
Phát huy giá trị sản phẩm OCOP thông qua du lịch nông thôn
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Ngô Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH&NV cho biết, nông nghiệp không còn đơn thuần là trồng cây gì, nuôi con gì mà cần định hướng tạo ra những giá trị mới, phù hợp với xu thế mới. Một trong số đó là phát triển du lịch nông nghiệp. Mặc dù du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn là không mới, tuy nhiên để khai thác được hiệu quả, căn cơ là điều không phải dễ.
“Nếu làm được, đây sẽ là giải pháp bền vững, giúp người nông dân tăng thêm thu nhập trên chính “mảnh ruộng” của mình. Hoạt động du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn sẽ hiệu quả hơn nếu đi liền với việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản, đặc biệt là nhóm các sản phẩm OCOP” - bà Ngô Thị Phương Lan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, ông Phương Đình Anh - Phó Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương cho rằng phát triển sản phẩm OCOP và phát triển du lịch nông thôn có mối quan hệ “hữu cơ”. Sản phẩm OCOP chính là tài nguyên để xây dựng sản phẩm du lịch nông thôn. Bên cạnh đó, sản phẩm OCOP cũng góp phần truyền tải các câu chuyện, giá trị văn hóa trong du lịch nông thôn.
Ở chiều ngược lại, du lịch nông thôn chính là không gian để phát triển sản phẩm OCOP. Tuy nhiên, hiện nay các địa phương mới chỉ tập trung thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, thiếu giải pháp kết nối với chương trình phát triển du lịch nông thôn.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Hoàng Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Nam Miền Trung Group nhận định Chương trình OCOP đang được xã hội đón nhận tích cực. Việc phát huy thương hiệu OCOP cũng thể hiện sự đồng thuận xã hội để tạo ra các sản phẩm giá trị.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, điều cốt lõi là phải phối hợp thực hiện các giải pháp một cách đồng bộ để cùng lúc tạo được hiệu quả cả về mặt kinh tế, tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng thời nâng tầm giá trị, quảng bá và lan tỏa về khía cạnh văn hóa. Ngoài ra, cần có các trung tâm trưng bày, giới thiệu sản phẩm, kết nối giao thương để góp phần đẩy mạnh quá trình đưa sản phẩm OCOP ra thị trường.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa - Giám đốc Công ty Saigon Asset bày tỏ băn khoăn khi hiện nay việc gắn kết du lịch nông thôn với khai thác giá trị sản phẩm OCOP còn nhiều hạn chế. Các doanh nghiệp lữ hành gặp khó trong việc làm tour, tuyến, giới thiệu sản vật, ẩm thực địa phương do tình trạng nhiều sản phẩm được chứng nhận OCOP na ná nhau. Ông Nghĩa đưa ví dụ bưởi da xanh xuất phát ở miền Tây nhưng cũng được một số tỉnh thành miền Trung giới thiệu là đặc sản bản địa của địa phương.
Để khắc phục vấn đề này, theo bà Phan Yến Ly - Giám đốc Công ty Tư vấn Truyền thông và Sự kiện Cánh Cam, mỗi địa phương chỉ nên tập trung xây dựng, phát triển các sản phẩm đặc hữu, phù hợp với điều kiện thỗ nhưỡng, khí hậu riêng có để đề xuất công nhận OCOP, hạn chế việc chạy theo số lượng và trùng lắp. Bà Ly cũng đề xuất giải pháp “Mỗi huyện, mỗi xã một sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng” - One Region One Agriculture Product (OROAP) để phục vụ du lịch.
“Với thế mạnh sẵn có về nông nghiệp và với sự hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Việt Nam hoàn toàn có thể có ít nhất 63 sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc trưng cho từng địa phương” – Bà Yến Ly nhấn mạnh.

Xây dựng thương hiệu từ những giá trị cốt lõi
Ông Phan Bảo Giang - Trưởng khoa Marketing Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM cho rằng khó có thể làm du lịch nông thôn thành công nếu không xây dựng được thương hiệu. Thương hiệu sẽ được nhân lên nếu như chúng ta gắn được du lịch nông thôn, nông nghiệp sinh thái, du lịch xanh với OCOP; mỗi địa phương sẽ tìm ra được giá trị khác biệt, xác định được giá trị cốt lõi và thế mạnh để phát huy giá trị sản phẩm của mình.
Đây là việc làm phải có sự vào cuộc của Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương, cộng đồng dân cư, cộng đồng doanh nghiệp, truyền thông báo chí… Các bên phải đồng hành cùng nhau trong các hoạt động phân tích thị trường, xác định mục tiêu chiến lược, tạo ra thương hiệu hấp dẫn, tiếp thị và truyền thông, đo lường kết quả và liên tục cải thiện thương hiệu… để hiệu quả được bền vững lâu dài.
Khẳng định những giá trị cốt lõi có thể đến từ những thế mạnh truyền thống, lâu đời, ông Đỗ Tân Khoa - Giám đốc Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM lấy ví dụ về mô hình Hội An y viện, nơi cung cấp các dịch vụ kê đơn bốc thuốc, xoa bóp bấm huyệt, ngâm chân thảo dược được du khách ưa chuộng. Vấn đề là làm sao kể được câu chuyện hấp dẫn để thu hút sự quan tâm của công chúng.

Phát biểu tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam khẳng định Việt Nam hiện có hơn 10.000 sản phẩm OCOP, các trung tâm OCOP đang hình thành, nhiều doanh nghiệp chú trọng liên kết với các địa phương trong tiêu thụ OCOP là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, thực tế thương hiệu OCOP ở nông thôn có giá trị lớn mà chưa được nhìn nhận và khai thác đúng mực. Việc đảm bảo chất lượng để duy trì được thương hiệu là rất khó. Xây dựng được thương hiệu bền vững sẽ góp phần khai thác tốt hơn kinh tế du lịch nông thôn.
Thứ trưởng cho biết Bộ NN&PTNT sẽ sớm có 1 bộ tài liệu tập huấn cho các địa phương về phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT đã ký với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam và triển khai văn bản đến các địa phương để đưa ra cơ chế hỗ trợ. Trước mắt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam sẽ dành một nguồn vốn tín dụng cho phát triển sản phẩm du lịch OCOP.
Bên cạnh đó, Bộ NN&PTNT đang định hướng đưa sản phẩm OCOP ra nước ngoài, kết nối thông qua các Đại sứ quán, tổ chức hội chợ OCOP tại châu Âu.
