, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 09/04/2024, 13:00

Phân biệt phân bón giả, thật: Quá khó cho người nông dân

PV
Nếu nông dân lỡ sử dụng nhầm phân bón giả hoặc phân bón kém chất lượng thì không chỉ mất năng suất mà còn khiến đất đai bạc màu, dễ phát sinh dịch bệnh trên cây trồng.
Nhiều nông dân lo lắng vì dễ sử dụng nhầm phân bón giả hoặc phân bón kém chất lượng.

Phân bón giả hoặc phân bón kém chất lượng luôn được xem là vấn nạn trong sản xuất nông nghiệp. Trong hàng ngàn sản phẩm phân bón, nông dân rất khó phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Có người chỉ biết dựa vào kinh nghiệm bản thân là chính, có người lại phó thác vào uy tín của đại lý buôn bán phân bón.

Ông Nguyễn Hạnh ở thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk trồng xen canh hơn 3ha tiêu và cà phê. Thường mỗi vụ ông phải sử dụng hơn 2 tấn phân bón các loại, chi phí tương đối lớn nhưng không thể nào xác định được chất lượng thật sự của loại phân bón mà mình phải mua.

Cách đây hơn 3 năm, sau khi sử dụng phân bón của một đại lý trên địa bàn, vườn cây của ông Hạnh bị cháy lá và héo dần, gây thiệt hại trong quá trình canh tác. “Giá cả thì ngày càng cao mà nhiều lúc gặp phải phân kém chất lượng, bón cho cây trồng không đạt hiệu quả” – ông Hạnh than thở.

Ông Trần Văn Chương, cùng ở thôn Tiến Đạt, xã Quảng Tiến, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk, cũng chia sẻ: “Nông dân hầu như không biết phân biệt phân giả, phân kém chất lượng, chỉ tin tưởng đại lý nào thì mình mua thôi”.

Nông dân gặp khó khăn trong việc phân biệt phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

Theo các chuyên gia, phân Kali clorua là loại dễ bị lợi dụng để tạo ra phân giả hay kém chất lượng nhất nên khi mua hàng, nếu trên bao bì không ghi hàm lượng K2O chiếm 60% thì đều không phải phân chất lượng.

Đối với phân Urê, trên thị trường có hai loại là hạt trong và hạt đục, còn lại là nhập khẩu. Tuy nhiên, loại phân nhập khẩu này cũng không có gì đảm bảo. Khi mua, bà con cần tránh loại phân bón không tan, bị vón cục hoặc chảy nước, nên ưu tiên lựa chọn các loại phân bón của các doanh nghiệp lớn, uy tín trên thị trường.

Để biết được phân bón thật – giả hay kém chất lượng, bà con nên mua 1 ít lượng phân bón về, cho vào chai nước lọc, lắc nhẹ từ 3 - 5 phút, nếu tan hoàn toàn là phân bón thật, không tan trên 50% là phân bón giả, không tan trên 30% là phân bón kém chất lượng.

Việc trang bị các kiến thức này cho bà con là rất cần thiết để góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ cây trồng cũng như đất đai. Theo Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia Nông nghiệp: “Hiện nay đa số trên thị trường không có phân giả mà chỉ có phân kém chất lượng. Cần có những buổi tập huấn, trao đổi để giúp cho người tiêu dùng chú ý đến những thông tin liên quan đến chất lượng phân bón”.

Cùng với đó là sự quan tâm, hỗ trợ đến từ Nhà nước trong việc giám sát các cơ sở sản xuất phân bón. Cần có chế tài mạnh tay, quyết liệt hơn nữa để ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng.

 Cần có chế tài mạnh tay để ngăn chặn tình trạng sản xuất phân bón giả, kém chất lượng.

Ông Vương Minh Sơn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai kiểm soát chất lượng phân bón và xử lý các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật”.

Về phía người sử dụng, nên ghi chép lại các thông tin trên bao bì phân bón, thậm chí giữ lại mẫu bao bì và phân bón để làm "vật chứng" khi có sự cố xảy ra.

Trường hợp cần thiết nên chủ động liên hệ trực tiếp với doanh nghiệp sản xuất hoặc đại lý phân phối theo số điện thoại trên bao bì. Nếu không liên hệ được, người dân có thể thông báo cho các cơ quan chức năng như Quản lý thị trường, Thanh tra nông nghiệp.

(Bài do Tạp chí điện tử Nông thôn Việt phối hợp với Truyền hình báo Tuổi Trẻ thực hiện)

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Một trận mưa xối xả, ào ạt khiến không gian ở quê trở nên mát lành hơn bao giờ hết.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất