, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 04/10/2021, 07:00

Pháp lam Huế - sự trở lại mới mẻ

NGUYÊN THU

Pháp lam là tên gọi chung của dòng sản phẩm kim loại đuợc tráng men, chủ yếu là đồng. Chỉ tồn tại trong khoảng 60 năm tính từ khi ra đời, ngành nghề này sau đó bị thất truyền.

Mô hình tranh lồng đèn Pháp Lam tại Công viên Tứ tượng Huế. 
Ảnh: Đăng Tuyên

Tương truyền vào năm 1827, vua Minh Mạng cho thành lập Pháp lam tượng cục, chuyên sản xuất những sản phẩm pháp lam phục vụ cung đình sau khi những người thợ đã lĩnh hội thành công kỹ thuật tráng men trên đồng từ người Trung Hoa. Theo ông Nguyễn Xuân Hoa, một nhà nghiên cứu văn hóa Huế đồng thời cũng là nhà sưu tầm đồ cổ ở Huế, nghệ thuật pháp lam chỉ xuất hiện vào thời nhà Nguyễn, và chỉ phục vụ riêng cho cung đình, không có trong dân gian.

Nghệ thuật pháp lam thời nhà Nguyễn

Có nguồn gốc từ châu Âu, nhưng nghệ thuật pháp lam của các nước Pháp, Trung Quốc hay Nhật Bản có nhiều thể loại, hình thức thể hiện khác nhau. Trong khi đó, tại cung đình Huế, người ta chỉ đi theo một dòng duy nhất là Họa pháp lam, tức là dùng men để vẽ trên đồng. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, đây là một sản phẩm rất độc đáo về nghệ thuật phối màu, trang trí, các họa tiết. Đặc biệt, sản phẩm có độ bền rất cao, chịu được khí hậu mưa nắng hết sức khắc nghiệt của xứ Huế.

Theo các nhà nghiên cứu, sản phẩm pháp lam của nhà Nguyễn có thể phân thành 3 dòng chính, gồm: pháp lam trang trí ngoại thất, là các chi tiết kiến trúc bên ngoài cung điện, đền đài, lăng tẩm; pháp lam trang trí nội thất như hoành phi, câu đối, các đồ ngự dụng dành cho vua chúa, phi tần mỹ nữ; pháp lam khí tự là những đồ vật dành cho việc thờ cúng. 

Hiện nay, tại các di tích của nhà Nguyễn như Đại Nội, lăng tẩm hoặc một số phủ đệ lớn còn hiện diện khá nhiều các tác phẩm pháp lam trang trí trên cổng ra vào, mái ngói hoặc bên trong cung điện và đồ ngự dụng. Hầu hết các tác phẩm này còn giữ được màu sắc khá nguyên bản nhưng cũng đã bắt đầu hư hỏng. Với sự nỗ lực của Trung tâm Bảo tồn Di tích cố đô Huế và các chuyên gia, gần một nửa những họa tiết pháp lam tại khu vực Đại Nội và một số lăng tẩm ở Huế đã được phục chế. 

Sự trở lại của nghề pháp lam ở Huế

Để phục chế một tấm pháp lam, trước hết cần kỹ thuật pha màu. Màu phải pha thật kỹ để đảm bảo màu phục chế khớp với màu nguyên bản. Sau đó, các nghệ nhân phục chế dùng bút lông vẽ lên tấm đồng đã được cắt sẵn và đã được tráng một lớp men lót, sao cho các màu không lem qua nhau cho đến lúc khô và cho vào lò nung. Nếu vẫn chưa chuẩn màu, người ta có thể vẽ thêm và cho vào nung một lần nữa. Tham gia phục chế thành công hàng loạt các họa tiết pháp lam trên các di tích cung đình Huế, ông Đỗ Hữu Triết, Giám đốc Công ty TNHH Thái Hưng, cho biết: “Không chỉ thực hiện việc trùng tu, bảo tồn, chúng tôi còn ứng dụng công nghệ để cải tiến kỹ thuật nhằm phục hồi nghề pháp lam truyền thống và phát triển nghề cho phù hợp với giai đoạn mới”. 

Với chuyên ngành được đào tạo là Vật lý Vật liệu, từng làm nghiên cứu ở Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế, vì đam mê mà Đỗ Hữu Triết học và lấy luôn tấm bằng thạc sĩ về đề tài phục chế kỹ thuật chế tác pháp lam Huế. Nắm kỹ thuật trong tay, anh hợp tác với các họa sĩ, các nhà thiết kế mở hẳn một cơ sở sản xuất pháp lam. Giữ lại các công đoạn thủ công như vẽ, nung sản phẩm bằng than, anh đưa máy móc vào thực hiện các công đoạn khắc, ép vốn trước đây phải gò bằng búa… 

Không chỉ phục hồi và làm sống lại dòng Họa pháp lam đặc trưng của Huế, Đỗ Hữu Triết và những cộng sự của mình còn sản xuất thành công một số dòng sản phẩm khác như pháp lam chạy chỉ, pháp lam kết hợp với kỹ thuật chạm truyền thống, pháp lam - sơn mài, pháp lam trên kính thủy tinh… Với sự hồi sinh này, pháp lam nay đã được công nhận là một nghề thủ công truyền thống tiêu biểu của Huế. 

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử (TMĐT) với khoảng 1/3 trên tổng số 1.700 doanh nghiệp đã có doanh thu từ TMĐT. Nhưng con số 1/3 trên là quá ít trong xu hướng hiện nay, nhất là khi Trung Quốc ồ ạt xây dựng tổng kho TMĐT sát biên giới với Việt Nam.
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất