, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 02/02/2022, 06:00

Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch TH NN&PTNT Việt Nam: Cùng chung tay vì một nền nông nghiệp hiện đại

THÙY DUNG
(thực hiện)
Cuối năm 2021, Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam - ông Hồ Xuân Hùng đã có cuộc trao đổi với Tạp chí Nông thôn Việt để nhìn lại một chặng đường đầy khó khăn, vất vả nhưng cũng có rất nhiều điều đáng tự hào của nông nghiệp Việt Nam nói chung và hoạt động Tổng hội nói riêng.
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, gây khó khăn trên nhiều lĩnh vực, ngành nông nghiệp đã khẳng định được vai trò “trụ đỡ” đối với nền kinh tế đất nước. Ông đánh giá thế nào về sự vận hành của ngành nông nghiệp trong thời gian qua?

Ông Hồ Xuân Hùng: Năm 2021 là năm cực kỳ khó khăn không chỉ riêng với Việt Nam mà với cả thế giới. Tuy nhiên, nhìn vào tỷ trọng tăng trưởng GDP và những đóng góp của ngành nông nghiệp cho kinh tế đất nước, có thể thấy ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn giữ được “nhịp”. Với điểm nhấn kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 48,6 tỷ USD, ngành nông nghiệp đã khẳng định được vị thế của mình cả ở trong nước và trên thị trường quốc tế.

Một trong những yếu tố mang lại thành công chính là nhờ việc ứng dụng khoa học, công nghệ ngày càng cao không chỉ trong sản xuất, chế biến nông nghiệp mà cả trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ - điểm yếu lâu nay của chúng ta. Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã góp phần hỗ trợ rất lớn cho việc tiêu thụ nông sản. Thông qua các sàn thương mại điện tử, người nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp đã kết nối được với người tiêu dùng ở mọi miền và cả ở nước ngoài ngay trong đại dịch. Trong năm 2021, chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp cũng đã có được cái nhìn rõ nét hơn. Chính những khó khăn trong mùa dịch đã trở thành động lực để nông dân và các doanh nghiệp trong và ngoài lĩnh vực nông nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị, hỗ trợ lẫn nhau.

Bài học kinh nghiệm rút ra được từ năm 2021 là gì, thưa ông?

Đó chính là bài học về niềm tin. Người dân, doanh nghiệp đã rất tin cậy vào chủ trương, đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước. Khi đã có đủ niềm tin thì sẽ tạo ra một sức mạnh đủ sức đối phó với khó khăn. Niềm tin giúp mọi người đồng lòng, sát cánh bên nhau để vượt qua những thách thức của thời cuộc. Bên cạnh đó là tính chủ động. Chính sự chủ động đánh giá, phân tích và vạch ra kế hoạch đối phó từ sớm đã giúp người dân và doanh nghiệp có các bước đi phù hợp trong đại dịch.

Thời gian vừa qua, chúng ta cũng đã chứng kiến cảnh tượng hàng chục ngàn người dân tự phát bỏ phố về quê, dẫn đến không ít hệ lụy về nhiều mặt, cả về kinh tế lẫn an sinh xã hội. Đó là bài học lớn. Chúng ta cần tập trung chăm lo cho người nông dân để ổn định sinh kế cho họ, tạo tình thế vững chắc cho đất nước trong mọi trường hợp.

Năm 2021, Tổng hội NN&PTNT đã có những hoạt động gì nhằm hỗ trợ kết nối và nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp thành viên, thưa ông?

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn trên tất cả các phương diện, Tổng hội NN&PTNT chủ động thích ứng với tình hình, kịp thời chuyển hình thức hoạt động trực tiếp kết hợp trực tuyến. Bằng những hoạt động thiết thực, Tổng hội đã thể hiện trách nhiệm, vai trò đồng hành cùng nông dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Tôn vinh Thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2021.

Cụ thể, Tổng hội đã phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại của Bộ NN&PTNT tổ chức 3 chương trình “Bác sĩ nông học” tại các huyện Chợ Mới, Tân Phú (tỉnh An Giang) và huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) nhằm giúp nông dân tiếp cận những kỹ thuật, công nghệ mới trong sản xuất; đi sâu vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhất là trong tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, Tổng hội cũng tổ chức thành công hội nghị trực tuyến kết nối tiêu thụ cho sản phẩm vải thiều Lục Ngạn (tỉnh Bắc Giang) và mận Tam Hoa (tỉnh Lào Cai); phối hợp với Vụ Thị trường trong nước của Bộ Công thương tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp và HTX nông nghiệp về “Xây dựng phương án sản xuất kinh doanh phù hợp với tình hình mới”, “Phương pháp tiêu thụ nông sản trực tuyến trên Internet”; phối hợp với Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam tổ chức hội thảo giới thiệu cổng thông tin quản lý, giám sát, truy xuất minh bạch và kết nối thị trường nông sản Việt Nam. 

Tổng hội cũng tham gia cùng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ NN&PTNT, Hội Nông dân Việt Nam trong các tọa đàm, hội thảo về chuyển đổi số nông nghiệp nhằm hỗ trợ nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp chuyển đổi số đúng hướng. Thông qua các hoạt động được tổ chức, Tổng hội đã thu hút được một số doanh nghiệp đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Mặt khác, Tổng hội còn chủ động đóng góp ý kiến với Trung ương về kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tham gia xây dựng các chủ trương chính sách… như tham gia đóng góp ý kiến cho Tổng kết Nghị quyết 26/TW về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025…

Là đơn vị đồng hành, Tổng hội đã có những đóng góp thế nào cho Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng Nông thôn mới?

Vừa qua, Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025. Ngay sau đó, Chính phủ cũng đã có Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết này. Với vai trò và trách nhiệm của mình, Tổng hội là thành viên tích cực tham gia vào các nội dung chuẩn bị cho Chương trình trong giai đoạn 2021 - 2025 song song với việc tiếp tục hỗ trợ, tư vấn cho các địa phương; kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới. Điển hình là Chương trình Cầu Nông thôn Biên giới của Tạp chí Nông thôn Việt đến nay đã vận động được khoảng 270 tỷ đồng xây dựng gần 300 cây cầu giao thông nông thôn tại các vùng còn nhiều khó khăn, góp phần cải thiện cơ sở hạ tầng nông thôn, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Đặc biệt, Tổng hội đã xây dựng kế hoạch liên kết với Bộ NN&PTNT và Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng để triển khai thực hiện Chương trình Nghĩa tình Biên giới. Đây là nội dung rất quan trọng, nhằm hỗ trợ giải quyết những khó khăn trong xây dựng Nông thôn mới ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới… Tuy chưa đi vào hoạt động chính thức, nhưng những mô hình thí điểm của Tạp chí Nông thôn Việt thực hiện tại một số địa phương đã giúp phát hiện những khó khăn cũng như ghi nhận kịp thời những mong muốn và nhu cầu của người dân. Thời gian tới, khi chính thức triển khai Chương trình Nghĩa tình Biên giới, chúng tôi sẽ chọn một số địa phương làm điểm để hỗ trợ xây dựng Nông thôn mới và rút kinh nghiệm trước khi lan tỏa mô hình ra cả nước.

Trao quà Tết cho người dân ở vùng biên giới thuộc huyện Kỳ Sơn (Nghệ An).

Xin ông chia sẻ về thêm về định hướng hoạt động của Tổng hội trong năm 2022.

Quan trọng nhất là phải tập trung tham gia nhằm triển khai kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Với vai trò là tổ chức xã hội nghề nghiệp, Tổng hội sẽ là đơn vị kịp thời nắm bắt và phản ánh đến các bộ ngành liên quan những khó khăn, vướng mắc từ cơ sở thực tế để làm sao có được những giải pháp tốt hơn cho người dân và doanh nghiệp. Đây là nội dung hoạt động mà Tổng hội đặc biệt chú trọng. Chẳng hạn Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhưng các doanh nghiệp vẫn gặp khó, do vậy, Tổng hội cần tìm hiểu, lắng nghe để kịp thời có tiếng nói nhằm thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn phát triển.

Tiếp đó, Tổng hội sẽ có những giải pháp để giúp bà con nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp hoạt động trong và ngoài lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn hiểu rõ, nắm bắt đầy đủ các chủ trương, chính sách của Nhà nước nói chung, trong lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn nói riêng. Tổng hội cũng chú trọng tạo điều kiện cần thiết cho thành viên Tổng hội phát huy được tinh thần năng động, sáng tạo, chủ động thích ứng với mọi tình huống. 

Xin cảm ơn ông. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.
Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất