, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 21/03/2023, 13:31

Phát động chương trình trồng rừng nhằm cải thiện sinh kế cho đồng bào người Mường ở Hòa Bình

THÙY DUNG - TIẾN DŨNG
Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế về rừng (International Forest Day) - 21/3, Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ đã phối hợp với Đoàn thanh niên Bộ NN&PTNT, Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình, Đoàn thanh niên tỉnh Hòa Bình tổ chức “Lễ phát động chương trình trồng rừng” tại xóm Cơi, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Tham gia hoạt động trồng rừng tại xóm Cơi, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn, tỉnh Hòa Bình.

Hợp phần Quản lý rừng bền vững thuộc Dự án VFBC đã và đang thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa doanh nghiệp, chính quyền địa phương và các hộ trồng rừng quy mô nhỏ thông qua 12 thỏa thuận hợp tác phát triển chuỗi giá trị Keo bền vững được ký kết với nguồn vốn huy động hơn 89 triệu Đô la Mỹ. Ước tính đến cuối chu trình của Dự án, sẽ có 15.000 người dân được hưởng lợi, cải thiện sinh kế, có việc làm ổn định từ rừng, và 29.700ha rừng Keo đạt chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

Theo ông Vũ Văn Hưng - Phó Giám đốc Ban quản lý các dự án lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), Giám đốc Ban quản lý dự án VFBC Trung ương: “Tạo dựng sự hợp tác giữa doanh nghiệp, chính quyền và người trồng rừng là chìa khóa cho sự thành công và phát triển bền vững của ngành sản xuất gỗ và chế biến các sản phẩm gỗ, điều này sẽ góp phần đạt được các mục tiêu của Chiến lược Phát triển ngành Lâm nghiệp cũng như các mục tiêu mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 của Chính phủ Việt Nam”. 

Tại Lễ phát động, Ban Quản lý Dự án VFBC tỉnh Hòa Bình đã bàn giao một triệu cây Keo giống và 192kg hạt giống Keo chất lượng cao cho hơn 400 hộ nông dân trồng rừng, phần lớn là đồng bào dân tộc Mường, của 9 xã thuộc hai huyện Lạc Sơn và Yên Thủy. Đoàn thanh niên Bộ NN&PTNT cũng trao tặng cho người dân địa phương một nghìn cây Dổi bản địa để trồng tại xóm Cơi (xã Vũ Bình) và một số điểm phân tán trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Trao tặng cây giống cho người dân.

Đánh giá cao sự hỗ trợ của Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đối với tỉnh Hòa Bình thông qua Dự án VFBC, ông Lê Minh Thủy – Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm kiêm Phó Giám đốc Ban quản lý Dự án VFBC tỉnh Hòa Bình cho rằng điểm đặc biệt của Dự án đó là cách tiếp cận tổng thể và mang tính hệ thống, kết nối người nông dân trồng rừng, doanh nghiệp và chính quyền để đạt được mục tiêu phát triển bền vững chuỗi giá trị Keo trong sản xuất rừng trồng, một trong những lĩnh vực then chốt của tỉnh Hòa Bình.

Đại diện hộ nông dân được nhận cây giống từ Dự án VFBC, ông Bùi Sáng Tạo, người dân tộc Mường tại xã Vũ Bình, phấn khởi cho biết: “Mùa trồng rừng năm nay, Dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tài trợ đã khảo sát và hỗ trợ 25 hộ dân của xã Vũ Bình 132.000 cây giống Keo lai mô để trồng trên tổng diện tích 60ha. Theo hướng dẫn kỹ thuật của Dự án, gia đình tôi đào hố trồng Keo rộng hơn so với trước kia, 30cm x 30cm x 30cm, đồng thời không đốt thực bì để chuẩn bị mặt bằng cho trồng rừng như mọi năm để giảm các tác động tới môi trường đất, nước và không khí. Với 8.800 cây giống, tôi sẽ trồng trên 4ha diện tích rừng của gia đình. Hy vọng rằng, với sự hỗ trợ của Dự án, rừng của chúng tôi tăng trưởng nhanh, đạt năng suất cao và giúp chúng tôi cải thiện kinh tế gia đình”.

Các bạn đoàn viên, thanh niên tham gia hoạt động trồng rừng.

Tham dự sự kiện, ông Abraham Guillen – Giám đốc Hợp phần Quản lý rừng bền vững, Dự án VFBC bày tỏ sự vui mừng khi thấy có hơn 250 đại biểu từ nhiều thành phần khác nhau, đặc biệt là các bạn thanh niên, tham gia vào hoạt động trồng rừng. Theo ông Abraham Guillen, rừng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của con người. Trồng rừng ngày hôm nay, chúng ta sẽ tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho các thế hệ sau.

"Dự án VFBC đang hỗ trợ các hộ nông dân trồng rừng quy mô nhỏ các giải pháp lâm sinh như nguồn giống, xây dựng vườn ươm giống chất lượng cao, kỹ thuật chuẩn bị vật liệu trồng, chăm sóc, tỉa thưa, chuyển hóa từ rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn. Điều này sẽ cải thiện chất lượng và năng suất rừng trồng, đảm bảo các chỉ số an toàn môi trường và xã hội, nâng cao khả năng hấp thụ các bon - tăng 49 tấn CO2 trên 1ha hấp thụ được từ rừng trồng so với các mô hình trồng rừng thông thường khác” - ông Abraham Guillen nhấn mạnh.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm

Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.





Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất