, //, :: GTM+7
Thứ Tư, 22/06/2022, 06:00

Phát triển lúa hữu cơ Mục tiêu mới của Quảng Trị

Trồng lúa theo hướng hữu cơ sẽ góp phần giải quyết tận gốc rễ vấn đề ô nhiễm môi trường tại nông thôn Quảng Trị.
 

Đến thời điểm hiện tại, Quảng Trị chỉ có khoảng 200 hecta lúa trồng theo hướng hữu cơ trên tổng diện tích gần 28.000 hécta lúa trong toàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh Quảng Trị là đến năm 2030 sẽ nâng diện tích lúa hữu cơ lên trên 3.000 hecta, diện tích lúa VietGAP trên 7.000 hecta.

 
 

Ông Lê Văn Hảo, Giám đốc HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Lâm Cao (huyện Vĩnh Linh tỉnh Quảng Trị), cho biết vụ Đông Xuân 2021 - 2022, đơn vị đã trồng thử nghiệm giống lúa ST25 theo hướng hữu cơ trên diện tích 0,6 hecta. Gieo cấy từ tháng 01/2022, đến nay, lúa sinh trưởng khá tốt, lá xanh đều, ít dịch bệnh. Việc sử dụng phân bón hữu cơ sinh học giá thành rẻ cho hiệu quả khá tốt (một tạ phân chỉ có 300.000 đồng trong khi phân hóa học bón lót 10kg có giá đến 180.000 đồng, 10kg đạm giá 200.000 đồng, 10kg kali giá 180.000 đồng). Ông Hảo nói: “Lúc mới cấy người dân đi ngang bảo lúa chi mà lưa thưa rứa, lấy chi mà ăn. Nhưng đến nay thì lúa đã mọc dày bít đồng”. 

Khảo sát mô hình này, TS Nguyễn Đăng Nghĩa, chuyên gia nông nghiệp, đánh giá cây lúa đang sinh trưởng tốt, đều, ít thiên địch, có thể hi vọng một mùa bội thu. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý làm mô hình nhỏ dễ cho kết quả tốt hơn so với mô hình nhân rộng. Ngoài ra, phải tính đến việc thuyết phục nông dân thay đổi thói quen canh tác bằng cách nào. “Chúng ta chỉ có thể thuyết phục bằng thực tế, nghĩa là phải trồng đối chứng và mô hình phải thành công. Nói suông thì không ai nghe”, TS Nghĩa nhận xét. Theo ông, Quảng Trị đang làm tốt việc thuyết phục nông dân thông qua thành công bước đầu của các mô hình. “Những mục tiêu mà Quảng Trị đặt ra để thuyết phục người dân phát triển diện tích lúa theo hướng hữu cơ là rất cụ thể, khả thi”, ông nói.

Để tăng diện tích lúa hữu cơ hiện nay lên 1.000 hecta vào năm 2025, tỉnh giao cho Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon) làm đầu mối thực hiện. 

 
 

Theo ông Hồ Xuân Hiếu - Chủ tịch HĐQT Sepon - đây là một bài toán khó, đòi hỏi sự chung sức của các doanh nghiệp làm nông nghiệp trên địa bàn. Ông cho biết: “Phải giải quyết rất nhiều khâu từ giống, kỹ thuật đến phương thức canh tác mới có thể đạt được chứng chỉ hữu cơ, nhất là đạt chuẩn hữu cơ để xuất khẩu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi được chính quyền các cấp, các nhà khoa học, các doanh nghiệp đối tác như công ty Mismart - chuyên cung cấp các giải pháp phun đạm qua lá, phun tưới thuốc bảo vệ thực vật sinh học dạng lỏng bằng drone (thiết bị bay không người lái), tổ chức Peterson Services Viet Nam, Bayer Việt Nam… hỗ trợ rất nhiều trong phương thức canh tác cũng như xây dựng thương hiệu Gạo hữu cơ Sepon Quảng Trị với quy trình kỹ thuật canh tác hiện đại theo tiêu chuẩn Quốc tế USDA (Mỹ) và EU (châu Âu)…”.

Hiện nay, Sepon đang hợp tác với người dân trồng lúa hữu cơ ở Vĩnh Linh, Gio Linh, Hải Lăng, Cam Lộ, Triệu Phong và thành phố Đông Hà. Sepon sản xuất, cung cấp cho nông dân từ phân bón compost, chế phẩm sinh học, phân bón lót, bón thúc và các loại phân bón qua lá, các loại thảo dược (làm từ gừng, ớt, tỏi, thuốc từ lá…) để phòng trừ sâu bệnh cho đến các dịch vụ hậu cần nông nghiệp khác. Nhờ sự hỗ trợ của Sepon, việc canh tác lúa theo hướng hữu cơ của nông dân khá thuận lợi như tưới nước bằng công nghệ tưới tiêu thông minh và phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái giúp đạt độ bao phủ tốt, tiết kiệm thời gian. Khi lúa chín, Sepon tổ chức thu hoạch và mua lúa tươi ngay tại ruộng cho nông dân với giá 11.000/kg.

 
 

Nói về đầu ra cho lúa hữu cơ, ông Hồ Xuân Hiếu khẳng định với thị trường nội địa 100 triệu dân, trong đó, cư dân ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… có nhu cầu tiêu thụ gạo sạch rất cao nên không lo không bán được. Ngoài ra, nếu đáp ứng được các yêu cầu về chất lượng và nguồn gốc xuất xứ, thương hiệu Gạo hữu cơ Sepon Quảng Trị còn có cơ hội xâm nhập vào các thị trường lớn tại châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc… 

Theo ông Hiếu, Sepon hiện có đủ điều kiện để phát triển diện tích trồng lúa hữu cơ trên quy mô lớn với quy trình sản xuất chuẩn từ gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản sau thu hoạch; đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu đi châu Âu. Thông qua các HTX và việc hợp tác với người dân trồng lúa trên chính đất của họ, Sepon đã bước đầu hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa đạt tiêu chuẩn hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP. Sepon cũng đang từng bước thành lập khu tổ hợp sản xuất lúa hữu cơ, sản xuất phân hữu cơ compost, chế phẩm sinh học và dịch vụ nông nghiệp.

Thời gian tới, Sepon cũng sẽ thành lập Trung tâm nghiên cứu tiến đến xây dựng Viện nghiên cứu giống lúa và ứng dụng công nghệ sinh học cho cây lúa; đưa nhà máy sấy lúa công suất 200 tấn/ngày và kho chứa lúa công suất 2.000 tấn vào hoạt động; thành lập sàn giao dịch lúa, gạo Quảng Trị; hợp đồng với tổ chức Quốc tế VIRI triển khai Dự án xúc tiến cung - cầu cho các sản phẩm chế biến nông sản đạt chứng nhận sinh thái - công bằng tại Việt Nam và ký hợp đồng bán hàng trên trang thương mại điện tử Alibaba.com...  để mở rộng thị trường tiêu thụ gạo hữu cơ và các sản phẩm liên quan.

Mô hình thử nghiệm trồng lúa theo hướng hữu cơ của HTX Lâm Cao tại Vĩnh Linh.

“Nếu Quảng Trị thành công trong việc chuyển phần lớn diện tích trồng lúa hiện nay sang hướng hữu cơ, canh tác thân thiện với môi trường, sẽ góp phần tích cực trong việc giải quyết tận gốc rễ nạn ô nhiễm môi trường sống tại nông thôn. Ngoài ra, cũng sẽ mở ra hướng đi mới cho việc cung cấp các dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học an toàn để phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp bền vững”, anh Phạm Thanh Thọ, chuyên gia nông nghiệp hiện đang tư vấn cho Sepon trong việc phát triển các dịch vụ hậu cần cho sản xuất lúa an toàn theo hướng hữu cơ, nhận định.

Mới đây, trong chuyến kiểm tra tình hình phát triển lúa hữu cơ trên địa bàn tỉnh, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị, đánh giá mô hình này đáp ứng được nhu cầu của người sản xuất, người tiêu dùng và mở ra hướng canh tác bền vững cho địa phương. Để triển khai nhanh và hiệu quả hơn nữa việc phát triển diện tích lúa hữu cơ tại tỉnh nhà, Quảng Trị đang gấp rút xây dựng các vùng chuyên canh, quy hoạch sản xuất lúa hữu cơ để tạo các vùng nguyên liệu phát triển bền vững; xây dựng thương hiệu tập thể Gạo hữu cơ Quảng Trị để nâng cao giá trị thương mại cho sản phẩm song song với việc tăng cường hỗ trợ các địa phương đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng (thủy lợi, giao thông nội đồng, ngăn cách các nguồn gây ô nhiễm…); hỗ trợ kinh phí cho HTX và hộ gia đình tham gia mô hình lúa hữu cơ, lúa VietGap…

TUẤN ANH

 
Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật

Ngày 26/4, Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM chạy thử nghiệm toàn tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tham gia buổi chạy thử nghiệm có lãnh đạo Thành phố và Tổng lãnh sự các nước tại TP.HCM, đặc biệt là cựu chiến binh Điện Biên Phủ. Đây là hoạt động ý nghĩa mừng các ngày lễ lớn thống nhất đất nước (30/4), ngày quốc tế lao động (1/5) và chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5).
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất