, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 20/06/2022, 16:36

Pakistan kêu gọi người dân uống ít trà hơn để... phát triển kinh tế

LÊ KIÊN
(MNS)
Để đảm bảo cho nền kinh tế được phát triển ổn định, mới đây cơ quan chức năng nhà nước Pakistan đã kêu gọi người dân cắt giảm lượng trà sử dụng trong thực đơn đồ uống hàng ngày của mình để giảm tải gánh nặng hóa đơn nhập khẩu chè cho đất nước.
Pakistan là nước nhập khẩu chè lớn nhất thế giới, hiện quốc gia này đang đối mặt với nhiều khó khăn ngân sách do cuộc khủng hoảng kinh tế. Ảnh minh họa: The Project

Ông Ahsan Iqbal – Bộ trưởng cấp cao của Pakistan cho biết, nếu mọi người dân đều uống ít trà hơn mỗi ngày, nhà nước sẽ cắt giảm được phần nào hóa đơn nhập khẩu chè đang tăng cao.

Được biết, từ tháng 2 đến tuần đầu tiên của tháng 6, dự trữ ngoại hối của Pakistan ghi nhận đã giảm từ 16 tỷ USD xuống dưới 10 tỷ USD. Ước tính, số tiền còn lại chỉ đủ để trang trải chi phí nhập khẩu trong vòng 2 tháng. Điều này đang khiến cho đất nước Pakistan gặp nhiều khó khăn và áp lực cho Chính phủ. Năm ngoái, Pakistan là nhà nhập khẩu chè lớn nhất thế giới với giá trị đơn hàng lên đến hơn 600 triệu USD. 

Chia sẻ với truyền thông nhà nước Pakistan, ông Ahsan Iqbal nói: “Tôi kêu gọi toàn quốc cắt giảm tiêu thụ trà từ 1 đến 2 tách mỗi ngày vì chúng tôi nhập khẩu trà theo hình thức cho vay. Ngoài ra, các thương nhân kinh doanh trà cũng có thể đóng tiệm vào lúc 20h30 hàng ngày để tiết kiệm điện.”

Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh dự trữ ngoại tệ của Pakistan tiếp tục giảm nhanh chóng đang gây nhiều áp lực lên Chính phủ nước này, nhằm mục đích cắt giảm chi phí nhập khẩu cao và ổn định ngân sách dự trữ trong nước.

Người dân Pakistan hoang mang và nghi ngờ khi nhà nước kêu gọi mọi người hạn chế uống trà. Ảnh: DAWN.

Yêu cầu giảm uống trà thiết yếu từ Chính phủ đã lan truyền trên mạng xã hội, làm dấy lên nhiều nghi ngờ đối với người dân về vấn đề ngân sách tài chính của đất nước, tại sao phải giải quyết vấn đề bằng cách cắt giảm đồ uống cơ bản của người dân.

Tháng trước, các quan chức ở Karachi cũng đã hạn chế nhập khẩu hàng chục mặt hàng xa xỉ không thiết yếu, đây là một phần trong nỗ lực kiềm chế và bảo vệ ngân quỹ quốc gia.

Cuộc khủng hoảng kinh tế là một thử thách lớn đối với chính phủ của Thủ tướng Shehbaz Sharif. Tuần trước, nội các của ông Shehbaz Sharif đã công bố ngân sách mới trị giá 47 tỷ USD nhằm thuyết phục Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) khởi động lại chương trình cứu trợ trị giá 6 tỷ USD đang bị đình trệ trước đó.

Được biết, thỏa thuận đàm phán giữa IMF và Pakistan thực hiện vào năm 2019 nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng kinh tế do nguồn cung dự trữ ngoại tệ thấp và mức tăng trưởng “rùa bò” trong nhiều năm của Pakistan. Tuy nhiên sau đó, chương trình đã bị tạm dừng sau khi các bên cho vay đặt câu hỏi về thực trạng năng lực tài chính của Pakistan. 

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất