, //, :: GTM+7

Ô nhiễm nước ngầm, mối lo hiển hiện

Đô thị hóa nhanh cùng với các hoạt động của con người như công nghiệp, nông nghiệp, giao thông… đang khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường, trong đó có ô nhiễm nguồn nước ngầm, ngày càng trở nên nghiêm trọng. Do vậy bảo vệ nguồn nước, mà cụ thể là nguồn nước ngầm, là hành động hết sức cấp bách trong thời điểm này.

 

Báo động tình trạng ô nhiễm nước ngầm

Nước ngầm là một dạng nước dưới lòng đất, được trữ trong các không gian rỗng của đất và trong các khe nứt của các lớp đất đá trầm tích. Nó có thể tồn tại cách mặt đất vài mét, vài chục mét hay hàng trăm mét.

Con người đã sử dụng nước ngầm để sinh hoạt và sản xuất từ xa xưa. Ước tính, lượng sử dụng nước ngầm trên thế giới vào khoảng 982km³ một năm. Trong đó, nước ngầm cung cấp phân nửa lượng nước uống trên toàn cầu và 38% lượng nước tưới tiêu.

Ở nước ta, nguồn nước ngầm chiếm 35 - 50% tổng lượng nước cấp sinh hoạt cho các đô thị trên toàn quốc, việc khai thác nước ngầm thường thông qua các hình thức như giếng đào, giếng khoan. Cùng với sự gia tăng đô thị và gia tăng dân số đô thị, nhu cầu sử dụng nước ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không ngừng tăng. Hà Nội và TP.HCM khai thác nước ngầm khoảng từ 700.000 - 800.000m³ nước/ngày cho mỗi thành phố, con số này ở các đô thị khu vực đồng bằng Nam bộ là khoảng 300.000m³/ngày. Việc khai thác nước ngầm quá mức dẫn đến nguồn nước ngầm bị sụt giảm, thay đổi cấu trúc địa chất và gia tăng độ mặn cũng như nồng độ các chất ô nhiễm.

Nước thải đô thị và khu công nghiệp cũng là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nước ngầm. Hiện tại, chỉ có 12,5% nước thải đô thị được xử lý trước khi xả vào môi trường, trong khi chỉ tính riêng Hà Nội và TP.HCM đã xả vào môi trường khoảng 700.000 - 900.000m³/ngày. Đồng thời, chất thải rắn cũng là mối đe dọa về lâu dài khi làm ô nhiễm nguồn nước mặt, sau đó ngấm dần vào lòng đất làm ô nhiễm nước ngầm.

Nước thải sinh hoạt từ một khu đô thị ở Hà Nội.
Nước thải sinh hoạt từ một khu đô thị ở Hà Nội.

Theo GS.TS Nguyễn Hữu Dũng, Viện trưởng Viện Môi trường Đô thị và Công nghiệp Việt Nam, hiện nay Việt Nam có khoảng 830 đô thị, chất thải rắn phát sinh hàng năm khoảng 14 triệu tấn, trong đó rác thải đô thị khoảng 38.500 tấn/ngày và theo thống kê, tính đến 2018 cả nước có khoảng 660 bãi chôn lấp chất thải sinh hoạt, trong đó chỉ có 128 bãi chôn lấp hợp vệ sinh.

Ngoài ra, ô nhiễm nước ngầm do các hoạt động nông nghiệp cũng là vấn đề đáng quan tâm. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hằng năm Việt Nam tiêu thụ khoảng 11 triệu tấn phân bón và chỉ khoảng 45 - 50% lượng phân bón được sử dụng hiệu quả, số còn lại bị rửa trôi và sẽ lan truyền, tích tụ trong đất.

Ô nhiễm gây ra nhiều hệ lụy

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nguồn nước cung cấp cho người dân Thủ đô hiện nay phần nhiều là nước ngầm. Ô nhiễm nguồn nước ngầm chính là nguyên nhân khiến nguồn nước sinh hoạt cấp cho người dân không được đảm bảo chất lượng.

Chi tiền để mua nước sạch nhưng phải sống chung với nước kém chất lượng, có màu và mùi lạ, thậm chí nhiễm độc, nhiễm khuẩn là nỗi lo của cư dân Hà Nội. Do vậy, nhiều hộ đã phải lắp đặt thêm hệ thống lọc nước cho gia đình. Được biết, hiện nay khu vực phía Tây Nam và các huyện ngoại thành Hà Nội, nguồn nước ngầm ở cả hai tầng chứa nước nông và sâu đều nhiễm các chất gây hại. Mặc dù nước đã qua hệ thống lọc nhưng vi khuẩn Coliforms và E.coli vẫn cao gấp nhiều lần cho phép (các nhà khoa học căn cứ vào số lượng của 2 loại vi khuẩn này để đánh giá mức độ ô nhiễm của nước). Tại nhiều khu vực, hàm lượng amoni trong nước sinh hoạt luôn vượt ngưỡng tiêu chuẩn của Bộ Y tế.

Trong năm 2018, Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM cho biết thông qua công tác thực hiện giám sát chất lượng các nguồn nước ăn uống, sinh hoạt trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận 28% số mẫu giám sát không đạt chất lượng mà đa số rơi vào nhóm nước giếng do các hộ dân tự khai thác. Cũng theo Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM, sử dụng nguồn nước có tính axit cao, có hàm lượng amoni cao hoặc nhiễm vi sinh E.coli và Coliforms có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy, suy thận, nhiễm khuẩn máu… thậm chí là ung thư.

Giảm thiểu sử dụng nước ngầm

Để hạn chế những tác động làm ô nhiễm nguồn nước ngầm cũng như bảo đảm sức khỏe của người dân, có nhiều biện pháp đã được đặt ra, cần cả Chính phủ và người dân cùng chung tay triển khai.

Theo GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiện Việt Nam có tới 70% rác xử lý bằng cách chôn lấp là quá cao, gây tốn đất, ô nhiễm nước ngầm. Chính phủ cần đưa tỷ lệ chôn lấp rác giảm xuống dưới 20%. Xu hướng chung trên thế giới là phân loại rác tại nguồn, tái sử dụng và biến rác trở thành nguồn tài nguyên. Một số đô thị từng vận động người dân phân loại rác, nhưng khi rác ra khỏi hộ dân thì lại đổ chung lên một xe thu gom khiến công sức phân loại trở nên vô nghĩa.

Thành phố Hà Nội đang thực hiện lộ trình đóng toàn bộ giếng ngầm để sử dụng nước mặt thay thế. Nguồn nước mặt được khai thác từ ba con sông có lưu lượng nước lớn là sông Hồng, sông Đà và sông Đuống. Vào tháng 9 vừa qua, Nhà máy Nước mặt sông Đuống thuộc Tập đoàn AquaOne đã chính thức khánh thành giai đoạn 1 với công suất 300.000 m³/ngày đêm. Được biết, đây là dự án nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc với tổng diện tích 65ha và vốn đầu tư giai đoạn 1 là gần 5.000 tỷ đồng, đảm bảo cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu người, tương đương 1/3 dân số Hà Nội.

Trao đổi với Tạp chí Nông thôn Việt, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Nguyễn Đức Chung cho biết: “Các kết quả xét nghiệm chất lượng nước trong thời gian qua đã cho thấy một số giếng nước ngầm trên địa bàn TP.Hà Nội đã bị ô nhiễm, chỉ số sắt và asen vượt ngưỡng. Hà Nội đã có các thông tin đánh giá chất lượng nước của từng khu vực này và đã xây dựng kế hoạch, lộ trình để đóng dần những giếng nước không đảm bảo”.

“Chúng tôi cũng yêu cầu các nhà máy phải thường xuyên xét nghiệm chất lượng nước. Nếu không đảm bảo đủ tiêu chuẩn thì phải lắp đặt bổ sung hệ thống máy móc thiết bị để xử lý nước, đảm bảo chất lượng đầu ra. Hà Nội sẽ yêu cầu các công ty phải chuẩn bị phòng xét nghiệm chất lượng nước để đo thông số kỹ thuật. Từ đó, Hà Nội sẽ thành lập website công bố công khai những thông số này cho người dân”. - ông Nguyễn Đức Chung cho biết thêm.

Trong quy hoạch phát triển hệ thống cung cấp nước sạch cho thành phố Hà Nội, giai đoạn 2025 - 2030, Hà Nội cơ bản sẽ dừng toàn bộ việc khai thác nước ngầm để sử dụng nước từ các nhà máy nước mặt.

Nước sạch cho vùng nông thôn đang là vấn đề đáng được quan tâm.
Nước sạch cho vùng nông thôn đang là vấn đề đáng được quan tâm.

TP.HCM cũng đã ban hành kế hoạch giảm khai thác nước dưới đất và trám lấp giếng khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố đến năm 2025, trong đó thành phố sẽ giảm lưu lượng khai thác nước dưới đất trên địa bàn còn 100.000m³/ngày, đồng thời thực hiện trám lấp các giếng hư hỏng, không sử dụng và giếng không có giấy phép khai thác đúng kỹ thuật nhằm bảo vệ nguồn nước, hạn chế ô nhiễm. UBND TP.HCM sắp tới sẽ kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc hạn chế, ngừng cấp giấy phép khai thác sử dụng nước dưới đất trên địa bàn thành phố.

Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn cho biết để hoàn thành kế hoạch trên, đơn vị sẽ tiếp nhận và đưa vào sử dụng nguồn nước mới từ Nhà máy nước Thủ Đức 3 và Nhà máy nước Tân Hiệp 2 với tổng công suất 600.000m³/ngày.

HOÀNG ANH

 

 

Với mong muốn nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên nước, Tạp chí Nông thôn Việt online mở diễn đàn Nước & cuộc sống. Diễn đàn sẽ thu hút và đăng tải những ý kiến đề xuất, những giải pháp cụ thể, cũng như chia sẻ, giới thiệu những mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo ở các địa phương, đặc biệt là các vùng dân cư thiếu nước sạch… 

Rất mong nhận được nhiều ý kiến từ bạn đọc.

Ý kiến xin gửi tới Tòa soạn Tạp chí Nông thôn Việt: Lầu 10 số 12 Võ Văn Kiệt, phường Nguyễn Thái Bình, quận 1, TPHCM.

Hoặc email: toasoan@nongthonviet.com.vn, những bài được chọn đăng sẽ có nhuận bút.

 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất