, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 28/04/2022, 17:26

Phát triển du lịch cộng đồng gắn với Chương trình OCOP tại ĐBSCL

THÙY DUNG
Chiều 28/04, tại TP Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp), Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (Bộ NN&PTNT) đã phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đồng Tháp và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM tổ chức Hội thảo Định hướng phát triển thị trường nhóm sản phẩm OCOP dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch vùng ĐBSCL.
Ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương phát biểu tại Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Ngô Trường Sơn - Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương nhận định, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Chương trình MTQG xây dựng Nông thôn mới đã đạt được những kết quả quan trọng. Trong đó, Chương trình OCOP đã trở thành giải pháp được ưu tiên gắn với phát triển kinh tế nông thôn.

Là một trong 6 nhóm sản phẩm OCOP, sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm du lịch cộng đồng và điểm du lịch đã phát huy được lợi thế của địa phương, giúp Chương trình xây dựng Nông thôn mới đi vào chiều sâu và bền vững.

Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, đến nay cả nước có 66 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên. Và chính Chương trình OCOP đã góp phần bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn.

Toàn cảnh Hội thảo.

Về định hướng phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch trong thời gian tới, địa phương sẽ xây dựng các mô hình dịch vụ du lịch trải nghiệm nông nghiệp, nông thôn gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền và dân tộc. Song song đó là khai thác lợi thế, đặc trưng của từng địa phương về nông nghiệp, văn hóa, điều kiện tự nhiên.

Phát triển dịch vụ du lịch sẽ gắn với quá trình xây dựng Nông thôn mới, đặc biệt là cơ sở hạ tầng. Từ đó xây dựng và phát huy vai trò của cộng đồng trong tổ chức dịch vụ du lịch và điểm du lịch, đặc biệt là vai trò quản lý, điều phối hoạt động. Tập trung nâng cao năng lực, phát triển sản phẩm dịch vụ; Đẩy mạnh chuyển đổi số, nhất là hoạt động quảng bá, giới thiệu dịch vụ du lịch…

Theo TS Ngô Thị Thu Trang - Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển Nông thôn Seamaul Undong, các sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch cần phải được đánh giá trên cơ sở xây dựng một điểm đến du lịch chất lượng, độc đáo, đa dạng và phát triển bền vững, bảo tồn di tích và bản sắc văn hóa vùng miền. Việc này rất có ý nghĩa đối với dân làng địa phương, đóng góp cho sự thịnh vượng kinh tế xã hội của người dân và gắn với phát triển Nông thôn mới.

Lễ hội đua bò tại Tri Tôn (An Giang).

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Ngô Quang Tuyên - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện trên địa bàn Đồng Tháp đã có hơn 60 điểm tham quan du lịch gắn với nông nghiệp và trải nghiệm làng nghề được thành lập và đi vào hoạt động. Các mô hình du lịch kết hợp với nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, đã giúp kéo dài chuỗi giá trị, gia tăng giá trị nông sản, tạo thêm việc làm ở nông thôn, đem lại nguồn thu ổn định cho nông dân.

Cũng theo ông Tuyên, để phát huy hiệu quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp chú trọng nâng cao nhận thức cộng đồng về du lịch cộng đồng và chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh. Từ đó, mỗi thành viên là một sứ giả cho sự phát triển thương hiệu du lịch tại địa phương. Đồng thời đẩy mạnh xúc tiến quảng bá sản phẩm du lịch cộng đồng và sản phẩm OCOP, sản phẩm làng nghề, lễ hội văn hóa gắn với hình ảnh du lịch địa phương để tạo điểm nhấn thu hút du khách.

Du khách rất thích tham quan sông nước, vườn cây ăn trái của ĐBSCL.

Để mô hình du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại khu vực ĐBSCL phát triển mạnh mẽ và bền vững, ông Lê Văn Đáng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng đề xuất cần phối hợp với các công ty lữ hành lớn, có nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh và phát triển loại hình dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng để tổ chức các lớp tập huấn, các cuộc hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia về du lịch, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương chia sẻ kinh nghiệm cũng như nâng cao kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ cho cộng đồng dân cư tham gia vào loại hình du lịch này.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Với ưu điểm chịu hạn, dễ chăm sóc, đặc biệt giá trị tăng cao gấp nhiều lần cây lúa, cây mè được nông dân huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp canh tác như một giải pháp chống hạn trong chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng.
Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất