, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 21/11/2022, 06:00

“Phải mở đường mới có đường mà đi”

MAI ĐÌNH PHỒN
Tôi rất may mắn, vinh dự được tiếp xúc và làm việc nhiều lần với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt (1980 đến 1989). Ông là người cho tôi thêm tầm nhìn, thêm nghị lực, ý chí và khát vọng vươn lên vì Thành phố mang tên Bác và cho cuộc sống của tôi đến ngày hôm nay.

Mỗi lần làm việc với ông đều đem đến cho tôi những ấn tượng tốt đẹp và sâu sắc! Tôi nhớ, lần đầu tiên được làm việc với ông ngày là 12/9/1980. Những năm đó, nền kinh tế đất nước vận hành theo cơ chế mà sau này được gọi là “quan liêu bao cấp”. Nhà nước quản lý tất tần tật và điều hành sản xuất kinh doanh theo cái gọi là “kế hoạch hoá”. Vật tư, nguyên liệu từ trên rót xuống, sản phẩm từ dưới nộp lên, tất cả đều theo chỉ tiêu kế hoạch. Kế hoạch thường được xây dựng từ đầu năm nhưng đến giữa năm, nhìn chừng vật tư nguyên liệu không được cung ứng đủ, thì điều chỉnh thấp xuống. Nên, sản xuất ngày một teo, sản phẩm ngày một giảm, nhưng cuối năm các nhà máy xí nghiệp đều liên hoan mừng công hoàn thành kế hoạch...

Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ quyền giám đốc Xí nghiệp Thức ăn gia súc số 3, thuộc Công ty Thực phẩm gia súc, Sở Nông nghiệp thành phố Hồ Chí Minh. Không biết vì lý do gì, ngẫu nhiên hay “định mệnh” mà Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh lại chọn xí nghiệp tôi để đến thăm và làm việc. Cùng đến với ông, có lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Công ty Thực phẩm gia súc, Ban Kinh tế Thành ủy, Ban Nông nghiệp Thành ủy và một số sở ngành của Thành phố.

Bước vào làm việc, ông nói cho mọi người biết tình hình sản xuất và đời sống của cả nước nói chung và Thành phố nói riêng là rất khó khăn. Mục đích buổi làm việc là cùng cơ sở xem xét khó khăn cản trở nào đã gây ra tình trạng đình đốn sản xuất để tìm giải pháp tháo gỡ. Ông yêu cầu tôi báo cáo những việc đã làm được và chưa được trong sản xuất kinh doanh và chăm lo đời sống của công nhân viên, đồng thời đề nghị cơ chế, chính sách gì để xí nghiệp có thể phát triển được.

Tôi trình bày với ông, lúc đó thường gọi là anh Sáu Dân, khoảng hơn 1 giờ, sau đó, lãnh đạo Sở Nông nghiệp, Công ty Thực phẩm gia súc và các ban ngành TP phát biểu. Ông ngồi nghe và thỉnh thoảng gợi ý cho mọi người phát biểu, buổi làm việc kết thúc vào khoảng 12 giờ. Sau khi ăn nghỉ tại chỗ xong, đến 14 giờ bước vào làm việc buổi chiều, ông phát biểu kết luận, tôi nhớ mãi về lời đánh giá nhận xét của ông: “…Tôi nghe đồng chí giám đốc xí nghiệp báo cáo thì 3 năm gần đây năm nào xí nghiệp cũng hoàn thành vượt mức kế hoạch trên giao, nhưng sản phẩm làm ra cho Thành phố năm sau lại thấp hơn năm trước. Như vậy, chúng ta đã hiểu việc các nhà máy xí nghiệp cứ báo cáo hoàn thành vượt mức kế hoạch mà Thành phố cứ ngày càng khó khăn, đời sống nhân dân cứ ngày càng thiếu thốn… Có nên để tình trạng này kéo dài không?”

Ông tiếp tục nói, phải mở đường mới có đường mà đi. Nếu việc sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch “bó” các nhà máy xí nghiệp thì Thành uỷ phải tìm cách tháo gỡ… “Tôi đề nghị các đồng chí giao quyền chủ động sản xuất kinh doanh cho cơ sở. Trước mắt hãy chọn xí nghiệp này làm thử, sau đó nhân rộng ra”. Rồi ông quay qua hỏi tôi, nếu Thành ủy giao cho xí nghiệp đồng chí chủ động thu mua nguyên liệu đầu vào và bán sản phẩm ra thị trường thì đồng chí có thể tăng sản lượng lên gấp mấy lần so với năm nay? Tuy không được chuẩn bị trước nhưng tôi nghĩ nếu chỉ một mình xí nghiệp tôi được làm, chưa phải cạnh tranh với các doanh nghiệp khác nên tôi trả lời: “Thưa anh Sáu, có thể tăng lên gấp 3 đến 4 lần ạ”. (Sản lượng sản xuất TAGS năm 1980 của xí nghiệp là 2480 tấn).

Nghe tôi trả lời xong, ông quyết ngay. Giao cho sở Nông nghiệp và các ban ngành làm thủ tục cho xí nghiệp này “ra” chủ động sản xuất kinh doanh trong thời gian sớm nhất...

Nghe Bí thư Thành ủy kết luận như vậy, tôi hi vọng chỉ vài tháng xí nghiệp sẽ được ra chủ động sản xuất kinh doanh, nhưng chờ mãi đến hết năm vẫn chưa có quyết định nào của Thành phố, như chỉ đạo của Bí thư Thành ủy (Lúc đó, nếu không được phép của chính quyền thì 1kg vật tư nguyên liệu hay sản phẩm đưa ra thị thị trường tự do, đều là “trái phép”).

* * *

Ngày 5/1/1981, tôi đi dự hội nghị điển hình tiên tiến của Thành phố. Ông Võ Văn Kiệt và ông Võ Thành Công Phó chủ tịch UBND Thành phố chủ trì hội nghị. Trong giờ giải lao, nhìn thấy tôi, ông gọi tôi đến, hỏi xí nghiệp đồng chí đã ra chủ động sản xuất kinh doanh chưa. Tôi nói thưa Bí thư Thành ủy, chưa ạ. Ông quay qua nói với Phó chủ tịch UBND thành phố với giọng kiên quyết: “Anh về chỉ đạo sở Nông Nghiệp và các sở ngành liên quan ra quyết định cho xí nghiệp đồng chí này ra chủ động sản xuất kinh doanh ngay, đây là ý kiến của tôi cũng là ý kiến của Thường vụ Thành ủy”. Đến sáng ngày thứ 7 tuần đó, ông gọi điện kiểm tra lại, thấy công việc chưa triển khai, ông phê bình Sở Nông Nghiệp và yêu cầu ngay ngày hôm sau là chủ nhật, Sở Nông nghiệp và các ban ngành liên quan họp và quyết định cho Xí nghiệp Thức ăn gia súc số 3 được thí điểm cơ chế chủ động sản xuất kinh doanh. Ngày 28/2/1981 UBND Thành phố ra quyết định cho xí nghiệp Thức ăn gia súc số 3 thuộc Công ty Thực phẩm gia súc Thành phố được “chủ động sản xuất kinh doanh”.

Kết thúc năm 1981, xí nghiệp tôi sản xuất được 8.531 tấn thức ăn gia súc, gấp hơn 3 lần năm 1980. Ngay trong những ngày đầu tháng 1 năm 1982 tôi gọi điện báo cáo với Bí thư Thành ủy. Ông khen, nhưng đề nghị năm nay phải đưa sản lượng lên trên 10.000 tấn. Tôi hứa, nhưng rất lo vì năm 1982 các xí nghiệp của công ty cũng xin ra chủ động sản xuất kinh doanh, nguồn nguyên liệu chắc chắn sẽ không dễ khai thác, thị phần cũng sẽ bị thu hẹp.

Được chủ động khai thác nguyên liệu, có thể nâng sản lượng TAGS, nhưng sản xuất ra rồi thì bán đâu? Nguyên liệu mua ở thị trường tự do là tiền tươi thóc thật mà sản phẩm giao cho Nhà nước, chờ lấy được tiền có nước… phá sản. Tháng 8 năm 1982, tôi đề ra phương án tiêu thụ: gia công chăn nuôi heo. Theo đó, xí nghiệp cung cấp con giống, thức ăn, hướng dẫn kỹ thuật cũng như thuốc phòng ngừa dịch bệnh và điều trị bệnh, cuối cùng là thu sản phẩm về trả công cho người nuôi. Phương án này đã được UBND Thành phố, các sở ban ngành đồng tình nên đầu tháng 10/1982 xí nghiệp thức ăn gia súc số 3 đã trở thành Xí nghiệp Thức ăn và gia công chăn nuôi heo trực thuộc Sở Nông nghiệp. Sau khi xí nghiệp ra đời, chỉ 3 tháng cuối năm đã nuôi gia công 3600 con heo thịt, nhờ vậy đã giúp cho xí nghiệp sản xuất và tiêu thụ được 10.204 tấn thức ăn gia súc. Tôi báo cáo ngay cho Bí thư Thành uỷ biết là đã thực hiện lời hứa đưa sản lượng sản xuất thức ăn gia súc năm 1982 lên hơn 10.000 tấn. Ông chúc mừng tôi và nói “Mình không có gì để thưởng cho cậu nhưng hứa là Tết này sẽ đến ăn tết với cậu”.

Ông Sáu Dân thăm gia đình cận vệ Lê Viết Căn.

* * *

Tôi rất mừng về “phần thưởng” của ông dành cho tôi. Đã nói là làm, mùng 2 Tết, ông đến ăn tết với xí nghiệp. Và kể từ đó cho đến khi làm Phó Thủ tướng Chính phủ, mỗi năm, ông đều đến ăn tết với cán bộ nhân viên đơn vị tôi. Trong các lần ông đến ăn Tết, Tết năm 1988 sang 1989 (tức năm Thìn sang năm Tỵ) là lần tôi ấn tượng nhất. Sáng 29 tết năm đó, tôi đến nhà mời ông tới ăn Tết, ông nói chiều mùng 1 Tết ông đến vì mùng 2 ông đi Đồng Tháp chúc Tết. Tôi hỏi anh đi bằng gì, ông nói bằng trực thăng. Tôi nói, thế thì chiều mồng 2 anh bay về vẫn đến ăn Tết với tụi em được mà. Ông nghĩ một lúc rồi trả lời: “Thôi được, 17 giờ tôi tới”.

Đúng giờ, ông và phu nhân đến, lúc đó tôi đã là Tổng giám đốc Liên hiệp xí nghiệp chăn nuôi Heo, đến dự ăn tết bữa đó có cả cố thủ tướng Phan Văn Khải lúc đó là Chủ tịch UBND thành phố, cùng một số vị lãnh đạo Thành uỷ, UBND Thành phố. 14 giám đốc của 14 xí nghiệp trực thuộc liên hiệp cũng về dự bữa tiệc đầu Xuân đó.

Trong không khí mừng năm mới, Bí thư Thành uỷ và các đồng chí lãnh đạo Thành phố đến ăn Tết với chúng tôi rất hoà đồng, thân tình. Hôm đó nhà bếp làm món thịt Dê tái, ông ăn khen ngon và hỏi tôi: “Sao Tết này, cậu lại làm món thịt Dê?”. Tôi nói, lãnh đạo Thành phố cả năm vất vả, Tết này công ty muốn làm món gì bổ dưỡng để chuẩn bị cho một năm mới “sung” hơn. Nghe tôi nói vậy, ông vỗ đùi thật mạnh và nói “hay, hay, hay quá…”. Sau đó ông chúc Tết lãnh đạo Thành phố cũng như mọi người có mặt.

Tôi không thể quên công lao, tình cảm mà ông Sáu Dân - Bí thư Thành uỷ Võ Văn Kiệt - đã dành cho tôi. Ông đã “mở đường”, rồi tiếp sức cho tôi vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, để trong khoảng 10 năm, đã đưa một xí nghiệp sản xuất thức ăn gia súc loại nhỏ lên công ty chăn nuôi, rồi thành Liên hiệp xí nghiệp Chăn nuôi Heo thành phố Hồ Chí Minh. Cũng nhờ những ngày tháng được tiếp xúc với ông, tiếp thu được quyết tâm, ý chí và tầm nhìn của ông, mà sau này, khi ra làm doanh nghiệp tư nhân, từ hai bàn tay trắng, và không ít lần thất bại, tôi đã nỗ lực vươn lên và ít nhiều gặt hái thành công như ngày hôm nay.

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, tôi viết lại kỷ niệm về ông, như một lời tri ân trước những công lao và tình cảm tốt đẹp ông đã dành cho tôi.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất