, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 17/08/2022, 06:02

Phá rừng trồng bơ - lợi bất cập hại

MẠNH HÙNG
(theo Reporterre)
Tại miền Tây Colombia, việc độc canh cây bơ Hass (bơ tím) đang gây ra thảm họa: rừng bị tàn phá, nông dân bỏ xứ ra đi, thuốc trừ sâu bị sử dụng tràn lan…
Vườn trồng bơ Hass tại tỉnh Quindio, Colombia. Ảnh: Reporteros.

Từ ngôi làng Pijao ẩn mình trong chập chùng núi non, có một con đường đất nhỏ lầy lội dẫn đến khu sinh thái Paramo trên dãy núi Andes thuộc lãnh thổ Colombia. Dọc theo con đường là những vùng trồng cà phê và chuối tá quạ. Đi xa hơn thì chỉ còn những vườn trồng bơ Hass bạt ngàn ngút tầm mắt. Hơn 7 giờ sáng, mặt trời đã rực rỡ. Trên những vườn bơ, nhân công - có người đeo khẩu trang, có người không - đang phun thuốc sâu cho cây bơ. Mùi hăng hắc của thuốc lan rộng cả một vùng.

Tỉnh Quindio của Colombia, vốn nổi tiếng từ lâu nhờ cây cà phê, đã chuyển sang độc canh cây bơ tím (bơ Hass) từ năm 2014. Theo nhà xã hội học Angela Serrano thuộc Đại học Los Andes, “Colombia từ lâu nay đã sản xuất quả bơ, nhưng chỉ để tiêu thụ trong nước”. Những quả bơ xanh của Colombia được gọi là “papelillos” không đạt chất lượng xuất khẩu nhưng “cách đây 10 năm, từ nhu cầu tiêu thụ quả bơ tăng mạnh trên thế giới, chính phủ đã quyết định khuếch trương sản xuất giống bơ Hass để xuất khẩu”.

Hướng đi này đã thành công khi vào năm 2021, Colombia trở thành nước xuất khẩu bơ hàng đầu sang thị trường Liên minh Châu Âu. Và tỉnh Quindio là một trong những vùng bơ được các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất, với con số hiện có là 2.500 đến 5.000 hecta cây bơ, theo thống kê chính thức.

Các nhà đầu tư đến đây đa phần là người Chile, Peru, Mexico. Họ được hưởng các chính sách ưu đãi đầu tư, họ thích thú với chất lượng đất trồng màu mỡ và trữ lượng nước tưới dồi dào của vùng này, bởi cây bơ rất “háo” nước. (Để có được 1kg bơ phải cần đến 2.000 lít nước). Và một tiêu chí thu hút nữa là vị trí đắc địa của vùng: chỉ nằm cách 3 thành phố lớn nhất của Colombia là Cali, Bogota và Medellin trên dưới 200km.

Ảnh chụp đầu tháng 6/2022 tại làng Pijao, xe chở nhân công đến chăm sóc cây bơ từ sáng sớm. Ảnh: Reporterre.

Nếu như chính quyền địa phương ca ngợi chính sách đúng đắn trong đầu tư trồng và xuất khẩu quả bơ tím, nhất là trong lãnh vực tạo công ăn việc làm cho người dân, giúp họ có thu nhập cao, thì cũng có nhiều ý kiến phê phán. Ủy viên Hội đồng huyện Salento của tỉnh Quindio là Jaime Arias cho rằng vấn đề không nằm chỗ cây bơ, mà là vị trí được chọn để trồng và phương thức canh tác nông nghiệp không phù hợp, gây tàn phá môi trường. Cụ thể là canh tác nông nghiệp trên độ cao đến 2.500m so với mực nước biển và trong khu vực sinh thái cần được bảo vệ với những tiêu chuẩn gắt gao. Chưa kể đến việc khai thác nguồn nước trái phép từ những lưu vực tự nhiên cung cấp nước cho các thành phố, việc sử dụng phương tiện cơ giới làm bề mặt đất bị nén chặt, việc chặt phá rừng tự nhiên, việc xây dựng các công trình không phép. … Đó là những dẫn chứng thực địa từ các nhà bảo vệ môi trường.

Một vấn đề nữa được nêu lên là tác hại của việc dùng thuốc trừ sâu lên nguồn nước sinh hoạt. Do những tiêu chuẩn khắt khe để có được những quả bơ đủ kích thước cho xuất khẩu, người trồng đã sử dụng một lượng lớn thuốc trừ sâu và phân bón, mỗi tuần phải phun xịt 2-3 lần. Về mặt xã hội, các doanh nghiệp đầu tư vào đây sẵn sàng bỏ vốn lớn mua lại nhiều diện tích đất nông nghiệp chung quanh các vườn cà phê quy mô vừa và nhỏ, và cuối cùng là họ “di dời” nông dân đi nơi khác. Nhiều nông dân đồng ý bán đất của mình khi được mua với giá cao song đôi khi họ buộc phải bán đất do bị áp lực từ nhiều phía.

Công nhân đang phun xịt thuốc trừ sâu cho cây bơ tím tại tỉnh Quindio, Colombia. Ảnh: Joaquin Sarmiento / AFP.

Kỹ sư nông học Juan Esteban - cũng là một người trồng và kinh doanh cà phê tại làng Pijao - tiết lộ rằng “có nhiều nông dân bán đất, dọn lên thành phố làm ăn rồi gặp thất bại, họ phải quay về để rồi trở thành những người làm công cho những ông chủ mới” ngay chính trên mảnh đất ngày xưa là của mình.

Và cuối cùng, về mặt văn hóa bản địa, nhiều ý kiến cho rằng cần phải bảo vệ “Không gian văn hóa cà phê” của vùng này, nơi được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 2011, để nơi đây luôn mãi là điểm đến hấp dẫn về du lịch, vốn đã được xây dựng trên nền tảng văn hóa cà phê và đa dạng sinh học từ bấy lâu nay.

Tags

Bình luận

Xem nhiều




Do nước sông bị ô nhiễm, lục bình ngày càng phát triển nhanh phủ kín nhiều đoạn sông, cản trở ghe thuyền đi lại. Thế nhưng ở Đồng Tháp Mười, mà tập trung nhất là thị xã Kiến Tường (tỉnh Long An), nguồn lục bình tự nhiên phong phú này lại trở thành nguyên liệu chủ yếu cho một nghề độc đáo: nghề đan lục bình mỹ nghệ.
2

Nổi bật
Được quan tâm





Có cảnh báo trên báo cho rằng, không nên uống sữa bò kết hợp hoa quả chua (cam, quýt), bởi sữa bò chứa nhiều protein, trong đó chất cazeine chiếm tới 80%.
1

Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất