, //, :: GTM+7
Thứ Ba, 21/09/2021, 15:10

Phát triển kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp ở Việt Nam: Những vấn đề đặt ra

TS. NGUYỄN THỊ MIỀN
Ở nước ta, phát triển nông nghiệp bền vững đang đứng trước áp lực của sự suy giảm tài nguyên, gia tăng phát thải và biến đổi khí hậu.

Thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” còn rất mới mẻ ở Việt Nam, song chủ trương về phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, trong đó có nông nghiệp, đã được Đảng đề cập từ rất sớm trong các chỉ thị, nghị quyết quan trọng, như Chỉ thị 36/CT-TW ngày 25/06/1998, Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15/11/2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, Nghị quyết 
24/NQ-TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường… Trên cơ sở chủ trương của Đảng, Nhà nước cũng đã ban hành nhiều chính sách liên quan. 
Cùng với các chủ trương, chính sách ấy, mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn trong nông nghiệp cũng đã xuất hiện, như mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) phổ biến ở Việt Nam từ những năm 80 và được coi là hình thức nông nghiệp tuần hoàn đơn giản nhất. Sau này, mô hình VAC đã được cải tiến phù hợp với trình độ phát triển của sản xuất nông nghiệp cũng như điều kiện sinh thái của từng vùng, như VACB (vườn - ao - chuồng - biogas); VACR (vườn - ao - chuồng - rừng) ở các tỉnh miền núi; VAH (vườn - ao - hồ) ở các tỉnh miền Trung. 
Một số mô hình khác, như lúa - tôm, lúa - cá áp dụng vào đầu những năm 2000 và phát triển thành lúa thơm - tôm sạch hoặc lúa thơm - cá sạch hiện nay ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và vùng ngập úng ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng; mô hình lúa - nấm - phân hữu cơ - cây ăn quả hoặc bò - trùn quế - cỏ/ngô - gia súc, gia cầm - cá cũng phổ biến ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước thời gian gần đây. 
Những mô hình nói trên đều là hình thái nông nghiệp tuần hoàn ra đời từ thực tế sản xuất kết hợp kinh nghiệm truyền thống. Các mô hình này, tùy mức độ và quy mô, mà có những hiệu quả kinh tế nhất định và đặc biệt, đều giúp giảm chi phí, tăng năng suất, giảm chất thải, bảo vệ môi trường. 

 

Thuật ngữ “nông nghiệp tuần hoàn” chỉ mới được đề cập thời gian gần đây ở nước ta, dù các dạng thức của nó đã xuất hiện từ khá lâu. Vì vậy, vai trò, lợi ích, bản chất, nội dung, tiêu chí của nông nghiệp tuần hoàn chưa rõ, thậm chí chưa có, dẫn đến nhận thức của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và nhất là nông dân chưa đầy đủ. Từ đó, chưa tạo được động lực đủ mạnh để nông nghiệp tuần hoàn phát triển.
Gần đây, sản xuất nông nghiệp nước ta đã và đang từng bước quan tâm đến sản xuất nông nghiệp bền vững, nông nghiệp hữu cơ, song về cơ bản, vẫn chú trọng đến gia tăng sản lượng nên việc sử dụng chất kích thích tăng trưởng, thuốc bảo vệ thực vật, phân hóa học… còn phổ biến. Điều này đi ngược lại tiêu chí, mục đích của nông nghiệp tuần hoàn.
Một thực tế khác: những hạn chế về năng lực tái chế chất thải, tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp. Không chỉ thiếu các nhà nghiên cứu, các trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ xử lý chất thải, phụ phẩm, phế phẩm mà nguyên liệu cho tái chế cũng là một trở ngại do quy mô sản xuất nông nghiệp nhỏ, lẻ còn phổ biến, việc thu gom, phân loại phụ, phế phẩm nông nghiệp cho tái chế gặp khó khăn khiến các doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào lĩnh vực này. Hiện nay, mới có khoảng 10% phụ phẩm trồng trọt được sử dụng làm chất đốt tại chỗ, 5% làm nhiên liệu công nghiệp, 3% làm thức ăn gia súc; còn hơn 80% chưa được sử dụng và thải trực tiếp ra môi trường hoặc đốt bỏ gây ô nhiễm môi trường.
Kinh tế tuần hoàn được nhiều nước áp dụng, song ở Việt Nam, điều này còn khá mới mẻ, nhất là trong nông nghiệp. Vì thế, không khó hiểu khi chưa có hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho lĩnh vực này. Hiện nay, các quy định liên quan đến phát triển bền vững hoặc phát triển sạch nằm rải rác ở nhiều luật, nghị định khác nhau, một số vấn đề về tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, hướng dẫn liên quan đến thu gom, vận chuyển và tái sử dụng còn bỏ ngỏ.

 

Để nâng cao nhận thức về kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp, cần xây dựng chiến lược truyền thông và đẩy mạnh tuyên truyền về mô hình này qua các phương tiện truyền thông, đưa vào chương trình đào tạo chính quy từ bậc phổ thông đến đại học, đưa vào các chương trình tập huấn, khuyến nông cho nông dân và lực lượng làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp, tổ  chức tham quan, học tập và nhân rộng các mô hình nông nghiệp tuần hoàn thành công trong và ngoài nước… 
Để thu hút doanh nghiệp, nông dân đầu tư vào nông nghiệp tuần hoàn, cần có các chính sách khuyến khích như hỗ trợ về vốn, công nghệ, thị trường; hướng dẫn doanh nghiệp, nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp theo từng chuỗi giá trị: sản xuất - phân phối - tiêu dùng - tái chế hoặc sản xuất - chế biến (tái chế) - phân phối - tiêu dùng (sản xuất)... 
Điều quan trọng nhất là phải nâng cao năng lực tái chế, khả năng tái sử dụng phụ, phế phẩm nông nghiệp thông qua các cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nghiên cứu, triển khai công nghệ tái chế cũng như nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật trong xử lý phế phẩm nông nghiệp, nhất là ở các địa phương có diện tích trồng trọt và chăn nuôi quy mô lớn. Khuyến cáo và hỗ trợ (mặt bằng, vốn, công nghệ) cho các chủ thể sản xuất nông nghiệp để họ chú trọng thu gom, phân loại phụ, phế phẩm nông nghiệp cũng như đầu tư cho công nghệ tái chế. Khuyến khích các doanh nghiệp, tập đoàn có tiềm lực lớn đầu tư khai thác, chế biến phụ phế phẩm nông nghiệp để tạo phân bón và giá thể hữu cơ; đẩy mạnh quy trình sản xuất tiên tiến, thân thiện môi trường; xây dựng và nhân rộng các mô hình sử dụng thức ăn chăn nuôi phối trộn, sử dụng chế phẩm sinh học thay thế kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Cuối cùng, để thúc đẩy nông nghiệp tuần hoàn phát triển, Nhà nước cần kiến tạo hành lang pháp lý minh bạch, ổn định để thu hút doanh nghiệp, các tổ chức ngành nghề và người dân tham gia; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi thông qua cơ chế, chính sách phát triển công nghệ sạch, công nghệ tái chế; có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư công nghệ tái chế một số phụ phẩm nông nghiệp có giá trị cao. 


TS. NGUYỄN THỊ MIỀN
Viện Kinh tế, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh

Thiết kế: Hữu Nhất

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm



Như điều không thể tránh khỏi trong câu chuyện phong trào, khi cơn khát đua nhau làm đã lên tới đỉnh, thì sóng thoái trào xuất hiện.



Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất