, //, :: GTM+7

Phát triển bền vững cây nho Ninh Thuận trong điều kiện biến đối khí hậu và thoái hóa giống

Ninh Thuận là một tỉnh có điều kiện đất đai và khí hậu nhiệt đới gió mùa với đặc trưng khô và nóng, ẩm, rất thích hợp cho cây nho sinh trưởng, phát triển. Cũng chính vì vậy mà sau khi được du nhập (từ những năm 1960) đến đây, cây nho nhanh chóng trở thành loại cây trồng chính ở tỉnh này, từ đó hình thành nên vùng nho lớn nhất cả nước. Thậm chí nho còn được ví như “nữ hoàng”, được xem như “đại sứ” thương hiệu khi nói về vùng đất đầy nắng Ninh Thuận.

Tuy nhiên, để cây nho Ninh Thuận có thể tiếp tục phát triển một cách bền vững, xứng với tiềm năng, lợi thế - nhất là trong giai đoạn các giống nho bị thoái hóa, năng suất và chất lượng suy giảm, đồng thời tình hình biến đổi khí hậu những năm gần đây đã tác động đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây nho - thì đã đến lúc các ngành chức năng phải đưa ra những giải pháp đồng bộ mang tính đột phá về khoa học công nghệ và chính sách phát triển.

Nho Ninh Thuận có hương vị đặc trưng riêng vị ngọt hài hòa với vị chua nhẹ, được người tiêu dùng ưa chuộng. Trong đó, nho đỏ Red Cardinal là giống nho đầu tiên được trồng tại đây và trở thành chủ lực, chiếm 80% diện tích. Ngoài ra còn một số giống nho mới như nho xanh ăn tươi NH01-48, nho đen Black Queen, Red Star, Muscat Alexandria.

Giống nho xanh NH01-48 là giống nho đang được trồng với diện tích lớn do cho sản lượng cao hơn giống Red Cardinal (khoảng 30 tấn/ha) chiếm gần 20% diện tích, được xem là giống ăn tươi chất lượng cao. Tuy nhiên, giống nho này chỉ cho năng suất, chất lượng ổn định ở những vùng có điều kiện thổ nhưỡng phù hợp.

Vài năm trở lại đây, các vườn nho Ninh Thuận xuất hiện một giống nho được ưa chuộng nhờ có nhiều ưu thế nổi trội, đó là giống NH01-152 với trọng lượng quả và chùm lớn hơn hẳn NH01-48, khả năng đậu quả cao, chống chịu tốt với điều kiện bất lợi của môi trường, màu sắc đẹp, hương thơm. Năm 2013 - 2016, giống này được trồng thử nghiệm trên một số hộ nông dân với quy mô 1ha thông qua đề tài “Nghiên cứu xây dựng và chuyển giao quy trình thâm canh giống nho mới NH 01-152 theo hướng VIETGAP”. Tính đến đầu năm 2019, diện tích nho NH01-152 đã lên xấp xỉ 5ha.

 

Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp cho cây nho sinh trưởng, phát triển.
Ninh Thuận là tỉnh có điều kiện đất đai và khí hậu thích hợp cho cây nho sinh trưởng, phát triển.

Vị thế nho trên “sân nhà” Ninh Thuận

Là loại cây trồng đặc thù của tỉnh Ninh Thuận, mặc dù chỉ chiếm chưa đến 4% tổng diện tích đất gieo trồng nông nghiệp, nhưng cây nho đem lại giá trị kinh tế từ 15 – 20% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt. Theo thống kê, toàn tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 1.244ha nho, trung bình mỗi năm sẽ có khoảng 30.000 tấn nho tươi cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh còn có 57 cơ sở sản xuất các sản phẩm nho rượu, vang nho, 5 doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất vang nho, mỗi năm cung cấp cho thị trường hàng ngàn lít.

Phải thừa nhận rằng những năm qua, tỉnh Ninh Thuận rất chú trọng việc đầu tư phát triển để nâng tầm vị thế, giá trị cây nho của tỉnh nhà. Tỉnh đã khảo sát đánh giá các khu vực đất trồng nho phù hợp, cho thấy tổng số diện tích có khả năng trồng nho trên địa bàn toàn tỉnh là gần 8.000ha, trong đó khoảng 4.000ha đất chủ động nước tưới. Trên cơ sở tiềm năng đó, tỉnh đã quy hoạch vùng trồng nho an toàn, quy mô hơn 2.500ha; xây dựng 3 vùng sản xuất nho chất lượng cao, quy mô 100ha.

Hướng tới phát triển nghề trồng nho bền vững, tỉnh đã ban hành các chính sách hỗ trợ nông dân triển khai những mô hình trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng các biện pháp sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước, công nghệ vi sinh, giống mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho nông dân.

Công tác quảng bá sản phẩm nho cũng được chú trọng, giới thiệu rộng rãi, thông qua các chương trình kết nối “cung - cầu”, hội chợ, triển lãm. Những động thái tích cực đó đã giúp nghề trồng nho ở Ninh Thuận phát triển lên tầm cao mới, sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm.

Thời nho gặp khó

Nho Ninh Thuận đã có chỉ dẫn địa lý, được tạo điều kiện để phát triển và có một số lợi thế so với nhiều loại cây trồng khác. Nhưng hiện nay, việc trồng nho ở Ninh Thuận vẫn đang gặp khó ngay trên “sân nhà”.

Một trong những nguyên nhân chính là do sự biến đổi của khí hậu. Những năm gần đây thời tiết thay đổi thất thường, mưa lũ xảy ra làm một số vườn nho ở chân ruộng thấp bị ngập úng gây thối rễ, khiến người dân phải nhổ cây trồng lại. Nho lại là loại cây trồng mẫn cảm với thời tiết, mưa và sương muối làm ảnh hưởng rất lớn đến vườn nho vào thời kỳ cho thu hoạch, khiến quả nho bị nứt vỏ dẫn đến thối và rụng. Nhiều giống nho cũ đã và đang bị thoái hóa, mẫn cảm với nhiều loại nấm bệnh, đặc biệt là các bệnh thán thư, phấn trắng khiến năng suất, chất lượng trái suy giảm.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, ông Trần Quốc Nam, thì giống nho tốt là yếu tố quan trọng tạo ra sản phẩm nho chất lượng. Do vậy mà việc nghiên cứu, chọn tạo giống nho mới của tỉnh khá được chú trọng. Tuy nhiên, đến nay mới có một vài giống nho được thị trường chấp nhận, đa số nông dân vẫn trồng giống cũ, nên chất lượng và giá thành sản xuất cao. Việc duy trì các giống nho cũ, phương thức sản xuất thủ công, chất lượng sản phẩm không đồng đều cũng là những nguyên nhân làm cho việc tiêu thụ mặt hàng này gặp nhiều khó khăn.

Đối diện với thực trạng năng suất bấp bênh, chi phí đầu tư cao, dịch bệnh phát triển, thị trường tiêu thụ không ổn định… nhiều hộ dân đã chuyển sang canh tác những cây trồng khác, khiến diện tích trồng nho ở Ninh Thuận ngày càng giảm. Có thời điểm diện tích cây nho lên đến gần 2.300ha, nhưng có lúc lại giảm rất mạnh, chỉ còn khoảng 700ha và hiện nay là 1.200ha.

Để cây nho Ninh Thuận “lên ngôi”

Tại buổi tọa đàm được tổ chức trong chuỗi các sự kiện của Lễ hội Nho và Vang Ninh Thuận năm 2019 hồi cuối tháng 4 vừa qua, lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận đã bày tỏ mong muốn nhận được sự quan tâm, chia sẻ, hợp tác, hiến kế của các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nhiệp để phát triển cây nho đạt được mục tiêu đề ra là sản xuất bền vững, theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng mặt hàng nông sản đặc thù của tỉnh.

Quan sát sự phát triển của cây nho Ninh Thuận ở góc độ là một doanh nghiệp, ông Nguyên Văn Mọi - Giám đốc doanh nghiệp sản xuất thương mại và dịch vụ Nho Ba Mọi (xã Phước Thuận, huyện Ninh Phước) cho rằng để phát triển nghề trồng nho theo hướng bền vững, người nông dân cần tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật sản xuất, mạnh dạn áp dụng công nghệ hiện đại vào bảo quản sản phẩm thì mới nâng cao được chất lượng, giá trị của trái nho.

Điều quan trọng là cần phải có sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với các bên nghiên cứu, ngân hàng, tiêu thụ để hỗ trợ, tạo điều kiện cho người nông dân liên kết với các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất tạo thành các vùng trồng nho an toàn, chất lượng cao để bao tiêu sản phẩm đầu ra. Song song đó, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất cũng cần tập trung xây dựng và quảng bá thương hiệu, khi đã xây dựng được thương hiệu thì không lo rớt giá, ép giá.

Ở góc độ quản lý, các nhà nghiên cứu đề nghị Ninh Thuận cần phải kết hợp đồng bộ các giải pháp:

1. Tập trung hơn nữa trong việc rà soát, điều chỉnh bổ sung quy hoạch sản xuất phù hợp với thực tế đất đai từng khu vực, ưu tiên quy hoạch vùng sản xuất nho chất lượng cao, những cánh đồng lớn trồng nho theo tiêu chuẩn VietGAP. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật như tưới nước tiết kiệm, sử dụng chế chẩm sinh học, chuyển giao công nghệ hiện đại vào sản xuất và bảo quản sản phẩm. Tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích các hộ trồng nho tham gia thành lập các nhóm, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh nho để giảm chi phí và nâng cao chất lượng sản phẩm.

2. Tập huấn, phổ biến các kiến thức kỹ thuật sản xuất, công nghệ hiện đại vào bảo quản sản phẩm cho nông dân để họ tuân thủ đúng quy trình và mạnh dạn áp dụng thì mới nâng cao được chất lượng, giá trị của sản phẩm.

3. Nghiên cứu, tìm phương án đưa các giống nho mới thích ứng với sự biến đổi khí hậu vào trồng thử nghiệm, đặc biệt là các giống nho dễ trồng đem lại năng suất cao, chất lượng tốt, có thể cạnh tranh với các giống nho nhập khẩu hiện nay.

4. Cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc liên kết với các doanh nghiệp tham gia đầu tư, liên kết sản xuất tạo thành các vùng trồng nho an toàn, chất lượng cao để bao tiêu sản phẩm đầu ra.

Tỉnh Ninh Thuận đã có Đề án “Phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 – 2020”, trong đó có giải pháp phát triển trồng nho và chế biến các sản phẩm từ nho theo hướng hiện đại, bền vững kết hợp với du lịch để quảng bá sản phẩm trên thị trường. Hi vọng với những giải pháp nêu trên cùng với sự quyết tâm của chính quyền và người dân Ninh Thuận sẽ vượt qua các khó khăn, thách thức để duy trì, phát triển và cây nho sẽ luôn là cây chủ lực đem lại thu nhập chính của người dân nơi đây.

Theo ông Phạm Châu Hoành - Chủ tịch Hiệp hội Nho và Táo Ninh Thuận, nho sản xuất an toàn tại Ninh Thuận hiện nay chủ yếu cung cấp các chợ đầu mối, ở địa phương cũng có 2 siêu thị lớn nhưng mỗi ngày cũng chỉ nhập khoảng 1 tạ nho VietGAP. Lượng nho xuất khẩu chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chủ yếu qua đường tiểu ngạch.

Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi nhiều chi phí, công sức, thời gian chăm sóc và quá trình canh tác phức tạp do phải đáp ứng các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm với hàng trăm chỉ tiêu để được công nhận, nên ít hộ có thể thực hiện, ngay cả hợp tác xã sản xuất nho cũng khó đáp ứng được.

 

ĐỨC TOÀN

Bình luận

Xem nhiều


Ngày 16/4, rất đông người dân địa phương và du khách đổ về 2 ngôi chùa Tưk Phos và Phnom Pi (Tri Tôn, An Giang) để dự lễ tắm Phật và lễ hội té nước. Đây là lễ hội truyền thống của người Khmer vùng Tri Tôn (An Giang), nơi giáp biên giới với Campuchia, trong dịp tết Chol Chnam Thmay diễn ra từ 13-16/4.



Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất