, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 12/09/2018, 17:02

Phát triển khoa học công nghệ thiếu chính sách đột phá

Thùy Dung thực hiện

PGS TS. Mai Thanh Phong - Hiệu trưởng trường Đại học Bách Khoa – Đại học Quốc gia TP HCM: Thiếu chính sách đột phá và kinh phí dàn trải

PGS TS. Mai Thanh Phong

Tư duy từ trước đến nay về làm nông nghiệp là trồng cây, nuôi con, phải có đất, thậm chí là nhiều đất. Chúng ta cần thay đổi tư duy này, nên xem nông nghiệp là một bộ phận của ngành công nghiệp, nghĩa là thực hiện sản xuất hàng loạt với năng suất cao, và kiểm soát được chất lượng. Để làm được điều đó, nông nghiệp phải ứng dụng rất nhiều công nghệ và kĩ thuật khác nhau.

Tuy nhiên, không riêng ngành nông nghiệp công nghệ cao mà kể cả những lĩnh vực khác nói chung, chúng ta hiện còn thiếu những chính sách có thể tạo sức bật. Nhà nước có mong muốn phát triển, có chủ trương tốt, tuy nhiên chính sách thực hiện lại chưa thực sự hiệu quả, vẫn manh mún, thiếu đồng bộ, thiếu quyết liệt. Muốn có được những sản phẩm KHCN nội địa chất lượng tốt, giá thành thấp, các chương trình phát triển KHCN phải được chú trọng.

Thực tế, Nhà nước cũng có những chương trình trọng điểm để phát triển KHCN, tuy nhiên những chương trình đó chưa phát huy hiệu quả, chưa nhiều kết quả được ứng dụng vào thực tiễn.

Ở nước ta, có một thực tế là Bộ nào cũng làm KHCN, vì vậy kinh phí đầu tư cho KHCN trải rộng ra các Bộ; các Bộ lại trải dọc xuống đến các phòng, ban, các đơn vị ở địa phương. Việc chia nhỏ kinh phí như vậy sẽ không thể giải quyết vấn đề nghiên cứu khoa học một cách trọn vẹn. Ở các cấp thấp, chỉ có thể thực hiện được những đề tài nghiên cứu khoa học mang tính chất “nhỏ” theo mức kinh phí, như vậy hiệu quả thực sự không cao.

Bên cạnh đó, công tác tuyển chọn, triển khai các đề tài khoa học sử dụng ngân sách Nhà nước còn nhiều bất cập. Những quy định về tài chính, quản lý nhìn thì có vẻ chặt chẽ nhưng xem xét kỹ thì lại không thực tế, gây khó khăn cho người thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học. Ở các nước khác, đa phần kinh phí tài trợ cho hoạt động nghiên cứu khoa học đều được gom về các quỹ.

Các quỹ này do Nhà nước quản lý và mỗi quỹ có quy chế, tiêu chí, mục đích hoạt động khác nhau. Ví dụ như có quỹ chỉ tập trung tài trợ các đề tài nghiên cứu về hàn lâm, khoa học cơ bản; có quỹ chuyên tập trung cho nghiên cứu ứng dụng triển khai. Với hệ thống quản lý hiện đại, hoạt động độc lập, tách biệt với các tổ chức hành chính, các quỹ này đảm bảo tính công minh và minh bạch, có độ tin cậy cao.

Ở Việt Nam đã có một mô hình tương tự đó là Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Nafosted) trực thuộc Bộ Khoa học - Công nghệ. Đây là đơn vị tài trợ, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ KHCN cấp quốc gia và tương đương do các tổ chức, cá nhân đề xuất; đánh giá khoa học thông qua Hội đồng KHCN, đội ngũ chuyên gia tư vấn độc lập và quản lý chất lượng nghiên cứu theo chuẩn mực quốc tế. Mô hình này hoạt động khá thành công, tính minh bạch cao. Khâu tuyển chọn đề tài rất bình đẳng, sau khi các cá nhân tổ chức nộp hồ sơ, Quỹ sẽ có các chuyên gia phản biện, đánh giá và đưa ra quyết định tài trợ kinh phí. Đây có thể coi là tổ chức mang tính chất thuần túy khoa học, hoạt động độc lập với sự quản lý mang tính “hành chính”.

TS. Nguyễn Thanh Mỹ - Tiến sĩ Trung tâm Nghiên cứu khoa học năng lượng và vật liệu INRS-Energie et Materiaux, Varennes, Quebec (Canada): Cơ hội từ nông nghiệp 4.0

TS. Nguyễn Thanh Mỹ

KHCN phải ứng dụng được, phải giải quyết được những vấn đề thực tế của cộng đồng. Đây cũng chính là vai trò của những người làm KHCN. Có nhiều công trình nghiên cứu rất quy mô nhưng lại không ứng dụng được tại các địa phương, như vậy là chưa đạt hiệu quả.

Công nghệ 4.0 tạo ra rất nhiều cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp cận với những biện pháp khoa học kĩ thuật phù hợp. Khác với nền nông nghiệp 3.0 đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối với mô hình cánh đồng lớn, công nghệ 4.0 phù hợp với đặc thù nông nghiệp còn nhỏ lẻ của Việt Nam.

Với những đối tượng khởi nghiệp trong lĩnh vực KHCN, trước tiên cần phải đăng kí bản quyền cho những ý tưởng, những sản phẩm của mình. Việc đăng kí ở đâu thì cần tùy thuộc vào thị trường mình hướng đến để thương mại. Tốt nhất là nên đăng kí ở Mỹ vì đây là thị trường lớn nhất và Luật Bản quyền ở Mỹ có phạm vi ảnh hưởng rộng. Người làm KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao không nên coi nông dân là khách hàng. Cần xác định nông dân là đối tượng đồng hành, khách hàng hướng đến là các doanh nghiệp – đối tượng có nguồn lực tài chính lớn.

Ông Nguyễn Hải An - Giám đốc Trung tâm Ươm tạo Doanh nghiệp Nông nghiệp Công nghệ cao: Chú trọng công tác đào tạo

Ông Nguyễn Hải An

Về nhân lực hoạt động trong lĩnh vực KHCN, Nhà nước cần có các chương trình mang tính chất cụ thể hơn, đặc biệt là các chương trình đào tạo. Cần chú trọng đến công tác giáo dục từ bậc phổ thông đến đại học, định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ. Bên cạnh đó, tổ chức hoạt động tham quan, học tập các mô hình sản xuất nông nghiệp ở nước ngoài để tiếp nhận, chuyển giao công nghệ.

Những năm gần đây, Nhà nước đã có nhiều cơ chế chính sách cũng như là nguồn lực về mặt tài chính, đầu tư công nghệ để hỗ trợ cho chương trình Nông thôn mới, thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam, nâng cao đời sống của người nông dân. Việc nghiên cứu, tiếp nhận, chuyển giao các tiến bộ khoa học kĩ thuật trong nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với người nông dân trong việc xây dựng nông thôn mới. Cần quan tâm đến công tác đào tạo nghề cho người nông dân để người nông dân có thể tự sống được trên mảnh đất của mình.

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Không phải bây giờ lời kêu gọi sống chung với biến đổi khí hậu, dân gian gọi là thuận thiên mới vang lên. Nhưng nội hàm của thuận thiên, đến lúc phải thay đổi trong cái nhìn...
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất