/boomers-divorce-living-alone-wellness-cec/index.html

(2)https://thanhnien.vn/gia-dinh-tre-viet-ngay-cang-thieu-su-gan-bo-va-ben-vung-1851503856.htm

(3)http://tapchikhxh.vass.gov.vn/mot-so-dac-diem-ve-xu-huong-va-qua-trinh-ly-hon-o-viet-nam-hien-nay-n50399.html

Tags

Bình luận

Xem nhiều



Anh Hoàng Vân là một trong những người tiên phong trào lưu phẫu thuật thẩm mỹ cho cá tại Việt Nam. Hơn 10 năm nay, anh thực hiện cắt mí mắt, cắt môi, sửa vảy, mang... cho hàng trăm con cá rồng. Thu nhập mỗi tháng lên đến chục triệu đồng.

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).

Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm





Bất cứ ai là dân ở huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre đều biết về sự tích “Ông Cả Cọp” ở xã Châu Bình. Đó là chuyện của một con cọp làm Hương cả của làng Châu Bình...

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất