
Từ không biết gì đến gì cũng biết
Trang trại sản xuất nấm Thanh Nhàn nằm cách trung tâm thị trấn khoảng 10km, thuộc ấp Cây Sao xã Tân Lập huyện Tân Thạnh tỉnh Long An. Chị Dương Thị Trúc - vợ anh Lê Thanh Nhàn, chủ trang trại Thanh Nhàn đón khách bằng câu… thoái thác: “Nay anh Nhàn đi vắng mất rồi!”. Nghe vậy, anh Tâm – cán bộ khuyến nông xã Tân Lập liền quay qua nói với chúng tôi: “Chị Trúc nói vậy thôi chứ có khi anh Nhàn không nắm rõ thông tin về trang trại bằng chị ấy đâu”. Tên anh chồng đã gắn liền với tên cơ sở, một phần vì anh là người phụ trách mảng “đối ngoại”, nhưng “buông màn nhiếp chính”, thỉnh thoảng lộ diện, lại là chị vợ. Mọi người cười vui vẻ, chị Trúc vẫn xua tay, khiêm tốn: “Chú cứ nói quá!”.
Hai mươi năm kể từ ngày lấy nhau, vợ chồng chị đã nếm đủ thăng trầm cơ cực của nghề trồng lúa chốn bưng biền này. Cực khổ quá trời mà giá trị hạt lúa qua tay mình cứ trồi sụt, nổi nênh. Cháy lên trong họ khao khát: Phải đổi nghề, làm chi đó đổi đời, không phải đi kiếm chữ… giàu, mà chỉ mong thu nhập khá hơn, thoát bớt cơ cực, lấp dần những thiếu hụt của đời nhà nông bán mặt cho đất bán lưng cho trời, rồi đâu chỉ phận mình, bởi còn con cái nữa, chẳng cam lòng khi nghĩ nó sẽ như mình.
Không biết thì phải hỏi, dốt thì phải học. Mày mò tìm hiểu, anh chị thấy nghề trồng nấm có nhiều tiềm năng mà lại phù hợp với điều kiện của gia đình lúc bấy giờ, thế là hai vợ chồng quyết tâm chuyển nghề. “Lúc mới thành lập trang trại sản xuất nấm, vợ chồng tôi không có vốn nên phải thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng để vay 200 triệu đồng đầu tư các trang thiết bị” - chị Trúc kể.

Hành trình vượt khó dằng dặc đã sau lưng. Bây giờ, vợ chồng chị đang có trong tay trang trại hơn 3.000m2 nuôi hơn 160.000 phôi nấm. Ngoài nấm bào ngư chiếm số lượng nhiều nhất, trang trại còn trồng nấm mèo, nấm linh chi và có một khu vực riêng biệt để trồng nấm đông trùng hạ thảo.
Giới thiệu với khách, chị Trúc cho biết nấm bào ngư khá dễ trồng và dễ chăm sóc. Để nấm phát triển tốt, trong suốt quá trình trồng phải đặc biệt chú ý môi trường sống để điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm thích hợp. Trong khu vực trồng nấm được trang bị đầy đủ các thiết bị đo đạc nhiệt độ, độ ẩm… Thế nhưng được sử dụng nhiều nhất vẫn là chiếc máy đo chạy bằng… cơm. Bước vô khu trồng nấm là chị Trúc có thể cảm nhận được nhiệt độ như vậy là “vừa” chưa, có cần tưới nước thêm hay không. Hằng ngày, chị cũng là người trực tiếp theo dõi quá trình sinh trưởng của các phôi nấm, có dấu hiệu nhiễm bệnh là chị cũng nhận ra ngay.

Chị Trúc kể, lúc mới vào nghề cách đây khoảng 8 năm, anh Nhàn có đi học một lớp hướng dẫn trồng nấm tại Đại học Nông Lâm TP.HCM, nên về kỹ thuật, anh Nhàn là người nắm chính. Thời gian đầu, chị Trúc không biết gì về kỹ thuật nhưng “làm riết rồi cũng biết”. Hơn nữa, chính thực tế “thực chiến” đã mang lại cho chị nhiều bài học kinh nghiệm.
Ngày trước, tất cả các công đoạn đều được làm thủ công, sau này anh chị đã đầu tư thêm máy móc, thiết bị để nâng cao năng suất. Nếu trước đây cơ sở chỉ đóng được 1.000 bịch phôi mỗi ngày thì nay với sự hỗ trợ của máy móc, con số đã tăng lên gấp 10 lần. “Lúc mới mua máy về, nhìn không biết sử dụng sao, giờ thì không chỉ biết dùng mà còn biết sửa luôn. Cái gì cũng vậy, cứ mày mò học hỏi là sẽ biết” – chị Trúc tự tin.

Gieo nấm yêu thương
Hiện trang trại của gia đình chị cung cấp phôi nấm cho khắp các cơ sở trồng nấm vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam bộ. Nấm tươi cũng được nhiều thương lái, nhà hàng, khách sạn, quán ăn trong và ngoài tỉnh liên hệ đặt hàng. Bình quân trại nấm này cho ra thị trường 200kg/ngày, giá bán khoảng 40.000 - 45.000 đồng/kg. Sản phẩm nấm của trang trại luôn lấy tiêu chí chất lượng đặt lên hàng đầu, không chạy theo lợi nhuận, nhất là phải bảo đảm an toàn thực phẩm. Theo đó, trang trại chủ yếu sử dụng nguyên liệu sạch, hữu cơ, tuyệt đối không sử dụng phân, thuốc hóa học.
Đi, không một mình. Biết, không giữ riêng mình. Thoát cực không chỉ phần mình. Cứ nhìn bà con xung quanh, có bao nhiêu người khá lên từ lúa? Chính vì thế, Trang trại nấm Thanh Nhàn đang hỗ trợ kỹ thuật, con giống cho nhiều hộ khác tại địa phương. Mô hình trồng nấm đang mở ra hướng đi mới cho nhiều người dân. Ngoài ra, trang trại đang tạo việc làm thường xuyên cho gần 10 lao động, phần lớn là các chị em phụ nữ. Mỗi tháng cơ sở chi khoảng 40 - 50 triệu đồng để trả lương cho nhân viên.
Chị Trúc bộc bạch, lúc nào mình cũng dành riêng một khoản để trả lương cho nhân viên, không dám đụng đến, bởi theo chị, mọi người vất vả làm việc cho mình, mình phải trả lương đàng hoàng, không thiếu cũng không trễ. Việc trang trại mở rộng hoạt động từ chỉ sản xuất phôi nấm sang trồng nấm thương phẩm cũng là nhằm tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho chị em.

Sẽ vô nghĩa, thậm chí thất bại với mình, nếu không tìm thấy và tạo dựng tình yêu cho đất, cho cây. Bài học có tưới có vun có chăm chút thì cây trái mới không phụ công người, con nhà nông, ai cũng thấm điều đó. Nên chẳng lạ chi khi chị Trúc dành tình yêu thương đặc biệt cho cây nấm. Khi được hỏi bí quyết trồng nấm, chị Trúc mỉm cười bật mí cho rằng cây nấm cũng có linh hồn, mình thương nó thì nó sẽ thương mình. Mình chăm sóc nó bằng sự yêu thương, chu đáo thì nó cũng sẽ cho chất lượng tốt. Hơn nữa, nấm là đồ chay, nên với chị Trúc, đến với nghề trồng nấm cũng là một cái duyên, là đang làm một công việc ý nghĩa.
Tôi đã từng đọc đâu đó về sức mạnh của năng lượng yêu thương. Đại ý là nếu mình đặt sự yêu thương vào bất kỳ một công việc gì thì bằng cách này hay cách khác, nó sẽ đạt được hiệu quả hơn, tốt hơn, đẹp hơn. Thế nên, tôi hoàn toàn tin vào những gì mà chị Trúc tin. Niềm tin từ tình yêu với cây cỏ mang gương mặt người.