, //, :: GTM+7
Thứ Hai, 27/09/2021, 08:13

Phát triển một nền nông nghiệp sinh thái bền vững

PGS.TS ĐÀO THẾ ANH (VIỆN SĨ NƯỚC NGOÀI CỦA VIỆN HÀN LÂM NÔNG NGHIỆP PHÁP)
Thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu, nhưng cũng đang đứng trước một số thách thức trong quá trình phát triển nông nghiệp hiện tại. Năng suất và lợi nhuận nông nghiệp đang ngày càng dễ bị tổn thương trước biến đổi khí hậu (BĐKH).

 

Thế giới đang có xu hướng thông qua NNST như là phương tiện để thực hiện chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ.

Phát triển nông nghiệp thâm canh ở nước ta đã gây tổn hại môi trường như tàn phá rừng, làm suy giảm đa dạng sinh học, thoái hóa đất đai, ô nhiễm nguồn nước và phát thải nhiều khí nhà kính. Riêng nông nghiệp, nước ta cũng đóng góp 43% khí nhà kính phát thải, chủ yếu từ lúa nước, góp phần làm trầm trọng hơn BĐKH.

Quản lý bền vững độ phì của đất và sức khỏe của đất để duy trì năng suất hiện là một thách thức không nhỏ. Ở nhiều địa phương, tăng trưởng nông nghiệp còn dựa vào gia tăng diện tích đất nông nghiệp, thâm dụng tài nguyên thiên nhiên, lạm dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu độc hại, khiến chi phí đầu vào của sản xuất ngày càng cao và làm gia tăng chi phí bảo vệ môi trường, tăng rủi ro sức khỏe cho nông dân và người tiêu dùng.

Nông nghiệp sinh thái - giải pháp ứng phó với BĐKH

Về giải pháp thích ứng của nông nghiệp với BĐKH, FAO khuyến cáo cần tăng cường tính chống chịu của nông nghiệp với các rủi ro BĐKH thông qua áp dụng các giải pháp Nông nghiệp thông minh với BĐKH (CSA). Về chính sách, Bộ NN&PTNT đã ban hành “Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2050”.

Nội dung CSA được coi là giải pháp cho thích ứng với BĐKH, nên việc áp dụng và nhân rộng CSAs nhằm xây dựng một nền nông nghiệp thích ứng tốt với BĐKH ngày càng được các nhà khoa học và các cơ quan quản lý nhà nước quan tâm, cũng như ngày càng có nhiều hỗ trợ quốc tế cho lĩnh vực này.

Về giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, hiện nay, Việt Nam đã có Báo cáo Đóng góp dự kiến do Quốc gia tự xác định (NDC), nhằm đạt được các mục tiêu mà Việt Nam đã cam kết để thu hút nguồn lực và sự quan tâm của quốc tế cho triển khai thực hiện NDCs theo Thỏa thuận Paris. Các giải pháp CSA đang được xem xét là giải pháp tổng hợp tiềm năng của ngành nông nghiệp, do tính thông minh với khí hậu, đồng thời có yếu tố đồng lợi ích, đảm bảo thích ứng và giảm nhẹ BĐKH.

Theo FAO, CSA phải hướng tới đồng thời 3 mục tiêu: tăng năng suất, nâng cao tính chống chịu và giảm phát thải. Tuy nhiên, trên thực tế rất khó để đạt được đồng thời cả 3 mục tiêu trên. Trong quá trình triển khai CSA trên thực tế, thường phải cân nhắc ưu tiên một trong các mục tiêu. CSA phải được lựa chọn phù hợp với từng đối tượng (người sản xuất, loại hình nông sản, loại hình thời tiết, khí hậu, hệ thống nông nghiệp, v.v…), điều kiện (tự nhiên, kinh tế, xã hội) của từng vùng miền, địa phương, cộng đồng. Tại các khu vực kinh tế khó khăn, với các nhóm cộng đồng yếu thế thì trụ cột về năng suất, an ninh lương thực, an ninh dinh dưỡng phải được ưu tiên hơn, trong khi với các doanh nghiệp/vùng miền phát triển có khả năng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thì mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính cần được đặt ngang hàng với các trụ cột khác.

Các giải pháp kỹ thuật được lựa chọn của CSA ở Việt Nam có thể đạt được cả 3 mục tiêu để phổ biến, chủ yếu được áp dụng theo nguyên lý sinh thái nông nghiệp. CSA cho phép duy trì dịch vụ hệ sinh thái. Hệ sinh thái cung cấp cho con người các dịch vụ cần thiết bao gồm các nguyên vật liệu, thực phẩm, thức ăn và không khí sạch. CSA cũng áp dụng cách tiếp cận cảnh quan dựa trên các nguyên tắc của nông nghiệp bền vững nhưng không dừng lại ở các cách tiếp cận theo các ngành hẹp mà là quản lý và quy hoạch tích hợp, đa ngành liên khu vực.

Như vậy, nền nông nghiệp trong thời gian tới cần được đầu tư theo hướng nông nghiệp sinh thái (NNST) để tăng tính chống chịu với các rủi ro khí hậu và phi khí hậu nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Nông nghiệp phát triển dựa trên các tiến bộ khoa học công nghệ mang tính sinh thái cho phép đa dạng hóa sản phẩm, vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa bảo vệ được các tài nguyên tự nhiên như đất, nước, rừng, đa dạng sinh học, giúp thích ứng và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.

Thế giới đang có xu hướng thông qua NNST như là phương tiện để thực hiện chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và kinh tế chia sẻ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững. Các mô hình sản xuất NNST (canh tác hữu cơ, nông nghiệp bảo tồn, nông nghiệp tái sinh, nông lâm kết hợp, nông nghiệp cảnh quan, thâm canh lúa bền vững, hệ thống tổng hợp chăn nuôi và trồng trọt...) là những giải pháp chính để thâm canh nông nghiệp dài hạn, hạn chế chuyển đổi rừng sang đất trồng trọt, hạn chế sử dụng vật tư hóa học (phân bón, thuốc trừ sâu), giảm thiểu khí thải nhà kính từ nông nghiệp và góp phần tăng lưu trữ carbon.

Nhằm ứng phó kịp thời với BĐKH và hiểm họa thiên tai, rất cần sự tổ chức của Nhà nước đảm bảo sao cho những dự báo về ảnh hưởng của BĐKH được lồng ghép đầy đủ vào quá trình hoạch định chính sách. Trong đó, cần dành ưu tiên cho các giải pháp đầu tư xanh và thông minh trong cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, phát huy tối đa thế mạnh của hệ sinh thái đặc thù và được thông tin kịp thời đến các chủ thể sản xuất.

Và những giải pháp căn cơ hỗ trợ

Thực tế, các phương thức NNST không hoàn toàn mới, đã có những mô hình trong sản xuất nhưng chủ yếu ở quy mô nhỏ như 1P-5G, IPM, SRI, SRP đối với lúa, nông lâm kết hợp, hữu cơ, nông nghiệp bảo tồn, VAC… do vậy tác động lan tỏa còn hạn chế. Bộ NN&PTNT gần đây cũng đã có chủ trương khuyến cáo giảm sử dụng hóa chất ở đầu vào như thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân hóa học để cải thiện sức khoẻ đất. Tuy nhiên, để thích ứng tốt và tăng cường tính chống chịu với BĐKH, cần một chiến lược và hệ thống chính sách hỗ trợ đồng bộ từ chuyển giao khoa học công nghệ, tổ chức sản xuất, tài chính, tiếp cận thị trường để các địa phương có thể chuyển đổi từ nông nghiệp thâm canh sang NNST. Hiện nay trên thế giới định nghĩa quá trình chuyển đổi này là chuyển đổi Hệ thống thực phẩm bền vững. Năm 2021, UN sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh về Hệ thống thực phẩm bền vững và Việt Nam là một trong 40 nước đăng ký tham gia với các sáng kiến của mình. Quá trình chuyển đổi này sẽ góp phần đa dạng hóa cây trồng, nâng cao năng lực của nông dân trong việc đảm bảo an ninh lương thực, dinh dưỡng, cung ứng sản phẩm an toàn thực phẩm gắn với nhu cầu đa dạng của các nhóm tiêu dùng và tăng cường đa dạng sinh học nông nghiệp, cải thiện khả năng phục hồi của hệ thống sản xuất trước BĐKH, góp phần giúp Việt Nam thực hiện các cam kết quốc tế về thích ứng và giảm thiểu BĐKH, hướng tới phát triển bền vững.

NNST hiện đại đã được định hướng trong văn bản của Đại hội Đảng 13. Tuy nhiên, Nhà nước cần đầu tư sâu hơn vào nghiên cứu chuyển giao tiến bộ kỹ thuật để thay đổi tư duy về NNST gắn liền với kinh tế nông nghiệp. Một số hướng nghiên cứu mới theo hướng sinh thái cần được thúc đẩy để chuyển giao cho sản xuất như: chọn giống chống chịu với các điều kiện khó khăn hạn, mặn, ngập lụt; kỹ thuật canh tác tiết kiệm nước, các giải pháp sinh thái phòng trừ các dịch bệnh mới; các công nghệ vi sinh vật làm phân hữu cơ và xử lý chất thải trong môi trường nông thôn; công nghệ chính xác và công nghệ số phục vụ sản xuất nông nghiệp sinh thái; quản trị chất lượng trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp sinh thái; cơ chế phân chia lợi ích và rủi ro trong liên kết đảm bảo sự tham gia hưởng lợi của hộ nông dân trong chuỗi giá trị; khuyến nông số; truy xuất nguồn gốc số… Các địa phương cần xây dựng các chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ quá trình chuyển đổi sang NNST, cũng như tổ chức thị trường cho các sản phẩm nông sản sinh thái.

Tags

Bình luận

Xem nhiều





Nổi bật
Được quan tâm






Đăng ký nhận tin nóng
Giúp bạn cập nhật các thông tin mới nhất