, //, :: GTM+7
Thứ Bảy, 17/09/2022, 13:55

Phản đối văn hóa xem công ty là gia đình, chàng trai 8X “chốt deal” 40 triệu/tháng

Minh Phương
Thông thạo 5 ngoại ngữ, anh chàng gốc Hoa 8x điển trai “chốt lương” 40 triệu/ tháng trên truyền hình.

Chương trình "Cơ hội cho ai? – Whose chance?” mùa 4, tập 3 với sự dẫn dắt của MC Thành Trung vừa lên sóng trưa 17/9 là sự xuất hiện của 2 ứng viên, gồm:

Cựu ứng viên Nguyễn Thị Thủy Tiên – cô gái “triệu view” đã để lại ấn tượng mạnh với khán giả trong mùa 1. Nguyễn Thị Thủy Tiên, 28 tuổi, là người kích hoạt hạnh phúc. Thủy Tiên là một huấn luyện viên Yoga với 6 năm kinh nghiệm thực hành Yoga. Ngoài ra, Thủy Tiên còn sở hữu thành tích học tập đáng ngưỡng mộ: Cử nhân kinh tế bằng giỏi, từng đạt học bổng toàn phần chương trình Giáo dục khai phóng Đại học Phụ nữ Châu Á.

Cựu ứng viên Nguyễn Thị Thủy Tiên.

Thủy Tiên bộc bạch trong lời chào đầu: “Cách đây 3 năm, khi em 25 tuổi, em nhận ra điều phi lý khi mình theo đuổi thành công này đến thành công khác. Mà hạnh phúc của sự thành công chỉ diễn ra trong chốc lát và hầu hết thời gian còn lại, mình đều sống hết sức khổ sở. Vậy thì mình thành công để làm gì, mình sống tiếp ngày mai để làm gì? Nhiều người cho rằng câu hỏi này hết sức viễn vông, không có câu trả lời.

Em cho rằng mình đã giải sai bài toán cuộc đời mình. Em đã dùng hết năng lượng và trí tuệ của mình để tìm cho ra ý nghĩa cuộc sống của mình là gì? Và duyên lành đã đưa em đến với bộ môn Yoga và thiền để em làm một cuộc phẫu thuật nội tâm.

Đến ngày hôm nay, em nhận ra sứ mệnh cuộc đời mình là giúp chính bản thân mình và những người xung quanh mình có được cuộc sống hạnh phúc đích thực. Và em đến với chương trình ngày hôm nay để tìm kiếm một cơ hội mang lại hạnh phúc cho những con người đang làm việc trong khối doanh nghiệp”.

Đối đầu với Thủy Tiên là Chu Thế Công, 38 tuổi, cử nhân ngành Quản trị Nhân lực - Khoa Đông Phương Học tại trường Đại học Lạc Hồng. Thế Công sở hữu hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Hành chính Nhân sự, có chứng chỉ tiếng Trung HSK 3. Anh được Liên Đoàn Lao Động tỉnh Bình Dương trao tặng bằng khen 5 năm liền vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong công việc cũng như hoạt động Công đoàn. Với kinh nghiệm vốn có, Thế Công mong muốn thoát ra khỏi vòng an toàn của bản thân để tìm kiếm một môi trường làm việc mới năng động, sáng tạo, nhiều nhiệt huyết.

Chủ đề phản biện của cặp đôi ứng viên là “Theo bạn, tiền có mua được hạnh phúc không?”.

Thủy Tiên và Thế Công.

Thế Công đưa ra quan điểm đầu tiên, theo anh “tiền không mua được hạnh phúc nhưng sẽ không hạnh phúc nếu không có tiền”. Nam ứng viên cho rằng tiền không thể mua được mái ấm gia đình, tình cảm vợ chồng, con cái, sự cầu tiến trong công việc. Tuy nhiên, có tiền thì mới có thể chăm lo cho ba mẹ lúc về già đau yếu bệnh tật, mới trang trải được những chi phí phát triển sự nghiệp, cũng như tạo ra nhiều giá trị cho cộng đồng.

Khác biệt với đối thủ, Thủy Tiên cho rằng câu hỏi từ chương trình đề cập đến sự tương quan giữa mức độ giàu có và mức độ hạnh phúc. Vậy thì chúng ta phải đi tìm định nghĩa hạnh phúc là gì? “Hạnh phúc là sự cân băng về mặt tâm lý ở bên trong, chứ không phải là niềm vui của những cảm xúc nhất thời, đến rồi lại đi. Với định nghĩa này thì mức độ tài chính chỉ là một phần trong “miếng bánh hạnh phúc” để tạo ra sự cân bằng về mặt tâm lý.

Ngoài tài chính, chúng ta còn có gia đình, sức khỏe, sự nghiệp, có tình yêu, sự phát triển cá nhân, có sự cống hiến cho cộng đồng và niềm vui giải trí. Nếu “miếng bánh” tài chính của chúng ta quá lớn, thì nó sẽ thu hẹp những “miếng bánh” khác và tạo ra sự mất cân bằng tâm lý. Ngoài ra, em đi theo con đường này, em có niềm hạnh phúc của sự tỉnh thức. Nó không mất tiền mua, chỉ đòi hỏi sự luyện tập” – Thủy Tiên khẳng định.

Trước lập luận thú vị từ Thủy Tiên, Sếp Dũng cho ý kiến: “Người ta thường nói cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng rất nhiều tiền. Khi bạn có rất nhiều tiền, bạn có thể dành nhiều thời gian cho mình, không cần phải làm việc nhiều. Rất nhiều tiền là khi người ta có tự do về tài chính, người ta có thể làm được mọi điều mà người ta muốn”.

Sếp Tiến đặt câu hỏi: “Riêng với Thủy Tiên thì cần bao nhiêu tiền một tháng?".

Cô gái sinh năm 1994 quả quyết: “Em cần 12 triệu/ tháng! Em đã biết được mức thấp nhất mà em có thể sống. Nó đảm bảo cho em hạnh phúc với chính mình và hài hòa với những người xung quanh mình, hòa hợp với thiên nhiên”.

Sếp Nga nhận xét: “Thủy Tiên chỉ đưa ra ý kiến hạnh phúc đến từ đâu, hạnh phúc là gì. Chứ bạn chưa giải thích là tiền có mua được hạnh phúc hay không? Tôi khẳng định là tiền mua được hạnh phúc. Khái niệm hạnh phúc là tùy thuộc vào mỗi người định nghĩa nó”.

Sếp Lưu Nga.

Sếp Quyền đưa ra một tình huống để thử thách năng lực thấu cảm của ứng viên: “Một nhóm các bạn trẻ, sau khi tốt nghiệp ra trường, lao vào kiếm tiền, sau đó lập gia đình, có con, có một chút thành tựu trong công việc, tích lũy được một số tiền, nhưng các bạn đó không cảm thấy hạnh phúc. Nếu 2 bạn là người tư vấn thì 2 bạn sẽ làm gì để người đó cảm thấy hạnh phúc?”.

“Với vai trò là một người kích hoạt hạnh phúc, là người khai vấn cho những người cảm thấy bản thân bất hạnh, thì đến với em, em phải nghe được vấn đề của sự bất hạnh đó nằm ở chỗ nào. Nếu con người ta không biết được mục đích cuộc sống của mình, thì họ mãi mãi không tìm được hạnh phúc thật sự” – Thủy Tiên khẳng định.

Kết thúc vòng Đối mặt, Thủy Tiên nhận được 2/5 bình chọn, Thế Công nhận được 3/5 bình chọn. Như vậy, Thế Công giành chiến thắng suýt soát trước đối thủ và đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng thi thứ 2 – Vòng chinh phục.

Trước khi chia tay với chương trình, Thủy Tiên trải lòng về lý do cô quyết định quay trở lại mùa 4: “Điều em thực sự muốn là tìm ra công việc duy nhất, cuộc đời duy nhất của mình. Đó là lý do em đi theo Yoga và Thiền. Có một công việc mà mình làm nó, nó không lấy đi năng lượng của mình, nó còn cho mình năng lượng. Em đến với Cơ hội cho ai mùa 4 để chứng minh cho mọi người có tồn tại một thứ như thế, một công việc mà mình giỏi, mình thích, xã hội cần và có người trả tiền cho mình”.

Những tưởng Thủy Tiên đã mất đi cơ hội việc làm tại chương trình, tuy nhiên ở giây phút cô xoay bước rời sân khấu, Sếp Quyền đã kịp thời lên tiếng: “Tập đoàn của chúng tôi có một ủy ban Hạnh phúc. Tôi đã và đang tìm kiếm ứng viên cho vị trí Trưởng phòng Hạnh phúc. Và ở tập đoàn của chúng tôi có một phòng gọi là “Happy room”. Bất kỳ nhân sự nào có khúc mắc trong cuộc sống sẵn sàng đặt lịch gặp Mr.Hạnh Phúc để được định hướng và tìm ra con đường. Và tôi rất cảm động khi chương trình mang chúng ta đến với nhau. Tôi rất mong gặp lại em sớm nhất có thể tại công ty của chúng tôi”.

Thủy Tiên xúc động khi được trao cơ hội thứ hai từ vị Sếp Quyền.

Thủy Tiên không khỏi xúc động, cô rưng rưng nước mắt khi được trao cơ hội thứ hai từ vị Sếp của công ty BĐS, cũng như được offer một công việc với chức năng tương đồng với mục đích sống, định nghĩa hạnh phúc của cuộc đời mình.

Về phía Thế Công, mức lương kỳ vọng của anh là 25 triệu đồng. Sau khoảng thời gian tìm hiểu lẫn nhau thông qua những câu hỏi từ các Sếp, anh chàng nhận được lời mời làm việc tại: Công ty thực phẩm cho vị trí Trưởng nhóm Nhân sự với mức lương 25 triệu đồng; Công ty thời trang cho vị trí Phụ trách Nhân sự với mức lương 30 triệu đồng. 

Cuối cùng, Thế Công đã quyết định đầu quân về công ty của Sếp Nga cho vị trí Phụ trách Nhân sự với mức lương 30 triệu đồng.

Thế Công đã quyết định đầu quân về công ty của Sếp Nga.

Cặp đôi ứng viên thứ hai xuất hiện trong tập 3 Cơ hội cho ai, gồm:

Lưu Cẩm Văn, 33 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Quản trị Du lịch Nhà hàng và Khách sạn tại Đại học Văn Hiến. Anh có hơn 9 năm kinh nghiệm làm việc đa vị trí, đa cấp bậc tại tập đoàn khách sạn 5 sao, là đại sứ công ty và quản lý nhân sự kiêm trải nghiệm khách hàng. Lưu Cẩm Văn xuất sắc với thành tích là nhân viên tiêu biểu năm 2015 và 2016 (Vinh danh từ tập đoàn tại Macau - Trung Quốc). Bên cạnh đó, nam ứng viên còn thông thạo các ngoại ngữ như Tiếng Anh, Trung, Philippines, Hàn, Nhật.

Ứng viên Lưu Cẩm Văn.

Đối thủ của Cẩm Văn là Võ Nguyễn Ngọc Thủy, 36 tuổi, tốt nghiệp chuyên ngành Tiếng Anh thương mại, trường Đại Học Tài Chính – Marketing. Cô có hơn 8 năm làm việc trong lĩnh vực chăm sóc khách hàng doanh nghiệp tại công ty Nhật, hơn 4 năm ở vị tri chuyên viên hành chính, là cầu nối giữa chi nhánh và văn phòng chính, chịu trách nhiệm làm việc với các cơ quan liên quan. Ngoài ra, nữ ứng viên còn có hơn 6 năm đồng hành cùng nhóm thiện nguyện, chuyên đến với trẻ em và bà con vùng sâu, vùng xa.

Trước khi đến với phần giới thiệu bản thân, Cẩm Văn đã mang đến chương trình món chè đu đủ tiềm yến do chính tay anh nấu để mời các Sếp và MC Thành Trung. “Thời xa xưa chỉ có hoàng thượng, hoàng hậu và các cung tần quý phi được ăn món chè này để bổ phế, trị ho, thanh nhiệt, giải độc, dưỡng nhan. Những chiếc bát và thìa này là do bà em để lại, có tuổi đời đã gần 1 thế kỷ” – Nam ứng viên bổ sung.

Ở vòng Đối mặt, câu hỏi phản biện được đặt ra cho 2 ứng viên là: “Bạn có ủng hộ văn hóa xem công ty như một gia đình?”.

Cẩm Văn và Ngọc Thủy ở vòng Đối mặt.

Hoàn toàn ủng hộ quan điểm xem công ty như một gia đình, Ngọc Thủy cho rằng điều này sẽ giúp cho việc gắn kết tập thể, tạo nên sức mạnh để đưa công ty ngày càng phát triển.

Trái ngược với đối thủ, Cẩm Văn không ủng hộ văn hóa gia đình trong doanh nghiệp. Anh khẳng định tùy theo từng quy mô mà mỗi công ty có một văn hóa khác nhau. Với kinh nghiệm nhiều năm làm việc tại các tổ chức quốc tế chuyên nghiệp, anh đề cao tinh thần đồng đội, chính sách đào tạo để phát triển nhân viên của các doanh nghiệp. Mặt trái của văn hóa gia đình sẽ mang đến tâm lý làm việc ỷ lại cho nhân viên.

Sếp Tiến đưa ra quan điểm: “Công ty như một gia đình nghe rất là dễ thương. Thỉnh thoảng các sếp sẽ dùng bài đấy để nói chuyện với nhân viên. Nhưng đấy là gia đình cho những đứa con ngoan thôi. Gia đình như một bàn tay, có ngón dài ngón ngắn. Nếu như chẳng may có đứa phạm lỗi, thì trong một gia đình chúng ta vẫn phải bảo vệ, vẫn phải nuôi nó, không thể đuổi ra khỏi nhà. Thế nhưng, công ty phải như một đội bóng, từ trên xuống dưới phải phấn đấu hết mình mỗi trận đấu để giữ được vị trí của mình. Ronaldo có đá hay bao nhiêu mà 3 trận không ghi bàn xuống làm dự bị. Vì vậy, công ty phải như đội bóng, không thể như gia đình”.

Sếp Tiến.

Sếp Quyền đặt câu hỏi cho Cẩm Văn: “Em đã làm ở những khách sạn 5 sao, 6 sao. Vậy em nghĩ có thể đưa chất lượng dịch vụ như thế vào những công ty lĩnh vực khác, cụ thể là Bất động sản hay không?”.

Cẩm Văn cho hay: “Việc chuyển ngành với em không có khó khăn. Tùy vào quy mô doanh nghiệp và đối tượng khách hàng, nếu tệp khách hàng mà công ty muốn hướng đến là giàu và siêu giàu, thì em sẽ có các kế hoạch thích hợp cho từng đối tượng, kể cả khách quốc tế”.

Kết thúc vòng Đối mặt, Cẩm Văn giành chiến thắng áp đảo trước Ngọc Thủy với điểm số 4/5 và hoàn toàn đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng thi thứ 2 – Vòng chinh phục.

Ở vòng Chinh phục, Cẩm Văn nhập mức lương kỳ vọng vào chiếc “va-ly bí mật” mà ban tổ chức cung cấp. Sau đó, 5 sếp quyền lực sẽ đặt câu hỏi để thẩm định về kinh nghiệm làm việc, năng lực chuyên môn, kiến thức xã hội lẫn trải nghiệm thực tế của ứng viên.

Sếp Dũng đặt câu hỏi tìm hiểu ứng viên: “Công ty có 150 sản phẩm gia vị xuất khẩu đi các nước Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan. Mình có những sản phẩm đủ chất lượng để cung cấp cho các Nhà hàng – Khách sạn 5 sao tại Việt Nam. Bạn nghĩ mảng khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ẩm thực/ cà phê, bạn có đảm đương được không?”.

Sếp Dũng.

“Em có kinh nghiệm 1 năm đứng bếp ở một nhà hàng nổi tiếng, có hơn 80 năm tuổi đời ở quận 5 (TP.HCM). Em khá rành về gia vị và em có tìm hiểu về Sếp Dũng trước khi đến đây. Em có thể làm được. Không những là khách sạn 5 sao ở Việt Nam, mà còn ở quốc tế, đặc biệt là các nước Đông Nam Á có nói tiếng Trung, thị trường của họ rất lớn và em tự tin là mình rất hiểu văn hóa của các quốc gia nói tiếng Trung” – Cẩm Văn khẳng định.

Sếp Tiến tiếp lời: “Em nghĩ sao nếu em làm việc ở TP.HCM nhưng một tháng có khoảng 25 ngày thường xuyên bay đi Thượng Hải, Singapore, Kuala Lumpua để tiếp những công ty thuộc Top 100 Doanh nghiệp Châu Á?”.

Nam ứng viên quả quyết: “Nếu bản thân em mang lại được giá trị cho công ty, bản thân em được tỏa sáng thì em sẽ nhận việc này. Và em cam kết là sẽ làm tốt”.

Kết thúc vòng Chinh phục, Cẩm Văn nhận được 4 đèn xanh đến từ Sếp Quyền, Sếp Tiến, Sếp Dũng và Sếp Nga, đủ điều kiện để bước tiếp vào vòng cuối cùng – Cơ hội cho ai.

Mức lương kỳ vọng của Cẩm Văn là 36,800,000 đồng. Anh chàng nhận được lời mời làm việc tại Tập đoàn BĐS cho vị trị Trường phòng Dịch vụ Khách hàng với mức lương 38,686,868 đồng, cùng lộ trình được Sếp Quyền chia sẻ “Em sẽ cùng tôi và đội nhóm của tôi cùng nhau xây dựng hành trình trải nghiệm cho khách hàng một cách tốt nhất”.

Sếp Quyền.

Sếp Nga offer đến Cẩm Văn mức lương 40 triệu đồng cho vị trí Trưởng phòng Trải nghiệm Khách hàng với nhiệm vụ “nâng cấp trải nghiệm khách hàng lên đẳng cấp 5 sao”.  

Sếp Dũng chiêu mộ nam ứng viên cho vị trí Trưởng phòng Kinh doanh với mức lương 40 triệu đồng. “Đây chắc chắn là lương cơ bản. Nếu em làm tốt thì sẽ có cổ phiếu và không phải ít” – Sếp Dũng cho hay.

Lưu Cẩm Văn và Sếp Dũng.

Sếp Tiến là người “chốt sổ” với mức offer cao nhất trong số 5 Sếp, mức lương 50,006,789 đồng cho vị trí Giám đốc Kinh doanh Thị trường Quốc tế tại Tập đoàn công nghệ thông tin. “Em sẽ làm việc ở Hà Nội. Em phải trải qua 2 tháng để học về Công nghệ. Đến khi làm việc chính thức thì 80% là em làm việc ở nước ngoài” – Sếp Tiến bổ sung.

Cẩm Văn sau đó đã lựa chọn 2 Sếp là Sếp Dũng và Sếp Quyền để đặt câu hỏi tìm hiểu sâu hơn: “Giả sử em đi công tác thì công ty sẽ hỗ trợ gì và những phúc lợi khác sẽ nằm trong lương hay nằm ở khoản phụ phí trợ cấp?”.

Chúng tôi có 18 chính sách phúc lợi. Thường thì ở những vị trí như em, thì thu nhập hàng năm rơi vào từ 15 đến 18 tháng lương. Công việc của em là chăm sóc những khách hàng “super VIP”, những người có tiền nhàn rỗi cực lớn. Đấy cũng là nơi có thể mang lại cho em nguồn thu nhập đột biến” – Sếp Quyền cho hay.

Sếp Dũng tiếp lời để giải đáp cho ứng viên: “Tất cả chi phí công tác thì công ty sẽ trả. Anh nghĩ em phù hợp với công ty của anh - dù nó là nhỏ nhất so với doanh nghiệp các Sếp ở đây. Nhưng bọn anh có tham vọng đưa gia vị Việt ra Thế giới. Bọn anh đã đưa gia vị sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Anh, Pháp, Đức, Hà Lan và sắp tới là sang Mỹ và Úc. Lương hay thưởng tăng lên bao nhiêu là tùy vào bọn em vì chính bọn em là người đóng góp cho công ty”.

Sau đó, Cẩm Văn đã lựa chọn sử dụng Quyền thương lượng. Anh không đặt vấn đề về mức lương, đãi ngộ mà xoáy sâu vào mô tả công việc. Cụ thể, nam ứng viên muốn nếu đầu quân công ty thực phẩm sẽ được phụ trách thị trường quốc tế, đặc biệt là các nước nói tiếng Trung trong khu vực Châu Á như Trung Quốc, Singapore, Malaysia. “Em tự tin là mình sẽ làm rất tốt”- Ứng viên khẳng định.

Cẩm Văn đầu quân về công ty Sếp Dũng với vị trí Trưởng phòng Kinh doanh.

Cùng với câu trả lời là cái gật đầu đồng thuận với đề xuất trên từ Sếp Dũng, kết quả chung cuộc, Cẩm Văn đã quyết định nhận vị trí Trưởng phòng Kinh doanh với mức lương 40 triệu đồng.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất