, //, :: GTM+7
Thứ Năm, 03/03/2022, 08:56

Phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

NA
Chủ động triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản vừa tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho các cụm liên kết chế biến tập trung, doanh nghiệp vừa và nhỏ”. 
Hội thảo tại điểm cầu Phòng họp Cục CB&PTTTNS - Số 10 Nguyễn Công Hoan, Ba Đình, Hà Nội.

Ngày 02/03/2022, Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (CB&PTTTNS) đã tổ chức Hội thảo trực tuyến “Xây dựng chính sách phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản cho các cụm liên kết chế biến tập trung, doanh nghiệp vừa và nhỏ”.  

Hội thảo diễn ra tại Hà Nội, với sự chủ trì của TS Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng PTTTNS và PGS. TS Phạm Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Nội dung của hội thảo tập trung vào các vấn đề xoay quanh chính sách phát triển lĩnh vực bảo quản, chế biến nông sản, giải pháp xây dựng các cụm liên hết, chế biến tập trung với đối tượng cụ thể là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tham gia Hội thảo trực tuyến còn có đại biểu ở các điểm cầu của các đơn vị Bộ NN&PTNT; các đơn vị Bộ Khoa học và Công nghệ; đại diện Sở NN&PTNT các tỉnh/thành phố, các Chi cục trực thuộc; các Hiệp hội (Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), Hiệp hội Rau quả Việt Nam, Hiệp hội Chè Việt Nam; Hiệp hội gia cầm Việt Nam; Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam); một số Quỹ Phát triển Đổi mới sáng tạo và các doanh nghiệp nông nghiệp có liên quan. Ngoài ra, Hội thảo cũng có sự tham gia của các trường đại học, viện nghiên cứu thuộc các trường đại học lĩnh vực khoa học, công nghệ và các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực.

Khâu quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp

Việt Nam có nhiều lợi thế về nguồn nông lâm thủy sản, không chỉ đa dạng, phong phú về chủng loại, cho sản lượng lớn (140 triệu tấn năm 2021) mà còn đảm bảo chất lượng, ngon, nhiều dinh dưỡng được khách hàng ưu thích và có khả năng tham gia vào nhiều thị trường. Đây là điều kiện tốt để đầu tư chế biến, bảo quản ở nhiều ngành nông sản với quy mô lớn, hiện đại. Có thể thấy nhu cầu phát triển ngành bảo quản, chế biến nông sản là vô cùng lớn và đa dạng.

Những năm qua, từ sự đầu tư cho môi trường nông nghiệp, nhiều chính sách cụ thể, tập trung và được sự quan tâm của xã hội, doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản đã có những bước tiến mạnh mẽ

Theo số liệu từ Báo cáo đề dẫn của TS Nguyễn Quốc Toản, hiện có đến 7.500 doanh nghiệp chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp có gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nhỏ lẻ, hộ gia đình. Ước tính mỗi năm có khả năng chế biến, sơ chế, bảo quản khoảng 120 triệu tấn nguyên liệu nông lâm thủy sản. Trong đó có trên 95% là cơ sở chế biến quy mô vừa và nhỏ. 

Không chỉ vậy, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến còn đánh dấu ở trình độ công nghệ, hình thức tổ chức sản xuất, theo hướng nền nông nghiệp hàng hóa lớn. Bước tiến này đã dần tạo được chuỗi giá trị và góp phần phát triển kinh tế nông thôn, xóa đói, giảm nghèo, tạo việc làm cho 1,6 triệu lao động, hình thành các thị trấn, thị tứ, xây dựng thành công nông thôn mới.

Có thể nói, vị trí của ngành công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản ngày càng được khẳng định khi trở thành khâu quan trọng trong chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp (sản xuất – chế biến – tiêu thụ). Đây cũng là động lực cho cả chuỗi giá trị được vận hành và là khâu chủ yếu để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản Việt Nam. 

Mục tiêu phát triển ngành đến năm 2030 được nêu trong các Nghị quyết, Quyết định của Chính Phủ.

Tuy vậy, ngành công nghiệp chế biến hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề cần được tháo gỡ. Chẳng hạn như hiện trạng logistics và khả năng vận chuyển, khả năng liên kết các điểm, cụm, khu vực vận chuyển. Hoặc như việc bảo quản sau quy hoạch, dù chiếm tỷ lệ lớn so với sản phẩm thô, nhưng tập trung chủ yếu ở quy mô hộ gia đình, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cơ sở logistics còn yếu và chưa tiếp cận được các nguồn lực, cũng như hạn chế trong điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị chung.

Định hướng liên kết các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Tại Hội thảo lần này, một số vấn đề chủ yếu đã được đưa ra thảo luận: Nên tập trung vào các ngành hàng nào? Ưu tiên phát triển lĩnh vực đột phá gì? Xu thế phát triển?…

Về những khó khăn và hạn chế, Hội thảo tập trung vào các vấn đề như tổ chức sản xuất nguyên liệu, liên kết, cải tiến khoa học công nghệ, vốn, thị trường, điều kiện liên kết cụm, liên kết vùng… Những vấn đề cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ như chính sách nguyên liệu, tín dụng, liên kết, công nghệ, đào tạo… cũng được nêu ra tại Hội thảo.

Định hướng mục tiêu cụ thể của ngành bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản như sau: Đến năm 2030 có 80.000 đến 100.000 doanh nghiệp có hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả, trong đó khoảng 3.000 đến 4.000 doanh nghiệp có quy mô lớn và 6.000 đến 8.000 doanh nghiệp quy mô vừa. Với mục tiêu như vậy, rõ ràng là rất thách thức trong thực trạng hiện tại, nếu không có biện pháp và lộ trình tập trung thì khó mà khai thác tốt các lợi thế về sản lượng, vùng nguyên liệu và khả năng xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp vốn có của Việt Nam.

Hội thảo thống nhất khâu bảo quản, chế biến là quan trọng trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, đồng thời đề xuất được nhiều hướng giải pháp về lực lượng, công cụ, thể chế, tổ chức liên kết, phối hợp. Kinh tế tuần hoàn trong chế biến cũng là vấn đề được Hội thảo xem là điều kiện để đẩy mạnh giá trị gia tăng cho ngành, đặc biệt đối với các sản phẩm phụ. 

Ngoài ra, những vấn đến về khu vực doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng nhận được các ý kiến xác thực, về việc liên kết, tổ chức thành các cụm, các tổ hợp và việc xây dựng thương hiệu, sản phẩm làm sao để có thể đứng vững. Bên cạnh đó là khả năng tiếp cận nguồn lực của các doanh nghiệp này.

Về công nghệ, nhiều đánh giá và đề xuất trong việc đưa công nghệ đơn giản, rẻ vào các doanh nghiệp vừa và nhỏ thông qua các hoạt động liên kết, thương mại, giới thiệu, trình diễn công nghệ.

Phân tích ưu điểm của doanh nghiệp vừa và nhỏ trong lĩnh vực bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản.

Tổng kết Hội nghị, TS Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh việc chia sẻ, đặc biệt là chia sẻ về vốn, nguồn lực, tài nguyên… trong ngành bảo quản, chế biến nông lâm thủy sản đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là nội dung mà Cục CB&PTTTNS sẽ tham mưu với các cơ quan chức năng. 

“Chúng tôi sẽ đưa các các chính sách tổng thể hơn, ưu tiên hơn cho lĩnh vực chế biến. Sau Hội thảo này, chúng tôi sẽ tiếp tục có các chuyên đề chuyên sâu hơn. Chẳng hạn như về kho lạnh, logistics, trí tuệ nhân tạo trong các ngành hàng, các công nghệ nền”… - ông Nguyễn Quốc Toản nói.

Ông cũng cho biết những ý kiến và tham luận mà Cục CB&PTTTNS tiếp nhận được sẽ là nền tảng cho công tác tham mưu sắp tới nhằm hướng đến hoàn thiện hơn chính sách, cơ chế và có những quyết sách cho ngành bảo quản, chế biến, xây dựng nền nông nghiệp bền vững, nông dân làm chủ trong thời gian tới.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất