, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 07/02/2023, 19:00

Phát triển hạ tầng miền tây không thể trông chờ vào cát

LÊ TRẦN
Tình trạng khan hiếm cát đang đẩy vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đứng trước nguy cơ sạt lở, sụt lún, mất cân bằng sinh thái và không thể phát triển hạ tầng.

Cát dưới sông cạn kiệt

Những ngày cuối tháng 11/2022, một đoạn đê trụ rỗng vừa được xây dựng hoàn thiện tại bờ biển Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang. Đê trụ rỗng giúp ngăn sóng nhưng cát và phù sa có thể qua ống đi vào bồi đắp cho khu vực bên trong đê để “nuôi” rừng ngập mặn. Tình trạng sạt lở ở vùng ven biển ĐBSCL đã và đang uy hiếp sinh kế của hàng triệu hộ dân. Việc xây dựng đê trụ rỗng là một giải pháp nhằm ngăn chặn sạt lở và tích tụ phù sa cho vùng đất này. Tuy nhiên, kinh phí để thực hiện giải pháp này là không hề nhỏ.

Ở ven sông, tình trạng sạt lở cũng diễn biến phức tạp không kém. Theo thống kê của Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), đến cuối năm 2021, khu vực ĐBSCL có 621 điểm sạt lở với tổng chiều dài 610km và gần 30 hố xói sâu trên sông Tiền và sông Hậu. Các hố sâu này có những điểm xuất hiện âm hơn 40m và điều này rất nguy hiểm cho ổn định bờ sông…

Trong 3 năm (2018 - 2020) đã có 1.808 ngôi nhà của người dân ở các địa phương này bị nhấn chìm xuống sông, xuống biển do sạt lở. Hàng chục ngàn người dân đã bất ngờ trở thành vô gia cư, mất sạch tài sản. Có khoảng 20.000 hộ dân sống trong vùng có nguy cơ sạt lở cần phải di dời.

Ông Lê Thanh Chương - Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sạt lở ở ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng và phức tạp, trong đó có việc khai thác cát. Khai thác cát khiến đáy sông bị hạ thấp, dòng chảy thay đổi, dẫn đến gia tăng nguy cơ sạt lở. Để hạn chế tình trạng sạt lở bờ sông, cần có phương án quy hoạch chỉnh trị tổng thể hệ thống sông rạch lớn, đảm bảo vừa chống được sạt lở, vừa đảm bảo được sự phát triển bền vững.

Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), hàng năm lượng trầm tích ở các con sông thuộc ĐBSCL bị thâm hụt khoảng 25 triệu tấn do khai thác cát và bị giữ lại khi các nhà máy thủy điện được xây dựng. Con số này được dự đoán sẽ còn tăng trong các năm sắp tới.

Báo cáo mới đây của Ủy hội Sông Mê Kông cũng thể hiện rằng, so sánh giữa 1992 và 2014, tải lượng phù sa mịn của sông Mê Kông đã giảm 50%, từ 160 triệu tấn/năm xuống còn 85 triệu tấn/năm. Khi có thêm 11 đập dòng chính Mê Kông thì tải lượng phù sa mịn sẽ giảm còn khoảng 42 triệu tấn/năm. Gần như toàn bộ cát, sỏi sẽ bị thủy điện chặn lại, không thể về ĐBSCL. Điều đó có nghĩa là lượng cát hiện nay có được ở đáy sông Tiền, sông Hậu sẽ không còn được bổ sung trong tương lai.

WWF cho biết, khai thác quá mức đã làm mất ổn định địa mạo đáy sông, xói mòn bờ sông, làm xói sâu lòng sông và mực nước suy giảm trên các kênh chính. Ngoài ra, tình trạng này còn khiến nước biển mặn tràn vào ruộng đồng, ảnh hưởng đến tính ổn định bờ sông và tác động đến cả năng suất lúa gạo, đánh bắt thủy sản.

Khai thác cát quá mức đã khiến địa mạo đáy sông ở ĐBSCL thay đổi. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở bờ và xói mòn lòng sông.

“Tình trạng này tiềm ẩn nguy cơ tác động rất lớn đến kinh tế xã hội vùng ĐBSCL. Khoảng 70% dân số của lưu vực sông sống dựa vào nông nghiệp. ĐBSCL là một trong những vùng có năng suất lúa cao trên thế giới, thường được gọi là “vựa lúa” của Việt Nam với sản lượng hơn 16 triệu tấn gạo hằng năm cho tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Do đó, đòi hỏi phải có hành động khẩn cấp đối với tình trạng khai thác cát quá mức”, ông Hoàng Việt – Quản lý chương trình nước của WWF chia sẻ.

Phát triển hạ tầng cũng lụy theo

ĐBSCL đang trong giai đoạn rầm rộ phát triển hạ tầng. Đến năm 2025, các tỉnh ở vùng này sẽ phát triển thêm ít nhất 4 dự án cao tốc và nhiều dự án hạ tầng, giao thông để liên kết vùng. Thực trạng khan hiếm cát đắp nền đường đang là mối lo ngại kéo lùi tiến độ phát triển hạ tầng ở vùng ĐBSCL.

Theo Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Tháp, năm 2022, UBND tỉnh này cấp phép khai thác cát sông trên địa bàn với công suất 6 triệu m3/năm. Tuy nhiên, sẽ cắt giảm dần sản lượng khai thác vào các năm sau. Trong khi, nhu cầu cát ở Đồng Tháp từ năm 2022 đến năm 2025 trung bình khoảng 10 triệu m3/năm. Cùng với đó, còn các công trình lớn của Trung ương qua địa bàn tỉnh, cũng như các công trình ngoài tỉnh nhưng đề nghị Đồng Tháp hỗ trợ cát. Năm 2022 năng lực của Đồng Tháp chỉ cung ứng nguồn cát đạt khoảng 45% đến dưới 50% nhu cầu thực tế.

Tại tỉnh Vĩnh Long, năm 2022 tỉnh này có khoảng 26 giấy phép khai thác cát sông còn hiệu lực, tổng khối lượng cho phép khai thác là 3,8 triệu m3/năm. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng cát cho các công trình có vốn ngân sách nhà nước là 7,2 triệu m3, các công trình dân dụng khác là 2,1 triệu m3.

Mới đây, tỉnh An Giang đã chấp thuận điều chỉnh nâng trữ lượng khai thác cát tại mỏ cát trên sông Tiền từ 740.000m3 lên 1.110.000m3, thời gian khai thác trong 6 tháng. Cát khai thác tại khu mỏ cung cấp cho công trình có giá 79.200 đồng/m3 (cát rời). Việc tăng sản lượng khai thác này nhằm cung cấp cho công trình xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên.

Khai thác cát quá mức đã khiến địa mạo đáy sông ở ĐBSCL thay đổi. Đây là nguyên nhân gây nên tình trạng sạt lở bờ và xói mòn lòng sông.

Có một nghịch lý là các địa phương ở ĐBSCL đang rất thiếu cát. Tuy nhiên, từ số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm, các dòng sông ở khu vực này bị khai thác hàng chục triệu tấn cát.

Theo số liệu Tổng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố vào giữa năm 2022 cho thấy, hiện tại trữ lượng cát sông ở ĐBSCL còn khoảng 66,6 triệu mét khối đã được cấp phép với trữ lượng khai thác khoảng 15 triệu m3/năm (tương đương khoảng 28 triệu tấn/năm).

Ông Lê Thanh Chương, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam - cho rằng: “Thực tế lượng cát khai thác hằng năm ở Đồng bằng Sông Cửu Long có thể lên tới 28 triệu m3, vượt xa con số báo cáo”.

Theo Tổ chức quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam (WWF), với dân số của ĐBSCL hiện nay, ước tính nhu cầu cốt liệu sẽ khoảng 100 triệu tấn/năm. Trong đó cát là 30 triệu tấn/năm, chủ yếu là cát sông. Theo đó, nhu cầu hiện tại đã vượt quá nguồn cung rất nhiều dẫn đến thiệt hại đối với kết cấu hạ tầng vùng ĐBSCL ngày càng tăng do khai thác quá mức.

Ông Hoàng Việt, Quản lý Chương trình nước (WWF) – lý giải thêm rằng, nguyên nhân của việc các tỉnh ĐBSCL đang khai thác một trữ lượng cát rất lớn nhưng vẫn thiếu cát là do cát khai thác ở đây chủ yếu sử dụng vào việc san lấp. Khi phát triển hạ tầng giao thông, phải cần rất nhiều cát dẫn đến tình trạng cầu vượt cung.

WWF cảnh báo rằng, ĐBSCL đang bị sụt lún và thu hẹp do việc khai thác nước ngầm quá mức cho phát triển nông nghiệp và các mục đích khác như các đập ở thượng nguồn. Cùng với đó, việc khai thác cát sông ngày càng tăng khiến dòng chảy của nước và trầm tích bị giảm. Hậu quả của vấn đề này là nhiễm mặn đất và các tầng chứa nước, cạn kiệt các tầng chứa nước, sự di cư của các loài cá bị hạn chế, gia tăng ô nhiễm, giảm dòng chảy của các chất dinh dưỡng, suy thoái vành đai rừng ngập mặn ven biển, hệ sinh thái chung bị ảnh hưởng, gây khó khăn cho nông nghiệp và nghề cá, đồng thời hạn chế nguồn nước sạch cho sinh hoạt.

Những tác động này đang làm thay đổi vùng ĐBSCL trũng thấp, dự kiến sẽ làm ảnh hưởng mạnh mẽ đến an ninh lương thực vào đầu năm 2050 và khả năng biến mất hoàn toàn của ĐBSCL vào năm 2100.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất