, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 07/04/2022, 06:02

Ông Hồ Xuân Hùng – Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam: Cần làm rõ mục tiêu để không bị phân tán nguồn lực

THÙY DUNG
Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Quyết định số 150/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT VN, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhận định trong Chiến lược này có những điểm rất mới.
 

 

Ông Hồ Xuân Hùng: Cần nhấn mạnh rằng, một lần nữa Chính phủ tiếp tục khẳng định chủ trương đã được thông qua tại Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, coi nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xây dựng bảo vệ Tổ quốc. Đây là quan điểm nhất quán của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.

Còn những điểm mới là gì? Theo sát tiến trình phát triển của đất nước và thế giới, lần này, chúng ta đã kịp thời đưa ra những nội dung bắt kịp với xu hướng, tiến bộ của xã hội. Hoặc có những vấn đề chúng ta đã đưa ra thảo luận nhiều lần nhưng chưa được thông qua thì lần này đã đưa được vào Chiến lược. 

Nổi bật nhất, đó là quyết tâm chuyển đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa, xã hội và môi trường vào sản xuất. Vấn đề chuyển đổi tư duy kinh tế nông nghiệp gắn với cơ chế thị trường đã được đưa ra thảo luận nhiều lần nhưng chưa có gì chính thức. Đến nay thì vấn đề này đã được cụ thể hóa bằng văn bản.

Chiến lược chủ trương xây dựng nông thôn văn minh, có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, đời sống cơ bản có chất lượng tiến gần đô thị, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp. Đây là xu hướng tất yếu. Tại một số nước, khoảng cách hạ tầng giữa nông thôn và đô thị gần như không còn. Mặt khác, khi đô thị hóa ngày một tăng, đồng nghĩa với việc nông thôn sẽ thu hẹp lại, cần phải chú ý đến vấn đề “phố trong làng” và “làng trong phố”. Phải gắn chặt xây dựng nông thôn thông minh với hiện đại hóa đô thị, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Giữ được văn hóa nông thôn là giữ được bản sắc dân tộc, song phải đảm bảo hội nhập với thế giới.

Tôi thực sự tâm đắc khi Chiến lược đã làm nổi bật vai trò chủ thể của cư dân nông thôn, đặc biệt nhấn mạnh cư dân nông thôn là trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn. Thực tế, sau khi thực hiện chương trình xây dựng Nông thôn mới một vài năm thì chúng ta đã sửa khẩu hiệu từ “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, thành “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân hưởng thụ”. Tuy nhiên, cần hiểu rộng ra cư dân nông thôn không chỉ có nông dân mà còn có nhiều thành phần khác như cán bộ hưu trí, bộ đội phục viên, nhân viên y tế, giáo dục... vì vậy, cư dân nông thôn không chỉ có vai trò ở nông thôn mà còn góp phần vào quá trình phát triển của đất nước.

Đồng thời, Chính phủ đã quan tâm đến việc hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Một số chuyên gia kinh tế nước ngoài có chia sẻ với tôi rằng nông dân Việt đang thiếu chuyên nghiệp. Do thiếu kiến thức nên họ phụ thuộc rất nhiều vào gợi ý của đại lý cây giống, đại lý phân bón, doanh nghiệp... Nếu hình thành được đội ngũ nông dân chuyên nghiệp thì nông dân có thể tự chủ trên mảnh đất của mình, trong công việc của mình. Cũng nên lưu ý rằng, nông dân cần chuyên nghiệp không chỉ trong sản xuất mà còn phải chuyên nghiệp trong liên kết khi sản xuất, khi tiêu thụ nông phẩm.

 
Cư dân nông thôn là trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển nông thôn.
 

 

Nội dung về xây dựng Nông thôn mới đã đi vào chiều sâu. Xây dựng Nông thôn mới phải dựa trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng, phù hợp với từng vùng miền. Đặc biệt, Chiến lược đã đề cập đến vấn đề xây dựng Nông thôn mới cấp thôn, bản ở những nơi đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trước đây một số địa phương đã thực hiện, nhưng chúng ta không thể chính thức hóa được vì nó không phải là cấp hành chính. Tuy nhiên, xã nào cũng có thôn, bản, đặc biệt là khu vực miền núi, biên giới, nếu chưa làm được ở cấp xã thì nên thực hiện từ cấp thôn, bản. Đó là những gì được đúc kết từ thực tế. Lần này rất phấn khởi là Chính phủ đã cụ thể hóa được trong chủ trương. 

Tuy nhiên, tôi vẫn có một số phân vân xung quanh các khái niệm, danh hiệu liên quan đến Nông thôn mới, như Nông thôn mới, Nông thôn mới nâng cao, Nông thôn mới kiểu mẫu, điển hình, tiên tiến, xuất sắc… Nhiều mục tiêu quá thì rất phức tạp cho cơ sở, làm phân tán nguồn lực, thậm chí là phân tâm. Tại Quyết định 263/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, tổng vốn từ ngân sách trung ương, địa phương, vốn lồng ghép được huy động để thực hiện Chương trình chỉ chiếm 17% là quá thấp. Trong khi đó, vốn tín dụng chiếm đến 73%. Chúng ta dựa quá nhiều vào tín dụng, mà tín dụng thì rất khó để phát triển. Theo tôi, trong quá trình triển khai thực hiện, Chính phủ phải tạo điều kiện tốt hơn nữa để tăng nguồn đầu tư công cho Chương trình xây dựng Nông thôn mới.

 

 

Ngày nay, sản xuất nông nghiệp đặt ra vấn đề phải hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đây là xu hướng chung của thế giới chứ không chỉ riêng ở Việt Nam. Tuy chúng ta có đi chậm hơn một số nước nhưng rất mừng là lần này chúng ta đã đưa được nội dung này vào Chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, trong định hướng này, Chiến lược đưa ra rất nhiều khái niệm như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao… Thực ra sẽ rất rối cho cơ sở và địa phương, doanh nghiệp. Trong khi đó, khái niệm phổ biến, dễ hiểu nhất là nông nghiệp sạch, ứng dụng công nghệ cao thì lại không được nhắc đến. Khái niệm này thể hiện rất rõ bản chất của mô hình nông nghiệp mà chúng ta muốn hướng đến, cũng như thể hiện rất rõ trách nhiệm của nông nghiệp. 

Việc đưa ra nhiều khái niệm, những tưởng là cụ thể nhưng lại dễ làm khó cơ sở, địa phương, doanh nghiệp… Nếu sau này không giải thích rõ các phạm trù này trong quá trình xây dựng mô hình điểm thì rất khó để thực hiện, vì vậy, trong thời gian tới, rất cần thiết phải làm rõ các khái niệm này.

 

 

Ngay sau khi phê duyệt Chiến lược, Chính phủ cũng đã kịp thời phê duyệt Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, cũng như Bộ tiêu chí quốc gia về xã Nông thôn mới, xã Nông thôn mới nâng cao, huyện Nông thôn mới, huyện Nông thôn mới nâng cao, quy định tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng Nông thôn mới... Việc phê duyệt đồng bộ các văn bản sẽ tạo điều kiện rất tốt cho công tác triển khai, thực hiện Chiến lược.

Theo tôi, ngay lúc này, cần chọn cái gì làm trước, cái gì làm sau, việc gì cần làm thí điểm, việc gì nên làm đại trà. Ví dụ, bế tắc lớn nhất trong tổ chức phát triển nông nghiệp sản xuất lớn, quanh đi quẩn lại vẫn là vấn đề đất đai thì bây giờ phải khẩn trương hình thành thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp. Thực ra, cái đó đâu khó lắm, vì thị trường, trung tâm đấu giá đất đô thị, đất khu công nghiệp làm dễ và nhanh thế cơ mà!

Xung quanh vấn đề phát triển kinh tế nông thôn, phải chọn ngay những địa phương ở vùng ven đô để thúc đẩy phát triển, tạo gương sáng cho nông thôn. Bởi những địa phương này có điều kiện tốt để có thể nhanh chóng giảm khoảng cách giữa nông thôn và đô thị, cũng như thực hiện ly nông bất ly hương. Các địa phương cũng cần sớm ban hành tiêu chí xây dựng thôn bản Nông thôn mới, vì đây là việc mà các huyện, các xã có thể hoàn toàn chủ động thực hiện.

Theo phân công, các Bộ ngành phải nhanh chóng có văn bản hướng dẫn để cụ thể hóa ngay những quyết định của Chính phủ. Cũng đã hết quý 1 rồi, dự kiến đến hết năm 2022 sẽ ban hành xong chính sách thì chúng ta chỉ còn 3 năm để thực hiện những nội dung công việc của giai đoạn đến 2025. Do đó, cần tiếp tục đẩy mạnh những gì đã làm được, thảo luận ngay những gì cần hoàn thiện, bổ sung.

Để thực hiện Chiến lược có hiệu quả, cần tăng cường giám sát kiểm tra, kể cả trong khâu ban hành chính sách, lẫn khâu thực hiện. Phải làm sao để “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra”. Phải làm sao khơi dậy lòng yêu quê hương đất nước gắn với phát huy hoạt động các tổ chức xã hội như Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… thì chúng ta sẽ thực hiện được.

 

 

Trong kế hoạch hoạt động của Tổng hội năm 2022 và xa hơn, Tổng hội đặc biệt quan tâm đến nhiệm vụ tuyên truyền, giải thích những nội dung chính sách này đến thành viên Tổng hội và bà con nông dân. 

Tổng hội ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp gắn với xây dựng kinh tế nông thôn. Thành viên Tổng hội có những doanh nghiệp nông nghiệp lớn, các tổ chức, viện nghiên cứu… có thể góp sức tham gia vào lĩnh vực này.

Bên cạnh đó, tiếp tục phát huy các hoạt động ủng hộ chương trình xây dụng Nông thôn mới, hỗ trợ các địa phương khó khăn như Chương trình Cầu Nông thôn vận động xây dựng cầu giao thông nông thôn, chương trình Nghĩa tình biên giới đồng hành cùng các địa phương phát triển thôn, bản Nông thôn mới… Đây là những hoạt động hết sức thiết thực.

Tổng hội có lực lượng nghiên cứu khoa học rất lớn, kể cả đương chức và nghỉ hưu, có thể tham gia các đề tài nghiên cứu khoa học, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng Nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân. Hệ thống viện, trường, đội ngũ cán bộ khoa học thực tế của Tổng hội có thể tham gia vào công tác đào tạo đội ngũ nông dân chuyên nghiệp. Thế mạnh của Tổng hội là có đội ngũ doanh nghiệp hỗ trợ, dù làm gì thì chúng ta cũng phải gắn liền với chuỗi của nó.

Tới đây, Tổng hội sẽ thảo luận thêm với Bộ NN&PTNT để có những phối hợp tốt hơn trong xây dựng Nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp trên phạm vi cả nước. Tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với tái cơ cấu kinh tế, phù hợp với xu hướng của thế giới, Tổng hội có điều kiện, đủ lực lượng để tiếp cận những thông tin mới và triển khai thực hiện. 

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất